Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kháng cự những ác thần

Kháng cự những ác thần

Chương 12

Kháng cự những ác thần

1. Giê-su đã phản ứng ra sao khi ngài chạm trán với những ác thần?

NGAY sau khi làm báp têm, Giê-su Christ đi đến đồng vắng xứ Giu-đê để cầu nguyện và suy ngẫm. Tại đó Sa-tan Ma-quỉ cố làm ngài vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Giê-su bác bỏ sự cám dỗ của Sa-tan và không để mình bị mắc bẫy hắn. Giê-su đã đương đầu với những ác thần khác trong thời gian làm thánh chức trên đất. Nhưng nhiều lần ngài quở trách và kháng cự chúng (Lu-ca 4:1-13; 8:26-34; 9:37-43).

2. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Sự tường thuật của Kinh-thánh miêu tả về những cuộc chạm trán đó giúp chúng ta tin là những ác thần có thật. Chúng cố lừa gạt người ta. Tuy nhiên chúng ta có thể kháng cự những ác thần này. Nhưng, ác thần từ đâu ra? Tại sao chúng cố lường gạt loài người? Và chúng dùng những phương pháp nào để đạt đến mục tiêu của chúng? Biết được những lời giải đáp cho các câu hỏi đó sẽ giúp bạn kháng cự những ác thần.

ÁC THẦN—NGUỒN GỐC VÀ MỤC TIÊU CỦA CHÚNG

3. Sa-tan Ma-quỉ từ đâu ra?

3 Đức Chúa Trời tạo ra các tạo vật thần linh từ lâu trước khi tạo ra loài người (Gióp 38:4, 7). Như chương 6 có giải thích, một trong các thiên sứ này muốn loài người thờ phượng hắn thay vì thờ Đức Giê-hô-va. Để theo đuổi mục tiêu đó, thiên sứ ác này chống đối và vu khống Đấng Tạo hóa, thậm chí hắn còn gợi cho người đàn bà đầu tiên có ý tưởng là Đức Chúa Trời nói dối. Vì vậy, gọi kẻ phản loạn này là Sa-tan (kẻ chống đối) Ma-quỉ (kẻ vu khống) là rất thích hợp (Sáng-thế Ký 3:1-5; Gióp 1:6).

4. Vào thời Nô-ê, một số thiên sứ đã phạm tội như thế nào?

4 Sau đó, các thiên sứ khác theo phe Sa-tan Ma-quỉ. Vào thời người công bình Nô-ê, một số thiên sứ này bỏ công việc trên trời và lấy thân thể loài người để thỏa mãn sự ham muốn tình dục với đàn bà trên đất. Dĩ nhiên Sa-tan đã xúi các thiên sứ đó đi theo đường lối ngỗ nghịch. Điều đó đã khiến chúng trở thành cha của giống con lai gọi là Nê-phi-lim, tức bọn ức hiếp hung bạo. Khi Đức Giê-hô-va giáng trận Nước lụt lớn, nhân loại đồi bại và giống con trái tự nhiên của các thiên sứ ngỗ nghịch bị hủy diệt. Những thiên sứ phản loạn thoát khỏi sự hủy diệt nhờ lột bỏ thân thể loài người và trở về lãnh vực thần linh. Nhưng Đức Chúa Trời hạn chế các quỉ này bằng cách đối xử với chúng như những kẻ bị ruồng bỏ trong tình trạng tối tăm về thiêng liêng (Sáng-thế Ký 6:1-7, 17; Giu-đe 6). Tuy nhiên Sa-tan, “chúa quỉ” và những thiên sứ ác của hắn tiếp tục theo sự phản loạn của chúng (Lu-ca 11:15). Mục đích của chúng là gì?

5. Sa-tan và các quỉ có mục đích nào, và chúng dùng gì để phỉnh gạt người ta?

5 Mục tiêu gian ác của Sa-tan và các quỉ là khiến người ta xa cách Đức Giê-hô-va. Vì vậy, trong suốt lịch sử loài người, những ác thần này đã lừa gạt người ta, khiến họ sợ hãi và tấn công họ (Khải-huyền 12:9). Có những chuyện xảy ra thời nay xác định sự công kích của các quỉ dữ tợn hơn bao giờ hết. Để phỉnh gạt người ta, các quỉ thường dùng mọi hình thức của ma thuật. Các quỉ dùng miếng mồi ma thuật như thế nào, và làm sao bạn có thể tự vệ?

ÁC THẦN CỐ ĐÁNH LỪA BẠN THẾ NÀO

6. Ma thuật là gì, và có một số hình thức nào?

6 Ma thuật là gì? Đó là sự liên lạc với các quỉ hoặc ác thần, dù là trực tiếp hay qua người đồng cốt. Ma thuật hữu dụng cho các quỉ cũng như mồi hữu dụng cho thợ săn: dùng để dụ con mồi. Và như thợ săn dùng nhiều thứ mồi khác nhau để dụ con vật vào bẫy, thì ác thần cũng khuyến khích nhiều hình thức ma thuật để khiến người ta ở dưới quyền kiểm soát của chúng. (So sánh Thi-thiên 119:110). Một số hình thức này là bói khoa, ma thuật, xem điềm, phép phù thủy, bùa ếm, cầu hỏi đồng cốt và liên lạc với người chết.

7. Ma thuật lan rộng đến độ nào, và tại sao nó nẩy nở ngay trong những xứ được gọi là theo đạo đấng Christ?

7 Miếng mồi này được thành công vì ma thuật lôi cuốn được nhiều người trên khắp thế giới. Những người sống nơi làng mạc trong rừng đi đến thầy pháp, và các người làm việc văn phòng ở thành thị cầu hỏi chiêm tinh gia. Ma thuật phát triển mạnh ngay cả trong những xứ tự xưng theo đạo đấng Christ. Cuộc nghiên cứu cho biết chỉ riêng tại Hoa Kỳ có chừng 30 tạp chí với tổng số ấn hành trên 10.000.000 cuốn dành để phổ biến các hình thức khác nhau của ma thuật. Mỗi năm người Ba-tây chi hơn 500 triệu mỹ kim cho những vật dùng trong ma thuật. Thế mà 80 phần trăm những người tham dự các trung tâm thờ phượng ma thuật trong xứ đó là người Công giáo và cũng dự lễ Mi-sa. Vì một số tu sĩ thực hành ma thuật, nhiều người sùng đạo nghĩ rằng Đức Chúa Trời chấp nhận sự thực hành của họ. Nhưng có thật vậy không?

TẠI SAO KINH-THÁNH LÊN ÁN SỰ THỰC HÀNH MA THUẬT

8. Kinh-thánh nói gì về ma thuật?

8 Nếu bạn được dạy là vài hình thức của ma thuật là cách để liên lạc với các thần tốt, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết Kinh-thánh nói gì về ma thuật. Đức Giê-hô-va cảnh cáo dân Ngài: “Các ngươi chớ cầu đồng-cốt hay là thầy bói; chớ hỏi chúng nó, e vì chúng nó mà các ngươi phải bị ô-uế” (Lê-vi Ký 19:31; 20:6, 27). Sách Khải-huyền trong Kinh-thánh báo trước rằng “kẻ phù-phép” cuối cùng sẽ bị vào “hồ có lửa và diêm cháy bừng-bừng: đó là sự chết thứ hai [đời đời]” (Khải-huyền 21:8; 22:15). Giê-hô-va Đức Chúa Trời không chấp nhận mọi hình thức của ma thuật (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12). Tại sao như thế?

9. Tại sao chúng ta có thể kết luận rằng những thông điệp ngày nay đến từ cõi thần linh không phải là từ Đức Giê-hô-va?

9 Đức Giê-hô-va sai các thần tốt, hoặc thiên sứ công bình, để liên lạc với một số người trước khi Kinh-thánh được hoàn tất. Từ lúc Kinh-thánh được viết xong, Lời Đức Chúa Trời cho nhân loại sự hướng dẫn cần thiết để phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách Ngài chấp nhận (II Ti-mô-thê 3:16, 17; Hê-bơ-rơ 1:1, 2). Ngài không bỏ qua Lời thánh của Ngài bằng cách đưa thông điệp cho các đồng cốt. Ngày nay tất cả những thông điệp như thế đến từ thế giới thần linh là xuất phát từ các ác thần. Sự thực hành ma thuật có thể đưa đến việc bị quỉ quấy nhiễu hoặc bị ác thần nhập vào người. Vì vậy, Đức Chúa Trời yêu thương căn dặn chúng ta chớ dính líu đến bất cứ sự thực hành ma thuật nào cả (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:14; Ga-la-ti 5:19-21). Hơn nữa, sau khi biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề này, nếu chúng ta còn tiếp tục thực hành ma thuật tức là chúng ta theo phe những ác thần phản nghịch và sẽ là kẻ thù của Đức Chúa Trời (I Sa-mu-ên 15:23; I Sử-ký 10:13, 14; Thi-thiên 5:4).

10. Bói khoa là gì, và tại sao chúng ta nên tránh coi bói?

10 Một hình thức phổ thông của ma thuật là bói khoa—cố tìm hiểu chuyện tương lai hoặc chuyện không biết qua sự giúp đỡ của các thần linh. Một số hình thức của bói khoa là chiêm tinh, bói bằng quả cầu thủy tinh, giải mộng, coi chỉ tay và bói bài ta-rô. Nhiều người xem bói toán là trò vui vô hại nhưng Kinh-thánh cho thấy thầy bói và những ác thần có liên hệ chặt chẽ với nhau. Thí dụ, Công-vụ các Sứ-đồ 16:16-19 đề cập đến “quỉ [bói khoa]” giúp một đứa con gái “bói khoa”. Tuy nhiên, khi quỉ bị đuổi ra khỏi nó thì khả năng bói toán chuyện tương lai bị mất đi. Rõ ràng là các quỉ dùng bói khoa như miếng mồi để quyến dụ người ta vào bẫy của chúng.

11. Những cố gắng để liên lạc với người chết dẫn vào bẫy như thế nào?

11 Nếu bạn đang đau buồn trước cái chết của một người nhà hoặc người bạn thân, bạn có thể dễ bị một miếng mồi khác cám dỗ. Người đồng cốt có lẽ cho bạn biết một tin đặc biệt hoặc có lẽ nói giống như giọng nói của người chết. Hãy coi chừng! Những cố gắng liên lạc với người chết sẽ dẫn bạn vào bẫy. Tại sao? Bởi vì người chết không thể nói được. Chắc bạn nhớ Lời Đức Chúa Trời nói rõ ràng là khi chết một người “trở về bụi đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi”. Người chết “chẳng biết chi hết” (Thi-thiên 146:4; Truyền-đạo 9:5, 10). Hơn nữa, chính là các quỉ bắt chước giọng nói của người chết và cho người đồng cốt biết tin tức về người đã chết (I Sa-mu-ên 28:3-19). Vậy “kẻ đi cầu vong” là người bị ác thần phỉnh gạt và làm trái lại ý muốn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:11, 12; Ê-sai 8:19).

TỪ LÔI CUỐN ĐẾN TẤN CÔNG

12, 13. Có bằng chứng nào cho thấy các quỉ không ngừng cám dỗ và quấy nhiễu người ta?

12 Khi bạn tuân theo lời khuyên trong Kinh-thánh về vấn đề ma thuật, tức là bạn bác bỏ miếng mồi của các quỉ. (So sánh Thi-thiên 141:9, 10; Rô-ma 12:9). Điều này có phải là những ác thần sẽ ngừng áp chế bạn không? Chắc chắn không! Sau khi cám dỗ Giê-su ba lần, Sa-tan “lìa bỏ Ngài mà đợi dịp” (Luca 13,Lu-ca 4:13 Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Tương tự như vậy, các ác thần ngoan cố không những lôi cuốn người ta mà còn tấn công họ.

13 Nhớ lại trước đây chúng ta đã xem xét việc Sa-tan tấn công tôi tớ của Đức Chúa Trời là Gióp. Ma-quỉ làm ông mất bầy súc vật và giết tôi tớ của ông, thậm chí Sa-tan còn giết cả con cái ông. Kế đến, hắn khiến Gióp bị một chứng bệnh đau đớn. Nhưng Gióp giữ lòng trung kiên đối với Đức Chúa Trời và ông được rất nhiều ân phước (Gióp 1:7-19; 2:7, 8; 42:12). Từ đó trở đi, các quỉ đã khiến một số người bị câm hoặc mù và chúng tiếp tục thích thú trước sự đau khổ của nhân loại (Ma-thi-ơ 9:32, 33; 12:22; Mác 5:2-5). Ngày nay, các báo cáo cho thấy một số người bị các quỉ quấy nhiễu tình dục và đưa đẩy những người khác vào tình trạng rối loạn tâm thần. Chúng còn xui giục những người khác giết người và tự tử nữa, đó là những tội nghịch cùng Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:17; I Giăng 3:15). Tuy nhiên, hàng ngàn người ngày trước ở trong bẫy của những ác thần này đã thoát ra được. Làm sao họ thoát được? Họ thoát bằng cách áp dụng những biện pháp quan trọng.

LÀM SAO KHÁNG CỰ ÁC THẦN

14. Để phù hợp với gương của tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất tại Ê-phê-sô, làm sao bạn có thể kháng cự những ác thần?

14 Có một cách nào để bạn có thể kháng cự ác thần và bảo vệ chính mình và gia đình khỏi bẫy của chúng không? Tuy thực hành ma thuật trước khi tin đạo, tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất tại Ê-phê-sô đã áp dụng những biện pháp tích cực. Chúng ta đọc thấy “có lắm người trước theo nghề phù-pháp đem sách-vở mình đốt trước mặt thiên-hạ” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:19). Dù cho bạn không thực hành ma thuật, bạn nên loại bỏ bất cứ thứ gì có tính cách quỉ quái, như là sách báo, video, bức tranh in lớn, dĩa hát và những vật dùng trong ma thuật. Điều này cũng bao hàm hình tượng, bùa đeo và các vật phù hộ khác và quà tặng của những người thực hành ma thuật (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:25, 26; I Cô-rinh-tô 10:21). Để thí dụ: Một cặp vợ chồng ở Thái Lan từ lâu bị các quỉ quấy nhiễu. Thế là họ quăng bỏ hết các vật có liên hệ đến ma thuật. Kết quả là gì? Họ được thoát khỏi sự tấn công của ma quỉ và sau đó họ thật sự tiến bộ về thiêng liêng.

15. Để kháng cự với ác thần, biện pháp nào khác là cần thiết?

15 Để kháng cự ác thần, biện pháp cần thiết khác là áp dụng lời khuyên của Phao-lô, mang lấy khí giới thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho (Ê-phê-sô 6:11-17). Tín đồ đấng Christ phải củng cố phương cách đề phòng hầu kháng cự những ác thần. Biện pháp này bao hàm điều gì? Phao-lô nói: “Lại phải lấy thêm đức-tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ”. Thật vậy, đức tin bạn mạnh chừng nào thì khả năng của bạn kháng cự các ác thần càng nhiều chừng nấy (Ma-thi-ơ 17:14-20).

16. Làm sao bạn có thể củng cố đức tin mình?

16 Làm sao bạn có thể củng cố đức tin mình? Bằng cách tiếp tục học hỏi Kinh-thánh và áp dụng các lời khuyên của Kinh-thánh trong đời sống bạn. Sức mạnh của đức tin của một người phần lớn tùy thuộc vào sự vững vàng của nền tảng đức tin—sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Chẳng phải bạn đồng ý là sự hiểu biết chính xác mà bạn có được và xem trọng khi bạn học hỏi Kinh-thánh đã xây dựng đức tin của bạn hay sao? (Rô-ma 10:10, 17). Vì vậy, chắc chắn là khi bạn tiếp tục học hỏi và có thói quen đến dự các buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va, đức tin bạn sẽ được củng cố thêm nữa (Rô-ma 1:11, 12; Cô-lô-se 2:6, 7). Điều này sẽ là một sự che chở chắc chắn để kháng cự lại những tấn công của ma quỉ (I Giăng 5:5).

17. Biện pháp nào nữa có thể là cần thiết trong việc kháng cự những ác thần?

17 Một người quyết tâm kháng cự những ác thần có thể dùng biện pháp nào nữa? Tín đồ đấng Christ tại Ê-phê-sô cần sự che chở vì họ sống trong một thành phố tràn ngập ma thuật. Vì thế, Phao-lô nói với họ: “Hãy nhờ [thánh linh] thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện” (Ê-phê-sô 6:18). Vì chúng ta sống trong một thế gian đầy ảnh hưởng của ma quỉ, cầu nguyện nhiệt thành xin sự che chở của Đức Chúa Trời là cần thiết để kháng cự lại ác thần (Ma-thi-ơ 6:13). Về phương diện này, sự giúp đỡ về thiêng liêng và cầu nguyện của những trưởng lão được bổ nhiệm trong hội thánh tín đồ đấng Christ rất là hữu ích (Gia-cơ 5:13-15).

TIẾP TỤC CHỐNG TRẢ ÁC THẦN

18, 19. Một người có thể làm gì nếu bị các quỉ quấy phá nữa?

18 Tuy nhiên, ngay cả sau khi áp dụng những biện pháp này, một số người vẫn bị ác thần quấy nhiễu. Thí dụ, một người đàn ông ở Côte d’Ivoire học hỏi Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va và hủy bỏ hết mọi bùa đeo của ông. Sau đó, ông rất tấn tới, dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm. Nhưng sau khi làm báp têm được một tuần, các quỉ bắt đầu quấy phá anh nữa, và có tiếng nói bảo anh bỏ đức tin mới của anh. Nếu điều này xảy ra cho bạn, có phải là bạn đã mất sự che chở của Đức Giê-hô-va không? Không đâu.

19 Dù người hoàn toàn Giê-su Christ có sự che chở của Đức Chúa Trời, ngài vẫn nghe tiếng nói của tạo vật thần linh độc ác là Sa-tan Ma-quỉ. Giê-su cho biết phải làm gì trong trường hợp đó. Ngài nói với Ma-quỉ: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra!” (Ma-thi-ơ 4:3-10). Cũng thế, bạn nên từ chối nghe tiếng nói từ cõi thần linh. Kháng cự những ác thần bằng cách kêu gọi Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Đúng vậy, cầu nguyện lớn tiếng dùng danh Đức Chúa Trời. Châm-ngôn 18:10 nói: “Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố; kẻ công-bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn-trú cao”. Người tín đồ đấng Christ ở Côte d’Ivoire đã làm thế, và những ác thần ngưng quấy nhiễu anh (Thi-thiên 124:8; 145:18).

20. Để tóm tắt, bạn có thể làm gì để kháng cự những ác thần?

20 Đức Giê-hô-va đã cho phép những ác thần sống, nhưng Ngài bày tỏ quyền lực, nhất là vì dân tộc của Ngài và vì danh Ngài đang được rao truyền trên khắp đất (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16). Nếu bạn cứ ở gần Đức Chúa Trời, bạn không cần sợ hãi những ác thần (Dân-số Ký 23:21, 23; Gia-cơ 4:7, 8; II Phi-e-rơ 2:9). Quyền lực của chúng có giới hạn. Chúng bị trừng phạt vào thời Nô-ê, bị quăng khỏi trời cách đây không lâu, và hiện đang chờ sự phán xét cuối cùng (Giu-đe 6; Khải-huyền 12:9; 20:1-3, 7-10, 14). Thật vậy, chúng khiếp sợ sự hủy diệt sắp đến (Gia-cơ 2:19). Vậy, dù ác thần cố lôi cuốn bạn bằng thứ mồi nào hoặc tấn công bạn cách nào, bạn có thể kháng cự chúng (II Cô-rinh-tô 2:11). Hãy tránh mọi hình thức ma thuật, áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh, và tìm kiếm sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va. Hãy làm điều này ngay, chớ chậm trễ, vì sự sống bạn tùy thuộc việc bạn kháng cự những ác thần!

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Những ác thần cố lừa gạt người ta như thế nào?

Tại sao Kinh-thánh lên án ma thuật?

Làm sao một người thoát khỏi những ác thần?

Tại sao bạn nên tiếp tục kháng cự những ác thần?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 110]

Bạn xem các hình thức của ma thuật như thế nào?