Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Xây dựng tương lai với sự khôn ngoan thực tiễn

Xây dựng tương lai với sự khôn ngoan thực tiễn

Chương 87

Xây dựng tương lai với sự khôn ngoan thực tiễn

GIÊ-SU vừa kể xong chuyện người con phá của cho một đám đông, trong đó có môn đồ ngài, những người thâu thuế gian dối cùng những kẻ tội lỗi mà nhiều người biết đến, và cả những thầy thông giáo và người Pha-ri-si nữa. Bấy giờ ngài nói với môn đồ ngài và kể cho họ một chuyện ví dụ về một người giàu nhận được báo cáo không hay về người quản gia của ông.

Giê-su kể rằng ông nhà giàu ấy cho gọi người quản gia đến và báo cho biết hắn sắp bị đuổi việc. Người quản gia thầm nghĩ: “Chủ cách chức ta, ta sẽ làm gì? Làm ruộng thì ta không có sức làm nổi, còn đi ăn-mày thì hổ-ngươi. Ta biết điều ta sẽ làm, để khi bị cách chức, có kẻ tiếp-rước ta về nhà”.

Kế hoạch của người quản gia ấy là gì? Hắn cho gọi những người mắc nợ chủ mình đến và hỏi người thứ nhất: “Ngươi mắc nợ chủ ta bao nhiêu?”

Người thứ nhất trả lời: “Một trăm thùng dầu”.

Người quản gia bảo: “Hãy cầm lấy tờ khế, ngồi xuống đó, viết mau: Năm chục”.

Đoạn, hắn lại hỏi người kia: “Còn ngươi, mắc bao nhiêu?”

Người kia trả lời: “Một trăm hộc lúa mì”.

Người quản gia bảo: “Hãy cầm lấy tờ khế và viết: Tám chục”.

Người quản gia ấy có quyền giảm số nợ của những người mắc nợ chủ hắn, bởi hắn vẫn còn phụ trách việc quản lý tài chánh cho chủ. Vì trừ bớt nợ, nên hắn làm bạn với những người có thể giúp lại hắn khi hắn bị đuổi việc.

Khi người chủ nghe người ta mách lại chuyện đó, ông không những ngạc nhiên mà còn “khen người quản gia tuy bất nghĩa, nhưng đã hành động với sự khôn ngoan thực tiễn” (NW ). Thật vậy, Giê-su nói tiếp: “Con đời nầy trong việc thông-công với người đồng-đời mình thì khôn-khéo hơn con sáng-láng”.

Bấy giờ Giê-su rút tỉa bài học cho môn đồ ngài, và khuyến khích họ: “Hãy dùng của bất-nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời”.

Giê-su không khen người quản gia vì người ấy bất chánh, nhưng khen người ấy biết nhìn xa, có sự khôn ngoan thực tiễn. Thông thường những người “con đời này” khôn khéo xử dụng tiền tài hay địa vị của họ để làm bạn với những người có thể giúp lại họ được. Vậy thì tôi tớ của Đức Chúa Trời, “những con sáng-láng” cũng phải biết khôn ngoan xử dụng những của cải vật chất, hay “của bất-nghĩa”, để đem lại lợi ích cho chính mình.

Nhưng theo Giê-su nói, họ nên dùng của cải ấy để làm bạn với những người có thể đón tiếp họ vào “nhà đời đời”. Đối với thành viên của “bầy nhỏ” thì nhà ấy là ở trên trời; còn đối với các “chiên khác” thì đó là Địa đàng trên đất. Vì chỉ có Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài mới có thể tiếp nhận chúng ta vào “nhà đời đời” đó, chúng ta phải gắng làm bạn với hai đấng ấy bằng cách dùng bất cứ “của bất-nghĩa” nào chúng ta có để ủng hộ quyền lợi của Nước Trời. Chắc chắn của cải vật chất mà chúng ta có sẽ trở nên vô dụng hoặc mất đi và khi điều này xảy ra thì tương lai vĩnh cửu của chúng ta sẽ được bảo đảm chắc chắn.

Giê-su nói tiếp rằng ai tỏ ra trung tín trong việc trông nom những đồ vật chất, tức những việc nhỏ mọn, thì cũng sẽ trung tín trong việc trông nom những việc lớn. Bởi vậy ngài nói: “Vậy nếu các ngươi không trung-tín về của bất-nghĩa, có ai đem của thật [của thiêng liêng hay quyền lợi Nước Trời] giao cho các ngươi? Nếu các ngươi không trung-tín về của người khác [quyền lợi Nước Trời mà Đức Chúa Trời giao cho tôi tớ Ngài], ai sẽ cho các ngươi được của riêng mình [phần thưởng được sống đời đời trong các nơi đó]?”

Nhất định chúng ta không thể nào vừa làm tôi tớ thật của Đức Chúa Trời, lại vừa làm nô lệ cho của cải bất nghĩa hay của cải vật chất, như Giê-su kết luận: “Không có đầy-tớ nào làm tôi hai chủ được; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hay là hiệp với chủ nầy mà khinh-dể chủ kia. Các ngươi không có thể đã làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn [của cải, NW ] nữa”. (Lu-ca 15:1, 2; 16:1-13; Giăng 10:16).

▪ Làm thế nào người quản gia trong chuyện ví dụ của Giê-su làm bạn với những người có thể giúp hắn sau này?

▪ “Của bất-nghĩa” là gì, và làm sao chúng ta có thể dùng của đó để kết bạn?

▪ Ai có thể đón tiếp chúng ta vào “nhà đời đời”, và nhà này ở đâu?