Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va thâu nhóm và chuẩn bị dân tộc Ngài để hoạt động

Đức Giê-hô-va thâu nhóm và chuẩn bị dân tộc Ngài để hoạt động

Đức Giê-hô-va thâu nhóm và chuẩn bị dân tộc Ngài để hoạt động

Trải qua các thế kỷ sự bội đạo đã lan tràn khắp đất. Nhiều giáo hội dạy dỗ vài giáo lý của Kinh-thánh nhưng nói chung thì theo truyền thuyết loài người và những phong tục ngoại đạo. Thường người ta ít nói đến sự trở lại của đấng Christ. (So sánh Ma-thi-ơ 13:24-30, 37-43).

Tuy nhiên, Giê-su đã bảo phải tỉnh thức và trông đợi ngài trở lại! Tại Allegheny, Pennsylvania, Hoa-kỳ, đã có một nhóm người chờ đợi đấng Christ trở lại. Vào đầu thập niên 1870, ông Charles Taze Russell và một số bạn hữu của ông đã bắt đầu nghiên cứu Kinh-thánh một cách tường tận và không theo giáo phái nào cả để biết thêm về sự trở lại của đấng Christ. Họ cũng đã bắt đầu tìm kiếm lẽ thật của Kinh-thánh về nhiều điều dạy dỗ căn bản khác. Đó là sự bắt đầu của các hoạt động của Nhân-chứng Giê-hô-va trong thời hiện đại (Ma-thi-ơ 24:42).

Nhóm đó nhận thấy thuyết Ba ngôi không phải là giáo lý dựa trên Kinh-thánh, nhưng chỉ có Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Toàn năng và là Đấng Tạo hóa; Giê-su Christ là sự sáng tạo đầu tiên của Ngài và là Con một của Ngài; và thánh linh không phải là một người (hay một ngôi) nhưng chính là sinh hoạt lực vô hình của Đức Chúa Trời. Nhóm này hiểu được linh hồn không bất tử nhưng có thể chết, hy vọng cho những người chết là sự sống lại, và hình phạt cho những người ác không ăn năn không phải là sự thống khổ đời đời nhưng là sự tiêu diệt.

Họ đã hiểu giáo lý căn bản trong Kinh-thánh là việc Giê-su đã hy sinh mạng sống của ngài để làm giá chuộc cho nhân loại. Trước hết có 144.000 người thuộc hai giới nam và nữ được cứu chuộc từ trái đất để lên trời cùng với đấng Christ hưởng quyền cai trị Nước Trời; việc lựa chọn này đã bắt đầu vào thế kỷ thứ nhất và kéo dài cho đến thời kỳ chúng ta. Kế đến hàng tỷ người trong nhân loại—phần lớn trong số đó sẽ được sống lại từ sự chết—sẽ trở nên những người hoàn toàn với viễn ảnh sống đời đời trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời.

Ông Russell và những người kết hợp với ông cũng đã hiểu sự hiện diện của đấng Christ là vô hình trong thể thiêng liêng. Thời kỳ dân ngoại, tức là thời kỳ mà Đức Chúa Trời không có bày tỏ uy quyền tối thượng của Ngài qua trung gian của một chính phủ nào trên đất, sẽ chấm dứt năm 1914. Đoạn Nước Đức Chúa Trời sẽ được thành lập trên trời. Ngày nay các Nhân-chứng Giê-hô-va tin nơi những điều dạy dỗ này.

Ông Russell và các bạn hữu của ông đã rao báo những lẽ thật này khắp nơi qua các buổi thuyết trình và sách báo. Tháng 7 năm 1879 ông Russell bắt đầu xuất bản Tháp Canh tại Si-ôn (ngày nay gọi là Tháp Canh). Ông chủ trương là các hoạt động rao giảng của Học viên Kinh-thánh chỉ tùy thuộc hoàn toàn vào những sự đóng góp tình nguyện chứ không phải vào việc quyên tiền. Ngoài ra, thông điệp phải được phổ biến do sự cố gắng của những người tin đạo tình nguyện không lãnh thù lao. Chính ông Russell cũng đã đóng vào quỹ chung tài sản mà ông đã thâu góp được trong công việc buôn bán mãi cho đến lúc đó.

Những Học viên Kinh-thánh đã được nhóm lại thành từng lớp học; các hội-thánh hồi đó đã được gọi như vậy. Họ nhóm họp mỗi tuần ba lần, để làm thuyết trình, học hỏi Kinh-thánh và làm chứng. Họ đều đặn bầu lên những người chịu trách nhiệm gọi là trưởng lão để trông nom các hoạt động thiêng liêng của mỗi lớp học.

Năm 1884 Hội Zion’s Watch Tower Tract Society đã được tòa án ghi nhận là một hiệp hội không có mục đích mưu lợi tại Pennsylvania. Mỗi năm hiệp hội bầu một người làm chủ tịch. Đó là một công cụ hợp pháp để xúc tiến công việc dạy dỗ Kinh-thánh, không lệ thuộc vào một cá nhân nào. Ông Charles T. Russell đã được bầu làm chủ tịch và văn phòng làm việc của ông đã được xem như là trụ sở trung ương.

Người ta đã cố gắng rất nhiều để mở rộng công việc rao giảng ra những nước khác. Công việc này đã bắt đầu ở Gia-nã-đại và Anh-quốc vào đầu thập niên 1880. Năm 1891 ông Russell đã đi một vòng ở Âu-châu và Trung-đông để xem xét coi có thể làm gì để phổ biến lẽ thật trong các vùng đó. Vào đầu thế kỷ 20, Hội mở chi nhánh tại Anh, Đức và Úc-đại-lợi.

Năm 1909 trụ sở trung ương của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) dời về Brooklyn, Nữu-ước, hầu có thể bành trướng công việc rao giảng trên phạm vi quốc tế. Lúc đó cần phải lập một hiệp hội chiếu theo luật pháp của tiểu bang Nữu-ước; ngày nay hiệp hội đó được gọi là Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. Năm 1914 Hiệp hội Học viên Kinh-thánh Quốc tế đã được lập ra ở Luân-đôn, Anh-quốc, để trông nom hoạt động của các Học viên Kinh-thánh trong khắp khối Liên hiệp Anh (British Commonwealth). Trong hiện tại có chừng 70 hiệp hội chính thức và đoàn thể pháp lý đã được thành lập tại nhiều nước trên thế giới để phục vụ cho các mục tiêu của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society). Tất cả những hiệp hội này đều là hội từ thiện, được yểm trợ nhờ những sự đóng góp tự nguyện và những người tình nguyện làm việc.

Năm 1916 ông Charles Taze Russell chết và ông Joseph Franklin Rutherford kế nghiệp trong trách nhiệm chủ tịch Hội Tháp Canh (Watch Tower Society). Vào cuối Thế chiến thứ I các Học viên Kinh-thánh trải qua thử thách lớn, họ bị bắt bớ gay gắt, và sau cùng tám anh có địa vị trách nhiệm trong trụ sở trung ương của Hội tại Mỹ bị bắt giam oan ức. Công việc của các Học viên Kinh-thánh tưởng chừng như lâm nguy. Tuy nhiên, năm 1919 những anh này đã được thả ra và trắng án, và công việc rao giảng được bành trướng mạnh mẽ hơn nữa từ dạo đó.

Qua trụ sở trung ương của Hội, nhóm tín đồ đấng Christ Học viên Kinh-thánh được xức dầu hợp nhất với nhau tiếp tục cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ cho tất cả những cá nhân kết hợp với tổ chức. Giống như hội-thánh gồm có những tín đồ đấng Christ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được Giê-su nói đến, nhóm Học viên Kinh-thánh được xức dầu đầy lòng sốt sắng và đang tham gia vào công việc rao giảng về Nước Trời, hợp thành lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” vào thời chúng ta. Khi Giê-su đến để thanh tra hội-thánh, ngài đã thấy lớp người này đang cung cấp thức ăn cho tất cả những người giúp việc trong nhà, và ngài đã lập họ coi sóc hết các tài sản của ngài (Ma-thi-ơ 24:45-47; Lu-ca 12:42).

Sau Thế chiến thứ I chẳng bao lâu người ta biết rõ ràng là Nước Đức Chúa Trời do Giê-su Christ cai trị đã được thành lập ở trên trời năm 1914. Thế thì giờ đây những lời này của Giê-su có thể được ứng nghiệm hoàn toàn: “Tin mừng nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. Joseph F. Rutherford có sáng kiến làm cho thông điệp này càng đến tay nhiều người hơn nữa (Ma-thi-ơ 24:14).

Do đó Hội đã quyết định dùng những người tình nguyện đầy lòng sốt sắng cộng tác để tự in lấy sách báo, hầu có thể sản xuất đều đặn sách báo về Kinh-thánh với phí tổn thấp nhất. Tất cả các Học viên Kinh-thánh được khuyến khích đều đặn tham gia rao giảng tin mừng về Nước Trời. Tại một số nước các bài thuyết trình về Kinh-thánh cũng được phóng thanh qua đài vô tuyến truyền thanh.

Trước năm 1918 các Học viên Kinh-thánh hiểu mục đích rao giảng của họ là để thâu nhóm phần còn sót lại trong số những người được chọn lên trời cùng với Giê-su Christ và để cảnh cáo thế giới về sự phán xét của Đức Chúa Trời gần đến. Họ ít nghĩ đến việc thâu nhóm những ai sẽ sống sót qua sự cuối cùng của hệ thống gian ác hiện tại này để tiếp tục sống trên đất. Đoạn, kể từ năm 1918 trở về sau, bài diễn văn “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết!” đã được trình bày ở nhiều nơi.

Năm 1923 khi học kỹ lời thí dụ của Giê-su về chiên và dê trong Ma-thi-ơ 25:31-46 người ta thấy rằng trước khi Ha-ma-ghê-đôn đến, những người có lòng công bình nhưng không có triển vọng thừa kế Nước Trời cũng sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận và sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn. Năm 1935 khi tiếp tục nghiên cứu, người ta thấy rằng những người giống như chiên này và đám đông vô số người được tả ra trong Khải-huyền 7:9-17 đều thuộc cùng một loại. Họ phải được nhóm lại từ giữa các nước, với triển vọng sống sót qua cơn hoạn nạn lớn và nhận sự sống đời đời trên đất. Sự hiểu biết này đã đẩy mạnh công việc rao giảng (Giăng 10:16).

Năm 1931 các Học viên Kinh-thánh lấy danh hiệu Nhân-chứng Giê-hô-va. Trước đó họ được gọi là Học viên Kinh-thánh, Học viên Kinh-thánh Quốc tế, những người của Bình minh thời kỳ 1.000 năm và những người thuộc Hội Tháp Canh. Họ cũng đã bị gọi là nhóm Russell và nhóm Rutherford. Không có danh hiệu nào trong số đó thích hợp cho họ cả. Đành rằng danh hiệu tín đồ đấng Christ, được Đức Chúa Trời ban cho những môn đồ của Giê-su vào thế kỷ thứ nhất, đương nhiên thích hợp cho họ, nhưng có nhiều phe phái dạy giáo lý sai lầm cũng dùng danh hiệu đó. Để tách rời hẳn hàng triệu người tự mệnh danh tín đồ đấng Christ, họ cần phải có một danh hiệu nhận diện họ cách rõ rệt như là những môn đồ thật của đấng Christ thời nay.

Một sự xem xét Kinh-thánh kỹ lưỡng cho thấy rõ ràng là Đức Giê-hô-va đã từng gọi dân Y-sơ-ra-ên của Ngài là các người làm chứng cho Ngài. Cũng vậy, dân của Ngài, sống vào thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự này, đầy lòng sốt sắng công bố danh Ngài và ý định của Ngài, phải được gọi cách đích đáng là Nhân-chứng Giê-hô-va. Danh hiệu này quả đã phân biệt đúng cách những tín đồ thật của đấng Christ thờ phượng Đức Giê-hô-va với tất cả những kẻ khác tự xưng là tín đồ đấng Christ thời nay (Thi-thiên 83:18; Ê-sai 43:10-12).

Năm 1942, giữa Thế chiến thứ II, Joseph F. Rutherford qua đời, và Nathan H. Knorr lên thay ông làm chủ tịch Hội Tháp Canh (Watch Tower Society). Lúc bấy giờ những lời tiên tri được hiểu rõ cho thấy sẽ có một thời hậu chiến tương đối êm dịu và tự do, thuận lợi cho việc bành trướng mạnh mẽ công việc rao giảng trước khi sự cuối cùng của hệ thống này đến. Tháng hai năm 1943 Trường Kinh-thánh Ga-la-át thuộc Hội Tháp Canh (Watchtower Bible School of Gilead) đã được thành lập nhằm huấn luyện những người rao giảng trọn thời gian để trở thành giáo sĩ, rao giảng tại các nước ngoài. Ít lâu sau trong cùng năm đó trong chương trình nhóm họp hàng tuần của các Nhân-chứng Giê-hô-va có thêm phần huấn luyện đặc biệt dành cho những người rao giảng.

Năm 1950 Hội bắt đầu in ra từng phần nhỏ bản dịch Kinh-thánh New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới), một bản dịch Kinh-thánh bằng Anh ngữ hiện đại dịch ra từ các tiếng của nguyên bản. Kinh-thánh này, được dịch chính xác, dễ hiểu, in với giá rẻ bằng các máy in của Hội, đã giúp đỡ rất nhiều cho công việc rao giảng. Đến nay có hơn 40 triệu cuốn Kinh-thánh này đã được xuất bản bằng 11 thứ tiếng.

Đến cuối năm 1985 đã có hơn ba triệu Nhân-chứng Giê-hô-va tham gia trong công việc rao giảng trong hơn 200 xứ và hải đảo. Vào buổi Lễ Kỷ niệm sự chết của đấng Christ năm 1987 đã có tổng cộng 8,965,221 người đến dự, số người hiện diện lớn nhất chưa từng có trước đó trong 54,911 hội-thánh.

Sự kiện các Nhân-chứng Giê-hô-va tiếp tục hoạt động đắc lực, hợp nhất với nhau trên khắp thế giới, hăng hái ủng hộ danh Đức Giê-hô-va và rao giảng về Nước của Ngài, noi theo tiêu chuẩn luân lý trong sạch, chấp nhận toàn bộ Kinh-thánh như Lời của Đức Chúa Trời không thể lầm lẫn và tránh khỏi mọi sự mê tín dị đoan và ma thuật đồng bóng, chứng minh rõ ràng rằng Đức Chúa Trời đang thật sự dùng các Nhân-chứng Giê-hô-va.

Những chương kế tiếp theo đây cho thấy làm thế nào việc tái lập sự thờ phượng thật của Đức Chúa Trời có thể mang lợi ích cho bạn.

• Các Học viên Kinh-thánh khác biệt với các giáo phái ở những giáo lý căn bản nào của Kinh-thánh?

• Các Học viên Kinh-thánh đã tổ chức nội bộ thế nào cho đến năm 1918?

• Làm sao có thể nói được là nhóm Học viên Kinh-thánh được xức dầu hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” trong Ma-thi-ơ 24:45-47?

• Sự hiểu biết nào về ý định của Đức Chúa Trời đã xúc tiến mạnh mẽ sự bành trướng công việc rao giảng?

• Danh hiệu Nhân-chứng Giê-hô-va giúp đạt đến mục đích nào?

• Những bằng chứng hiển nhiên nào cho thấy Đức Chúa Trời đang thật sự dùng các Nhân-chứng Giê-hô-va?

[Các hình nơi trang 8]

C. T. Russell năm 1879

Tháp Canh tháng 7-1879

Nhóm Học viên Kinh-thánh đầu tiên ở Pittsburgh, Pa.

[Các hình nơi trang 9]

Trụ sở trung ương của Hội tại Pittsburgh, Pa., 1889-1909

Những văn phòng chính ở Brooklyn, N.Y., 1909-1918

Chỗ ở của các nhân viên trụ sở trung ương tại Brooklyn, N.Y., 1909-1926

[Hình nơi trang 10]

Trụ sở trung ương quốc tế của các Nhân-chứng Giê-hô-va, Brooklyn, New York, Hoa-kỳ

Phía trên, bên trái: Cao ốc dành cho văn phòng

Phía trên, bên phải: Cao ốc dành cho cư xá

Phía dưới, bên trái: Nhà in

Phía dưới, bên phải: Nơi gởi đi

[Hình nơi trang 11]

J. F. Rutherford nói trên đài phát thanh

Máy in quay đầu tiên của Hội Watchtower do những anh tình nguyện điều khiển

New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới), hiện xuất bản bằng 11 thứ tiếng