Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?

Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?

Chương 8

Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?

1, 2. Người ta thường phản ứng thế nào về sự đau khổ của loài người?

KHI thiên tai xảy ra, sinh mạng và nhà cửa bị thiệt hại, nhiều người không thể hiểu tại sao lại có những sự khủng khiếp như vậy xảy ra. Những người khác thì bị khổ sở không nhiều thì ít vì sự tàn bạo, và vô số tội ác và bạo động. Có lẽ bạn cũng tự hỏi: “Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?”

2 Vì không tìm được câu trả lời mãn nguyện, nhiều người đã mất tin tưởng nơi Đức Chúa Trời. Họ cảm thấy Ngài không quan tâm đến nhân loại. Những người khác chấp nhận đau khổ là sự thật của cuộc đời thì trở nên cay đắng và đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về mọi sự gian ác trong xã hội. Nếu bạn có những cảm nghĩ như thế, có lẽ bạn sẽ muốn nghe những lời Kinh-thánh nói về vấn đề này.

SỰ ĐAU KHỔ KHÔNG PHẢI DO ĐỨC CHÚA TRỜI GÂY RA

3, 4. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng sự gian ác và đau khổ không phải đến từ Đức Giê-hô-va?

3 Kinh-thánh bảo đảm với chúng ta rằng những sự đau khổ mà chúng ta thấy chung quanh chúng ta không phải do Giê-hô-va Đức Chúa Trời gây ra. Thí dụ, môn đồ đạo đấng Christ là Gia-cơ viết: “Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai” (Gia-cơ 1:13). Nếu đúng như vậy, Đức Chúa Trời không thể gây nhiều sự lao khổ làm nhân loại phải điêu đứng. Ngài không thử thách người ta để họ thích hợp với đời sống ở trên trời, hoặc làm người ta đau khổ vì những việc ác mà họ có lẽ đã làm trong kiếp trước (Rô-ma 6:7).

4 Ngoài ra, dù người ta nhân danh Đức Chúa Trời hay Giê-su để làm nhiều điều khủng khiếp, nhưng không có nơi nào trong Kinh-thánh ám chỉ hai Đấng ấy đã từng chấp nhận những hành động đó. Đức Chúa Trời và đấng Christ không có liên can gì với những người cho rằng họ phụng sự hai Ngài nhưng lại gian lận và lừa đảo, cướp của, giết người, và làm nhiều điều gây đau khổ cho người khác. Thật vậy, “đường-lối kẻ ác lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va”. Đức Chúa Trời “xa cách kẻ ác” (Châm-ngôn 15:9, 29).

5. Đức Giê-hô-va có một số đức tính nào, và Ngài có cảm nghĩ gì về các sinh vật của Ngài?

5 Kinh-thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là Đấng “đầy lòng thương-xót và nhân-từ” (Gia-cơ 5:11). Kinh-thánh nói rõ rằng “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình” (Thi-thiên 37:28; Ê-sai 61:8). Ngài không thù hận. Ngài trìu mến chăm sóc các tạo vật của Ngài và ban cho mọi người những điều tốt nhất để họ được hạnh phúc (Công-vụ các Sứ-đồ 14:16, 17). Đức Giê-hô-va đã làm điều này từ lúc mới bắt đầu có sự sống trên đất.

SỰ HOÀN TOÀN LÚC BAN ĐẦU

6. Một số huyền thoại nói thế nào về lịch sử đầu tiên của nhân loại?

6 Tất cả chúng ta đều quen thuộc với cảm giác đau đớn và đau khổ và cũng thường thấy những cảnh này. Vì thế, người ta khó có thể tưởng tượng được thời không có đau khổ, nhưng thật sự là không có khổ đau vào thời ban đầu của lịch sử loài người. Ngay cả huyền thoại của một số dân tộc cũng nói đến thời ban đầu sung sướng đó. Trong thần thoại Hy Lạp, thời đại đầu của “Năm thời đại của con người” được gọi là “Thời đại hoàng kim”. Trong thời đại này, người ta sống hạnh phúc, không phải vất vả, không có đau đớn và không sợ bị tuổi già cướp mất đi sắc đẹp và sự cường tráng của cơ thể. Người Trung Hoa nói rằng dưới triều đại của Hoàng Đế trong một chuyện thần thoại, dân chúng sống trong thanh bình, có được sự hòa hợp với ngay cả phong thổ và với các thú rừng. Dân Ba Tư, Ai Cập, Tây Tạng, Peru và Mễ Tây Cơ đều có những huyền thoại về thời hạnh phúc và hoàn hảo vào lúc ban đầu của lịch sử loài người.

7. Tại sao Đức Chúa Trời tạo dựng nên trái đất và loài người?

7 Những huyền thoại của các dân tộc chỉ lặp lại chuyện trong Kinh-thánh, cuốn sách lâu đời nhất ghi chép lịch sử loài người. Cuốn sách này cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đặt một cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va, trong địa đàng gọi là vườn Ê-đen và truyền cho họ: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng-thế Ký 1:28). Tổ phụ đầu tiên của chúng ta vui hưởng sự hoàn toàn và có triển vọng thấy toàn thể trái đất biến thành một địa đàng để gia đình nhân loại hoàn toàn được sống trong cảnh thanh bình và hạnh phúc vô tận. Đó là ý định của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo ra trái đất và loài người (Ê-sai 45:18).

MỘT THÁCH ĐỐ HIỂM ĐỘC

8. A-đam và Ê-va phải tuân theo điều răn nào, nhưng chuyện gì đã xảy ra?

8 Để tiếp tục được ân huệ của Đức Chúa Trời, A-đam và Ê-va phải kiềm chế không ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 2:16, 17). Nếu họ tuân theo luật pháp của Đức Giê-hô-va, thì sẽ không có sự đau khổ làm mất đi niềm vui của cuộc sống. Nếu tuân theo điều Đức Chúa Trời phán dặn, thì họ hẳn đã bày tỏ lòng yêu thương và lòng trung thành đối với Ngài (I Giăng 5:3). Tuy nhiên, như chúng ta đã biết trong chương 6, mọi việc đã không diễn ra như thế. Vì bị Sa-tan xúi giục nên Ê-va đã ăn trái của cây đó. Sau đó, A-đam cũng ăn trái cấm nữa.

9. Có vấn đề tranh chấp nào liên quan đến Đức Giê-hô-va mà Sa-tan đã nêu lên?

9 Bạn có thấy sự nghiêm trọng của việc xảy ra không? Sa-tan đả kích vị thế Đấng Chí Cao của Đức Giê-hô-va. Khi nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu”, Ma quỉ phủ nhận lời Đức Chúa Trời phán là “hai ngươi chắc chắn sẽ chết”. Những lời Sa-tan nói tiếp ám chỉ rằng Đức Giê-hô-va không muốn A-đam và Ê-va biết họ có thể giống như Đức Chúa Trời, và vì vậy họ không cần Ngài quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu. Vì thế, sự thách thức của Sa-tan đặt nghi vấn là Đức Giê-hô-va có quyền và có chính đáng làm Đấng Thống trị Hoàn vũ không (Sáng-thế Ký 2:17; 3:1-6).

10. Sa-tan muốn ám chỉ gì về loài người?

10 Sa-tan Ma quỉ lại còn ám chỉ rằng người ta tiếp tục vâng lời Đức Giê-hô-va chỉ khi nào việc này có lợi cho họ. Nói một cách khác, lòng trung kiên của loài người đã bị nghi ngờ. Sa-tan cho rằng không ai tự nguyện giữ sự trung thành với Đức Chúa Trời. Sự thách đố hiểm độc này được thấy rõ qua lời tường thuật trong Kinh-thánh về Gióp, một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã trải qua một sự thử thách lớn lao vào khoảng trước năm 1600 trước công nguyên. Khi bạn đọc hai chương đầu của sách Gióp, bạn sẽ nhận biết được lý do vì sao loài người đau khổ và tại sao Đức Chúa Trời cho phép điều này xảy ra.

11. Gióp là người như thế nào, nhưng Sa-tan buộc ông vào tội gì?

11 Gióp, “[người] trọn-vẹn và ngay-thẳng”, bị Sa-tan tấn công. Trước hết, Sa-tan đổ tội cho Gióp là có động cơ xấu bằng cách nêu ra câu hỏi: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao?” Rồi, Ma quỉ xảo quyệt nói xấu cả Đức Chúa Trời lẫn Gióp bằng cách đổ tội cho Đức Giê-hô-va đã che chở và ban phước cho Gióp để mua chuộc sự trung thành của ông. Sa-tan thách thức Đức Giê-hô-va: “Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt” (Gióp 1:8-11).

12. a) Chỉ trong trường hợp Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan thử Gióp thì những câu hỏi nào mới có thể được giải đáp? b) Kết quả của việc Gióp bị thử thách là gì?

12 Có phải Gióp phụng sự Đức Giê-hô-va chỉ vì tất cả những của cải mà Đức Chúa Trời ban cho ông không? Khi bị thử thách, Gióp có thể giữ vững sự trung thành không? Còn về Đức Giê-hô-va, Ngài có hoàn toàn tin tưởng nơi tôi tớ Ngài để cho phép Gióp bị thử thách không? Những câu hỏi này có thể được trả lời nếu Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan thử Gióp một cách gắt gao. Như đã kể lại trong sách Gióp, Đức Chúa Trời cho phép ông bị thử thách và đường lối trung thành của ông đã biện minh hoàn toàn cho sự công bình của Đức Giê-hô-va và sự trung kiên của người ta đối với Đức Chúa Trời (Gióp 42:1, 2, 12).

13. Chúng ta có liên quan thế nào đến chuyện xảy ra trong vườn Ê-đen và đến chuyện xảy ra cho Gióp?

13 Tuy nhiên, chuyện xảy ra trong vườn Ê-đen và những điều xảy ra cho Gióp có một ý nghĩa sâu xa. Những vấn đề mà Sa-tan nêu ra liên quan đến toàn thể nhân loại, kể cả chúng ta ngày nay. Sa-tan bôi nhọ danh của Đức Chúa Trời và thách thức quyền thống trị của Ngài. Vấn đề ngay thẳng của loài người, tạo vật của Đức Chúa Trời, đã bị nghi ngờ. Các vấn đề đó cần phải được giải quyết.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRANH CHẤP THẾ NÀO

14. Khi đứng trước sự thách thức thâm độc, người bị buộc tội có thể làm gì?

14 Để minh họa, chúng ta hãy cho rằng bạn là bậc cha mẹ thương yêu con cái. Gia đình bạn đông con và hạnh phúc. Giả sử một người hàng xóm đi nói xấu bạn, đổ tội cho bạn là bậc cha mẹ tồi tệ. Nếu người hàng xóm đó nói rằng con cái bạn không yêu bạn, chúng ở với bạn chỉ vì chúng không biết gì tốt hơn, và chúng sẽ bỏ nhà ra đi nếu có ai cho chúng một cơ hội. Bạn có thể nói: “Vô lý!”. Vâng, nhưng làm sao bạn có thể chứng minh được điều đó? Một vài bậc cha mẹ có thể phản ứng một cách giận dữ. Ngoài việc gây thêm nhiều vấn đề, sự phản ứng dữ dội như thế còn cho thêm bằng chứng xác nhận lời nói xấu đó là đúng. Một cách tốt để đối phó với vấn đề này là cho người buộc tội bạn một cơ hội để chứng minh lời nói của họ và cho con cái bạn một cơ hội để chứng tỏ rằng chúng thật sự yêu bạn.

15. Đức Giê-hô-va quyết định đối phó với sự thách thức của Sa-tan như thế nào?

15 Đức Giê-hô-va giống như người cha đầy yêu thương. A-đam và Ê-va có thể ví như những đứa trẻ, và Sa-tan phù hợp với vai trò của người hàng xóm nói dối. Đức Chúa Trời khôn ngoan không hủy diệt Sa-tan, A-đam và Ê-va ngay lập tức nhưng cho phép những người phạm tội này tiếp tục sống thêm một thời gian. Điều này cho phép tổ phụ đầu tiên của chúng ta có thì giờ để sinh con đẻ cái và bắt đầu gia đình nhân loại, và cho Ma quỉ cơ hội để chứng minh lời buộc tội của hắn, nhờ đó các vấn đề tranh chấp có thể được giải quyết. Tuy nhiên, ngay từ lúc ban đầu, Đức Chúa Trời đã biết một số người sẽ trung thành với Ngài và vì thế điều này chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. Chúng ta cảm kích biết bao khi thấy Đức Giê-hô-va tiếp tục ban ân phước và giúp đỡ những ai yêu thương Ngài! (II Sử-ký 16:9; Châm-ngôn 15:3).

ĐIỀU GÌ ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG MINH?

16. Tại sao thế gian lại nằm dưới quyền của Sa-tan?

16 Trong hầu hết lịch sử của nhân loại, Sa-tan đã được hoàn toàn tự do để mưu mô tính toán cách cai trị nhân loại. Ngoài những điều khác ra, hắn còn gây ảnh hưởng đối với các thế lực chính trị và đẩy mạnh những tôn giáo ngấm ngầm hướng người ta vào việc thờ phượng hắn thay vì thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì thế Ma quỉ đã trở thành “chúa đời này”, và hắn được gọi là “vua-chúa của thế-gian” (II Cô-rinh-tô 4:4; Giăng 12:31). Thật thế, “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Phải chăng điều này có nghĩa là Sa-tan đã chứng minh được lời thách thức là hắn có thể kéo người ta lìa xa Giê-hô-va Đức Chúa Trời? Chắc chắn không! Trong khi cho phép Sa-tan sống, Đức Giê-hô-va đã tiến hành việc thực hiện ý định của riêng Ngài. Vậy thì Kinh-thánh cho biết gì về việc Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác xảy ra?

17. Chúng ta nên nhớ gì về nguyên nhân của sự gian ác và đau khổ?

17 Đức Giê-hô-va không gây ra sự gian ác và đau khổ. Vì Sa-tan là vua chúa của thế gian và là chúa của hệ thống mọi sự này, hắn và những người theo phe hắn phải chịu trách nhiệm về tình trạng xã hội hiện nay và mọi sự đau khổ của nhân loại. Không ai có thể nói rằng Đức Chúa Trời là nguyên nhân của sự gian khổ đó (Rô-ma 9:14).

18. Đối với ý tưởng muốn tách khỏi Đức Chúa Trời thì việc Đức Giê-hô-va cho phép sự gian ác và đau khổ xảy ra chứng tỏ điều gì?

18 Việc Đức Giê-hô-va cho phép sự gian ác và đau khổ xảy ra chứng tỏ rằng việc tách khỏi Đức Chúa Trời đã không đem lại một thế giới tốt đẹp. Không ai có thể phủ nhận rằng lịch sử đã được đánh dấu bởi hết tai họa này đến tai họa khác. Lý do là vì người ta quyết định theo đuổi con đường riêng và không coi trọng lời và ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi dân tộc xưa của Đức Giê-hô-va và những người lãnh đạo của họ đã bất trung theo đuổi “con đường nhiều người ưa thích” và bác bỏ lời Ngài, thì hậu quả rất là tai hại. Qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Chúa Trời nói với họ: “Những kẻ khôn-sáng bị xấu-hổ, sợ-hãi và bị bắt. Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn-ngoan nó là thể nào?” (Giê-rê-mi 8:5, 6, 9, NW). Vì không theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, nhân loại nói chung giống như con tàu không có bánh lái, bị xô đẩy giữa cơn biển động.

19. Có bằng chứng nào cho thấy Sa-tan không thể làm tất cả mọi người chống lại Đức Chúa Trời?

19 Việc Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác và đau khổ xảy ra cũng chứng tỏ rằng Sa-tan đã không thể làm tất cả mọi người lìa xa Đức Giê-hô-va. Lịch sử cho thấy rằng lúc nào cũng có những người tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời dù họ bị cám dỗ hoặc gặp phải nghịch cảnh. Qua nhiều thế kỷ, Đức Giê-hô-va đã bày tỏ quyền năng của Ngài vì lợi ích của các tôi tớ Ngài, và danh Ngài đã được truyền ra khắp nơi trên đất (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16; I Sa-mu-ên 12:22). Đoạn 11 của sách Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết về một loạt tôi tớ trung thành, kể cả A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham và Môi-se. Hê-bơ-rơ 12:1 gọi họ là “nhiều người chứng-kiến... như đám mây rất lớn”. Họ làm gương về việc có đức tin vững vàng nơi Đức Giê-hô-va. Vào thời hiện đại cũng thế, nhiều người đã chịu chết vì giữ vững lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. Qua đức tin và tình yêu thương, những người đó chứng minh một cách rõ ràng rằng Sa-tan không thể làm tất cả mọi người chống lại Đức Chúa Trời.

20. Việc Đức Giê-hô-va cho phép sự gian ác và đau khổ tiếp diễn chứng minh điều gì về Đức Chúa Trời và loài người?

20 Sau cùng, việc Đức Giê-hô-va cho phép sự gian ác và đau khổ kéo dài cho thấy bằng chứng là chỉ có Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo hóa, mới có khả năng và có quyền cai trị nhân loại hầu đem lại cho họ ân phước và hạnh phúc đời đời. Qua nhiều thế kỷ, nhân loại đã thử nhiều chính thể. Nhưng hậu quả là gì? Những vấn đề phức tạp và khủng hoảng mà các nước phải đương đầu ngày nay cho thấy quá nhiều bằng chứng xác nhận rằng đúng như Kinh-thánh nói rõ, “người này cai-trị trên người kia mà làm tai-hại cho người ấy” (Truyền-đạo 8:9). Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể ra tay cứu chúng ta và hoàn thành ý định đầu tiên của Ngài. Ngài làm điều này như thế nào, và khi nào?

21. Sa-tan sẽ bị gì, và Đức Chúa Trời sẽ dùng ai để hoàn thành việc này?

21 Ngay sau khi A-đam và Ê-va mắc bẫy Sa-tan, Đức Chúa Trời cho biết ý định của Ngài về cách cứu rỗi. Đây là điều Đức Giê-hô-va tuyên bố về Sa-tan: “Ta sẽ làm cho mày cùng người nữ, dòng-dõi mày cùng dòng-dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mày, còn mày sẽ cắn gót chân người” (Sáng-thế Ký 3:15). Lời tuyên bố đó bảo đảm rằng Ma quỉ sẽ không được phép có những hành động gian ác mãi mãi. Với tư cách là Vua của Nước Trời, Dòng dõi mà Đức Chúa Trời đã hứa, tức Giê-su Christ, sẽ ‘giày đạp đầu Sa-tan’. Vâng, “không lâu nữa” Giê-su sẽ giày đạp kẻ phản loạn Sa-tan! (Rô-ma 16:20).

BẠN SẼ LÀM GÌ?

22. a) Bạn đứng trước những câu hỏi nào? b) Mặc dù Sa-tan dồn cơn thịnh nộ vào những người trung thành với Đức Chúa Trời, họ có thể chắc chắn điều gì?

22 Bạn sẽ đứng về phía nào khi biết được vấn đề liên quan đến sự tranh chấp? Phải chăng bạn sẽ chứng tỏ qua hành động rằng bạn là người trung thành ủng hộ Đức Giê-hô-va? Vì Sa-tan biết thì giờ của hắn không còn bao lâu nữa, nên hắn sẽ làm tất cả những gì hắn có thể làm để dồn cơn thịnh nộ vào những người muốn giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời (Khải-huyền 12:12). Nhưng bạn có thể trông cậy Đức Chúa Trời giúp đỡ vì “Chúa [Đức Giê-hô-va] biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám dỗ” (II Phi-e-rơ 2:9). Ngài sẽ không để bạn bị cám dỗ ngoài sức chịu đựng, và sẽ mở đường để bạn có thể chịu đựng được sự cám dỗ (I Cô-rinh-tô 10:13).

23. Chúng ta có thể vững lòng chờ đợi gì?

23 Chúng ta hãy vững lòng chờ đợi cho đến lúc Vua Giê-su Christ ra tay trừng trị Sa-tan và tất cả những kẻ theo hắn (Khải huyền 20:1-3). Rồi Giê-su sẽ diệt hết những kẻ đã gây ra sự khốn khổ và sầu não cho nhân loại. Từ giờ cho đến lúc đó, chúng ta phải chịu một sự đau khổ đặc biệt là bị mất đi những người thân yêu. Bạn hãy đọc chương tới để tìm xem điều gì xảy ra cho những người thân yêu đã qua đời.

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va không gây đau khổ cho nhân loại?

Vấn đề tranh chấp nào mà Sa-tan nêu ra trong vườn Ê-đen và được thấy rõ vào thời của Gióp?

Việc Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau chứng tỏ điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]