Đa dạng tôn giáo—Một thử thách
Là nhà giáo dục, thầy cô phải đương đầu với một thử thách mà các nhà giáo dục trong những thế kỷ trước hiếm khi gặp phải, đó là sự đa dạng về tôn giáo.
Vào thời Trung Cổ, người dân trong một nước thường theo cùng một tôn giáo. Cuối thế kỷ 19, chỉ có vài tôn giáo chính được biết đến ở châu Âu: Công giáo và đạo Tin Lành ở phía tây, Chính Thống giáo và Hồi giáo ở phía đông, và Do Thái giáo. Ngày nay, ở châu Âu và trên khắp thế giới, tôn giáo đa dạng hơn rất nhiều. Có những tôn giáo mới xuất hiện là do một số người dân bản địa chọn theo hoặc do những người nhập cư và tị nạn du nhập vào.
Do đó, ngày nay ở những nước như Úc, Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ có nhiều tín đồ Hồi giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo. Nhân Chứng Giê-hô-va, là những tín đồ đạo Đấng Ki-tô, hiện có trong 239 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mười bốn nước trong số đó có hơn 150.000 Nhân Chứng Giê-hô-va.—Xin xem khung “ Nhân Chứng Giê-hô-va—Một tôn giáo quốc tế”.
Sự đa dạng về thực hành tôn giáo có thể mang đến nhiều thử thách cho giáo viên. Chẳng hạn, có một số câu hỏi quan trọng liên quan đến những ngày lễ phổ biến được nêu ra: Có nên ép buộc các học sinh phải cử hành mọi ngày lễ bất kể các em theo tôn giáo nào không? Có lẽ đa số nghĩ rằng tham gia những ngày lễ đó không có gì sai. Tuy nhiên, chẳng phải quan điểm của các gia đình thuộc nhóm tôn giáo thiểu số cũng cần được tôn trọng sao? Một yếu tố khác cũng cần được xem xét: Luật pháp một số nước quy định rằng tôn giáo và Nhà nước phải riêng biệt và không được phép đưa giáo lý tôn giáo vào chương trình giảng dạy. Thế nên, hẳn là mâu thuẫn khi buộc học sinh ở các nước đó tham gia những ngày lễ tôn giáo ở trường học.
Sinh nhật
Việc không tham gia những ngày lễ có vẻ ít liên quan hoặc không liên quan đến tôn giáo có thể gây một số hiểu lầm. Hãy xem một ví dụ là sinh nhật, được tổ chức ở nhiều trường học. Nhân Chứng Giê-hô-va tôn trọng quyền của người khác trong việc tổ chức sinh nhật. Dù vậy, họ chọn không tham gia vào dịp này. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va quyết định như thế?
Một bách khoa từ điển về tôn giáo được phát hành rộng rãi ở Pháp (Le livre des religions) cho biết phong tục ăn mừng sinh nhật là một nghi lễ và được liệt kê trong số “các nghi lễ thế tục”. Ngày nay, phong tục ăn mừng sinh nhật được xem là vô hại và thuộc về thế tục, nhưng thật ra nó bắt nguồn từ ngoại giáo.
Bách khoa từ điển Hoa Kỳ (The Encyclopedia Americana, ấn bản năm 1991) ghi lại: “Vào thời cổ đại, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Ba Tư đã tổ chức sinh nhật của các thần, vua chúa và giới quý tộc”. Các tác giả là Ralph Linton và Adelin Linton tiết lộ lý do nằm sau điều này. Trong sách nói về truyền thuyết sinh nhật (The Lore of Birthdays), họ viết: “Mê-sô-bô-ta-mi và Ai Cập, là cái nôi của nền văn minh nhân loại, cũng là những nơi đầu tiên mà người ta nhớ đến và tôn vinh ngày sinh của mình. Vào thời xưa, việc lưu lại ngày sinh là điều quan trọng, chủ yếu vì ngày sinh rất cần thiết để đoán số tử vi”. Như vậy, việc ăn mừng sinh nhật được liên kết trực tiếp với thuật chiêm tinh. Đây là mối quan tâm của những ai muốn tránh thuật chiêm tinh vì Kinh Thánh lên án thực hành này.—Ê-sai 47:13-15.
Vì thế, không ngạc nhiên khi Bách khoa từ điển thế giới (The World Book Encyclopedia) viết: “Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu không tổ chức sinh nhật của [Đấng Ki-tô] vì họ
xem việc ăn mừng sinh nhật của bất cứ ai là phong tục ngoại giáo”.—Tập 3, trang 416.Dựa vào những thông tin trên, Nhân Chứng Giê-hô-va chọn không tham gia bất cứ thực hành nào liên quan đến sinh nhật. Chắc chắn, sự ra đời của một em bé là dịp hân hoan và vui mừng. Dĩ nhiên, mỗi năm trôi qua, các bậc cha mẹ đều vui khi thấy con mình ngày một khôn lớn. Nhân Chứng Giê-hô-va cũng rất vui khi thể hiện tình yêu thương với người thân trong gia đình và bạn bè bằng cách tặng quà và dành thời gian cho họ. Nhưng vì biết rõ nguồn gốc của việc ăn mừng sinh nhật nên họ chọn làm những điều đó vào các dịp khác trong năm.—Lu-ca 15:22-25; Công vụ 20:35.
Lễ Giáng Sinh
Lễ Giáng Sinh được tổ chức trên khắp thế giới, ngay cả ở những nước không theo Ki-tô giáo. Vì đa số tôn giáo tự nhận theo Ki-tô giáo chấp nhận Lễ Giáng Sinh, nên có lẽ thầy cô ngạc nhiên khi Nhân Chứng Giê-hô-va
chọn không tổ chức lễ này. Tại sao họ làm thế?Như nhiều bách khoa từ điển cho biết, người ta tự gán cho Chúa Giê-su sinh ngày 25 tháng 12 để trùng với một lễ hội ngoại giáo của người La Mã. Hãy lưu ý đến những nhận xét sau từ một số tài liệu tham khảo:
“Không ai biết ngày sinh của Đấng Ki-tô. Các sách Phúc âm cũng không cho biết ngài sinh vào ngày nào hay tháng nào”.—New Catholic Encyclopedia, Tập III, trang 656.
“Hầu hết phong tục Lễ Giáng Sinh hiện đang thịnh hành ở châu Âu, hoặc được lưu lại từ thời xưa, không thật sự bắt nguồn từ đạo Đấng Ki-tô mà là phong tục ngoại giáo được Giáo Hội du nhập hoặc dung túng... Lễ hội Saturnalia của La Mã là kiểu mẫu cho đa số các phong tục vui nhộn trong mùa Lễ Giáng Sinh”.—Encyclopædia of Religion and Ethics (Edinburgh, năm 1910), do James Hastings biên soạn, Tập III, trang 608, 609.
“Lễ Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 trong tất cả các tôn giáo tự nhận theo Ki-tô giáo kể từ thế kỷ thứ tư. Vào thời bấy giờ, đây là ngày diễn ra lễ hội đông chí của người ngoại giáo được gọi là ‘Sự ra đời (La-tinh: natale) của Mặt Trời’, vì mặt trời được xem là hồi sinh khi những ngày dài trở lại. Ở La Mã, Giáo hội đã tiếp nhận ngày lễ rất được ưa chuộng này... bằng cách gán cho nó một ý nghĩa mới”.—Encyclopædia Universalis, năm 1968, (Pháp) Tập 19, trang 1375.
“Người ta bắt đầu ăn mừng Lễ Giáng Sinh để có một lễ thay thế cho các lễ ngoại giáo ăn mừng Sol Invictus (Mithra). Ngày 25 tháng 12, là ngày đông chí, được liên kết với ánh sáng vào thế gian qua Đấng Ki-tô; thế nên, ý nghĩa tượng trưng của Sol Invictus được gán cho Đấng Ki-tô”.—Brockhaus Enzyklopädie, (Đức) Tập 20, trang 125.
Khi biết sự thật về Lễ Giáng Sinh, một số người phản ứng thế nào? Bách khoa từ điển Anh Quốc (The Encyclopædia Britannica) nhận xét: “Vào năm 1644, những người Anh theo Thanh giáo cấm người ta qua
một đạo luật quốc hội, đó là không được tham gia những nghi lễ và thực hành vui nhộn liên quan đến Lễ Giáng Sinh, vì lễ này là của ngoại giáo. Họ cũng lệnh là người ta phải kiêng ăn vào ngày đó. Charles II đã khôi phục lễ này, nhưng người Scot vẫn giữ quan điểm của Thanh giáo”. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu không tổ chức Lễ Giáng Sinh. Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng không tổ chức hoặc tham gia vào những thực hành liên quan đến Lễ Giáng Sinh.Tuy nhiên, Kinh Thánh ủng hộ việc tặng quà hoặc mời gia đình và bạn bè dùng bữa vui vẻ với nhau vào những dịp khác. Kinh Thánh khuyến khích cha mẹ dạy con mình thể hiện sự rộng rãi từ đáy lòng thay vì chỉ tặng quà theo trào lưu của xã hội (Ma-thi-ơ 6:2, 3). Con em của Nhân Chứng Giê-hô-va được dạy là phải tôn trọng người khác, bao gồm việc nhìn nhận rằng họ có quyền tổ chức Lễ Giáng Sinh. Vì thế, họ cũng sẽ rất biết ơn khi người khác tôn trọng quyết định của họ trong việc không tham gia ăn mừng Lễ Giáng Sinh.
Những ngày lễ khác
Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm tương tự về những ngày lễ tôn giáo hoặc liên hệ một phần đến tôn giáo diễn ra trong năm học ở nhiều nước khác nhau, như lễ hội Festas Juninas ở Brazil, lễ Epiphany ở Pháp, lễ Carnival ở Đức, lễ Setsubun ở Nhật Bản và lễ Halloween ở Hoa Kỳ. Nếu thầy cô có thắc mắc về bất cứ ngày lễ nào, Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc con em của họ sẵn lòng giải đáp.