Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời đã làm gì để cứu nhân loại

Đức Chúa Trời đã làm gì để cứu nhân loại

Chương 7

Đức Chúa Trời đã làm gì để cứu nhân loại

1, 2. a) Làm thế nào viên sĩ quan La Mã biết được ai là Con Đức Chúa Trời? b) Tại sao Đức Giê-hô-va lại để cho Giê-su chết?

VÀO một buổi trưa mùa xuân gần 2.000 năm trước đây, một sĩ quan La Mã quan sát ba người đau đớn rất lâu trước khi chết. Viên sĩ quan đó đặc biệt để ý đến một người—Giê-su Christ. Giê-su bị đóng đinh vào một cây gỗ. Bầu trời giữa trưa trở nên tối tăm mù mịt khi ngài hấp hối. Khi ngài chết, đất rúng động dữ dội, và viên sĩ quan đó kêu lên: “Người này quả thật là Con Đức Chúa Trời” (Mác 15:39).

2 Con Đức Chúa Trời! Viên sĩ quan đó nói đúng. Ông vừa chứng kiến một biến cố quan trọng nhất chưa từng xảy ra trên đất. Vào những dịp trước đó, Đức Chúa Trời gọi Giê-su là Con yêu dấu của Ngài (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Tại sao Đức Giê-hô-va lại để cho Con của Ngài chết? Bởi vì đó là cách mà Đức Chúa Trời giải cứu loài người thoát khỏi tội lỗi và sự chết.

ĐƯỢC CHỌN CHO MỤC ĐÍCH ĐẶC BIỆT

3. Tại sao Đức Chúa Trời chọn Con một của Ngài để thực thi ý định đặc biệt đối với nhân loại là điều thích hợp?

3 Như chúng ta trước đây đã học trong cuốn sách này, Giê-su hiện hữu trước khi xuống trái đất. Ngài được gọi là “Con một” vì Đức Giê-hô-va trực tiếp tạo ra ngài. Sau đó Đức Chúa Trời dùng Giê-su để dựng nên mọi vật khác (Giăng 3:18; Cô-lô-se 1:16). Giê-su đặc biệt yêu mến loài người (Châm-ngôn 8:30, 31). Vì thế, không có gì là lạ khi Đức Giê-hô-va chọn Con một của Ngài để làm ứng nghiệm ý định đặc biệt lúc nhân loại bị án tử hình!

4, 5. Trước khi Giê-su xuống đất, Kinh-thánh cho biết gì về Dòng dõi đấng Mê-si?

4 Khi tuyên án A-đam, Ê-va, và Sa-tan trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời nói đấng Giải cứu tương lai là “dòng-dõi”. Dòng dõi này sẽ đến để hủy bỏ sự đau khổ mà Sa-tan Ma quỉ, tức “con rắn xưa”, đã gây ra. Thật vậy, Dòng dõi mà Đức Chúa Trời đã hứa sẽ hủy diệt Sa-tan và tất cả những kẻ theo hắn! (Sáng-thế Ký 3:15; I Giăng 3:8; Khải-huyền 12:9).

5 Qua nhiều thế kỷ, Đức Chúa Trời dần dần tiết lộ thêm chi tiết về Dòng dõi, cũng được gọi là đấng Mê-si. Biểu đồ ở trang 37 cho thấy nhiều lời tiên tri ghi lại chi tiết về những khía cạnh của đời sống ngài ở trên đất. Thí dụ, ngài sẽ phải chịu đựng những sự đối xử tàn nhẫn để làm trọn vai trò của ngài trong ý định của Đức Chúa Trời (Ê-sai 53:3-5).

TẠI SAO ĐẤNG MÊ-SI CHẾT

6. Theo Đa-ni-ên 9:24-26, đấng Mê-si sẽ làm được điều gì, và bằng cách nào?

6 Lời tiên tri ghi nơi Đa-ni-ên 9:24-26 (NW) nói trước rằng đấng Mê-si, tức đấng Xức dầu của Đức Chúa Trời, sẽ làm ứng nghiệm một ý định vĩ đại. Ngài sẽ xuống đất “đặng chấm dứt sự phạm pháp, làm hết tội lỗi, chuộc lỗi lầm, và đem lại sự công bình” đời đời. Đấng Mê-si sẽ hủy bỏ bản án tử hình cho những người trung thành. Nhưng ngài làm điều này như thế nào? Lời tiên tri giải thích rằng ngài sẽ bị “trừ đi”, hoặc bị giết.

7. Tại sao dân Do Thái dâng thú vật làm của-lễ, và điều này là hình bóng trước cho điều gì?

7 Dân Y-sơ-ra-ên xưa quen thuộc với khái niệm chuộc lỗi lầm. Theo Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho họ qua Môi-se, họ đều đặn dâng thú vật để làm của-lễ trong sự thờ phượng. Những của-lễ đó nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên biết rằng loài người cần điều gì đó để chuộc tội lỗi, hay để được tha thứ tội lỗi. Sứ đồ Phao-lô tóm tắt nguyên tắc đó theo cách này: “Không đổ huyết thì không có sự tha-thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22). Tín đồ đấng Christ không ở dưới Luật pháp Môi-se với những quy định của Luật pháp, chẳng hạn như việc dâng của-lễ (Rô-ma 10:4; Cô-lô-se 2:16, 17). Họ cũng biết rằng việc dâng thú vật làm của-lễ không thể khiến tội lỗi được tha thứ hoàn toàn và vĩnh viễn. Ngược lại, những của-lễ đó là hình bóng trước cho một của-lễ có giá trị hơn nhiều. Đó là của lễ hy sinh của đấng Mê-si, hay đấng Christ (Hê-bơ-rơ 10:4, 10; so sánh Ga-la-ti 3:24). Tuy nhiên, bạn có thể hỏi: “Cái chết của đấng Mê-si có thật sự cần thiết không?”

8, 9. A-đam và Ê-va đã đánh mất những sự quí báu nào, và hành động của họ ảnh hưởng đến con cháu họ ra sao?

8 Có, đấng Mê-si phải chết nếu nhân loại muốn được cứu rỗi. Để hiểu lý do tại sao, chúng ta phải nhớ lại vườn Ê-đen và cố hiểu mức độ to lớn của điều mà A-đam và Ê-va đánh mất khi họ chống lại Đức Chúa Trời. Trước đó họ có triển vọng được sống đời đời! Là con cái của Đức Chúa Trời, họ còn được liên lạc trực tiếp với Ngài. Nhưng khi họ từ bỏ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va, họ mất hết tất cả những điều đó và đem tội lỗi và sự chết đến cho nhân loại (Rô-ma 5:12).

9 Điều này xảy ra như thể tổ phụ đầu tiên của chúng ta đã vung phí tất cả tài sản to lớn và rơi vào cảnh nợ nần túng quẫn. A-đam và Ê-va để lại món nợ đó cho con cái họ. Vì chúng ta không hoàn toàn và vô tội khi sinh ra, nên mỗi người chúng ta đều có tội và chết dần dần. Khi bị bệnh hoặc nói điều có hại mà chúng ta hối tiếc là đã nói ra, chúng ta hiểu rõ hậu quả của món nợ mà tổ tiên để lại: đó là sự bất toàn của loài người (Rô-ma 7:21-25). Hy vọng duy nhất của chúng ta là làm sao lấy lại điều mà A-đam đã đánh mất. Tuy nhiên, chúng ta không thể có được đời sống hoàn toàn. Vì tất cả những người bất toàn đều phạm tội, nên tất cả chúng ta đều bị chết, chứ không được sống mãi (Rô-ma 6:23).

10. Cần phải có gì để chuộc lại những điều A-đam đánh mất?

10 Tuy nhiên, chúng ta có thể dâng gì cho Đức Chúa Trời để đổi lấy sự sống mà A-đam đã đánh mất? Tiêu chuẩn về công lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công bình, lấy “mạng thường mạng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23). Vì thế phải dâng một mạng sống để đền bù cho sự sống đã đánh mất. Nhưng không phải mạng sống của bất cứ ai cũng được. Thi-thiên 49:7, 8-9 nói về loài người bất toàn: “Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Đức Chúa Trời, (vì giá chuộc mạng-sống họ thật mắc quá, người không thể làm được đến đời đời)”. Vậy tình trạng đó có phải là vô vọng không? Hiển nhiên không.

11. a) Chữ “giá chuộc” có nghĩa gì trong tiếng Hê-bơ-rơ? b) Chỉ có ai mới có thể chuộc lại được nhân loại, và tại sao?

11 Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ “giá chuộc” có nghĩa một món tiền trả để chuộc một người bị giam giữ và cũng có nghĩa là sự tương đương. Chỉ một người có mạng sống hoàn toàn mới có thể dâng điều tương đương với điều mà A-đam đã đánh mất. Sau A-đam, chỉ có Giê-su Christ là người hoàn toàn sinh ra trên đất. Vì thế, Kinh-thánh gọi Giê-su là “A-đam sau hết” và cam kết với chúng ta rằng đấng Christ “đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” (I Cô-rinh-tô 15:45; I Ti-mô-thê 2:5, 6). Trong khi A-đam truyền sự chết cho con cái, thì Giê-su truyền sự sống đời đời. I Cô-rinh-tô 15:22 giải thích: “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”. Vì thế, Giê-su được gọi là “Cha đời đời” cũng rất thích hợp (Ê-sai 9:5, 6).

TRẢ GIÁ CHUỘC NHƯ THẾ NÀO

12. Khi nào Giê-su trở thành đấng Mê-si, và sau đó ngài theo đuổi cuộc sống nào?

12 Vào mùa thu năm 29 công nguyên, Giê-su đến gặp người bà con là Giăng để làm báp têm và vì thế ngài trình diện để thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời. Vào dịp đó Đức Giê-hô-va xức dầu cho Giê-su bằng thánh linh. Vì vậy, Giê-su trở thành đấng Mê-si, hoặc đấng Christ, tức đấng được Đức Chúa Trời xức dầu (Ma-thi-ơ 3:16, 17). Rồi Giê-su bắt đầu làm thánh chức trong ba năm rưỡi. Ngài đi khắp xứ, rao giảng về Nước Trời và nhóm những môn đồ trung thành lại. Tuy nhiên, không lâu sau đó, sự chống đối ngài càng ngày càng tăng như đã được nói trước (Thi-thiên 118:22; Công-vụ các Sứ-đồ 4:8-11).

13. Những sự kiện nào dẫn tới việc Giê-su chết với tư cách là người trung thành?

13 Giê-su can đảm phơi bày sự giả hình của những nhà lãnh đạo tôn giáo, và họ tìm cách giết ngài. Cuối cùng họ bày ra một âm mưu gian hiểm gồm việc dùng người phản ngài, bắt ngài trái phép, xử ngài bất hợp pháp và khép ngài vào tội xúi giục dân chúng nổi loạn. Giê-su bị đánh đập, nhổ vào mặt, chế nhạo, và bị đánh nát thịt bằng cái roi đặc biệt. Rồi quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát xử tử ngài trên cây khổ hình. Ngài bị đóng đinh trên một cây gỗ và bị treo đứng trên đó. Mỗi hơi thở là một sự đau đớn khủng khiếp, và nhiều giờ sau ngài mới chết. Trong suốt cơn thử thách đau đớn đó, Giê-su vẫn hoàn toàn trung kiên với Đức Chúa Trời.

14. Tại sao Đức Chúa Trời để cho Con Ngài đau khổ và chết?

14 Vì thế, vào ngày 14 Ni-san, năm 33 công nguyên, Giê-su phó sự sống của ngài để làm “giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45; I Ti-mô-thê 2:5, 6). Từ trên trời, Đức Giê-hô-va có thể thấy người Con yêu dấu của Ngài đau đớn và chết. Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho điều ghê gớm như thế xảy ra? Ngài làm vậy vì Ngài yêu thương nhân loại. Giê-su nói: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Cái chết của Giê-su cũng dạy chúng ta rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hoàn toàn công bình (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Một số người có thể thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời không bãi bỏ nguyên tắc công bình đòi hỏi mạng đền mạng và lờ đi giá phải trả vì tội lỗi của A-đam. Lý do là vì Đức Giê-hô-va luôn luôn theo đúng và duy trì luật pháp của Ngài, mặc dù Ngài phải trả một giá rất cao.

15. Vì để Giê-su chết luôn là không công bình, nên Đức Giê-hô-va đã làm gì?

15 Vì công bình nên Đức Giê-hô-va cũng muốn cái chết của Giê-su phải đem lại kết quả tốt. Nói cho cùng, có phải là công bình hay không nếu Đức Chúa Trời để người trung thành Giê-su chết luôn? Hiển nhiên là không! Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã tiên tri rằng đấng trung thành của Đức Chúa Trời sẽ không ở luôn trong mồ mả (Thi-thiên 16:10; Công-vụ các Sứ-đồ 13:35). Ngài chết gần ba ngày, và rồi Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho ngài sống lại với tư cách một thần linh mạnh mẽ (I Phi-e-rơ 3:18).

16. Giê-su làm gì khi trở về trời?

16 Lúc chết, Giê-su hiến sự sống của ngài chỉ một lần là đủ. Khi sống lại ở trên trời, ngài trở thành một thần linh ban sự sống. Ngoài ra, khi lên nơi chí thánh trong vũ trụ, Giê-su được đoàn tụ với Cha yêu dấu của ngài và chính thức dâng cho Cha giá trị sự sống của ngài với tư cách là người hoàn toàn (Hê-bơ-rơ 9:23-28). Rồi giá trị của sự sống quí báu đó có thể áp dụng cho những người biết vâng lời. Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn?

GIÁ CHUỘC CỦA GIÊ-SU VÀ BẠN

17. Chúng ta có thể tận dụng sự tha tội dựa trên căn bản hy sinh làm giá chuộc của Giê-su như thế nào?

17 Hãy xem xét ba cách mà sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su cho bạn lợi ích ngay cả bây giờ. Thứ nhất, giá chuộc cho chúng ta được tha tội. Qua đức tin nơi huyết Giê-su đã đổ ra, chúng ta được “cứu-chuộc”, đúng thế, “được tha tội” (Ê-phê-sô 1:7). Vì thế, dù chúng ta có phạm tội nặng, chúng ta có thể nhân danh Giê-su để xin Đức Chúa Trời tha thứ. Nếu chúng ta thực sự ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ áp dụng giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc của Con Ngài vào trường hợp chúng ta. Ngài sẽ tha thứ và ban cho chúng ta ân phước có được một lương tâm trong sạch, thay vì buộc chúng ta vào tội chết mà chúng ta phải gánh chịu vì phạm tội (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19; I Phi-e-rơ 3:21).

18. Sự hy sinh của Giê-su cho chúng ta hy vọng qua cách nào?

18 Thứ nhì, sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su cho chúng ta căn bản để có hy vọng cho tương lai. Trong sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy “[một đám đông] vô-số người, không ai đếm được” sẽ sống sót qua cơn tai biến lớn sắp đến để kết liễu hệ thống mọi sự này. Tại sao họ sống sót trong khi Đức Chúa Trời hủy diệt rất nhiều người khác? Một thiên sứ nói với Giăng rằng đám đông “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”, tức Giê-su Christ (Khải-huyền 7:9, 14). Miễn là chúng ta thực hành đức tin nơi huyết Giê-su Christ đã đổ ra và sống phù hợp với những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi, chúng ta sẽ được trong sạch dưới mắt Đức Chúa Trời và có hy vọng sống đời đời.

19. Sự hy sinh của Giê-su chứng tỏ thế nào rằng ngài và Cha ngài yêu thương bạn?

19 Thứ ba, sự hy sinh làm giá chuộc là bằng chứng tột bực của lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va. Sự chết của Giê-su thể hiện hai hành động cao cả nhất về sự yêu thương trong lịch sử của vũ trụ: 1) Sự yêu thương của Đức Chúa Trời trong việc phái Con Ngài xuống đất để chết cho chúng ta; 2) Sự yêu thương của Giê-su trong việc sẵn sàng dâng chính mình để làm giá chuộc (Giăng 15:13; Rô-ma 5:8). Nếu chúng ta thật sự thực hành đức tin, thì sự yêu thương đó sẽ áp dụng cho mỗi người chúng ta. Sứ-đồ Phao-lô nói: “Con của Đức Chúa Trời... đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20; Hê-bơ-rơ 2:9; I Giăng 4:9, 10).

20. Tại sao chúng ta nên thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su?

20 Do đó, chúng ta hãy bày tỏ lòng biết ơn đối với sự yêu thương mà Đức Chúa Trời và Giê-su đã biểu lộ bằng cách thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su. Làm như thế chúng ta sẽ được sự sống đời đời (Giăng 3:36). Tuy nhiên, sự cứu rỗi của chúng ta không phải là lý do quan trọng nhất để Giê-su sống và chết trên đất. Ngài quan tâm rất nhiều đến một vấn đề trọng đại hơn. Đó là cuộc tranh chấp liên quan đến vũ trụ. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tới, vấn đề tranh chấp này có liên quan đến tất cả chúng ta vì nó cho thấy tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác và đau khổ kéo dài quá lâu trong thế gian.

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Tại sao Giê-su phải chết để cứu nhân loại?

Giá chuộc được trả như thế nào?

Giá chuộc cho bạn lợi ích qua những cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Trang hình ảnh nơi trang 67]