Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời thật là ai?

Đức Chúa Trời thật là ai?

Chương 3

Đức Chúa Trời thật là ai?

1. Tại sao nhiều người đồng ý với lời mở đầu của Kinh-thánh?

KHI nhìn lên bầu trời vào một đêm không mây, bạn không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều tinh tú hay sao? Bạn giải thích thế nào về sự hiện hữu của các tinh tú đó? Còn những sinh vật trên trái đất này—như những bông hoa sặc sỡ, những con chim hát líu lo, những con cá voi mạnh mẽ nhảy vọt trên mặt biển—thì sao? Ngoài ra, có vô số những điều khác mà chúng ta không thể kể hết. Tất cả những điều này không thể nào tự nhiên mà có được. Bởi vậy, không có gì là lạ khi nhiều người đồng ý với lời mở đầu của Kinh-thánh: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”! (Sáng-thế Ký 1:1).

2. Kinh-thánh nói gì về Đức Chúa Trời, và Kinh-thánh khuyến khích chúng ta làm gì?

2 Nhân loại bị chia rẽ rất nhiều khi nói đến Đức Chúa Trời. Một số người nghĩ rằng Đức Chúa Trời là một lực không liên quan đến loài người. Hàng triệu người thờ phượng tổ tiên, và cho rằng Đức Chúa Trời ở quá xa nên họ không thể đến gần Ngài được. Nhưng Kinh-thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời thật là một Đấng có thật và Ngài thành tâm chú ý đến cá nhân chúng ta. Đó là lý do tại sao Kinh-thánh khuyến khích chúng ta “tìm-kiếm Đức Chúa Trời”, và nói rằng: “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:27).

3. Tại sao chúng ta không thể nào làm hình tượng giống như Đức Chúa Trời?

3 Đức Chúa Trời có hình dáng như thế nào? Qua những sự hiện thấy, vài tôi tớ của Ngài đã nhìn thấy Ngài hiện diện một cách vinh quang. Trong những sự hiện thấy đó, Ngài tự tượng trưng là Đấng ngồi trên ngai, có ánh sáng chói lòa phát ra từ Ngài. Tuy nhiên, những người được thấy những sự hiện thấy đó chưa hề mô tả một gương mặt rõ rệt (Đa-ni-ên 7:9, 10; Khải-huyền 4:2, 3). Đó là vì “Đức Chúa Trời là Thần”; Ngài không có một thân thể bằng xương bằng thịt (Giăng 4:24). Thật ra, chúng ta không thể nào làm một hình tượng y hệt như Đấng Tạo hóa, vì “chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời” (Giăng 1:18; Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20). Tuy nhiên, Kinh-thánh dạy chúng ta nhiều điều về Đức Chúa Trời.

ĐỨC CHÚA TRỜI THẬT CÓ MỘT DANH

4. Trong Kinh-thánh, Đức Chúa Trời mang một số danh hiệu đầy ý nghĩa nào?

4 Trong Kinh-thánh, người ta nhận biết Đức Chúa Trời qua những lời như “Đức Chúa Trời toàn-năng”, “Đấng Chí-Cao”, “Đấng Tạo hóa [Vĩ đại]”, “Đấng Dạy dỗ Vĩ đại”, “Chúa Tối thượng”, và “Vua muôn đời” (Sáng-thế Ký 17:1; Thi-thiên 50:14; Truyền-đạo 12:1; Ê-sai 30:20, NW; Công-vụ các Sứ-đồ 4:24, NW; I Ti-mô-thê 1:17). Suy gẫm về những danh hiệu đó có thể giúp chúng ta gia tăng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời.

5. Danh Đức Chúa Trời là gì, và danh này xuất hiện thường đến độ nào trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ?

5 Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có một danh đặc biệt và danh này xuất hiện gần 7.000 lần chỉ riêng trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ—nhiều lần hơn bất cứ danh hiệu nào Ngài có. Khoảng 1.900 năm trước đây, vì tin dị đoan nên dân Do Thái ngưng phát âm danh Đức Chúa Trời. Khi viết ra, Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ không có nguyên âm. Vì thế, không có cách nào để biết chính xác Môi-se, Đa-vít, hoặc những người khác thời xưa phát âm bốn phụ âm (יהוה)ra sao vì chúng hợp thành danh của Đức Chúa Trời. Một số học giả cho rằng danh Đức Chúa Trời đã được phát âm là “Ya-vê”, nhưng họ không chắc chắn về điều này. Trải qua nhiều thế kỷ, người ta đã phát âm danh Đức Chúa Trời là “Giê-hô-va” và những âm tương tự trong các thứ tiếng khác được hầu hết mọi người chấp nhận ngày nay (Xem Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3 và Ê-sai 26:4).

TẠI SAO BẠN NÊN DÙNG DANH ĐỨC CHÚA TRỜI

6. Thi-thiên 83:18 nói gì về Đức Giê-hô-va, và tại sao chúng ta nên dùng danh Ngài?

6 Danh đặc biệt của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, và danh này có mục đích phân biệt Ngài với tất cả những thần khác. Đây là lý do tại sao danh đó xuất hiện thường xuyên trong Kinh-thánh, nhất là trong phần tiếng Hê-bơ-rơ. Nhiều thông dịch viên không dùng danh Đức Chúa Trời, nhưng Thi-thiên 83:18 nói rõ ràng: “Chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Vì thế, điều thích hợp là chúng ta dùng danh riêng của Đức Chúa Trời khi nói về Ngài.

7. Ý nghĩa của danh Giê-hô-va cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời?

7 Danh Đức Giê-hô-va là dạng của một động từ trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa “trở nên hoặc trở thành”. Vì thế, danh của Đức Chúa Trời có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”. Bởi vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho người ta biết Ngài là Đấng Vĩ đại có Ý định. Ngài luôn luôn làm ý định Ngài trở thành sự thật. Chỉ có Đức Chúa Trời thật mới có thể xứng đáng mang danh này, vì loài người không bao giờ có thể chắc chắn rằng những dự tính của họ sẽ thành công (Gia-cơ 4:13, 14). Chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới có thể nói: “Thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta... chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó” (Ê-sai 55:11).

8. Qua Môi-se, Đức Giê-hô-va tuyên bố ý định gì?

8 Những tộc trưởng người Hê-bơ-rơ là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đều “cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va”, nhưng họ không hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa trọn vẹn của danh Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 21:33; 26:25; 32:9; Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3). Khi Đức Giê-hô-va sau này tiết lộ ý định giải cứu con cháu họ, tức dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi cảnh nô lệ tại xứ Ê-díp-tô và ban cho họ “một xứ đượm sữa và mật”, thì điều này có vẻ không thể nào có được (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:17). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nhấn mạnh ý nghĩa muôn đời của danh Ngài qua việc Ngài phán cùng nhà tiên tri Môi-se: “Ngươi sẽ nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ-phụ các ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, sai ta đến cùng các ngươi. Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ-niệm của ta trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15).

9. Pha-ra-ôn coi Đức Giê-hô-va như thế nào?

9 Môi-se yêu cầu Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô, cho dân Y-sơ-ra-ên đi thờ phượng Đức Giê-hô-va nơi đồng vắng. Nhưng Pha-ra-ôn, người được coi như một vị thần và cũng thờ phượng các thần khác của xứ Ê-díp-tô, trả lời: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết; cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa” (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1, 2).

10. Tại xứ Ê-díp-tô xưa, Đức Giê-hô-va đã làm gì để thực thi ý định của Ngài liên quan đến dân Y-sơ-ra-ên?

10 Rồi Đức Giê-hô-va dần dần ra tay để hoàn thành ý định của Ngài, hành động phù hợp với ý nghĩa của danh Ngài. Ngài giáng mười tai vạ xuống dân Ê-díp-tô xưa. Tai vạ cuối cùng giết tất cả con đầu lòng của dân Ê-díp-tô, kể cả con trai của Pha-ra-ôn kiêu ngạo đó. Rồi dân Ê-díp-tô muốn dân Y-sơ-ra-ên đi khỏi xứ họ. Tuy nhiên, một số dân Ê-díp-tô kính phục quyền năng của Đức Giê-hô-va nên họ nhập với dân Y-sơ-ra-ên để rời xứ Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:35-38).

11. Đức Giê-hô-va làm phép lạ nào tại Biển Đỏ, và kẻ thù của Ngài buộc phải công nhận gì?

11 Pha-ra-ôn bướng bỉnh dẫn đoàn quân với hàng trăm xe trận lên đường để bắt lại những người nô lệ. Khi quân Ê-díp-tô đến gần, Đức Chúa Trời làm phép lạ rẽ Biển Đỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên có thể đi trên đất cạn để băng qua biển. Khi những kẻ đuổi theo vào đáy biển, Đức Giê-hô-va “tháo bánh xe của họ, khiến [họ] dẫn-dắt cực-nhọc”. Những chiến sĩ Ê-díp-tô kêu lên: “Ta hãy trốn khỏi dân Y-sơ-ra-ên đi, vì Đức Giê-hô-va thế dân đó mà chiến-cự cùng chúng ta”. Nhưng đã quá trễ. Các bức tường bằng nước khổng lồ ập xuống và “bao-phủ binh-xa, lính-kỵ của cả đạo binh Pha-ra-ôn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:22-25, 28). Vì thế Đức Giê-hô-va đã làm danh mình được lừng lẫy, và cho đến ngày nay người ta vẫn không quên biến cố đó (Giô-suê 2:9-11).

12, 13. a) Ngày nay, danh Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì đối với chúng ta? b) Người ta cần phải cấp bách học gì, và tại sao?

12 Danh vang lừng mà chính Đức Chúa Trời tạo ra cho Ngài có ý nghĩa trọng đại cho chúng ta ngày nay. Danh Ngài, là Giê-hô-va, bảo đảm rằng Ngài sẽ khiến tất cả ý định của Ngài được thành tựu. Điều này bao gồm cả việc hoàn thành ý định đầu tiên của Ngài là biến trái đất thành một địa đàng (Sáng-thế Ký 1:28; 2:8). Để đạt mục đích này, Ngài sẽ tiêu diệt tất cả những kẻ chống lại quyền thống trị của Ngài ngày nay, vì Ngài có nói: “Chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê-chi-ên 38:23). Rồi Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa đưa những người thờ phượng Ngài vào thế giới mới công bình (II Phi-e-rơ 3:13).

13 Tất cả những ai muốn được Đức Chúa Trời ban cho ân huệ phải học cách kêu cầu danh Ngài qua đức tin. Kinh-thánh hứa: “Ai kêu-cầu danh Chúa [Đức Giê-hô-va] thì sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13). Đúng vậy, danh Giê-hô-va có đầy ý nghĩa. Kêu cầu Đức Giê-hô-va với tư cách là Đức Chúa Trời và Đấng Giải cứu có thể đưa bạn đến hạnh phúc vô tận.

NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI THẬT

14. Kinh-thánh làm nổi bật những đức tính căn bản nào của Đức Chúa Trời?

14 Khi xem xét kỹ lưỡng cuộc giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, chúng ta thấy rõ bốn đức tính căn bản mà Đức Chúa Trời có một cách hoàn toàn cân xứng. Cách Ngài đối phó với Pha-ra-ôn cho thấy Ngài có quyền năng đáng sợ (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16). Cách Ngài khéo léo giải quyết hoàn cảnh phức tạp đó cho thấy Ngài khôn ngoan không ai sánh được (Rô-ma 11:33). Ngài biểu lộ sự công bình khi trừng phạt những kẻ bướng bỉnh chống lại Ngài và áp bức dân Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Một đức tính xuất sắc của Đức Chúa Trời là yêu thương. Đức Giê-hô-va bày tỏ sự yêu thương khác thường qua việc thực hiện lời hứa liên quan đến con cháu Áp-ra-ham (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:8). Ngài còn bày tỏ sự yêu thương qua việc cho phép một số dân Ê-díp-tô bỏ các thần giả và nhờ đứng về phía Đức Chúa Trời có một và thật nên họ đã được nhiều lợi ích.

15, 16. Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương qua những cách nào?

15 Khi đọc Kinh-thánh, bạn sẽ nhận thấy yêu thương là đức tính chính của Đức Chúa Trời, và Ngài thể hiện đức tính này qua nhiều cách. Thí dụ, chính vì lòng yêu thương nên Ngài trở thành Đấng Tạo hóa, và trước hết Ngài ban sự sống cho những tạo vật thần linh. Hàng trăm triệu thiên sứ đó yêu mến Đức Chúa Trời và ngợi khen Ngài (Gióp 38:4, 7; Đa-ni-ên 7:10). Đức Chúa Trời cũng bày tỏ sự yêu thương trong việc tạo dựng nên trái đất và sắp đặt trái đất để loài người có một đời sống hạnh phúc (Sáng-thế Ký 1:1, 26-28; Thi-thiên 115:16).

16 Lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đem lại lợi ích cho chúng ta qua rất nhiều cách, nhiều đến đỗi không thể đếm được. Trước hết, Đức Chúa Trời yêu thương tạo dựng thân thể chúng ta một cách tuyệt diệu khiến chúng ta có thể vui hưởng cuộc sống (Thi-thiên 139:14). Sự yêu thương của Ngài được bày tỏ qua việc Ngài ban cho chúng ta “mưa từ trời xuống... mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:17). Đức Chúa Trời lại còn “khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác” (Ma-thi-ơ 5:45). Sự yêu thương cũng khiến Đấng Tạo hóa giúp chúng ta có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và vui vẻ phụng sự Ngài với tư cách là những người thờ phượng Ngài. Quả thật, “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8). Nhưng đức tính của Ngài còn có nhiều khía cạnh khác.

“ĐỨC CHÚA TRỜI NHÂN-TỪ, THƯƠNG-XÓT”

17. Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7 cho chúng ta biết được gì về Đức Chúa Trời?

17 Sau khi băng qua Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên vẫn cần phải biết Đức Chúa Trời rõ hơn. Môi-se nhận thấy nhu cầu này và ông cầu xin: “Nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13). Môi-se biết Đức Chúa Trời rõ hơn khi ông nghe chính Đức Chúa Trời tuyên bố: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội-trọng và tội-lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7). Đức Chúa Trời giữ sự yêu thương cân xứng với công lý, không để những kẻ phạm tội tránh khỏi hậu quả của việc họ làm.

18. Đức Giê-hô-va chứng tỏ Ngài đầy lòng thương xót như thế nào?

18 Như Môi-se biết, Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng thương xót. Một người có lòng thương xót sẽ biết thương những người đau khổ và cố giúp họ bớt khổ sở. Vì thế Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng trắc ẩn đối với nhân loại bằng cách ban cho họ một sự sắp đặt để vĩnh viễn giải thoát họ khỏi sự đau khổ, bệnh tật và chết chóc nữa (Khải-huyền 21:3-5). Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể gặp tai họa do tình trạng của thế gian độc ác này gây ra, hoặc họ có thể hành động thiếu khôn ngoan và gặp khó khăn. Nhưng nếu họ khiêm nhường quay về Đức Giê-hô-va xin Ngài giúp đỡ, thì Ngài sẽ an ủi và giúp đỡ họ. Tại sao? Bởi vì Ngài thương xót, trìu mến và quan tâm đến những người thờ phượng Ngài (Thi-thiên 86:15; I Phi-e-rơ 5:6, 7).

19. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ?

19 Nhiều người có quyền hành đối xử khắc nghiệt với người khác. Trái lại, đối với những tôi tớ khiêm nhường, Đức Giê-hô-va nhân từ biết bao! Tuy Ngài là Đấng có uy quyền nhất trong vũ trụ, nhưng trong hầu hết mọi phương diện, Ngài bày tỏ lòng nhân từ khác thường đối với mọi người (Thi-thiên 8:3, 4; Lu-ca 6:35). Đức Giê-hô-va cũng bày tỏ lòng thương xót đối với nhiều người, ban cho họ ân huệ mà họ đặc biệt cầu xin (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:26, 27; Lu-ca 18:13, 14). Hiển nhiên, Đức Chúa Trời không bắt buộc phải làm ơn hay thương xót bất cứ ai (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19). Vì thế, chúng ta cần phải biểu lộ sự biết ơn sâu xa đối với lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 145:1, 8).

CHẬM GIẬN, KHÔNG THIÊN VỊ VÀ CÔNG BẰNG

20. Điều gì cho chúng ta thấy Đức Giê-hô-va vừa chậm giận vừa không thiên vị?

20 Đức Giê-hô-va chậm nóng giận. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ngài không làm gì cả, vì Ngài đã ra tay tiêu diệt Pha-ra-ôn ngoan cố và quân lính của hắn trong Biển Đỏ. Đức Giê-hô-va cũng không thiên vị. Vì vậy, dân Y-sơ-ra-ên, là dân được Ngài ưu đãi, rốt cuộc đã bị mất ân huệ vì họ cứ tiếp tục phạm tội. Đức Chúa Trời chấp nhận mọi người thuộc mọi dân tộc làm những người thờ phượng Ngài, nhưng Ngài chỉ chấp nhận những người tuân theo các đường lối công bình của Ngài mà thôi (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35).

21. a) Khải-huyền 15:2-4 cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời? b) Điều gì giúp chúng ta dễ dàng làm những điều Đức Chúa Trời cho là đúng?

21 Sách Khải-huyền trong Kinh-thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu về sự “đoán xét công bình” của Đức Chúa Trời. Sách này cho chúng ta biết các thiên sứ trên trời hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Toàn năng, công việc Ngài lớn lao và lạ lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường lối Ngài là công bình và chân thật! Lạy Đức Giê-hô-va, ai là kẻ không thật sự kính sợ và không ngợi khen danh Ngài, vì một mình Ngài là thành tín? Mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Ngài, vì các sự đoán xét công bình Ngài đã được tỏ ra” (Khải-huyền 15:2-4, NW). Chúng ta bày tỏ sự kính sợ Đức Giê-hô-va, hay tôn kính Ngài, bằng cách tuân theo điều Ngài nói là đúng. Chúng ta sẽ dễ làm điều này nếu chúng ta tự nhắc mình nhớ đến sự khôn ngoan và yêu thương của Đức Chúa Trời. Tất cả điều răn của Ngài đều đem lại lợi ích cho chúng ta (Ê-sai 48:17, 18).

“GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI CHÚNG TA... CÓ MỘT KHÔNG HAI”

22. Tại sao những người chấp nhận Kinh-thánh không thờ phượng Chúa Ba Ngôi?

22 Dân Ê-díp-tô xưa thờ phượng nhiều thần, nhưng Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời kỵ-tà” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5). Môi-se nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4). Giê-su Christ nhắc lại những lời đó (Mác 12:28, 29). Vì thế, những ai chấp nhận Kinh-thánh là Lời Đức Chúa Trời không thờ phượng Chúa Ba Ngôi gồm ba nhân vật hoặc ba thần hợp thành một. Thật ra, danh từ “Chúa Ba Ngôi” không có trong Kinh-thánh. Đức Chúa Trời thật là một Đấng khác với Giê-su Christ (Giăng 14:28; I Cô-rinh-tô 15:28). Thánh linh của Đức Chúa Trời không phải là một nhân vật. Đó là sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va, và được Đấng Toàn năng dùng để thực thi ý định của Ngài (Sáng-thế Ký 1:2; Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4, 32, 33; II Phi-e-rơ 1:20, 21).

23. a) Làm thế nào bạn có thể yêu mến Đức Chúa Trời nhiều hơn? b) Giê-su nói gì về sự yêu thương Đức Chúa Trời, và chúng ta cần phải biết gì về Giê-su?

23 Khi bạn xem xét Đức Giê-hô-va thật tuyệt vời làm sao, bạn không đồng ý là Ngài xứng đáng được bạn thờ phượng sao? Khi học hỏi Lời Ngài, tức Kinh-thánh, bạn sẽ biết Ngài rõ hơn và sẽ biết Ngài đòi hỏi bạn phải làm gì để có được hạnh phúc và ân phước đời đời (Ma-thi-ơ 5:3, 6). Ngoài ra, bạn sẽ yêu mến Đức Chúa Trời nhiều hơn. Điều này thật phù hợp, vì Giê-su nói: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết trí-khôn, hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mác 12:30). Hiển nhiên, Giê-su yêu mến Đức Chúa Trời như thế. Nhưng Kinh-thánh cho chúng ta biết gì về Giê-su Christ? Ngài có vai trò gì trong ý định của Đức Giê-hô-va?

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Danh Đức Chúa Trời là gì, và danh Ngài được dùng nhiều đến độ nào trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ?

Tại sao bạn nên dùng danh Đức Chúa Trời?

Bạn đặc biệt ưa thích những đức tính nào của Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 29]

Bạn biết rõ Đấng tạo ra muôn vật đến độ nào?