Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao bạn có thể đến gần Đức Chúa Trời

Làm sao bạn có thể đến gần Đức Chúa Trời

Chương 16

Làm sao bạn có thể đến gần Đức Chúa Trời

1. Nhiều tôn giáo rõ ràng có sự tương tự nào?

MỘT DU KHÁCH viếng thăm một xứ Á Châu đã ngạc nhiên khi bà quan sát nghi thức tôn giáo tại một chùa Phật giáo. Mặc dù những hình tượng không phải là của bà Ma-ri hoặc đấng Christ, nhưng nhiều nghi thức bà thấy giống như nghi thức của nhà thờ bà. Thí dụ, bà chú ý thấy người ta dùng tràng hạt và đọc kinh. Những người khác cũng đã nhận thấy giống như thế. Cách mà những người sùng đạo cố gắng để đến gần Đức Chúa Trời hoặc những vật họ thờ phượng, ở đông hoặc tây, có nhiều điểm giống nhau.

2. Người ta miêu tả sự cầu nguyện như thế nào, và tại sao nhiều người cầu nguyện?

2 Nhiều người đặc biệt cố đến gần Đức Chúa Trời bằng cách cầu nguyện với Ngài. Sự cầu nguyện được miêu tả là “một cách mà loài người dùng để liên lạc với đấng thánh—Đức Chúa Trời, thần thánh, cõi thần bí hoặc những quyền lực siêu nhiên” (The New Encyclopædia Britannica). Tuy nhiên, khi đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, một số người chỉ nghĩ đến những lợi lộc mà họ có thể nhận được. Thí dụ, có lần một người đàn ông hỏi Nhân-chứng Giê-hô-va: “Nếu ông cầu nguyện cho tôi thì những vấn đề trong gia đình, tại sở làm và về sức khỏe của tôi sẽ được giải quyết phải không?” Dường như ông này nghĩ vậy, nhưng nhiều người cầu nguyện và thấy vấn đề của họ vẫn còn. Vì vậy, bạn có thể hỏi: ‘Tại sao chúng ta nên đến gần Đức Chúa Trời?’

TẠI SAO CHÚNG TA ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI

3. Chúng ta nên cầu nguyện ai và tại sao?

3 Lời cầu nguyện không phải là một nghi thức vô nghĩa hoặc chỉ là một cách để đạt được một cái gì đó. Lý do chính để đến gần Đức Chúa Trời là có sự liên lạc mật thiết với Ngài. Vì thế lời cầu nguyện của chúng ta nên hướng về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Người viết thi-thiên Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài” (Thi-thiên 145:18). Đức Giê-hô-va kêu gọi chúng ta để có sự liên lạc hòa thuận với Ngài (Ê-sai 1:18). Những người hưởng ứng lời kêu gọi này đồng ý với người viết thi-thiên: “Nhưng lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời”. Tại sao? Bởi vì những người đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ được hạnh phúc thật và bình an trong tâm trí (Thi-thiên 73:28).

4, 5. a) Tại sao cầu nguyện Đức Chúa Trời là quan trọng? b) Chúng ta có thể xây đắp được mối liên lạc nào với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện?

4 Tại sao cầu nguyện để xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời nếu Ngài ‘biết chúng ta cần sự gì trước khi chưa xin Ngài’ (Ma-thi-ơ 6:8; Thi-thiên 139:4). Khi cầu nguyện chúng ta cho thấy rằng mình có đức tin nơi Đức Chúa Trời và xem Ngài là Nguồn của “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” (Gia-cơ 1:17; Hê-bơ-rơ 11:6). Đức Giê-hô-va thích nghe lời cầu nguyện của chúng ta (Châm-ngôn 15:8). Ngài vui mừng nghe chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và lời ca ngợi đầy ý nghĩa, như là một người cha vui mừng khi nghe đứa con nhỏ thốt lên lời biết ơn chân thật (Thi-thiên 119:108). Khi cha con có mối liên lạc tốt thì họ sẽ nói chuyện với nhau một cách thân mật. Đứa con được yêu thương sẽ muốn nói chuyện với cha nó. Nói về sự liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời thì cũng y như vậy. Nếu chúng ta thật sự quí trọng những gì chúng ta đang học về Đức Giê-hô-va và tình yêu thương mà Ngài đã bày tỏ cho chúng ta, chúng ta sẽ có ước muốn mãnh liệt để nói chuyện với Ngài qua lời cầu nguyện (I Giăng 4:16-18).

5 Khi đến gần Đức Chúa Trời Tối cao, chúng ta nên tỏ ra cung kính, nhưng đừng quá lo lắng về việc phải dùng những lời nào (Hê-bơ-rơ 4:16). Chúng ta đến với Đức Giê-hô-va bất cứ lúc nào. Và quả là một đặc ân khi chúng ta có thể ‘dốc đổ sự lòng mình’ cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện! (Thi-thiên 62:8). Sự biết ơn đối với Đức Giê-hô-va đưa đến mối liên lạc mật thiết với Ngài giống như mối liên lạc mà người trung thành Áp-ra-ham đã có với tư cách là bạn Đức Chúa Trời (Gia-cơ 2:23). Nhưng khi cầu nguyện với Chúa Thống trị hoàn vũ, chúng ta phải làm phù hợp với những điều kiện của Ngài để đến gần Ngài.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI

6, 7. Dù Đức Chúa Trời không đòi tiền khi nghe lời cầu nguyện của chúng ta, Ngài đòi hỏi điều gì khi chúng ta dâng lời cầu nguyện?

6 Chúng ta có cần tiền để đến gần Đức Chúa Trời không? Nhiều người trả tiền cho giới tu sĩ để cầu nguyện cho họ. Một số người thậm chí tin rằng những lời cầu nguyện của họ sẽ được Đức Chúa Trời nghe tùy theo số tiền mà họ đóng. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời không nói chúng ta cần đóng tiền để đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Chúng ta có được sự ban cho thiêng liêng của Ngài và ân phước nhờ sự liên lạc với Ngài qua lời cầu nguyện mà không cần tiền (Ê-sai 55:1, 2).

7 Thế thì chúng ta cần có điều gì? Cần phải có một thái độ đúng ở trong lòng (II Sử-ký 6:29, 30; Châm-ngôn 15:11). Chúng ta phải thực hành đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở trong lòng vì Ngài là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” và “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Thi-thiên 65:2; Hê-bơ-rơ 11:6). Chúng ta cũng phải có một tấm lòng khiêm nhường (II Các Vua 22:19; Thi-thiên 55:17). Trong một ví dụ, Giê-su Christ cho thấy khi đến gần Đức Chúa Trời, một người thâu thuế với thái độ khiêm nhường trong lòng đã chứng tỏ công bình hơn là người Pha-ri-si kiêu ngạo (Lu-ca 18:10-14). Khi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, chúng ta hãy nhớ rằng “ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 16:5).

8. Nếu chúng ta muốn Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của mình, chúng ta phải tẩy sạch khỏi gì?

8 Nếu chúng ta muốn Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta phải tẩy sạch hết những hành vi tội lỗi. Khi môn đồ Gia-cơ khuyến khích người khác đến gần Đức Chúa Trời, ông nói thêm: “Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi” (Gia-cơ 4:8). Ngay cả những người phạm tội có thể có sự liên lạc hòa thuận với Đức Giê-hô-va nếu họ ăn năn và bỏ lối sống cũ (Châm-ngôn 28:13). Chúng ta không thể nào có cơ hội được Đức Chúa Trời nhậm lời nếu chỉ giả vờ là đã làm mình sạch về mặt thiêng liêng. Lời Đức Chúa Trời nói: “Vì mắt của Chúa đoái-trông người công-bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu-nguyện người, nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác” (I Phi-e-rơ 3:12).

9. Chúng ta phải qua ai để đến gần Đức Giê-hô-va, và tại sao?

9 Kinh-thánh nói: “Thật, chẳng có người công-bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội” (Truyền-đạo 7:20). Vì vậy bạn có thể hỏi: ‘Thế thì làm sao chúng ta có thể đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời?’ Kinh-thánh trả lời: “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su Christ, tức là Đấng công-bình” (I Giăng 2:1). Mặc dù chúng ta là người có tội, chúng ta có thể nói năng dạn dĩ khi đến gần Đức Chúa Trời qua Giê-su Christ, đấng đã chết để làm giá chuộc cho chúng ta (Ma-thi-ơ 20:28). Ngài là ngõ duy nhất mà chúng ta phải qua để có thể đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Giăng 14:6). Chúng ta chớ nên xem thường giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su và cố tình thực hành tội lỗi (Hê-bơ-rơ 10:26). Tuy nhiên, nếu chúng ta cố hết sức mình để kiềm chế những điều xấu nhưng đôi khi lại lầm lỗi, chúng ta có thể ăn năn và xin Đức Chúa Trời tha thứ. Khi chúng ta đến gần Ngài với một lòng khiêm nhường, Ngài sẽ nghe chúng ta (Lu-ca 11:4).

CƠ HỘI ĐỂ CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

10. Nói về việc cầu nguyện, chúng ta có thể noi gương Giê-su như thế nào, và chúng ta cầu nguyện riêng trong những dịp nào?

10 Giê-su Christ rất xem trọng giá trị của sự liên lạc với Đức Giê-hô-va. Vì vậy, Giê-su đã dành thì giờ để cầu nguyện riêng với Đức Chúa Trời (Mác 1:35; Lu-ca 22:40-46). Chúng ta nên bắt chước gương mẫu của Giê-su và đều đặn cầu nguyện với Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:12). Mỗi sáng mở đầu bằng lời cầu nguyện là điều thích hợp, và trước khi đi ngủ chúng ta có lý do chính đáng để tạ ơn Đức Giê-hô-va về hoạt động trong ngày. Bạn hãy nhất quyết đến gần Đức Chúa Trời “vào mọi dịp” trong ngày (Ê-phê-sô 6:18, NW). Chúng ta có thể ngay cả cầu nguyện âm thầm trong lòng, biết rằng Đức Giê-hô-va có thể nghe chúng ta. Nói chuyện riêng với Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta củng cố mối liên lạc với Ngài và hàng ngày cầu nguyện với Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta đến gần Ngài hơn bao giờ hết.

11. a) Tại sao gia đình nên cầu nguyện với nhau? b) Nói “A-men” sau lời cầu nguyện có nghĩa là gì?

11 Đức Giê-hô-va cũng nhậm lời cầu nguyện dâng lên vì một nhóm người (I Các Vua 8:22-53). Cả gia đình chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời, và người chủ gia đình dẫn đầu trong việc cầu nguyện. Điều này sẽ củng cố mối liên lạc gia đình, và những người trẻ cảm thấy Đức Giê-hô-va có thật khi chúng nghe cha mẹ khiêm nhường cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Nhưng nếu một người đại diện cả nhóm cầu nguyện, có lẽ tại buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va thì sao? Nếu chúng ta ở trong cử tọa, chúng ta hãy chăm chú lắng nghe để khi lời cầu nguyện chấm dứt, chúng ta có thể hết lòng nói “A-men,” có nghĩa là “Đồng ý” (I Cô-rinh-tô 14:16).

NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN MÀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NGHE

12. a) Tại sao Đức Chúa Trời không nhậm một số lời cầu nguyện? b) Tại sao chúng ta không chỉ nên nghĩ đến nhu cầu riêng của mình khi cầu nguyện?

12 Một số người có lẽ cảm thấy Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của họ mặc dù họ cầu nguyện với Ngài qua đấng Christ. Tuy nhiên, sứ đồ Giăng nói: “Nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (I Giăng 5:14). Thế thì chúng ta cần hỏi xin theo ý của Đức Chúa Trời. Vì Ngài chú ý đến lợi ích thiêng liêng của chúng ta, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của chúng ta, thì đó là một đề tài thích hợp để cầu nguyện. Chúng ta phải chống cự những cám dỗ làm mình hoàn toàn chỉ nghĩ đến những nhu cầu vật chất. Thí dụ, cầu nguyện để có sự sáng suốt và sức mạnh tinh thần để đối phó với bệnh tật là điều đúng, nhưng chớ để những lo lắng về sức khỏe lấn át sự chú ý về thiêng liêng (Thi-thiên 41:1-3). Một nữ tín đồ đấng Christ biết rằng chị quá lo lắng về vấn đề sức khỏe của mình, chị cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chị để có một quan điểm đúng về bệnh của chị. Kết quả là vấn đề của chị trở nên nhỏ đi và chị cảm thấy mình được “sức mạnh hơn mức bình thường” (II Cô-rinh-tô 4:7, NW). Chị càng ao ước muốn giúp đỡ người khác nhiều hơn về mặt thiêng liêng, và chị trở thành một người rao giảng trọn thời gian.

13. Như Ma-thi-ơ 6:9-13 nêu ra, lời cầu nguyện của chúng ta nên bao hàm một số đề tài thích hợp nào?

13 Chúng ta có thể cầu nguyện cho điều gì nữa để Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng nghe lời ấy? Giê-su dạy các môn đồ ngài cầu nguyện như thế nào? Trong bài cầu nguyện mẫu được ghi nơi Ma-thi-ơ 6:9-13, ngài nói về những đề tài mà chúng ta có thể cầu nguyện một cách chính đáng. Chúng ta nên quan tâm nhiều nhất về điều gì trong lời cầu nguyện của mình? Danh của Đức Giê-hô-va và Nước Trời phải đặt lên hàng ưu tiên. Hỏi về nhu cầu vật chất của mình là điều thích hợp. Xin sự tha thứ tội lỗi và được thoát khỏi các cám dỗ và kẻ ác, Sa-tan Ma-quỉ, cũng là quan trọng. Giê-su không muốn chúng ta đọc mãi hoặc lặp đi lặp lại lời cầu nguyện này, đọc thuộc lòng mà không suy nghĩ về ý nghĩa của những lời ấy (Ma-thi-ơ 6:7). Nếu một đứa con cứ dùng cùng một lời mỗi lần nói chuyện với cha nó thì hai cha con có mối liên lạc ra sao?

14. Ngoài sự cầu xin, chúng ta nên dâng những lời cầu nguyện nào?

14 Ngoài những lời cầu nguyện và nài xin tận đáy lòng, chúng ta nên dâng lời cầu nguyện để ca ngợi và cảm tạ (Thi-thiên 31:1; 92:1; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho người khác. Việc cầu nguyện cho anh chị em thiêng liêng đang bị đau khổ hay bắt bớ cho thấy rằng chúng ta chú ý đến họ, và Đức Giê-hô-va rất vui lòng nghe chúng ta bày tỏ mối quan tâm như thế (Lu-ca 22:32; Giăng 17:20; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:25). Thật vậy, sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6, 7).

BỀN LÒNG CẦU NGUYỆN

15. Chúng ta nên nhớ điều gì nếu lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được nhậm?

15 Mặc dù bạn có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, có lẽ bạn cảm thấy lời cầu nguyện của bạn đôi khi không được nhậm. Điều này có thể là vì chưa đến lúc Đức Chúa Trời đáp lại lời cầu nguyện đặc biệt đó (Truyền-đạo 3:1-9). Đức Giê-hô-va có thể cho phép một tình trạng tiếp tục một thời gian, nhưng Ngài sẽ đáp lại lời cầu nguyện và biết lúc nào là lúc tốt nhất để làm như thế (II Cô-rinh-tô 12:7-9).

16. Tại sao chúng ta nên bền lòng cầu nguyện, và làm điều này có thể ảnh hưởng đến mối liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời như thế nào?

16 Việc chúng ta bền lòng cầu nguyện cho thấy chúng ta rất chú ý đến những gì mình nói với Đức Chúa Trời (Lu-ca 18:1-8). Thí dụ, chúng ta có thể hỏi xin Đức Giê-hô-va để giúp chúng ta vượt qua một sự yếu kém nào đó. Bằng cách bền lòng cầu nguyện và hành động hòa hợp với lời cầu xin mình, chúng ta cho thấy mình thành thật. Chúng ta có thể cầu xin rõ rệt và chân thật. Cầu nguyện hết lòng khi đang gặp phải sự cám dỗ là điều đặc biệt quan trọng (Ma-thi-ơ 6:13). Trong lúc chúng ta cố kiềm chế trước những động lực xui khiến mình phạm tội, chúng ta tiếp tục cầu nguyện thì sẽ thấy Đức Giê-hô-va giúp chúng ta như thế nào. Điều này sẽ bồi đắp đức tin của chúng ta và củng cố mối liên lạc của chúng ta với Ngài (I Cô-rinh-tô 10:13; Phi-líp 4:13).

17. Chúng ta sẽ được lợi ích như thế nào khi có thái độ chân thành trong việc phụng sự Đức Chúa Trời?

17 Bằng cách vun trồng một thái độ chân thành trong khi làm thánh chức hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận thấy mình không phụng sự Ngài theo sức riêng của mình. Chính là Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta sức mạnh để hầu việc Ngài (I Cô-rinh-tô 4:7). Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta khiêm nhường và sẽ thắt chặt mối liên lạc của chúng ta với Ngài (I Phi-e-rơ 5:5, 6). Đúng vậy, chúng ta có nhiều lý do chính đáng để bền lòng cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện tha thiết và có sự hiểu biết quí giá về cách đến gần Cha trên trời đầy yêu thương thì đời sống chúng ta sẽ thật sự hạnh phúc.

SỰ THÔNG TRI VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔNG PHẢI MỘT CHIỀU

18. Chúng ta có thể lắng nghe Đức Chúa Trời như thế nào?

18 Nếu chúng ta muốn Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của mình, chúng ta phải lắng nghe những gì Ngài nói (Xa-cha-ri 7:13). Ngài không còn gửi thông điệp qua các tiên tri được soi dẫn và chắc chắn không dùng những phương cách ma thuật (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12). Chúng ta có thể lắng nghe Ngài bằng cách học hỏi Lời Ngài, Kinh-thánh (Rô-ma 15:4; II Ti-mô-thê 3:16, 17). Cũng như chúng ta cần tập ăn những thực phẩm bổ dưỡng cho thân thể, chúng ta được khuyến khích “hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo”. Hãy vun trồng khuynh hướng thích thức ăn thiêng liêng bằng cách đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày (I Phi-e-rơ 2:2, 3; Công-vụ các Sứ-đồ 17:11).

19. Bạn có lợi ích nào khi suy gẫm về những gì bạn đọc trong Kinh-thánh?

19 Hãy suy gẫm về những gì bạn đọc trong Kinh-thánh (Thi-thiên 1:1-3; 77:11, 12). Điều này có nghĩa là suy nghĩ kỹ về những điều mình đọc. Bạn có thể ví điều này như việc tiêu hóa thức ăn. Bạn có thể tiêu hóa thức ăn thiêng liêng bằng cách liên kết những gì bạn đang đọc với những gì bạn đã biết rồi. Hãy xem xét làm sao những điều đó ảnh hưởng đến đời sống bạn, hoặc suy nghĩ điều đó cho biết gì về những đức tính và cách đối xử của Đức Giê-hô-va. Như thế, qua việc học hỏi cá nhân, bạn có thể hấp thụ đồ ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Điều này sẽ giúp bạn đến gần Đức Chúa Trời hơn và sẽ giúp bạn đối phó với những vấn đề hằng ngày.

20. Dự buổi họp tín đồ đấng Christ giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời như thế nào?

20 Bạn cũng có thể đến gần Đức Chúa Trời bằng cách nghe Lời của Ngài bàn luận tại các buổi họp tín đồ đấng Christ, cũng như những người Y-sơ-ra-ên đã chăm chú nghe khi họ tụ họp lại để nghe đọc Luật pháp của Đức Chúa Trời. Các thầy dạy luật thời đó giảng nghĩa những gì họ đọc trong luật pháp, nhờ đó giúp dân chúng hiểu và muốn áp dụng những gì họ nghe. Điều này dẫn đến sự vui mừng rất lớn (Nê-hê-mi 8:8, 12). Vậy, bạn hãy tập thói quen tham dự buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Điều này sẽ giúp bạn hiểu và rồi áp dụng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong đời sống của bạn và sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn. Được thuộc về đoàn thể tín đồ đấng Christ trên khắp thế giới sẽ giúp bạn ở gần Đức Giê-hô-va. Và như chúng ta sẽ thấy, bạn có thể tìm được sự an toàn thật trong vòng dân tộc Đức Chúa Trời.

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Tại sao bạn nên đến gần Đức Giê-hô-va?

Cần có một số điều kiện nào để đến gần Đức Chúa Trời?

Bạn có thể nói những gì trong lời cầu nguyện của bạn?

Tại sao bạn nên bền lòng cầu nguyện?

Ngày nay bạn có thể lắng nghe Đức Giê-hô-va như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Trang hình ảnh nơi trang 157]