Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kẻ kiêu ngạo và người khiêm tốn

Kẻ kiêu ngạo và người khiêm tốn

Chương 39

Kẻ kiêu ngạo và người khiêm tốn

SAU khi nói về những đức tính của Giăng Báp-tít, Giê-su chú ý đến những kẻ kiêu ngạo và bất nhất ở quanh đấy. Ngài nói: “Dòng-dõi nầy giống như con trẻ ngồi giữa chợ, kêu-la cùng bạn mình, mà rằng: Ta đã thổi sáo, mà bay không nhảy múa; ta đã than-vãn, mà bay không khóc”.

Giê-su muốn nói gì? Ngài giải thích: “Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám. Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống, bạn-bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết”.

Thật không thể nào chiều lòng mọi người được. Chẳng có gì làm cho họ được vừa lòng. Giăng sống một đời sống khắc khổ tự quên mình như người Na-xi-rê, giữ theo lời của thiên sứ nói: “Người sẽ... không uống rượu hay là giống gì làm cho say”. Thế mà dân chúng lại nói ông bị quỉ ám. Ngược lại, Giê-su sống bình thường như mọi người, không khổ hạnh, thì bị chê là ăn uống quá độ.

Quả là khó làm vừa lòng mọi người! Người ta giống như bầy trẻ, có đứa không chịu nhảy múa khi nghe bạn mình thổi sáo, cũng không chịu u sầu khi nghe bạn mình khóc than. Dầu vậy Giê-su nói: “Sự khôn-ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy”. Quả thực, việc làm là bằng chứng cho thấy rõ những lời người ta buộc tội Giăng và Giê-su đều là sai.

Giê-su nói tiếp, quở trách ba thành Cô-ra-xin, Bết-sai-đa và Ca-bê-na-um, là những nơi mà ngài đã làm đa số những phép lạ. Ngài nói nếu như ngài làm những phép lạ ấy tại Ty-rơ và Si-đôn trong xứ Phê-ni-xi thì có lẽ hai thành đó đã hối cải từ lâu bằng cách mặc áo gai và đội tro. Kết tội thành Ca-bê-na-um là nơi ngài dường như chọn làm căn cứ trú ngụ trong quãng đời làm thánh chức, Giê-su tuyên bố: “Đến ngày phán-xét, xứ Sô-đôm sẽ chịu đoán-phạt nhẹ hơn mầy”.

Đoạn, ngài ngợi khen Cha trên trời của ngài trước công chúng. Ngài thấy cần phải ngợi khen Cha vì Đức Chúa Trời đã che giấu những lẽ thật quí báu trước những người thông thái và trí thức, nhưng lại thổ lộ những điều kỳ diệu đó cho những người khiêm tốn tựa như con trẻ vậy.

Sau cùng, Giê-su ngỏ một lời mời thật hấp dẫn: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”.

Giê-su cho người ta được nghỉ ngơi như thế nào? Ngài giải thoát mọi người khỏi truyền thống do các nhà lãnh đạo tôn giáo đè nặng lên họ, chẳng hạn những luật lệ gò bó về việc giữ ngày Sa-bát. Ngài còn chỉ cho thấy phương cách có được sự nhẹ nhõm cho những ai cảm thấy khổ sở vì bị chính quyền hà hiếp và cho những ai cảm thấy gánh nặng của tội lỗi do lương tâm ray rứt. Ngài cho những người thống khổ ấy biết làm sao họ có thể hết tội và làm sao họ có được mối liên lạc quí giá với Đức Chúa Trời.

Cái ách dễ chịu mà Giê-su mời chính là sự dâng hiến trọn vẹn cho Đức Chúa Trời, phụng sự Ngài là Cha trên trời đầy lòng thương xót. Còn cái gánh nhẹ nhàng mà Giê-su dành cho ai đến cùng ngài là trọn đời vâng theo những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi, tức những điều răn của Ngài ghi trong Kinh-thánh. Và vâng theo những điều răn đó thì quả là chẳng nặng nề gì hết. (Ma-thi-ơ 11:16-30; Lu-ca 1:15; 7:31-35; I Giăng 5:3).

▪ Những người kiêu ngạo và bất nhất trong thời Giê-su giống trẻ con như thế nào?

▪ Tại sao Giê-su thấy cần phải ngợi khen Cha trên trời của ngài?

▪ Những gì làm người ta bị nặng gánh, và Giê-su cho họ sự nhẹ nhõm nào?