Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một dân tộc bị kết án, nhưng không phải mọi người

Một dân tộc bị kết án, nhưng không phải mọi người

Chương 79

Một dân tộc bị kết án, nhưng không phải mọi người

SAU khi Giê-su nói chuyện cùng đám đông tụ họp trước nhà người Pha-ri-si, thì có mấy người kể cho ngài nghe “về việc [quan tổng đốc của La Mã là Bôn-xơ] Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn của-lễ họ”. Có lẽ những người Ga-li-lê đó đã bị giết vào lúc hàng ngàn dân Do Thái phản đối việc Phi-lát dùng tiền trong kho báu của đền thờ để xây cất hệ thống dẫn nước vào Giê-ru-sa-lem. Những người thuật lại chuyện này cho Giê-su có lẽ muốn ám chỉ rằng người Ga-li-lê bị tai họa vì họ làm ác.

Giê-su bèn sửa họ bằng cách đặt câu hỏi: “Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn-nạn dường ấy, có tội-lỗi trọng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?” Ngài trả lời: “Không phải”. Rồi ngài dùng sự kiện đó để cảnh cáo dân Do Thái: “Song nếu các ngươi chẳng ăn-năn, thì hết thảy sẽ bị hư-mất như vậy”.

Đoạn, ngài nhắc lại một tai họa khác đã xảy ra tại địa phương, có lẽ cũng liên quan đến việc xây cất hệ thống dẫn nước: “Hay là mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội-lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao?” Không, những người đó chết chẳng phải tại vì làm ác. Đúng ra, Giê-su nói là vì “thời-thế và cơ-hội xảy đến cho mọi người”. Rồi Giê-su lại một lần nữa nhân dịp này cảnh cáo tất cả: “Nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư-mất như vậy”.

Đoạn, Giê-su tiếp tục cho thêm một chuyện ví dụ phù hợp với trường hợp này. Ngài nói: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình, đến hái trái mà không thấy; bèn nói cùng kẻ trồng nho rằng: Kìa đã ba năm nay ta đến hái trái nơi cây vả nầy mà không thấy: hãy đốn nó đi; cớ sao nó choán đất vô-ích? Kẻ trồng nho rằng: Thưa chúa, xin để lại năm nầy nữa, tôi sẽ đào đất xung-quanh nó rồi đổ phân vào. Có lẽ về sau nó sẽ ra trái; bằng không, chúa sẽ đốn”.

Suốt hơn ba năm trời, Giê-su đã cố gắng vun trồng đức tin giữa dân Do Thái. Thế nhưng công việc khó nhọc của ngài chỉ đem lại cho ngài vài trăm môn đồ mà thôi. Nên giờ đây, trong năm thứ tư thi hành thánh chức, ngài gia tăng nỗ lực bằng cách sốt sắng rao truyền và giảng dạy tại vùng Giu-đê và miền Phê-rê. Việc này được coi như là ngài đào đất và đổ phân bón xung quanh cây vả Do Thái. Nhưng đó chỉ luống công! Cả nước đã từ chối không chịu ăn năn và vì vậy họ sẽ bị hủy diệt. Chỉ có một số ít dân Do Thái hưởng ứng mà thôi.

Ít lâu sau, Giê-su giảng dạy trong nhà hội vào ngày Sa-bát. Tại đấy có một người đàn bà bị quỉ ám làm cong lưng trong 18 năm qua. Giê-su động lòng thương và nói với bà: “Hỡi đờn-bà kia, ngươi đã được cứu khỏi bịnh”. Và ngài đặt tay trên mình bà, tức thì bà đứng thẳng lên được và ngợi khen Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, người cai nhà hội tức giận lắm và lên tiếng phản đối: “Có sáu ngày phải làm việc, vậy hãy đến những ngày ấy để được chữa cho, đừng đến trong ngày Sa-bát”. Lời nói này cho thấy người cai nhà hội nhìn nhận Giê-su có quyền phép chữa bệnh, nhưng lên án dân chúng đã đến để được chữa bệnh trong ngày Sa-bát!

Giê-su đáp: “Hỡi kẻ giả hình, mỗi người trong các ngươi, đang ngày Sa-bát, há không mở bò hoặc lừa mình ra khỏi máng cỏ, dắt đi uống nước hay sao? Con gái của Áp-ra-ham này, quỉ Sa-tan đã cầm-buộc mười tám năm, há chẳng nên mở trói cho nó trong ngày Sa-bát sao?”

Nghe ngài nói như vậy, các kẻ chống đối ngài đều hổ thẹn, còn dân chúng thì mừng rỡ về mọi điều huy hoàng mà họ đã thấy ngài làm. Bấy giờ, ngài nhắc lại hai hình ảnh tiên tri về Nước Trời mà ngài đã nói khoảng một năm trước đây khi ngồi trong thuyền trên biển Ga-li-lê. (Lu-ca 13:1-21; Truyền-đạo 9:11; Ma-thi-ơ 13:31-33).

▪ Người ta nói đến những thảm kịch nào, và từ đó Giê-su đã rút ra bài học nào?

▪ Câu chuyện về cây vả không sanh trái và những cố gắng để làm cho cây sanh trái có thể áp dụng như thế nào?

▪ Bằng cách nào người cai nhà hội nhìn nhận Giê-su có quyền phép chữa bệnh, nhưng Giê-su phơi bày sự giả hình của ông như thế nào?