Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nước Trời cai trị

Nước Trời cai trị

Chương 10

Nước Trời cai trị

1, 2. Các chính phủ loài người đã tỏ ra bất lực như thế nào?

CÓ LẼ bạn đã có lần mua một món đồ dùng bằng điện, và khi mang về nhà bạn thấy nó bị hỏng. Giả thử bạn gọi thợ đến sửa. Tuy nhiên, sau khi thợ “sửa chữa” được một thời gian ngắn, món đồ đó lại bị hỏng. Bạn thấy thất vọng biết bao!

2 Điều này cũng tương tự đối với chính phủ loài người. Người ta luôn luôn ao ước có một chính phủ bảo đảm cho họ được hòa bình và hạnh phúc. Tuy nhiên, những nỗ lực sửa chữa sự hư hỏng, suy đồi của xã hội đã không thực sự thành công. Rất nhiều hòa ước đã được ký kết—và rồi người ta lại vi phạm. Ngoài ra, có chính phủ nào đã có thể chấm dứt cảnh nghèo khó, dẹp bỏ thành kiến, loại trừ tội ác, chữa hết bệnh tật và chặn đứng sự hủy hoại sinh thái không? Sự cai trị của loài người đã vượt quá mức sửa chữa. Thậm chí Vua khôn ngoan của Y-sơ-ra-ên là Sa-lô-môn đã hỏi: “Loài người hiểu đường-lối mình sao được?” (Châm-ngôn 20:24).

3. a) Chủ đề công việc rao giảng của Giê-su là gì? b) Một số người miêu tả Nước Trời như thế nào?

3 Xin bạn chớ tuyệt vọng! Có được một chính phủ thế giới vững chắc không phải là giấc mơ suông. Chính phủ đó là chủ đề mà Giê-su rao giảng. Ngài gọi đó là “nước Đức Chúa Trời” và ngài dạy các môn đồ cầu nguyện cho nước đó (Lu-ca 11:2; 21:31). Hiển nhiên, trong giới tôn giáo, người ta thỉnh thoảng nói đến Nước Đức Chúa Trời. Thật ra, mỗi ngày hàng triệu người cầu nguyện cho Nước Trời khi họ lặp đi lặp lại Kinh Lạy Cha (cũng được gọi là lời cầu nguyện mẫu). Nhưng khi hỏi: “Nước Trời là gì?” thì người ta trả lời khác nhau. Một số người nói: “Nước Trời ở trong lòng bạn”. Những người khác gọi Nước Trời là thiên đàng. Kinh-thánh trả lời một cách rõ ràng, như chúng ta sẽ thấy.

NƯỚC TRỜI VỚI MỤC ĐÍCH

4, 5. Tại sao Đức Giê-hô-va chọn một cách mới để biểu dương quyền thống trị của Ngài, và điều này đạt được kết quả nào?

4 Giê-hô-va Đức Chúa Trời luôn luôn là Vua, hay Đấng Thống trị, của vũ trụ. Sự kiện Ngài tạo ra muôn vật đưa Ngài lên vị thế cao trọng đó (I Sử-ký 29:11; Thi-thiên 103:19; Công-vụ các Sứ-đồ 4:24). Nhưng Nước Trời mà Giê-su rao giảng là điều phụ so với quyền thống trị hoàn vũ của Đức Chúa Trời. Nước Trời do đấng Mê-si cai trị có một mục đích đặc biệt, nhưng mục đích đó là gì?

5 Như đã được giải thích nơi chương 6, cặp vợ chồng đầu tiên chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời. Vì vấn đề tranh chấp được nêu ra, nên Đức Giê-hô-va chọn một cách mới để biểu dương quyền thống trị của Ngài. Đức Chúa Trời thông báo ý định là đưa ra một “dòng-dõi” và “dòng-dõi” này sẽ giày đạp đầu Con Rắn, tức Sa-tan, và xóa bỏ hết hậu quả của tội lỗi mà nhân loại phải gánh chịu. Giê-su Christ là “dòng-dõi” chính, và “nước Đức Chúa Trời” là phương tiện sẽ hoàn toàn đánh bại Sa-tan. Qua Nước Trời, Giê-su Christ sẽ nhân danh Đức Giê-hô-va phục hồi lại quyền cai trị trái đất và biện minh quyền thống trị chính đáng của Đức Chúa Trời cho đến muôn đời (Sáng-thế Ký 3:15; Thi-thiên 2:2-9).

6, 7. a) Nước Trời ở đâu, và ai là Vua và ai là những người cùng cai trị với vị Vua đó? b) Ai là dân của Nước Trời?

6 Theo một bản dịch Kinh-thánh, Giê-su trả lời người Pha-ra-si gian ác như sau: “Nước Thiên Chúa ở trong các ông” (Luca 17 21, Lu-ca 17:21 Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Phải chăng Giê-su muốn nói là Nước Trời ở trong lòng gian hiểm của những kẻ xấu xa đó? Không phải. Một bản khác dịch chính xác nguyên bản tiếng Hy Lạp như sau: “Nước Đức Chúa Trời ở giữa các ngươi” (NW). Vì thế, Giê-su, đấng ở giữa họ, ám chỉ chính ngài là Vua trong tương lai. Nước Trời không phải là cái gì đó ở trong lòng người ta, nhưng là một chính phủ có thật, đang cầm quyền và có vua lẫn thần dân. Nước Trời là chính phủ ở trên trời, vì Nước ấy vừa được gọi là “nước thiên-đàng” vừa được gọi là “nước Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 13:11; Lu-ca 8:10). Trong sự hiện thấy, nhà tiên tri Đa-ni-ên thấy đấng Cai trị Nước đó là “một người giống như con người” được đưa ra mắt Đức Chúa Trời Toàn năng và được ban cho “quyền-thế, vinh-hiển [đời đời], và nước [không bao giờ bị hủy phá]; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người” (Đa-ni-ên 7:13, 14). Vị Vua này là ai? Kinh-thánh gọi Giê-su Christ là “Con người” (Ma-thi-ơ 12:40; Lu-ca 17:26). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Con Ngài, là Giê-su Christ, lên làm Vua.

7 Giê-su không cai trị một mình. Có 144.000 người ở với ngài. Họ được “chuộc khỏi đất” để trở thành vua và thầy tế lễ cùng hợp tác với ngài (Khải-huyền 5:9, 10; 14:1, 3; Lu-ca 22:28-30). Dân của Nước Trời sẽ là gia đình nhân loại trên khắp trái đất và họ phục tùng quyền lãnh đạo của đấng Christ (Thi-thiên 72:7, 8). Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng Nước Trời sẽ thật sự biện minh cho quyền thống trị của Đức Chúa Trời và khôi phục lại tình trạng địa đàng cho trái đất chúng ta?

NƯỚC TRỜI LÀ MỘT THỰC TẠI

8, 9. a) Chúng ta có thể minh họa thế nào để cho thấy những lời hứa về Nước Trời có thể tin cậy được? b) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn Nước Trời là một thực tại?

8 Giả thử là nhà bạn bị cháy. Giờ đây một người bạn có khả năng về tài chính hứa giúp bạn xây lại nhà và cung cấp đồ ăn cho gia đình bạn. Nếu người bạn đó luôn luôn nói thật, bạn có tin lời người đó hứa không? Giả thử ngày hôm sau đi làm về, bạn thấy thợ đã bắt đầu dọn dẹp đống tro tàn và có người đã đem thức ăn đến cho gia đình bạn. Chắc chắn bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng với thời gian, nhà cửa của bạn không những được xây cất lại nhưng thậm chí còn tốt hơn trước nữa.

9 Tương tự như vậy, Đức Giê-hô-va cam kết với chúng ta rằng Nước Trời là một thực tại. Như được trình bày trong sách Hê-bơ-rơ của Kinh-thánh, nhiều khía cạnh của Luật pháp là hình bóng trước cho sự sắp đặt của Nước Trời (Hê-bơ-rơ 10:1). Đọc về xứ Y-sơ-ra-ên xưa, chúng ta cũng biết một chút về Nước Trời sẽ như thế nào. Đó không phải là một chính phủ tầm thường, vì các vua được ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va” (I Sử-ký 29:23). Hơn nữa, Kinh-thánh đã tiên tri trước đó: “Cây phủ-việt [quyền trượng] chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập-pháp không dứt khỏi giữa chơn nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng-phục Đấng đó” (Sáng-thế Ký 49:10) *. Đúng vậy, Giê-su, Vua vĩnh viễn của chính phủ Đức Chúa Trời được sinh ra từ dòng dõi các vua Giu-đa (Lu-ca 1:32, 33).

10. a) Nền tảng Nước Trời do đấng Mê-si cai trị được thiết lập khi nào? b) Những người có triển vọng cùng cai trị với Giê-su dẫn đầu công việc quan trọng nào trên đất?

10 Nền tảng Nước Trời do đấng Mê-si cai trị được thiết lập với việc Giê-su chọn lựa các sứ đồ (Ê-phê-sô 2:19, 20; Khải-huyền 21:14). Đó là những người đầu tiên trong số 144.000 cùng hợp tác với Giê-su Christ làm vua cai trị ở trên trời. Khi còn sống trên đất, những người có triển vọng cùng cai trị với Giê-su dẫn đầu công việc rao giảng, phù hợp với lệnh của Giê-su: “Hãy đi đào tạo môn đồ trong khắp muôn dân; nhân danh Cha, Con và thánh linh mà làm phép báp têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19NW).

11. Ngày nay công việc rao giảng về Nước Trời được thi hành ra sao, và công việc này đang gặt hái được kết quả nào?

11 Lệnh đào tạo môn đồ hiện đang được thi hành đến mức độ chưa từng thấy bao giờ. Nhân-chứng Giê-hô-va đang công bố tin mừng về Nước Trời trên khắp thế giới, phù hợp với lời tiên tri của Giê-su: “Tin-lành này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Một khía cạnh của việc rao giảng về Nước Trời là chương trình giáo dục vĩ đại đang được thực hiện. Những người tuân theo luật pháp và nguyên tắc của Nước Trời đều có được sự bình an và hợp nhất mà các chính phủ loài người không thể đạt được. Tất cả những điều này cho thấy rõ bằng chứng Nước Trời là một thực tại!

12. a) Tại sao gọi những người công bố về Nước Trời là Nhân-chứng Giê-hô-va là thích hợp? b) Nước Trời khác các chính phủ của loài người như thế nào?

12 Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn” (Ê-sai 43:10-12). Giê-su, “Đấng làm chứng thành-tín”, sốt sắng công bố tin mừng về Nước Trời (Khải-huyền 1:5; Ma-thi-ơ 4:17). Vì vậy, ngày nay những người công bố về Nước Trời mang danh Nhân-chứng Giê-hô-va mà Đức Chúa Trời đã đặt cho họ là điều phù hợp. Nhưng tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va dùng nhiều thời giờ và nỗ lực để nói với những người khác về Nước Trời? Họ làm vậy vì Nước Trời là hy vọng duy nhất của nhân loại. Chính phủ loài người sớm muộn gì rồi cũng sẽ chấm dứt, nhưng Nước Trời sẽ không bao giờ chấm dứt cả. Ê-sai 9:5, 6 gọi đấng Cai trị Nước Trời, Giê-su, là “Chúa Bình-an” và nói thêm: “Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi”. Nước Trời không giống như chính phủ của loài người—nay còn, mai mất. Thật vậy, Đa-ni-ên 2:44 nói: “Chúa [Đức Chúa Trời] trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ... đứng đời đời”.

13. a) Nước Trời sẽ hoàn toàn giải quyết những vấn đề nào? b) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện các lời Ngài hứa?

13 Vua chúa nào là người có thể chấm dứt chiến tranh, tội ác, bệnh tật, đói kém và nạn vô gia cư? Ngoài ra, người cai trị nào trên đất có thể làm người chết sống lại? Nước Trời và Vua Nước Trời sẽ giải quyết các vấn đề này. Nước Trời sẽ tỏ ra hoàn hảo, không như máy móc trục trặc luôn luôn cần phải sửa chữa. Đúng hơn, Nước Trời sẽ thành công, vì Đức Giê-hô-va hứa: “Lời nói của ta... đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó” (Ê-sai 55:11). Ý định của Đức Chúa Trời sẽ không thất bại, nhưng khi nào Nước Trời bắt đầu cai trị?

NƯỚC TRỜI CAI TRỊ—KHI NÀO?

14. Các môn đồ của Giê-su hiểu lầm thế nào về Nước Trời, nhưng Giê-su biết gì về quyền cai trị của ngài?

14 Môn đồ Giê-su hỏi ngài: “Lạy Chúa, có phải trong lúc này Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” Câu hỏi mà môn đồ Giê-su nêu ra lúc đó cho thấy họ không biết mục đích của Nước Trời và thời điểm Nước Trời bắt đầu cai trị. Giê-su khuyên họ chớ phỏng đoán về điều này. Ngài nói: “Kỳ-hạn và ngày-giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết”. Giê-su biết Đức Chúa Trời dành cho ngài quyền cai trị trái đất và ngài chỉ bắt đầu cai trị sau khi sống lại và lên trời được một thời gian lâu (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6-11; Lu-ca 19:11, 12, 15). Kinh-thánh có nói trước điều này. Nói như thế nào?

15. Thi-thiên 110:1 cho chúng ta hiểu rõ thế nào về thời điểm mà Giê-su bắt đầu cai trị?

15 Vua Đa-vít ám chỉ Giê-su là “Chúa” trong một lời tiên tri. Ông nói: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù-nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi” (Thi-thiên 110:1; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 2:34-36). Lời tiên tri này cho thấy rằng Giê-su không bắt đầu cai trị ngay sau khi ngài lên trời. Trái lại, ngài đợi ở bên hữu Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 10:12, 13). Việc chờ đợi này tiếp tục kéo dài bao lâu? Khi nào ngài bắt đầu cai trị? Kinh-thánh giúp chúng ta tìm câu giải đáp.

16. Chuyện gì xảy ra vào năm 607 trước công nguyên, và điều này liên quan đến Nước Trời như thế nào?

16 Giê-ru-sa-lem là thành phố duy nhất trên khắp trái đất mà Đức Giê-hô-va đặt danh Ngài (I Các Vua 11:36). Đó cũng là thủ đô của nước ở dưới đất được Đức Chúa Trời chấp nhận, và nước này tiêu biểu cho Nước Trời ở trên trời. Vì thế, việc Giê-ru-sa-lem bị người Ba-by-lôn hủy diệt vào năm 607 trước công nguyên là một biến cố quan trọng. Biến cố này đánh dấu điểm bắt đầu của thời gian gián đoạn lâu dài mà Đức Chúa Trời không còn trực tiếp cai trị dân Ngài trên đất. Khoảng sáu thế kỷ sau, Giê-su cho biết rằng lúc đó sự cai trị của Đức Chúa Trời vẫn còn gián đoạn, vì ngài nói: “Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày-đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn” (Lu-ca 21:24).

17. a) “Các kỳ dân ngoại” là gì, và các kỳ này kéo dài bao lâu? b) “Các kỳ dân ngoại” bắt đầu và chấm dứt khi nào?

17 Trong “các kỳ dân ngoại”, các chính phủ thế gian được Đức Chúa Trời cho phép làm gián đoạn sự cai trị mà Ngài chấp thuận. Giai đoạn này bắt đầu với sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 trước công nguyên, và Đa-ni-ên cho biết là giai đoạn này sẽ kéo dài “bảy kỳ” (Đa-ni-ên 4:23-25). Bảy kỳ này là bao lâu? Kinh-thánh cho thấy ba “kỳ” rưỡi bằng 1.260 ngày (Khải-huyền 12:6, 14). Ba kỳ rưỡi đó nhân đôi, tức bảy kỳ, là 2.520 ngày. Nhưng không có gì đáng ghi nhớ xảy ra vào cuối giai đoạn ngắn đó. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng “một năm đền cho một ngày” vào lời tiên tri của Đa-ni-ên và đếm 2.520 năm kể từ năm 607 trước công nguyên, chúng ta có được năm 1914 công nguyên (Dân-số Ký 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6).

18. Ít lâu sau khi nhận được vương quyền Nước Trời, Giê-su đã làm gì và điều này ảnh hưởng đến trái đất như thế nào?

18 Giê-su có bắt đầu cai trị ở trên trời vào lúc đó không? Trong chương tới, chúng ta sẽ thảo luận những lý do mà Kinh-thánh nói rằng ngài đã cai trị. Hiển nhiên, khi Giê-su bắt đầu cai trị, trái đất không có hòa bình ngay lập tức. Khải-huyền 12:7-12 cho thấy rằng ngay sau khi nhận Nước Trời, Giê-su trục xuất Sa-tan và các quỉ ra khỏi trời. Điều này có nghĩa là đất bị khốn khổ, nhưng chúng ta cảm thấy phấn khởi khi đọc thấy “thì-giờ [Ma quỉ] còn chẳng bao nhiêu”. Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ có thể vui mừng vì Nước Trời không những chỉ cai trị mà còn đem lại ân phước cho trái đất và những người biết vâng lời (Thi-thiên 72:7, 8). Làm thế nào chúng ta biết điều này sẽ xảy ra một ngày gần đây?

[Chú thích]

^ đ. 9 Danh Si-lô có nghĩa “đấng có (sự vâng phục); đấng mà (sự vâng phục) thuộc về ngài”. Với thời gian, “Si-lô” rõ ràng là Giê-su Christ, “sư-tử của chi-phái Giu-đa” (Khải-huyền 5:5). Trong vài bản dịch một phần Cựu Ước bằng tiếng A-ram của người Do Thái (Jewish Targums), người ta chỉ giản dị thay thế chữ “Si-lô” bằng chữ “đấng Mê-si” hay “vua Mê-si”.

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Nước Trời là gì, và Nước Trời cai trị từ đâu?

Ai cai trị Nước Trời, và ai là dân của Nước Trời?

Đức Giê-hô-va cam kết với chúng ta thế nào cho thấy Nước Trời là một thực tại?

“Các kỳ dân ngoại” bắt đầu và chấm dứt khi nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 94]

MỘT SỐ BIẾN CỐ QUAN TRỌNG LIÊN QUAN ĐẾN NƯỚC TRỜI

• Đức Giê-hô-va thông báo ý định của Ngài là đưa ra một “dòng-dõi” và dòng dõi này sẽ giày đạp đầu Con Rắn, tức Sa-tan Ma quỉ (Sáng-thế Ký 3:15).

• Năm 1943 trước công nguyên, Đức Giê-hô-va cho thấy rằng “dòng-dõi” này sẽ là một người thuộc dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 12:1-3, 7; 22:18).

• Giao ước Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên năm 1513 trước công nguyên cho biết “bóng của sự tốt lành ngày sau” (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:6-8; Hê-bơ-rơ 10:1).

• Nước Y-sơ-ra-ên xưa bắt đầu năm 1117 trước công nguyên, và về sau dòng dõi Đa-vít tiếp tục làm vua nước này (I Sa-mu-ên 11:15; II Sa-mu-ên 7:8, 16).

• Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 trước công nguyên, và “các kỳ dân ngoại” bắt đầu (II Các Vua 25:8-10, 25, 26; Lu-ca 21:24).

• Năm 29 công nguyên, Giê-su được xức dầu với tư cách Vua được bổ nhiệm và bắt đầu thi hành thánh chức trên đất (Ma-thi-ơ 3:16, 17; 4:17; 21:9-11).

• Năm 33 công nguyên, Giê-su lên trời. Ngài đợi ở bên hữu Đức Chúa Trời cho đến khi ngài bắt đầu cai trị (Công-vụ các Sứ-đồ 5:30, 31; Hê-bơ-rơ 10:12, 13).

• Năm 1914 Giê-su lên ngôi làm vua Nước Trời khi “các kỳ dân ngoại” chấm dứt (Khải-huyền 11:15).

• Sa-tan và các quỉ bị quăng xuống vùng gần trái đất và làm nhân loại ngày càng khốn khổ thêm (Khải-huyền 12:9-12).

• Giê-su trông nom công việc rao giảng về tin mừng Nước Trời trên khắp thế giới (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).