Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người Sa-ma-ri có lòng thương người lân cận

Người Sa-ma-ri có lòng thương người lân cận

Chương 73

Người Sa-ma-ri có lòng thương người lân cận

GIÊ-SU có lẽ đang ở gần làng Bê-tha-ni cách Giê-ru-sa-lem độ ba cây số. Một người rất thông thạo về Luật pháp Môi-se tới gần ngài và hỏi: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”

Đó là một ông luật sư và Giê-su nhận biết rằng người này đặt câu hỏi không phải chỉ vì muốn học hỏi, nhưng vì muốn thử ngài. Có thể người này muốn Giê-su trả lời thế nào để cho xúc phạm đến người Do Thái. Vậy Giê-su bèn khiến cho chính người này phải trả lời bằng cách hỏi: “Trong luật-pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?”

Với một trí óc sáng suốt lạ thường, người này trích dẫn luật pháp của Đức Chúa Trời ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5 và Lê-vi Ký 19:18 nói rằng: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết sức, hết trí mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và yêu người lân-cận như mình”.

Giê-su đáp: “Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống”.

Nhưng ông luật sư đó chưa thỏa mãn. Đối với người này, câu trả lời của Giê-su chưa được rõ cho lắm. Ông muốn Giê-su phải xác nhận rằng ông có quan điểm đúng và như vậy ông là người công bình trong cách cư xử với kẻ khác. Do đó ông hỏi: “Ai là người lân-cận tôi?”

Người Do Thái nghĩ rằng chữ “lân-cận” chỉ áp dụng cho đồng bào Do Thái của họ mà thôi, và dường như mạch văn của Lê-vi Ký 19:18 cho thấy điều này. Thật vậy, về sau chính sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói: “Người Giu-đa vốn không được phép giao-thông với người ngoại-quốc hay là tới nhà họ”. Vì thế, ông luật sư kia và có lẽ cả các môn đồ của Giê-su nữa cũng tưởng rằng chỉ cần đối xử tử tế với người đồng hương Do Thái thì mình là người công bình, bởi vì theo ý họ, ai không là người Do Thái thì thật ra không phải là kẻ lân cận của họ.

Làm thế nào Giê-su có thể chỉnh đốn quan điểm của người nghe mà không làm họ bị phật lòng? Ngài kể một câu chuyện, có lẽ căn cứ vào một chuyện có thật: “Có một người [Do Thái] từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt-lột hết, đánh cho mình-mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết”.

Ngài kể tiếp: “Vả gặp một thầy tế-lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương”.

Nhiều thầy tế lễ và người Lê-vi phụ việc trong đền thờ cư ngụ tại Giê-ri-cô cách Giê-ru-sa-lem khoảng 25 cây số và phải đi trên một con đường hiểm trở và lên dốc đến hơn 900 mét để đến đền thờ. Thầy tế lễ và người Lê-vi có bổn phận giúp đỡ người đồng hương Do Thái gặp hoạn nạn. Nhưng họ không giúp. Ngược lại, một người Sa-ma-ri đã giúp đỡ. Dân Do Thái ghét người Sa-ma-ri đến nỗi cách đây không lâu họ đã mắng chửi Giê-su bằng lời lẽ vô cùng xấc xược khi gọi ngài là “người Sa-ma-ri”.

Người Sa-ma-ri ấy đã làm gì để giúp người Do Thái? Giê-su kể: “[Người Sa-ma-ri] bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn-sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê [độ hai ngày lương] đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn-sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả”.

Sau khi kể chuyện xong, Giê-su bèn hỏi ông luật sư: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân-cận với kẻ bị cướp?”

Vì bối rối khi phải nói tốt cho người Sa-ma-ri, nên ông chỉ đáp: “Ấy là người lấy lòng thương-xót đãi người”.

Giê-su kết luận: “Hãy đi, làm theo như vậy”.

Nếu như Giê-su nói thẳng với ông luật sư rằng những người không phải là dân Do Thái cũng là kẻ lân cận của ông, thì chẳng những ông không chấp nhận mà ngay cả đa số người trong cử tọa chắc hẳn cũng theo phe ông mà cãi lại Giê-su. Ngược lại, Giê-su dùng chuyện có thật này để làm sáng tỏ điều mà không ai có thể chối cãi được là những người không cùng nòi giống và quốc tịch với chúng ta cũng là kẻ lân cận của chúng ta. Quả thật Giê-su có tài dạy dỗ tuyệt vời! (Lu-ca 10:25-37; Công-vụ các Sứ-đồ 10:28; Giăng 4:9; 8:48).

▪ Ông luật sư hỏi Giê-su những câu hỏi nào, và rõ ràng mục đích của ông là gì?

▪ Người Do Thái nghĩ ai là người lân cận của họ, và có lý do nào cho thấy ngay cả các môn đồ cũng có cùng quan điểm này?

▪ Bằng cách nào Giê-su đã làm sáng tỏ quan điểm đúng đắn đến nỗi thầy dạy luật cũng không thể bắt bẻ lại được?