Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thương xót người đau khổ

Thương xót người đau khổ

Chương 57

Thương xót người đau khổ

SAU khi lên án người Pha-ri-si vì những truyền thống ích kỷ của họ, Giê-su cùng môn đồ ngài bỏ đi. Hẳn chúng ta còn nhớ trước đó không lâu, ngài muốn cùng môn đồ lui về một nơi nào tạm nghỉ mệt nhưng bị đoàn dân tìm ra được. Nhưng giờ đây ngài dẫn môn đồ đi về miền Ty-rơ và Si-đôn, nhiều cây số về hướng bắc. Có lẽ đây là chuyến đi duy nhất mà Giê-su cùng môn đồ ra ngoài ranh giới Y-sơ-ra-ên.

Sau khi tìm được một ngôi nhà trú ngụ, Giê-su bảo ngài không muốn có ai biết thầy trò ở chỗ nào. Vậy mà ngay tại lãnh thổ ngoài xứ Y-sơ-ra-ên này, người ta vẫn nhận ra ngài. Một người đàn bà Hy Lạp quê quán tại vùng Phê-ni-xi xứ Sy-ri tìm gặp ngài và van xin: “Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương-xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn-cực lắm”. Tuy nhiên, Giê-su không đáp một lời.

Một chập sau, môn đồ nói với Giê-su: “Xin thầy truyền cho đờn-bà ấy về, vì người kêu-van ở đằng sau chúng ta”. Ngài giải thích tại sao ngài im lặng: “Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc-mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi”.

Tuy nhiên, người đàn bà vẫn không bỏ cuộc. Bà đến gần, quỳ lạy ngài mà thưa rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng!”

Hẳn Giê-su xúc động biết bao trước những lời cầu khẩn chân thành ấy! Nhưng ngài nhắc lại một lần nữa rằng ngài có nhiệm vụ trước tiên là phục vụ dân tộc Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Đồng thời ngài dùng quan điểm đầy kỳ thị của dân Do Thái đối với mọi dân ngoại để thử đức tin của người đàn bà. Ngài nói: “Không nên lấy bánh của con-cái mà quăng cho chó con ăn”.

Chắc chắn giọng nói và vẻ mặt đầy thương xót của Giê-su đã tỏ rõ tình cảm dịu dàng của ngài đối với những người không phải là dân Do Thái. Thậm chí ngài còn làm nhẹ bớt câu nói ví người ngoại như chó khi ngài dùng chữ “chó con”. Thay vì giận dỗi, người đàn bà liền dùng câu Giê-su nói về thành kiến của dân Do Thái, và khiêm tốn thưa rằng: “Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống”.

Giê-su đáp: “Hỡi đờn-bà kia, ngươi có đức-tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!” Và sự đó đã xảy ra thật! Khi bà trở về nhà thì thấy con gái mình nằm trên giường, hoàn toàn bình phục.

Từ miền duyên hải Si-đôn, Giê-su và môn đồ băng qua lãnh thổ và đi về hướng thượng lưu sông Giô-đanh. Hình như họ đã từ khoảng phía trên biển Ga-li-lê lội qua sông Giô-đanh và đến miền Đê-ca-bô-lơ ở bên phía đông biển ấy. Nơi đó họ leo lên núi, nhưng dân chúng cũng tìm được và lại mang tới Giê-su nào là những người què, tàn tật, mù, câm, nào là những người bị nhiều loại bệnh hoạn tật nguyền khác. Họ gần như chỉ việc vất bệnh nhân trước mặt ngài, và ngài chữa lành cho tất cả. Ai nấy đều sửng sốt khi thấy người câm nói chuyện, người què bước đi, và người mù sáng mắt; và họ ngợi khen Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên.

Giê-su đặc biệt để ý một người điếc và nói năng rất khó khăn. Những người điếc thường dễ cảm thấy ngượng nghịu, nhất là khi ở giữa đám đông. Có thể vì nhận thấy người ấy nhút nhát, sợ sệt nên Giê-su động lòng thương xót dắt người ấy ra chỗ riêng. Lúc chỉ có hai người với nhau, ngài cho biết ngài sắp làm gì cho người đó. Ngài để ngón tay vào lỗ tai người, và thấm nước miếng xức lưỡi người. Rồi nhìn lên trời, ngài thở một hơi dài và nói: “Hãy mở ra!” Tức thì, người ấy nghe được và nói được như bình thường.

Khi thấy Giê-su chữa lành đủ mọi bệnh tật, dân chúng tỏ ra cảm kích và nói: “Ngài làm mọi việc được tốt-lành: khiến kẻ điếc nghe, kẻ câm nói vậy!” (Ma-thi-ơ 15:21-31; Mác 7:24-37).

▪ Tại sao Giê-su không chữa liền cho con của người đàn bà Hy Lạp?

▪ Sau đó, Giê-su dẫn môn đồ đi đâu?

▪ Với lòng đầy thương xót, Giê-su đối xử với người bị điếc và nói năng rất khó khăn như thế nào?