Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trách nhiệm làm môn đồ

Trách nhiệm làm môn đồ

Chương 84

Trách nhiệm làm môn đồ

SAU khi rời khỏi nhà của người Pha-ri-si có quyền thế, có lẽ là một thành viên của Tòa Công luận, Giê-su tiếp tục đi lên Giê-ru-sa-lem. Có đoàn dân đông đi theo ngài. Nhưng họ có động cơ nào? Và làm môn đồ của Giê-su thật sự bao hàm những gì?

Trên đường đi, Giê-su xây lại cùng đám đông và có lẽ làm họ sửng sốt khi ngài nói: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn-đồ ta”.

Giê-su muốn nói gì? Ngài không muốn nói rằng môn đồ ngài phải ghét thân bằng quyến thuộc theo nghĩa đen, nhưng ghét ở đây có nghĩa yêu thương họ ít hơn yêu thương ngài. Thí dụ như Gia-cốp, tổ tiên của Giê-su, “ghét” Lê-a và yêu Ra-chên, có nghĩa là ông yêu Lê-a ít hơn em gái nàng là Ra-chên.

Chúng ta cũng nên lưu ý thêm rằng Giê-su bảo môn đồ ngài hãy ghét “chính sự sống mình nữa”. Một lần nữa, ngài muốn nói một môn đồ thật phải yêu ngài hơn cả chính mạng sống của mình. Như thế Giê-su nhấn mạnh rằng trở thành môn đồ của ngài là đảm nhận một trách nhiệm nghiêm trọng. Đó không phải là một việc thiếu suy nghĩ chín chắn.

Làm môn đồ của Giê-su là phải đương đầu với gian khổ và bắt bớ vì ngài cho biết: “Còn ai không vác thập-tự-giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn-đồ ta”. Vì thế, môn đồ thật phải sẵn lòng chịu đựng sự sỉ nhục như Giê-su đã chịu và nếu cần, họ còn đành lòng chịu chết dưới tay kẻ thù của Đức Chúa Trời, như Giê-su sắp phải chịu.

Vì thế, đám đông đi theo đấng Christ phải phân tích kỹ lưỡng việc làm môn đồ ngài có ý nghĩa gì. Giê-su nhấn mạnh điều này bằng một chuyện ví dụ. Ngài nói: “Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí-tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? e khi đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê-cười, và rằng: Người nầy khởi-công xây, mà không thể làm xong được!”

Vì vậy Giê-su giải thích cho đoàn dân đi theo rằng trước khi trở thành môn đồ ngài, họ phải quyết định chắc chắn xem có làm được không, tương tự như một người muốn xây một cái tháp, trước khi khởi sự, phải xem xét mình có đủ tài chánh để hoàn thành không. Giê-su lại cho một chuyện ví dụ khác:

“Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn-luận xem mình đem đi một muôn lính có thể địch nổi vua kia đem hai muôn cùng chăng sao? Bằng chẳng nổi, khi vua kia còn ở xa, sai sứ đi xin hòa”.

Đến đây Giê-su nhấn mạnh điểm chính của các sự minh họa trên: “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn-đồ ta”. Đấy là điều mà đoàn dân đi theo ngài và bất cứ ai muốn biết về đấng Christ đều phải sẵn sàng thi hành. Họ phải sẵn lòng hy sinh tất cả những gì mình có—mọi của cải, kể cả sinh mệnh—nếu muốn làm môn đồ ngài. Bạn có sẵn sàng làm thế không?

Giê-su nói tiếp: “Muối là giống tốt”. Trong Bài Giảng trên Núi, ngài nói môn đồ ngài là “muối của đất”, có nghĩa họ có ảnh hưởng tốt, gìn giữ người nghe cũng như muối theo nghĩa đen dùng để giữ thực phẩm cho lâu hư. Giê-su kết luận: “Nhưng nếu muối mất mặn, thì lấy chi làm cho nó mặn lại được? Không dùng chi được cho ruộng hoặc cho phân; người ta phải bỏ nó ra ngoài. Ai có tai mà nghe, hãy nghe!”

Như vậy Giê-su cho thấy rằng ngay cả những người đã làm môn đồ ngài được ít lâu rồi cũng không nên yếu lòng trong việc cương quyết tiếp tục theo ngài. Nếu để lòng mình yếu đi, họ sẽ trở thành vô dụng, làm cho thế gian chê cười và không xứng đáng dưới mắt Đức Chúa Trời. Điều này thật ra là một sự sỉ nhục cho Đức Chúa Trời. Do đó, như muối mất mặn và ô uế, họ sẽ bị ném ra ngoài, tức là bị hủy diệt. (Lu-ca 14:25-35; Sáng-thế Ký 29:30-33; Ma-thi-ơ 5:13).

▪ “Ghét” bà con và chính mình có nghĩa gì?

▪ Giê-su cho hai chuyện ví dụ nào, và hai chuyện này có ý nghĩa gì?

▪ Điểm chính trong lời kết luận của Giê-su về muối là gì?