Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan điểm của Nhân Chứng Giê-hô-va về giáo dục

Quan điểm của Nhân Chứng Giê-hô-va về giáo dục

Như các bậc cha mẹ khác, Nhân Chứng Giê-hô-va quan tâm đến tương lai của con em mình. Vì vậy, họ rất xem trọng giáo dục. “Giáo dục phải giúp người ta trở thành người hữu ích trong xã hội. Giáo dục cũng phải giúp họ vun đắp lòng quý trọng di sản văn hóa của mình và có đời sống mãn nguyện hơn”.

Như lời trích trên từ Bách khoa từ điển thế giới (The World Book Encyclopedia) cho thấy, một trong những mục tiêu chính của giáo dục là rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em, bao gồm việc giúp các em biết cách chăm lo nhu cầu cho gia đình riêng trong tương lai. Nhân Chứng Giê-hô-va tin rằng đây là một trách nhiệm thiêng liêng. Chính Kinh Thánh nói: “Thật vậy, nếu ai không chu cấp cho những người mình có trách nhiệm chăm sóc, đặc biệt là người nhà mình, thì người ấy đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Ti-mô-thê 5:8). Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường giúp trang bị cho các em để gánh vác các trách nhiệm sau này. Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va xem giáo dục là rất quan trọng.

“Giáo dục phải giúp người ta trở thành người hữu ích trong xã hội. Giáo dục cũng phải giúp họ vun đắp lòng quý trọng di sản văn hóa của mình và có đời sống mãn nguyện hơn”.​—Bách khoa từ điển thế giới

Các Nhân Chứng cố gắng sống theo mệnh lệnh sau trong Kinh Thánh: “Hễ làm việc gì, hãy làm hết lòng, như làm cho Chúa chứ không phải cho người ta” (Cô-lô-se 3:23, Đặng Ngọc Báu). Nguyên tắc này áp dụng cho mọi khía cạnh của đời sống, bao gồm việc học hành. Do đó, các Nhân Chứng khuyến khích con em mình siêng năng học tập và cố gắng làm tốt nhiệm vụ thầy cô giao.

“Hễ làm việc gì, hãy làm hết lòng, như làm cho Chúa chứ không phải cho người ta”.—Cô-lô-se 3:23, ĐNB

Kinh Thánh cũng dạy rằng một người phải tuân thủ luật pháp nơi mình sống. Thế nên, khi luật pháp quy định học sinh phải đi học đến độ tuổi nào đó thì Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn sàng làm theo.—Rô-ma 13:1-7.

Giải trí lành mạnh, nghe nhạc, theo đuổi sở thích riêng, tập thể dục, đến thư viện và tham quan bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục cân bằng

Dù Kinh Thánh xem trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, nhưng sách này cho thấy đây không phải là mục tiêu duy nhất hoặc mục tiêu chính của giáo dục. Một nền giáo dục thành công cũng sẽ giúp các em yêu thích cuộc sống và trở thành một người có óc suy xét, phải lẽ trong xã hội. Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va xem các hoạt động ngoại khóa rất quan trọng. Họ cho rằng những hoạt động như giải trí lành mạnh, nghe nhạc, theo đuổi sở thích riêng, tập thể dục, đến thư viện và tham quan bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục cân bằng. Ngoài ra, các Nhân Chứng dạy con em mình tôn trọng người lớn tuổi và tìm cơ hội để giúp đỡ họ.

Nói sao về việc học tiếp sau khi hoàn thành chương trình giáo dục tối thiểu?

Vì công nghệ luôn đổi mới nên thị trường việc làm liên tục thay đổi. Rốt cuộc, nhiều người trẻ phải làm việc trong các lĩnh vực hoặc ngành nghề mà họ chưa được đào tạo. Do đó, thói quen làm việc và những phẩm chất được rèn luyện, đặc biệt là khả năng thích nghi với sự thay đổi, sẽ càng có giá trị với họ. Nhà viết tiểu luận Thời Kỳ Phục Hưng là Montaigne từng nói rằng ‘đầu đầy kiến thức không bằng đầu biết tư duy’. Hẳn điều này đúng khi các em lớn lên.

Tình trạng thất nghiệp xảy ra ở cả nước giàu lẫn nước nghèo, và thường ảnh hưởng đến những bạn trẻ thiếu kỹ năng. Vì thế, nếu thị trường việc làm đòi hỏi một người cần được đào tạo thêm sau khi đã hoàn thành chương trình giáo dục tối thiểu mà luật pháp quy định thì cha mẹ nên giúp con đưa ra quyết định liên quan đến điều này. Cha mẹ cần cân nhắc những lợi ích và những hy sinh mà con mình phải bỏ ra khi học tiếp.

Tuy nhiên, hẳn thầy cô đồng ý rằng thành công trong đời sống bao hàm nhiều hơn là có dư dật về vật chất. Ngày nay, nhiều người cả đời miệt mài với công việc, và khi mất việc thì họ mất phương hướng. Một số cha mẹ vì quá chú tâm vào công việc nên đã hy sinh đời sống gia đình và thời gian dành cho con cái, bỏ lỡ cơ hội dạy dỗ con nên người.

Rõ ràng, một nền giáo dục cân bằng cần giúp một người hiểu rằng hạnh phúc thật bao hàm nhiều hơn là có dư dật về vật chất. Chúa Giê-su Ki-tô nói: “Thánh Kinh chép, ‘Người ta không phải chỉ sống nhờ bánh mà thôi mà còn nhờ vào những lời phán của Thượng Đế’” (Ma-thi-ơ 4:4, Bản Phổ thông). Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, Nhân Chứng Giê-hô-va xem trọng việc vun trồng giá trị đạo đức và phẩm chất đáng quý cũng như việc trang bị bản thân để chăm lo cho các nhu cầu vật chất của mình.