Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người giàu và La-xa-rơ

Người giàu và La-xa-rơ

Chương 88

Người giàu và La-xa-rơ

GIÊ-SU nói với môn đồ về việc xử dụng của cải vật chất cho đích đáng và giải thích rằng người ta không thể làm nô lệ cho của cải và đồng thời cho Đức Chúa Trời được. Người Pha-ri-si cũng lắng nghe và bắt đầu chế nhạo Giê-su, vì họ rất ham mê tiền bạc. Do đó, Giê-su bảo họ: “Các ngươi làm bộ công-bình qua mặt người ta, song Đức Chúa Trời biết lòng các ngươi; vì sự người ta tôn-trọng là sự gớm-ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời”.

Thời điểm đã tới để đảo ngược tình thế, những ai giàu sang, có quyền thế trong lãnh vực chính trị, có uy thế và ảnh hưởng trong lãnh vực tôn giáo phải bị hạ xuống. Nhưng người nào ý thức được nhu cầu thiêng liêng sẽ được nâng lên. Giê-su chỉ rõ sự thay đổi đó khi ngài nói cùng người Pha-ri-si:

“Luật-pháp và các lời tiên-tri có đến đời Giăng [Báp-tít] mà thôi; từ đó, tin lành của nước Đức Chúa Trời được truyền ra, và ai nấy dùng sức-mạnh mà vào [cố gắng tiến tới, NW ] đó. Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật-pháp phải bỏ đi”.

Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si thường hãnh diện cho rằng họ theo sát Luật pháp Môi-se. Bạn đọc hẳn còn nhớ lúc Giê-su làm phép lạ chữa một người mù sáng mắt tại Giê-ru-sa-lem, người Pha-ri-si đã khoe khoang: “Chúng ta là môn đồ của Môi-se. Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se”. Nhưng giờ đây Luật pháp Môi-se đã hoàn tất vai trò dẫn những người khiêm nhường đến cùng Giê-su Christ, là đấng mà Đức Chúa Trời chọn làm Vua. Vậy từ lúc Giăng Báp-tít khởi sự làm thánh chức, mọi hạng người, đặc biệt là những người khiêm nhường và nghèo khó, đã cố gắng để trở thành công dân của Nước Trời.

Vì vai trò Luật pháp Môi-se lúc đó đang đến lúc chấm dứt, nên người ta sẽ không còn phải giữ luật pháp ấy nữa. Luật pháp cho phép ly dị với nhiều lý do khác nhau, nhưng bấy giờ Giê-su nói: “Ai bỏ vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà-dâm, ai cưới đờn-bà bị chồng để, thì cũng phạm tội tà-dâm”. Những lời tuyên bố ấy hẳn làm người Pha-ri-si bực tức, nhất là vì họ cho phép người ta ly dị dựa trên nhiều lý do.

Giê-su tiếp tục nói với người Pha-ri-si và kể một chuyện ví dụ về hai người mà địa vị, hoặc tình cảnh, rốt cuộc đã hoàn toàn thay đổi. Bạn đọc có đoán được hai người đó tượng trưng cho ai, và tình cảnh của họ bị đảo ngược có nghĩa là gì không? Giê-su kể:

“Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn-ở rất là sung-sướng. Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ. Người ước-ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người”.

Ở đây, Giê-su dùng hình ảnh người nhà giàu để tượng trưng những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, không chỉ gồm người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, mà luôn cả người Sa-đu-sê và các thầy tế lễ cả nữa. Họ giàu vì có đặc quyền và lợi thế về thiêng liêng, và họ cư xử giống như người giàu trong chuyện ví dụ. Họ ăn mặc y phục màu tía tượng trưng cho địa vị cao sang, còn vải gai mịn trắng tượng trưng cho việc họ tự xưng mình là công bình.

Lớp người giàu sang ngạo mạn ấy coi khinh người dân nghèo, gọi họ là ʽam ha·ʼaʹrets, có nghĩa là “dân quê mùa”. Vậy thì người ăn mày La-xa-rơ tượng trưng cho những người bị các nhà lãnh đạo tôn giáo từ chối không cho đặc ân và đồ ăn thiêng liêng. Vì thế, tương tự như La-xa-rơ mình đầy ghẻ, người dân thường bị khinh bỉ, bị coi như bệnh hoạn về thiêng liêng, và chỉ xứng chơi với chó. Tuy nhiên, những người thuộc lớp người La-xa-rơ này đói khát thèm thuồng đồ ăn thiêng liêng và chầu chực trước cửa người giàu với hy vọng có được một chút đồ ăn thiêng liêng ở trên bàn người giàu rớt xuống, dù là nhỏ bé đến đâu.

Giê-su bấy giờ tiếp tục câu chuyện, miêu tả sự thay đổi tình thế của người giàu và La-xa-rơ. Sự thay đổi ấy là gì, và tượng trưng cho điều chi?

Sự thay đổi của người giàu và La-xa-rơ

Người giàu tượng trưng cho các nhà lãnh đạo tôn giáo có đặc quyền và lợi thế về thiêng liêng, còn La-xa-rơ tượng trưng cho người dân thường đói khát đồ ăn thiêng liêng. Giê-su kể tiếp câu chuyện và miêu tả một sự thay đổi tột độ về tình cảnh của cả hai người. Ngài nói:

“Vả, người nghèo chết, thiên-sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn. Người giàu ở nơi Âm-phủ đang bị đau-đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người”.

Bởi vì người giàu và La-xa-rơ đều không phải là những người có thật, mà chỉ tượng trưng cho hai lớp người, do đó dĩ nhiên cái chết của họ cũng mang nghĩa bóng. Vậy thì hai cái chết ấy mang ý nghĩa gì?

Giê-su lúc nãy vừa cho thấy rõ về một sự thay đổi tình trạng và nói là ‘Luật pháp và các lời tiên tri có đến đời Giăng Báp-tít mà thôi, nhưng từ đó trở đi, nước Đức Chúa Trời được truyền ra’. Vậy, chính sự rao truyền của Giăng và Giê-su đã làm cho cả người giàu lẫn La-xa-rơ chết đối với tình cảnh lúc trước của mình.

Những ai thuộc lớp người La-xa-rơ khiêm nhường và ăn năn thì chết đối với tình cảnh lúc trước có nghĩa là hết bị đói khát về thiêng liêng như trước và bấy giờ được Đức Chúa Trời ban cho một tư thế đầy ân điển. Trước kia họ phải chầu chực nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo để mong lượm được một chút đồ ăn thiêng liêng từ bàn rớt xuống, nay thì sự thật của Kinh-thánh do Giê-su trình bày đã thỏa mãn nhu cầu của họ. Như vậy họ được đem để vào lòng Áp-ra-ham Lớn, tức vị trí có ân huệ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Ngược lại, những kẻ thuộc lớp người giàu đã làm phật ý Đức Chúa Trời vì họ ngoan cố từ chối thông điệp về Nước Trời do Giê-su rao giảng. Vì thế họ chết đối với tình cảnh lúc trước, tức mất đi tư thế trước kia có vẻ được lòng Đức Chúa Trời. Thật ra, họ được tả như bị hành hạ trong lửa theo nghĩa bóng. Chúng ta hãy nghe người giàu ấy nói:

“Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi”. Chính những thông điệp mãnh liệt về sự phán xét của Đức Chúa Trời mà các môn đồ của Giê-su rao giảng đã dày vò những kẻ thuộc lớp người giàu. Thế nên họ muốn các môn đồ hãy bớt truyền bá những thông điệp ấy, hầu cho họ đỡ bị dày vò quá như thế.

“Nhưng Áp-ra-ham trả lời: Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên-ủi, còn ngươi phải bị khổ-hình. Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được”.

Việc đảo ngược tình thế giữa lớp người La-xa-rơ và lớp người nhà giàu đã xảy ra thật công bình và chính đáng biết bao! Tình cảnh đã thay đổi vài tháng sau đó, vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, khi giao ước mới thay thế giao ước cũ của Luật pháp. Lúc bấy giờ thì điều này trở nên rõ ràng rằng môn đồ của Giê-su được hưởng ân điển của Đức Chúa Trời, chứ không phải người Pha-ri-si hay các nhà lãnh đạo tôn giáo khác. Cái “vực sâu” ngăn cách giữa người giàu theo nghĩa bóng và môn đồ của Giê-su tượng trưng cho sự phán xét công bình và không thay đổi của Đức Chúa Trời.

Người giàu sau đó thỉnh cầu “tổ Áp-ra-ham”: “Xin sai La-xa-rơ đến nhà cha tôi, vì tôi có năm anh em”. Câu nói ấy cho thấy người giàu có quan hệ mật thiết với một cha khác nữa, không ai khác hơn là Sa-tan Ma-quỉ. Người giàu nài nỉ xin cho La-xa-rơ làm dịu bớt các thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời, hầu cho “năm anh em” của hắn, hoặc đồng minh về tôn giáo, khỏi bị vào “nơi đau-đớn nầy”.

“Áp-ra-ham trả lời rằng: Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên-tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy!” Đúng vậy, nếu “năm anh em” muốn khỏi bị đau đớn, thì họ chỉ cần làm theo những điều viết trong sách Môi-se và các nhà tiên tri nhận diện Giê-su là đấng Mê-si và rồi trở thành môn đồ của ngài. Nhưng người giàu phản đối: “Thưa Áp-ra-ham tổ tôi, không phải vậy đâu; nhưng nếu có kẻ chết sống lại đến cùng họ, thì họ sẽ ăn-năn”.

Song Áp-ra-ham nói: “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên-tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy”. Đức Chúa Trời không ban dấu đặc biệt hay phép lạ nào để thuyết phục mọi người. Họ phải đọc và áp dụng Kinh-thánh vào đời sống mình, nếu muốn được Ngài chấp nhận. (Lu-ca 16:14-31; Giăng 9:28, 29; Ma-thi-ơ 19:3-9; Ga-la-ti 3:24; Cô-lô-se 2:14; Giăng 8:44).

▪ Tại sao cái chết của người giàu và La-xa-rơ chỉ có ý nghĩa tượng trưng, và cái chết của họ tượng trưng cho điều gì?

▪ Khi Giăng bắt đầu làm thánh chức, Giê-su cho thấy có sự thay đổi nào?

▪ Điều gì sẽ bị loại bỏ sau cái chết của Giê-su, và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc ly dị như thế nào?

▪ Trong chuyện ví dụ của Giê-su, người giàu và La-xa-rơ tượng trưng cho ai?

▪ Người giàu phải chịu những nỗi đau đớn nào, và ông nài nỉ xin được cứu bằng cách nào?

▪ Cái “vực sâu” tượng trưng cho điều gì?

▪ Ai là cha thật của người giàu, và ai là năm anh em của ông?