Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Kìa, xem người nầy!”

“Kìa, xem người nầy!”

Chương 123

“Kìa, xem người nầy!”

PHI-LÁT thán phục phong cách của Giê-su và thấy rõ ngài vô tội nên ông tính cách khác để thả ngài. Ông nói: “Các ngươi có lệ thường, hễ đến ngày lễ Vượt-qua, thì ta tha cho các ngươi một tên tù”.

Vì biết trong tù có một kẻ giết người nổi danh là Ba-ra-ba, nên Phi-lát hỏi: “Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ?”

Vì bị các thầy tế lễ cả xúi giục và xách động, nên dân chúng đòi thả Ba-ra-ba và xử tử Giê-su. Nhưng Phi-lát vẫn chưa bỏ cuộc, ông lại hỏi nữa: “Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai?”

Dân chúng hô lên: “Ba-ra-ba”.

Phi-lát buồn lòng hỏi: “Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử như thế nào?”

Dân chúng đồng thanh la lớn: “Đóng nó trên cây thập-tự!” “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập-tự, hãy đóng đinh hắn trên cây thập-tự!”

Biết dân chúng đang đòi giết một người vô tội, Phi-lát nói: “Vậy người này đã làm điều ác gì? Ta chẳng tìm thấy người có sự gì đáng chết. Vậy, đánh đòn xong, ta sẽ tha”.

Mặc dù Phi-lát cố tha Giê-su, nhưng đám đông giận dữ đó bị các nhà lãnh đạo tôn giáo xúi giục nên họ tiếp tục la ó: “Đóng đinh nó trên cây thập-tự!” Bị các thầy tế lễ cả kích động nên dân chúng trở nên điên cuồng và họ đâm ra khát máu. Thử nghĩ xem, chỉ mới năm hôm trước, có lẽ một số người trong chính đám đông này đã hoan hô Giê-su lúc ngài vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách một vị Vua! Trong lúc mọi chuyện diễn ra, các môn đồ của Giê-su nếu hiện diện cũng im lặng và không dám ra mặt.

Nhận thấy cố gắng của mình cũng không làm gì được, mà đám đông lại càng la ó thêm lên nữa, Phi-lát bèn lấy nước rửa tay trước mặt dân rồi nói: “Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi”. Hết thảy đoàn dân đều đáp: “Xin huyết người đổ trên chúng tôi và con-cái chúng tôi!”

Kết cuộc, vì muốn làm vừa lòng dân chúng hơn là muốn làm điều phải, Phi-lát đành nhượng bộ, làm theo ý dân và thả Ba-ra-ba. Ông ra lệnh lột áo Giê-su và đánh đòn ngài. Đây không phải là vụ đánh bằng roi thường. The Journal of the American Medical Association (Tạp chí y khoa Hoa Kỳ) miêu tả kiểu La Mã đánh đòn như sau:

“Dụng cụ thường dùng là một cái roi ngắn có gắn nhiều dây da dài ngắn khác nhau, từng sợi hoặc kết bím, trên đó gắn những cục sắt nhỏ hoặc những mảnh xương cừu sắc bén cách nhau một khoảng... Khi lính La Mã quất hết sức và liên tục trên lưng nạn nhân, những cục kim loại thì làm bầm sâu, còn các sợi dây da và những mảnh xương cừu thì làm rách da thịt. Và nếu tiếp tục đánh thì vết thương sẽ nứt sâu đến tận những bắp thịt nằm tiếp cận xương làm lộ ra những mảnh thịt còn giật giật và đẫm máu”.

Sau trận đánh đập tàn nhẫn đó, Giê-su bị đưa vào dinh và tất cả binh lính tập họp lại nơi này. Bọn lính tiếp tục hành hạ Giê-su. Chúng kết một vòng gai và ấn mạnh lên đầu ngài, dúi vào tay ngài một cây sậy và khoác lên người ngài một cái áo đỏ tía, giống màu vua chúa hay mặc. Và chúng nhạo báng ngài: “Lạy Vua của dân Giu-đa!” Chúng còn nhổ vào ngài, tát vào mặt ngài, giật cây sậy cứng trong tay ngài và đập lên đầu ngài khiến cái “mão” gai nhọn đâm sâu thêm vào đầu ngài.

Giê-su vẫn giữ phong cách trang nghiêm và can đảm phi thường trước sự đối xử tàn nhẫn này khiến Phi-lát vô cùng cảm phục và muốn thử cứu Giê-su một lần nữa. Phi-lát nói với dân chúng: “Đây này, ta dẫn người ra ngoài, để các ngươi biết rằng ta không tìm thấy người có tội-lỗi chi”. Có thể Phi-lát nghĩ rằng khi trông thấy hình ảnh thảm thương của Giê-su, dân chúng sẽ mủi lòng. Trong khi Giê-su bình tĩnh đứng trước đám đông cứng lòng cứng dạ, đầu đội vòng gai nhọn, mình khoác áo đỏ tía, mặt chảy máu trông thật đau đớn, Phi-lát nói cùng dân chúng: “Kìa, xem người nầy!”

Tuy bị đánh đập và người đầy những vết bầm tím, người đứng đó chính là nhân vật phi thường nhất của lịch sử. Thật là người vĩ đại nhất đã từng sống! Đúng vậy, Giê-su bày tỏ phong cách trầm lặng và bình tĩnh. Điều này nói lên sự vĩ đại mà chính Phi-lát phải nhìn nhận, vì những lời ông nói rõ ràng có đầy sự thán phục lẫn xót xa. (Giăng 18:39 đến 19:5; Ma-thi-ơ 27:15-17, 20-30; Mác 15:6-19; Lu-ca 23:18-25).

▪ Phi-lát cố thử những cách nào để thả Giê-su?

▪ Phi-lát cố tránh trách nhiệm như thế nào?

▪ Việc đánh đập diễn ra như thế nào?

▪ Giê-su bị nhạo báng thế nào sau khi bị đánh đập?

▪ Phi-lát còn cố gắng làm gì nữa để thả Giê-su?