Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều gì xảy ra cho người thân quá cố của chúng ta?

Điều gì xảy ra cho người thân quá cố của chúng ta?

Chương 9

Điều gì xảy ra cho người thân quá cố của chúng ta?

1. Người ta cảm thấy thế nào khi người thân yêu qua đời?

“NGƯỜI TA đau khổ khi người thân yêu qua đời vì không biết được người ấy đi về đâu”. Đó là lời một người phát biểu khi cha ông qua đời và mẹ ông cũng mất không lâu sau đó. Sự đau đớn và cảm giác bị mất mát to lớn làm ông cảm thấy mình bị “chìm ngập trong đau thương”. Có lẽ bạn cũng từng bị khổ sở tương tự như vậy. Bạn có thể đã tự hỏi những người thân yêu của bạn ở đâu và bạn có bao giờ được gặp lại họ hay không.

2. Người ta nêu lên những câu hỏi phức tạp nào về sự chết?

2 Một số cha mẹ, đau buồn vì con chết, được cho biết là “Đức Chúa Trời đã đem những đứa trẻ ngoan ngoãn và xinh đẹp lên trời với Ngài”. Điều này có thật vậy không? Phải chăng những người thân quá cố của chúng ta đã đi đến lãnh vực thần linh? Phải chăng đó là nơi mà một số người gọi là cõi niết bàn và được miêu tả là trạng thái hạnh phúc tột đỉnh, không có đau đớn và ham muốn? Phải chăng những người chúng ta thương yêu đã đi vào con đường dẫn đến một đời sống bất tử trên thiên đàng? Hoặc như những người khác nói, có phải những ai làm phật lòng Đức Chúa Trời sẽ bị xuống chỗ hành hạ đời đời không? Người chết có thể giúp hoặc hại chúng ta không? Để có những câu trả lời đúng sự thật, chúng ta cần phải tra cứu Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh-thánh.

“THẦN LINH” TRONG NGƯỜI TA LÀ GÌ?

3. Socrates và Plato có quan điểm gì về người chết, và ngày nay điều này ảnh hưởng tới người ta như thế nào?

3 Những triết gia Hy Lạp xưa là Socrates và Plato tin rằng phải có một cái gì bất tử vốn có sẵn trong con người. Đó là linh hồn cứ sống mãi và không bao giờ chết. Ngày nay, hàng triệu người trên toàn thế giới tin điều này. Sự tin tưởng này thường làm người ta rất sợ người chết nhưng cũng làm người ta quan tâm không ít đến những thân nhân quá cố. Kinh-thánh dạy chúng ta rất là khác về tình trạng người chết.

4. a) Sáng-thế Ký cho chúng ta biết điều gì về linh hồn? b) Đức Chúa Trời cho gì vào người A-đam để ông được sống?

4 Khi xem xét tình trạng của người chết, chúng ta phải nhớ rằng tổ phụ chúng ta là A-đam không linh hồn. A-đam một linh hồn. Trong một việc sáng tạo lạ lùng, Đức Chúa Trời dựng nên người nam—một linh hồn—từ những nguyên tố căn bản của đất và rồi hà “sinh khí” vào cơ thể của người. Sáng-thế Ký 2:7 nói với chúng ta như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sanh-linh [linh hồn sống]”. Sự sống của A-đam được duy trì bởi hơi thở. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời hà hơi thở sự sống vào người A-đam, Ngài làm nhiều hơn là chỉ thổi dưỡng khí vào hai buồng phổi của ông. Kinh-thánh nói đến “sinh khí [lực sự sống, NW]” tích cực hoạt động trong những sinh vật sống trên đất (Sáng-thế Ký 7:22, NW).

5, 6. a) “Sinh khí” là gì? b) Điều gì sẽ xảy ra khi “hơi-thở [thần linh]” ghi nơi Thi-thiên 146:4 ngưng đem sự sống cho cơ thể?

5 “Sinh khí [lực sự sống]” là gì? Đó là lực sống tối quan trọng mà Đức Chúa Trời cho vào thân thể vô tri vô giác của A-đam. Rồi lực này được duy trì bởi hơi thở. Thế thì “hơi-thở [thần linh, NW]” được nói đến nơi Thi-thiên 146:4 là gì? Câu này nói về người chết: “Hơi-thở [thần linh] tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi”. Khi những người viết Kinh-thánh dùng chữ “hơi-thở [thần linh]” theo lối này, họ không nghĩ đến một linh hồn lìa cơ thể và tiếp tục sống sau khi cơ thể đó chết đi.

6 “Hơi-thở [thần linh]” lìa khỏi xác lúc người ta chết chính là sinh hoạt lực bắt nguồn với Đấng Tạo hóa chúng ta (Thi-thiên 36:9; Công-vụ các Sứ-đồ 17:28). Sinh hoạt lực này không có những đặc tính của những tạo vật mà nó làm cho sống, giống như điện không có những đặc tính của đồ dùng mà điện làm cho chạy. Khi một người chết đi, thần linh (sinh hoạt lực) ngưng đem lại sự sống cho các tế bào của thân thể, giống như đèn hết sáng khi người ta tắt điện. Khi sinh hoạt lực ngừng duy trì thân thể, thì người ta, tức là linh hồn bị chết (Thi-thiên 104:29; Truyền-đạo 12:1, 7).

“NGƯƠI SẼ TRỞ VỀ BỤI”

7. Chuyện gì xảy ra cho A-đam nếu ông không vâng lời Đức Chúa Trời?

7 Đức Giê-hô-va giải thích rành mạch sự chết có nghĩa gì đối với người phạm tội A-đam. Đức Chúa Trời nói: “Người sẽ làm đổ mồ-hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19). A-đam sẽ trở về đâu? Trở về đất, trở về bụi đất, vì từ đó mà người được tạo ra. Lúc chết, A-đam hoàn toàn không còn hiện hữu nữa!

8. Linh hồn loài người không hơn linh hồn loài vật ở chỗ nào?

8 Về phương diện này, sự chết của loài người cũng không khác gì với sự chết của loài vật. Chúng cũng là linh hồn, và có cùng thần linh, hoặc sinh hoạt lực, cho chúng năng lực (Sáng-thế Ký 1:24, NW). Nơi Truyền-đạo 3:19, 20, người khôn ngoan Sa-lô-môn nói với chúng ta như sau: “Sự chết của loài này cũng như sự chết của loài kia; hai loài đều thở một thứ hơi [có một thứ thần linh, NW], [khi chết đi] loài người chẳng hơn gì loài thú;... Cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất”. Loài người hơn loài thú vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo họ theo hình Ngài, phản ảnh những đức tính của Ngài (Sáng-thế Ký 1:26, 27). Tuy nhiên, khi chết đi thì loài người cũng như loài vật đều trở về với bụi đất.

9. Người chết ở trong tình trạng nào, và họ đi về đâu?

9 Sa-lô-môn giải thích thêm sự chết là gì: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết”. Đúng vậy, người chết hoàn toàn không biết gì hết. Về điều này, Sa-lô-môn khuyên người ta: “Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ (Sheol), là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền-đạo 9:5, 10). Những người chết đi đâu? Đi đến Sheol (tiếng Hê-bơ-rơ là sheʼohlʹ), tức mồ mả chung của nhân loại. Những người thân quá cố của chúng ta đều không biết gì hết. Họ không đau khổ, và không thể giúp hoặc hại chúng ta gì cả.

10. Tại sao chúng ta có thể nói rằng chết không phải là hết?

10 Phải chăng tất cả chúng ta và những người thân yêu chỉ sống có vài năm rồi ngừng hiện hữu mãi mãi? Theo Kinh-thánh, điều này không phải như vậy. Lúc A-đam phản nghịch, Giê-hô-va Đức Chúa Trời liền thiết lập những sự sắp đặt để hoàn toàn thay đổi hậu quả tai hại do tội lỗi loài người gây ra. Đức Chúa Trời không muốn nhân loại chết (Ê-xê-chi-ên 33:11; II Phi-e-rơ 3:9). Vì thế, đối với chúng ta và người thân yêu, chết không phải là hết.

“ĐƯƠNG NGỦ”

11. Khi La-xa-rơ chết, Giê-su miêu tả tình trạng của bạn ngài như thế nào?

11 Ý định của Đức Giê-hô-va là cứu chúng ta và những người thân yêu quá cố của chúng ta khỏi tội chết do A-đam gây ra. Vì thế, Kinh-thánh nói đến người chết như đang ngủ. Thí dụ, khi được biết bạn ngài là La-xa-rơ đã chết, Giê-su Christ nói với các môn đồ ngài: “La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người”. Vì các môn đồ không hiểu ngay ý nghĩa của lời nói đó, nên Giê-su nói rõ ràng: “La-xa-rơ chết rồi” (Giăng 11:11, 14). Rồi Giê-su đi đến làng Bê-tha-ni, nơi hai người em gái của La-xa-rơ là Ma-thê và Ma-ri đang than khóc anh mình. Khi Giê-su nói với Ma-thê: “Anh ngươi sẽ sống lại”, thì bà bày tỏ niềm tin nơi ý định của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ hoàn toàn thay đổi hậu quả của sự chết mà gia đình nhân loại phải gánh chịu. Ma-thê nói: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:23, 24).

12. Tuy mất anh, nhưng Ma-thê có hy vọng gì về người quá cố?

12 Ma-thê không nói gì về linh hồn bất tử sống ở một nơi nào khác sau khi người ta chết. Bà không tin La-xa-rơ đã đi đến một lãnh vực thần linh để tiếp tục sống. Ma-thê tin tưởng vào hy vọng tuyệt diệu là người chết sẽ được sống lại. Bà hiểu rằng không phải linh hồn bất tử đã rời xác của La-xa-rơ, nhưng anh bà không còn sống nữa. Cách cứu vãn là làm cho anh bà sống lại.

13. Đức Chúa Trời ban cho Giê-su quyền năng nào, và ngài bày tỏ quyền năng này như thế nào?

13 Giê-su Christ là đấng được Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho quyền để cứu chuộc nhân loại (Ô-sê 13:14). Vì thế, để đáp lại lời Ma-thê, Giê-su nói: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25). Giê-su bày tỏ quyền năng Đức Chúa Trời ban cho ngài về phương diện này khi ngài đến mồ của La-xa-rơ sau khi La-xa-rơ chết được bốn ngày, và làm ông sống lại (Giăng 11:38-44). Bạn hãy thử tưởng tượng nỗi vui mừng của những người nhìn thấy La-xa-rơ hoặc những người khác mà Giê-su Christ đã làm sống lại! (Mác 5:35-42; Lu-ca 7:12-16).

14. Tại sao sự sống lại và quan điểm về linh hồn bất tử mâu thuẫn nhau?

14 Hãy tạm ngưng để suy xét thận trọng ý tưởng sau đây: Không ai cần được làm cho sống lại nếu linh hồn bất tử còn sống sau khi họ chết. Thật ra, nếu La-xa-rơ đã được thưởng để lên thiên đàng thì chuyện làm cho ông sống lại để có một đời sống bất toàn trên đất quả là một việc nhẫn tâm. Thực sự là Kinh-thánh không bao giờ dùng những chữ “linh hồn bất tử”. Ngược lại, Kinh-thánh nói rằng linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết (Ê-xê-chi-ên 18:4, 20). Vì thế Kinh-thánh chỉ rõ sự sống lại mà Đức Chúa Trời ban cho là giải pháp thật cho sự chết.

“MỌI NGƯỜI Ở TRONG MỒ-MẢ”

15. a) Từ “sống lại” có nghĩa gì? b) Tại sao việc cho người ta sống lại không phải là một vấn đề đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời?

15 Chữ “sống lại” mà các môn đồ Giê-su dùng có nghĩa đen là “dựng lên” hay “đứng dậy”. Chúng ta có thể nói đây là sự dựng lên từ tình trạng vô tri vô giác của sự chết, như thể là đứng dậy và ra khỏi mồ mả chung của nhân loại. Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể làm người chết sống lại một cách dễ dàng. Tại sao? Bởi vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo ra sự sống. Ngày nay, người ta có thể thu tiếng nói và hình ảnh của người nào đó trong băng video và có thể chiếu lại sau khi người đó qua đời. Vậy thì chắc chắn Đấng Tạo hóa toàn năng của chúng ta có thể thu lại những chi tiết của bất cứ người nào và cho chính người đó sống lại với một thân thể mới.

16. a) Giê-su hứa gì về tất cả những ai ở trong mồ mả? b) Điều gì xác định những người sống lại sẽ được gì hay bị gì?

16 Giê-su Christ nói: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài [Giê-su] và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét-đoán” (Giăng 5:28, 29). Tất cả những ai ở trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va sẽ được sống lại và được dạy dỗ về đường lối Ngài. Đối với những người hành động phù hợp theo sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, thì điều này sẽ biến thành sự sống lại để được sống. Tuy nhiên, đối với những ai bác bỏ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời và quyền cai trị của Ngài, thì điều này sẽ trở thành sự sống lại để bị xét phạt.

17. Ai sẽ được sống lại?

17 Hiển nhiên, những người theo đuổi đường lối công bình với tư cách là tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ được sống lại. Hy vọng được sống lại thực sự đã giúp nhiều người vững mạnh khi đứng trước cái chết, ngay cả trong những trường hợp bị người ta đối xử tàn bạo. Họ biết rằng Đức Chúa Trời có thể cho họ sống lại (Ma-thi-ơ 10:28). Nhưng hàng triệu người trước khi chết đã không tỏ ra là họ có tuân theo tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời hay không. Họ cũng được sống lại. Vì tin tưởng nơi ý định của Đức Giê-hô-va về vấn đề này, nên sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi có sự trông-cậy này nơi Đức Chúa Trời,... tức là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15).

18. a) Sứ đồ Giăng nhận được sự hiện thấy nào về sự sống lại? b) Cái gì bị hủy diệt trong “hồ lửa”, và “hồ” này tượng trưng cho điều gì?

18 Sứ-đồ Giăng nhận được sự hiện thấy rất hứng thú vì ông thấy những người được sống lại đứng trước ngai Đức Chúa Trời. Rồi Giăng viết: “Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm-phủ (Hades) cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử-đoán tùy công-việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm-phủ (Hades) bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai” (Khải-huyền 20:12-14). Bạn hãy tưởng tượng xem! Tất cả những người chết nằm trong trí nhớ của Đức Chúa Trời đều có triển vọng được ra khỏi Hades (tiếng Hy Lạp là haiʹdes), hoặc Sheol, tức mồ mả chung của nhân loại (Thi-thiên 16:10; Công-vụ các Sứ-đồ 2:31). Họ sẽ có một cơ hội để bày tỏ bằng hành động là họ phụng sự Đức Chúa Trời hay không. Rồi “Sự chết và Âm-phủ (Hades)” sẽ bị quăng xuống nơi gọi là “hồ lửa”, tượng trưng cho sự hủy diệt hoàn toàn, giống như chữ “Ghê-hen-na” (Lu-ca 12:5, NW). Chính mồ mả chung của nhân loại sẽ trống rỗng và sẽ không còn nữa khi Đức Chúa Trời hoàn tất sự sống lại. Chúng ta được an tâm biết bao khi biết Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời không hành tội bất cứ ai! (Giê-rê-mi 7:30, 31).

SỐNG LẠI Ở ĐÂU?

19. Tại sao một số người sẽ được sống lại để lên trời, và Đức Chúa Trời ban cho họ một cơ thể nào?

19 Chỉ một số người, nam lẫn nữ, sẽ được sống lại ở trên trời. Cùng với Giê-su, họ sẽ làm vua và thầy tế lễ, và góp phần sửa đổi mọi hậu quả của sự chết mà người đầu tiên là A-đam đã để lại cho nhân loại (Rô-ma 5:12; Khải-huyền 5:9, 10). Đức Chúa Trời sẽ đem bao nhiêu người lên trời để cùng cai trị với đấng Christ? Theo Kinh-thánh, chỉ có 144.000 người mà thôi (Khải-huyền 7:4; 14:1). Đức Giê-hô-va sẽ cho mỗi người đó một cơ thể thần linh để họ có thể sống ở trên trời (I Cô-rinh-tô 15:35, 38, 42-45; I Phi-e-rơ 3:18).

20. Những người biết vâng lời Đức Chúa Trời, kể cả những người sống lại sẽ được gì?

20 Đa số những người đã chết sẽ được sống lại trong địa đàng trên đất (Thi-thiên 37:11, 29; Ma-thi-ơ 6:10). Một phần của lý do mà một số người được sống lại để lên trời là nhằm hoàn tất ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất. Giê-su Christ và 144.000 người ở trên trời sẽ dần dần đem những người biết vâng lời Đức Chúa Trời trở lại tình trạng hoàn toàn mà tổ phụ đầu tiên của chúng ta đã đánh mất. Cả những người sống lại cũng được trở lại tình trạng đó, như Giê-su cho biết khi ngài nói với người đang hấp hối bị đóng đinh bên cạnh ngài: “Ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi [Địa đàng, NW]” (Lu-ca 23:42, 43).

21. Theo nhà tiên tri Ê-sai và sứ đồ Giăng, chuyện gì sẽ xảy ra cho sự chết?

21 Sự chết mà ngày nay chỉ là sự hư không, vô nghĩa sẽ biến mất trong Địa đàng trên đất (Rô-ma 8:19-21). Nhà tiên tri Ê-sai tuyên bố rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời “[sẽ] nuốt sự chết đến đời đời” (Ê-sai 25:8). Trong sự hiện thấy mà Đức Chúa Trời ban cho ông, sứ đồ Giăng thấy thời kỳ mà nhân loại biết vâng lời sẽ không bị đau đớn và chết nữa. Vâng, “chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (Khải-huyền 21:1-4).

22. Hiểu biết về sự sống lại ảnh hưởng bạn thế nào?

22 Sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh-thánh giúp người ta không còn hoang mang về điều gì xảy cho người chết. Kinh-thánh nói rõ rằng sự chết là ‘kẻ thù sau-cùng’ sẽ bị hủy diệt (I Cô-rinh-tô 15:26). Nhờ có sự hiểu biết về hy vọng được sống lại, chúng ta cảm thấy được an tâm và vững lòng làm sao! Và chúng ta có thể vui biết bao khi những người thân yêu quá cố của chúng ta ở trong trí nhớ của Đức Chúa Trời sẽ thức dậy từ cõi chết để hưởng mọi điều tốt lành mà Ngài dành cho những người yêu thương Ngài! (Thi-thiên 145:16). Nước Trời sẽ đem lại những ân phước đó. Nhưng Nước Trời đã bắt đầu cai trị khi nào? Chúng ta hãy xem.

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Thần linh trong người ta là gì?

Bạn miêu tả tình trạng của người chết như thế nào?

Ai sẽ được sống lại?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 85]

Giê-su gọi La-xa-rơ ra khỏi mộ thể nào, thì hàng triệu người cũng sẽ được sống lại thể ấy

[Hình nơi trang 86]

Mọi người sẽ vui mừng khi ‘Đức Chúa Trời nuốt sự chết đến đời đời’