Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vai trò của cha mẹ

Vai trò của cha mẹ

Chắc chắn, nuôi dạy con cái trở thành người có trách nhiệm trong xã hội ngày nay là một nhiệm vụ không hề dễ.

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ đã khảo sát những bậc cha mẹ được xem là thành công trong việc nuôi dạy con cái; con họ đã trên 21 tuổi và là “những công dân hữu ích, có vẻ thích nghi tốt với xã hội”. Những bậc cha mẹ này được hỏi: “Dựa vào kinh nghiệm bản thân, lời khuyên tốt nhất mà anh chị dành cho các bậc cha mẹ khác là gì?”. Câu trả lời phổ biến nhất là: “Yêu thương con hết lòng”, “sửa phạt hợp lý”, “dành thời gian với con”, “dạy con phân biệt điều đúng điều sai”, “tôn trọng lẫn nhau”, “thật sự lắng nghe con”, “chỉ dẫn con thay vì thuyết giảng” và “có mong đợi thực tế”.

Thầy cô đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp các em nên người

Tuy nhiên, cha mẹ không phải là người duy nhất giúp con nên người. Thầy cô cũng đóng một vai trò thiết yếu. Một nhà tư vấn học đường có nhiều kinh nghiệm cho biết: “Mục tiêu chính của giáo dục là hỗ trợ cha mẹ trong việc giúp con lớn lên trở thành người có trách nhiệm, phát triển tốt về thể chất, trí tuệ và cảm xúc”.

Vậy cha mẹ và thầy cô đều có chung một mục tiêu, đó là giúp các em trở thành người cân bằng và chín chắn, vui hưởng đời sống và có thể tìm được vị trí trong xã hội.

Đồng nghiệp, chứ không phải đối thủ

Tuy nhiên, vấn đề sẽ nảy sinh khi cha mẹ không hợp tác với thầy cô. Chẳng hạn, một số bậc cha mẹ chẳng màng đến chuyện học hành của con; số khác thì cố cạnh tranh với thầy cô. Một tập san của Pháp viết về điều này như sau: “Giáo viên không còn là thuyền trưởng duy nhất trên con tàu. Những bậc cha mẹ quá xem trọng thành công của con thì mổ xẻ sách giáo khoa, xét đoán và chỉ trích phương pháp giảng dạy, và lập tức phản ứng khi con bị điểm kém lần đầu tiên”. Những hành động như thế có thể lấn át quyền của thầy cô.

Nhân Chứng Giê-hô-va thấy sẽ tốt hơn cho con nếu cha mẹ hợp tác với thầy cô và tích cực quan tâm đến việc học hành của con

Nhân Chứng Giê-hô-va thấy sẽ tốt hơn cho con nếu cha mẹ hợp tác với thầy cô và tích cực quan tâm đến việc học hành của con. Họ tin rằng sự hợp tác như thế là điều đặc biệt quan trọng vì công việc của thầy cô ngày càng có nhiều thách đố.

Vấn đề học đường ngày nay

Là một phần của xã hội, trường học tất yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề xã hội nói chung. Trong những năm qua, vấn đề xã hội gia tăng nhanh chóng và ngày càng tồi tệ. Tờ The New York Times miêu tả như sau về tình trạng của một trường học ở Hoa Kỳ: “Học sinh ngủ gật trong lớp, dọa nạt nhau dọc những hành lang vẽ đầy chữ, chế giễu những học sinh ngoan... Hầu hết học sinh phải đối phó với các vấn đề như chăm con nhỏ của mình, cha mẹ bị bỏ tù và băng đảng bạo lực. Mỗi ngày, gần 20% học sinh vắng mặt”.

Điều đặc biệt đáng lo là vấn đề bạo lực học đường ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Những hành động ẩu đả giờ đây thay bằng những vụ xả súng và đâm chém xảy ra như cơm bữa. Vũ khí được dùng phổ biến hơn, những cuộc tấn công thì tàn ác hơn, trẻ con ngày càng hung bạo và hung bạo ở độ tuổi nhỏ hơn.

Hẳn không phải nước nào cũng đối mặt với tình trạng ảm đạm như thế. Tuy nhiên, nhiều giáo viên trên khắp thế giới đối diện với tình trạng được nói đến trong tuần báo tiếng Pháp Le Point: “Thầy cô không còn được tôn trọng và không có quyền hành gì”.

Bậc cha mẹ thành công là bậc cha mẹ dành thời gian với con

Việc thiếu tôn trọng quyền hành như thế thật sự là mối nguy hiểm cho mọi em trẻ. Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng dạy con cái vâng lời và tôn trọng quyền hành, là những phẩm chất thường thiếu nơi nhiều học sinh ngày nay.