Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người làm công trong vườn nho

Người làm công trong vườn nho

Chương 97

Người làm công trong vườn nho

“NHIỀU kẻ đầu sẽ nên rốt; có kẻ rốt sẽ nên đầu”. Nói xong, Giê-su liền kể một câu chuyện cốt để minh họa cho lời ấy: “Nước thiên-đàng giống như người chủ nhà kia, tảng sáng đi ra, để mướn người làm công cho vườn nho mình”.

Ngài kể tiếp: “Khi người chủ đã định giá với người làm công, mỗi ngày một đơ-ni-ê, thì sai họ vào vườn nho mình. Ước-chừng giờ thứ ba, người chủ lại ra, thấy những kẻ khác rảnh việc đứng trong chợ, thì nói cùng họ rằng: Các ngươi hãy đi vào vườn nho ta, và ta sẽ trả tiền công phải cho. Họ liền đi. Ước-chừng giờ thứ sáu và giờ thứ chín, người chủ lại ra, cũng làm như vậy. Ước-chừng giờ thứ mười một, chủ ra, lại thấy những kẻ khác đứng trong chợ, thì hỏi rằng: Sao các ngươi đứng đây cả ngày không làm gì hết? Họ trả lời rằng: Vì không ai mướn chúng tôi. Người chủ nói với họ rằng: Các ngươi cũng hãy đi vào vườn nho ta”.

Người chủ nhà, hay chủ vườn nho, chính là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, còn vườn nho là nước Y-sơ-ra-ên. Những người làm công trong vườn nho là những người được nhận vào giao ước Luật pháp. Họ đích thực là những người Do Thái trong thời các sứ đồ. Thỏa ước trả lương một đơ-ni-ê mỗi ngày là đối với những người làm công suốt ngày mà thôi. Bởi vì “giờ thứ ba” là 9 giờ sáng, nên những người được gọi vào giờ thứ 3, giờ thứ 6, giờ thứ 9 và giờ thứ 11 chỉ làm việc có 9 giờ, 6 giờ, 3 giờ và 1 giờ mà thôi.

Những người làm công suốt 12 tiếng, tức trọn ngày, tượng trưng cho những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái luôn luôn bận rộn trong công việc tôn giáo, khác với môn đồ của Giê-su gần như cả đời làm việc chài lưới hoặc việc khác. Mãi đến mùa thu năm 29 công nguyên “người chủ nhà” mới sai Giê-su Christ tới nhóm họ lại thành môn đồ ngài. Vì thế mà họ là “kẻ rốt”, hoặc là người làm công vào giờ thứ 11 vậy.

Cuối cùng, ngày làm việc theo nghĩa bóng ấy chấm dứt với cái chết của Giê-su và đã đến lúc trả lương cho người làm công. Trái với lệ thường, người ta trả lương trước hết cho những người đến chót: “Đến tối, chủ vườn nho nói với người giữ việc rằng: Hãy gọi những người làm công mà trả tiền công cho họ, khởi từ người rốt cho đến người đầu. Những người làm công mướn từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người được một đơ-ni-ê. Rồi tới phiên những người đầu đến, tưởng lãnh được nhiều hơn; song họ cũng lãnh mỗi người một đơ-ni-ê. Khi lãnh rồi, lằm-bằm cùng chủ nhà, mà rằng: Những người rốt ấy chỉ làm một giờ, mà chủ đãi cũng như chúng tôi, là kẻ đã chịu mệt-nhọc cả ngày và giang nắng. Song chủ trả lời cho một người trong bọn rằng: Bạn ơi, ta không xử tệ với ngươi đâu; ngươi há chẳng đã định với ta một đơ-ni-ê sao? Hãy lấy của ngươi mà đi đi; ta muốn trả cho kẻ rốt nầy bằng như đã trả cho ngươi vậy. Ta há không có phép dùng của-cải ta theo ý-muốn ta sao? Hay là ngươi thấy ta ở tử-tế mà lấy mắt ganh sao?” Để kết luận, Giê-su nhắc lại điều đã nói lúc trước: “Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu và kẻ đầu sẽ nên rốt là như vậy”.

Việc lãnh đồng đơ-ni-ê xảy ra không phải vào lúc Giê-su chết, mà là vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, khi đấng Christ tức “người giữ việc” đổ thánh linh trên môn đồ. Các môn đồ này của Giê-su giống như “những người rốt” tức những người làm công từ giờ thứ 11 vậy. Đồng đơ-ni-ê không phải tượng trưng cho sự ban cho về thánh linh, nhưng là một thứ gì đó để các môn đồ dùng trên đất. Đó là một thứ để giúp cho họ sống đời đời. Đó là đặc ân được trở thành người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, được xức dầu để rao giảng về Nước Trời.

Không lâu sau, nhóm người làm công đầu tiên thấy môn đồ của Giê-su lãnh lương, và thấy họ dùng đồng đơ-ni-ê tượng trưng ấy. Tuy nhiên, nhóm người đó còn muốn nhiều hơn là được thánh linh và những đặc ân trong Nước Trời. Việc họ lằm bằm và phản đối được thể hiện dưới hình thức họ bắt bớ và ngược đãi môn đồ của Giê-su, tức những “người rốt” đã đến trong vườn nho.

Nhưng câu chuyện minh họa này của Giê-su chỉ ứng nghiệm một lần vào thế kỷ thứ nhất thôi sao? Không đâu, qua vị thế và trách nhiệm, hàng giáo phẩm của các đạo tự xưng theo đấng Christ trong thế kỷ 20 này đã là những người làm công “đầu tiên” được Đức Chúa Trời giao cho công việc trong vườn nho tượng trưng của Ngài. Họ đã coi những người truyền đạo tận tụy hợp tác với Hội Tháp Canh như những “kẻ rốt” không được giao cho công việc nào hữu hiệu trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng thật ra, tuy bị giới giáo phẩm khinh miệt, những người này đã nhận được đồng đơ-ni-ê, tức vinh dự được xức dầu làm sứ giả của Nước Đức Chúa Trời trên trời. (Ma-thi-ơ 19:30 đến 20:16).

▪ Vườn nho tượng trưng cho điều gì? Chủ vườn nho và những người làm công 12 giờ và 1 giờ tượng trưng cho những nhân vật nào?

▪ Ngày làm việc theo nghĩa bóng kết thúc khi nào và tiền công được trả khi nào?

▪ Tiền công trả bằng đồng đơ-ni-ê tượng trưng cho điều gì?