Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng khắc ghi vào lòng con các giá trị của tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính

Những giá trị đạo đức xứng đáng được tôn trọng

Những giá trị đạo đức xứng đáng được tôn trọng

Trong suốt lịch sử, nhiều người nam và nữ can đảm đã có lập trường khác với quan điểm phổ biến vào thời họ. Họ phải chịu đựng sự ngược đãi vì lý do chính trị, tôn giáo và chủng tộc, và nhiều người bị mất mạng vì niềm tin của họ.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu là những người đặc biệt can đảm. Trong suốt ba thế kỷ đầu, họ bị ngược đãi dữ dội và nhiều người trong số đó bị người La Mã ngoại giáo xử tử vì từ chối thờ hoàng đế. Đôi khi người ta dựng một bàn thờ tại đấu trường. Để được tự do, các tín đồ chỉ cần đốt một chút hương để cho thấy mình nhìn nhận hoàng đế là thần. Tuy nhiên, rất ít người đã thỏa hiệp. Đa số chọn cái chết thay vì từ bỏ niềm tin.

Trong thời hiện đại, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng giữ trung lập về chính trị như thế. Chẳng hạn, lập trường vững vàng của họ trước sự ngược đãi của Quốc Xã đã được lịch sử xác thực. Vào trước và trong Thế Chiến II, hơn 1.000 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức đã mất mạng, chủ yếu là trong các trại tập trung, vì giữ trung lập và từ chối nói: “Heil Hitler”. Con em của Nhân Chứng Giê-hô-va bị đưa đi khỏi cha mẹ. Dù bị nhiều áp lực, các em trẻ vẫn giữ kiên định và không để mình bị tiêm nhiễm bởi những dạy dỗ trái với Kinh Thánh mà người khác cố áp đặt trên các em.

Chào cờ

Nói chung Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay không phải là mục tiêu của sự ngược đãi dữ dội như thế. Dù vậy, đôi khi có sự hiểu lầm khi các Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ quyết định dựa trên lương tâm là không tham gia các nghi lễ quốc gia, chẳng hạn như chào cờ.

“Những gì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, còn những gì của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời”—Ma-thi-ơ 22:21

Con em của Nhân Chứng Giê-hô-va được dạy là không nên cản người khác chào cờ vì đó là quyết định cá nhân. Tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va có lập trường kiên định là không chào lá cờ của bất kỳ quốc gia nào. Điều này không có nghĩa là họ thiếu lòng tôn trọng. Họ tôn trọng lá cờ của quốc gia mà họ đang sống, và cho thấy điều này qua việc tuân thủ luật pháp của quốc gia ấy. Họ không tham gia vào bất cứ hoạt động nào chống lại chính phủ. Thực tế, Nhân Chứng Giê-hô-va tin rằng các chính phủ hiện tại là “sự sắp đặt của Đức Chúa Trời” mà ngài cho phép tồn tại. Vì thế, họ xem việc nộp thuế và tôn trọng “các bậc cầm quyền” là mệnh lệnh đến từ Đức Chúa Trời (Rô-ma 13:1-7). Điều này phù hợp với câu nói nổi tiếng của Chúa Giê-su: “Những gì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, còn những gì của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 22:21.

Một số người có thể thắc mắc: “Vậy tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tôn kính lá cờ bằng cách chào cờ?”. Đó là vì họ xem việc chào cờ là một hành động tôn thờ, và họ chỉ tôn thờ một mình Đức Chúa Trời. Lương tâm không cho phép họ tôn thờ bất cứ ai hay bất cứ điều gì ngoài Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:10; Công vụ 5:29). Vì vậy, họ biết ơn khi thầy cô tôn trọng quan điểm này và cho phép các em Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo niềm tin của mình.

Đáng chú ý là Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là những người duy nhất tin rằng việc chào cờ liên hệ đến sự tôn thờ, như được thấy qua những trích dẫn sau:

“Các lá cờ thời ban đầu chủ yếu có tính chất tôn giáo... Dường như người ta luôn tìm cách để dùng tôn giáo hầu khiến cho quốc kỳ trở nên thiêng liêng”. (Chúng tôi in nghiêng).—Encyclopædia Britannica.

“Giống như thập tự giá, lá cờ là thánh... Những điều luật và quy định nói đến thái độ của con người đối với cờ quốc gia dùng những từ biểu cảm và mạnh mẽ như ‘Phục vụ Lá cờ’,... ‘Tôn sùng Lá cờ’, ‘Sùng kính Lá cờ’”. (Chúng tôi in nghiêng).—The Encyclopedia Americana.

“Tín đồ đạo Đấng Ki-tô từ chối... cúng tế cho thần hộ mệnh của hoàng đế [La Mã]. Điều này gần như tương đương với việc từ chối chào cờ ngày nay hoặc từ chối tuyên thệ trung thành với tổ quốc”.—Those About to Die (1958), trang 135, của tác giả Daniel Mannix.

Ba thanh niên người Hê-bơ-rơ từ chối quỳ lạy pho tượng mà vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-xa dựng

Một lần nữa, Nhân Chứng Giê-hô-va từ chối chào cờ không phải vì họ bất kính với bất cứ chính phủ hay nhà cai trị nào. Họ từ chối làm thế vì đối với họ, việc quỳ lạy hoặc chào một biểu tượng đại diện cho Nhà nước là một hành động tôn thờ. Họ xem lập trường của họ giống với lập trường của ba thanh niên người Hê-bơ-rơ vào thời Kinh Thánh, là những người từ chối quỳ lạy pho tượng mà vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-xa dựng trong đồng bằng Đu-ra (Đa-ni-ên, chương 3). Vì vậy, trong khi người khác chào cờ và tuyên thệ trung thành, con em của Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ làm theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện, đó là giữ im lặng và từ chối tham gia với thái độ tôn trọng. Vì lý do tương tự, con em Nhân Chứng Giê-hô-va chọn không tham gia khi người khác hát quốc ca hoặc nhạc quốc ca được mở.

Quyền của cha mẹ

Ngày nay, đa số quốc gia đều tôn trọng quyền của cha mẹ trong việc dạy con cái về niềm tin tôn giáo của mình. Tất cả tôn giáo đều ủng hộ quyền này, như được thấy qua một điều luật thuộc bộ giáo luật vẫn có hiệu lực trong Giáo hội Công giáo: “Các cha mẹ, vì truyền thụ sự sống cho con cái nên có nghĩa vụ rất nghiêm trọng và quyền lợi giáo dục chúng. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên của các cha mẹ Kitô giáo là lo bảo đảm sự giáo dục Kitô giáo cho các con cái hợp với giáo huấn Giáo Hội”.—Điều 226.

Trẻ em được khuyến khích quan tâm đến người khác

Nhân Chứng Giê-hô-va không đòi hỏi điều gì hơn thế. Là bậc cha mẹ quan tâm, họ cố gắng khắc ghi vào lòng con các giá trị của tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính và dạy con yêu thương người lân cận cũng như tôn trọng những thứ thuộc về người khác. Họ muốn làm theo lời khuyên sau trong Kinh Thánh: “Cha mẹ không nên chọc giận con cái, nhưng phải nuôi nấng, sửa trị, dạy dỗ chúng theo đường lối Chúa”.—Ê-phê-sô 6:4, Bản Diễn Ý.

Gia đình không cùng tôn giáo

Trong một số gia đình, chỉ có người cha hoặc người mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong hoàn cảnh đó, người cha hoặc mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va được khuyến khích nhìn nhận rằng người hôn phối cũng có quyền dạy dỗ con cái theo niềm tin tôn giáo của người ấy. Trẻ em được dạy niềm tin tôn giáo khác nhau thường không bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc bị ảnh hưởng rất ít. * Trên thực tế, con cái phải quyết định chúng sẽ theo tôn giáo nào. Dĩ nhiên, không phải người con nào cũng chọn theo niềm tin tôn giáo của cha mẹ, dù cha mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va hay không.

Quyền của trẻ em về tự do lương tâm

Nhân Chứng Giê-hô-va xem việc làm theo lương tâm của mình là điều quan trọng (Rô-ma, chương 14). Công ước về quyền trẻ em, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1989, công nhận rằng trẻ em có quyền “tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”, cũng như có quyền tự do ngôn luận và được người khác tôn trọng ý kiến của mình trong bất cứ vấn đề hay thủ tục nào ảnh hưởng đến chúng.

Mỗi trẻ em mỗi khác. Vì vậy, điều hợp lý là các em Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc học sinh khác có thể có những quyết định khác nhau liên quan đến một số hoạt động, bài tập và nhiệm vụ được giao tại trường. Chúng tôi tin chắc là thầy cô cũng tôn trọng nguyên tắc về tự do lương tâm.

^ đ. 18 Về trẻ em có cha mẹ không cùng tôn giáo, Tiến sĩ Steven Carr Reuben nói trong sách bàn luận về việc nuôi dạy con cái (Raising Jewish Children in a Contemporary World): “Con cái bị bối rối khi cha mẹ phủ nhận, làm mập mờ, che giấu và tránh né các vấn đề tôn giáo. Khi cha mẹ cởi mở, thành thật, rõ ràng về giá trị, niềm tin của mình cũng như những lễ mà mình cử hành, thì con cái sẽ lớn lên với cảm giác an toàn và tự tin trong lĩnh vực tôn giáo, là điều rất quan trọng trong quá trình phát triển lòng tự trọng và nhận biết vị trí của mình trong xã hội”.