Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao sống một đời sống tin kính mang lại hạnh phúc

Tại sao sống một đời sống tin kính mang lại hạnh phúc

Chương 13

Tại sao sống một đời sống tin kính mang lại hạnh phúc

1. Tại sao chúng ta có thể nói rằng đường lối của Đức Giê-hô-va mang lại hạnh phúc?

ĐỨC Giê-hô-va là “đức chúa trời hạnh phước”, và ngài muốn bạn vui hưởng sự sống (I Ti-mô-thê 1:11). Bằng cách đi theo đường lối Ngài, chính bạn có thể được lợi ích và cảm nghiệm sự bình thản sâu xa và lâu dài, giống như dòng sông chảy mãi không ngừng. Đi theo đường lối Đức Chúa Trời cũng khiến một người luôn có hành động công bình, tràn trề “như sóng biển”. Điều này mang lại hạnh phúc thật (Ê-sai 48:17, 18).

2. Làm sao tín đồ đấng Christ có thể vui mừng mặc dù đôi khi họ bị đối đãi tệ bạc?

2 Một số người có lẽ phản đối: ‘Đôi khi người ta chịu khổ vì làm điều đúng’. Thật thế, và đó là điều xảy ra cho sứ đồ của Giê-su. Tuy nhiên, dù bị ngược đãi họ vẫn vui mừng và cứ “rao-truyền mãi về Tin-lành của... Đấng Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:40-42). Chúng ta rút tỉa những bài học quan trọng qua sự kiện này. Một bài học là việc chúng ta sống đời sống tin kính không bảo đảm là lúc nào mình cũng được đối xử tử tế. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn-đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt-bớ” (II Ti-mô-thê 3:12). Lý do cho vấn đề này là vì Sa-tan và thế gian của hắn chống đối những người sống theo đường lối tin kính (Giăng 15:18, 19; I Phi-e-rơ 5:8). Nhưng hạnh phúc thật không tùy thuộc nơi những gì bên ngoài. Thay vì thế, nó đến từ việc tin chắc là chúng ta đang làm điều đúng và vì vậy được Đức Chúa Trời chấp nhận (Ma-thi-ơ 5:10-12; Gia-cơ 1:2, 3; I Phi-e-rơ 4:13, 14).

3. Sự thờ phượng Đức Giê-hô-va nên ảnh hưởng đến đời sống của một người như thế nào?

3 Có những người cho rằng họ có thể được ân huệ của Đức Chúa Trời bằng cách thỉnh thoảng biểu lộ vài hành động sùng kính nhưng có thể quên Ngài trong những lúc khác. Sự thờ phượng thật của Giê-hô-va Đức Chúa Trời thì không phải như vậy. Sự thờ phượng phải ảnh hưởng đến hạnh kiểm của một người suốt thời gian tỉnh giấc, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Vì vậy mà sự thờ phượng cũng được gọi là “Đường” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:9, NW; Ê-sai 30:21). Đó là một lối sống tin kính đòi hỏi chúng ta nói và làm phù hợp với Lời Đức Chúa Trời.

4. Tại sao thay đổi để sống theo đường lối của Đức Chúa Trời là có lợi?

4 Khi những người mới học Kinh-thánh thấy rằng họ cần phải thay đổi vài phương diện nào đó để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, họ có lẽ tự hỏi: ‘Đời sống tin kính có thật sự đáng sống không?’ Bạn có thể tin chắc là rất đáng. Tại sao thế? Bởi vì “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”, vì vậy, đường lối Ngài phải có lợi ích cho chúng ta (I Giăng 4:8). Đức Chúa Trời cũng là Đấng khôn ngoan và Ngài biết điều gì tốt nhất cho chúng ta. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là toàn năng, Ngài có thể làm chúng ta vững mạnh để dứt bỏ một thói hư tật xấu vì chúng ta có ước muốn làm đẹp lòng Ngài (Phi-líp 4:13). Chúng ta hãy xem xét một số nguyên tắc bao hàm trong lối sống tin kính và hãy xem làm sao việc áp dụng các nguyên tắc đó đem lại hạnh phúc.

TÍNH LƯƠNG THIỆN MANG LẠI HẠNH PHÚC

5. Kinh-thánh nói gì về việc nói dối và trộm cắp?

5 Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chơn-thật” (Thi-thiên 31:5). Chắc chắn bạn muốn noi gương Ngài và muốn người ta biết bạn là người chân thật. Tính lương thiện làm mình tự trọng và cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, vì sự bất lương quá phổ thông trong thế gian tội lỗi này, tín đồ đấng Christ cần sự nhắc nhở này: “Mỗi người trong anh em... hãy nói thật với kẻ lân-cận mình... Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa, nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm... đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn thì hơn” (Ê-phê-sô 4:25, 28). Những công nhân tín đồ đấng Christ làm việc một cách cố gắng, có lương tâm. Trừ phi chủ cho phép, họ không lấy vật gì của chủ. Dù ở sở làm, ở trường học hay ở nhà, người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải ‘lương thiện trong mọi sự’ (Hê-bơ-rơ 13:18, NW). Người nào có tật nói dối hoặc ăn cắp không thể có ân huệ của Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:19; Khải-huyền 21:8).

6. Tính lương thiện của một người tin kính có thể đem vinh hiển cho Đức Giê-hô-va như thế nào?

6 Tính lương thiện mang lại nhiều ân phước. Selina là một góa phụ khốn khó ở Phi Châu, chị yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời và nguyên tắc công bình của Ngài. Một ngày kia, chị nhặt được một túi xách trong đó có sổ ngân hàng và một món tiền lớn. Dùng sổ niên giám điện thoại, chị tìm ra người bị mất túi xách—chủ nhân của một tiệm bị cướp. Người đàn ông này không thể tin khi thấy Selina, dù bị bệnh khá nặng, đã đến gặp ông và trả lại đầy đủ những gì trong túi xách. Ông nói “tính lương thiện như thế đáng được tưởng thưởng”, rồi trao cho chị một số tiền. Quan trọng hơn nữa, ông này đã khen đạo của chị Selina. Đúng vậy, hành vi lương thiện làm tăng giá trị của sự dạy dỗ trong Kinh-thánh, tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và mang lại hạnh phúc cho những người lương thiện đang thờ phượng Ngài (Tít 2:10; I Phi-e-rơ 2:12).

TÍNH RỘNG LƯỢNG MANG LẠI HẠNH PHÚC

7. Cờ bạc có gì sai?

7 Người rộng lượng có được hạnh phúc, trong khi những người tham lam sẽ không “hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu” (I Cô-rinh-tô 6:10). Một hình thức phổ thông của tính tham lam là cờ bạc, đây là mưu toan làm tiền trên sự mất mát của người khác. Đức Giê-hô-va không chấp nhận những người “tham lợi phi-nghĩa” (I Ti-mô-thê 3:8). Ngay cả tại nơi mà cờ bạc được hợp pháp và một người cờ bạc vì ham vui, người đó có thể bị ghiền và cổ võ một thực hành làm hại nhiều người. Cờ bạc thường đem lại sự thiếu thốn cho gia đình kẻ cờ bạc, vì họ còn quá ít tiền để mua những thứ cần thiết như thực phẩm và quần áo (I Ti-mô-thê 6:10).

8. Giê-su nêu gương về sự rộng lượng như thế nào, và làm sao chúng ta có thể tỏ ra rộng lượng?

8 Vì tính rộng lượng đầy yêu thương, tín đồ đấng Christ tìm được niềm vui trong việc giúp đỡ người khác, nhất là các anh em đồng đức tin đang bị khốn khó (Gia-cơ 2:15, 16). Trước khi Giê-su đến trái đất, ngài đã quan sát thấy Đức Chúa Trời bày tỏ tính rộng lượng đối với nhân loại (Công-vụ các Sứ-đồ 14:16, 17). Chính Giê-su dành thì giờ, tài năng và ngay cả mạng sống ngài cho nhân loại. Vì vậy, ngài có đủ điều kiện để nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Giê-su cũng khen bà góa nghèo rộng lượng bỏ hai đồng tiền vào rương đựng tiền của đền thờ, vì bà cho “hết của có để nuôi mình” (Mác 12:41-44). Dân Y-sơ-ra-ên xưa và tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất nêu gương về sự vui mừng ban cho rộng lượng trong việc ủng hộ vật chất cho hội thánh và công việc Nước Trời (I Sử-ký 29:9; II Cô-rinh-tô 9:11-14). Thêm vào sự đóng góp về vật chất cho các mục đích đó, tín đồ đấng Christ ngày nay vui mừng ca ngợi Đức Chúa Trời và dùng đời sống họ để hầu việc Ngài (Rô-ma 12:1; Hê-bơ-rơ 13:15). Đức Giê-hô-va ban phước cho họ vì họ dùng thì giờ, năng lực và các nguồn lợi khác, gồm cả tài chánh của họ, để ủng hộ sự thờ phượng thật và đẩy mạnh công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp đất (Châm-ngôn 3:9, 10).

CÁC YẾU TỐ KHÁC GÓP PHẦN MANG LẠI HẠNH PHÚC

9. Uống rượu quá độ có gì sai?

9 Để được vui mừng, tín đồ đấng Christ cũng phải ‘gìn giữ khả năng suy tưởng của họ’ (Châm-ngôn 5:1, 2, NW). Điều này đòi hỏi họ đọc và suy gẫm về Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm lành mạnh về Kinh-thánh. Nhưng có những điều cần phải tránh. Chẳng hạn như uống rượu quá độ có thể khiến một người không kiểm soát được sự suy nghĩ của mình. Trong tình trạng đó, nhiều người có hạnh kiểm vô luân, hành động hung bạo và gây tai nạn chết người. Chẳng lạ gì khi Kinh-thánh nói rằng kẻ say sưa sẽ không hưởng được Nước Đức Chúa Trời đâu! (I Cô-rinh-tô 6:10). Nhất quyết giữ mình “tỉnh táo”, tín đồ thật của đấng Christ tránh sự say sưa, và điều này giúp góp phần vào sự vui vẻ ở giữa họ (Tít 2:2-6, NW).

10. a) Tại sao tín đồ đấng Christ không hút thuốc lá? b) Bỏ tật ghiền mang lại lợi ích nào?

10 Một thân thể sạch sẽ góp phần vào sự vui vẻ. Nhưng nhiều người trở thành nghiện các chất độc hại. Thí dụ, hãy xem xét việc dùng thuốc lá. Cơ quan Y tế Thế giới (The World Health Organization) báo cáo rằng việc hút thuốc lá “giết ba triệu người mỗi năm”. Từ bỏ tật hút thuốc có thể là khó vì phải chịu đựng những triệu chứng tạm thời trong lúc cai nghiện. Trái lại, nhiều người trước kia hút thuốc thấy là nhờ bỏ thuốc họ có sức khỏe khả quan hơn và có nhiều tiền hơn cho nhu cầu trong nhà. Thật vậy, bỏ được tật hút thuốc lá hoặc tật nghiện ngập những chất độc hại khác sẽ góp phần làm thân thể sạch sẽ, có được lương tâm trong sạch và sự vui mừng thật (II Cô-rinh-tô 7:1).

HẠNH PHÚC TRONG HÔN NHÂN

11. Cần phải có gì để được một cuộc hôn nhân hợp pháp và danh dự lâu dài?

11 Những người sống chung nhau như vợ chồng phải có hôn thú hẳn hoi (Mác 12:17). Họ cũng cần xem hôn nhân là một trách nhiệm hệ trọng. Đành rằng trong trường hợp người chồng cố tình không nuôi gia đình, đối xử tồi tệ quá mức, hoặc tuyệt đối gây nguy hiểm cho tình trạng thiêng liêng thì sự ly thân có thể là cần thiết (I Ti-mô-thê 5:8; Ga-la-ti 5:19-21), nhưng lời sứ đồ Phao-lô nơi I Cô-rinh-tô 7:10-17 khuyến khích những người hôn phối ở lại với nhau. Dĩ nhiên, để thật sự được hạnh phúc, họ phải chung thủy với nhau. Phao-lô viết: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình” (Hê-bơ-rơ 13:4). Từ ngữ “quê-phòng” ám chỉ sự giao hợp giữa người đàn ông và đàn bà chính thức lấy nhau. Không có sự giao hợp nào khác, như việc lấy nhiều vợ, có thể được miêu tả là “kính-trọng sự hôn nhân”. Hơn nữa, Kinh-thánh lên án việc giao hợp trước hôn nhân và đồng tính luyến ái (Rô-ma 1:26, 27; I Cô-rinh-tô 6:18).

12. Việc tà dâm có một số hậu quả nào?

12 Việc tà dâm có lẽ mang lại sự khoái lạc trong phút chốc, nhưng không mang lại hạnh phúc thật. Điều này làm buồn lòng Đức Chúa Trời và có thể làm tổn thương lương tâm của một người (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-5). Giao hợp không chính thức mang lại hậu quả đáng buồn là có thể bị bệnh AIDS (Sida) và các bệnh lây qua đường sinh dục. Một báo cáo y tế nói: “Người ta ước lượng rằng mỗi năm có hơn 250 triệu người trên thế giới mắc phải bệnh lậu, và khoảng 50 triệu bị bệnh giang mai”. Cũng có thêm vấn đề có chửa hoang. Tổ chức quốc tế hướng dẫn kế hoạch hóa gia đình (The International Planned Parenthood Federation) báo cáo rằng trên thế giới mỗi năm có hơn 15 triệu thiếu nữ, tuổi từ 15 đến 19 bị mang thai, và một phần ba trong số đó phá thai. Một cuộc nghiên cứu cho thấy rằng trong một xứ ở Phi Châu, biến chứng trong việc phá thai gây ra 72 phần trăm tổng số cái chết trong giới thiếu nữ. Một số người tà dâm có lẽ tránh khỏi bệnh tật và thai nghén nhưng không tránh được sự phương hại về cảm xúc nội tâm. Nhiều người mất đi sự tự trọng và thậm chí còn ghét chính mình nữa.

13. Việc ngoại tình gây thêm những vấn đề nào, và những kẻ tiếp tục tà dâm và ngoại tình sẽ bị gì trong tương lai?

13 Mặc dù tội ngoại tình có thể được tha thứ, nhưng theo Kinh-thánh tội này là căn bản chính đáng để người hôn phối vô tội ly dị (Ma-thi-ơ 5:32; so sánh Ô-sê 3:1-5). Khi sự vô luân như thế làm đổ vỡ cuộc hôn nhân, nó có thể để lại vết thương sâu đậm trong lòng của người hôn phối vô tội và con cái họ. Vì lợi ích của gia đình nhân loại, Lời Đức Chúa Trời chỉ rõ Ngài sẽ đoán phạt kẻ tà dâm và ngoại tình không chịu ăn năn. Hơn nữa, Kinh-thánh cho thấy rằng những người thực hành sự vô luân “thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19, 21).

“KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN”

14. a) Một người tin kính nên tránh vài hình thức thờ hình tượng nào? b) Giăng 17:14 và Ê-sai 2:4 cho sự hướng dẫn nào?

14 Những người muốn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va và muốn hưởng ân phước của Nước Trời phải tránh thờ hình tượng trong bất cứ hình thức nào. Kinh-thánh cho thấy làm và thờ phượng hình tượng là sai, kể cả hình của đấng Christ, hoặc mẹ ngài là Ma-ri (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5; I Giăng 5:21). Vậy, tín đồ thật của đấng Christ không tôn sùng tượng thánh, thập tự giá và hình tượng. Họ cũng tránh hình thức ngấm ngầm của sự thờ hình tượng, chẳng hạn như những hành động tôn sùng lá quốc kỳ và việc hát quốc ca. Khi bị ép hành động như thế, họ nhớ lại lời Giê-su nói với Sa-tan: “Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:8-10). Giê-su cũng đã nói môn đồ ngài “không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:14). Điều này có nghĩa là giữ trung lập trong các vấn đề chính trị và sống hòa bình phù hợp với Ê-sai 2:4: “Ngài [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] sẽ làm sự phán-xét trong các nước, đoán-định về nhiều dân. Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”.

15. Ba-by-lôn lớn là gì, và nhiều người mới học Kinh-thánh làm gì để ra khỏi?

15 “Không thuộc về thế-gian” cũng có nghĩa là ngưng mọi sự kết hợp với “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả. Sự thờ phượng ô uế từ xứ Ba-by-lôn xưa lan tràn cho đến khi nó chế ngự mọi người, gây tai hại cho họ về mặt thiêng liêng. “Ba-by-lôn lớn” gồm tất cả những tôn giáo mà có các giáo lý và thực hành không phù hợp với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời (Khải-huyền 17:1, 5, 15). Người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ không dính líu đến các hoạt động liên giáo bằng cách không đồng thờ phượng với các đạo khác hoặc giao hảo về thiêng liêng với bất cứ phần nào của Ba-by-lôn lớn (Dân-số Ký 25:1-9; II Cô-rinh-tô 6:14). Do đó, nhiều người mới học hỏi Kinh-thánh gửi một thư xin rút tên khỏi tổ chức tôn giáo của họ. Điều này đem họ đến gần Đức Chúa Trời thật, như Kinh-thánh có hứa: “Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá-động đến đồ ô-uế, thì ta sẽ tiếp- nhận các ngươi” (II Cô-rinh-tô 6:17; Khải-huyền 18:4, 5). Chẳng phải bạn thật lòng muốn được Cha trên trời chấp nhận như thế hay sao?

CÂN NHẮC CÁC LỄ HẰNG NĂM

16. Tại sao tín đồ thật của đấng Christ không cử hành Lễ Giáng sinh?

16 Một đời sống tin kính sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự phiền toái thường xảy ra trong việc cử hành những lễ lộc của thế gian. Thí dụ, Kinh-thánh không tiết lộ ngày sinh chính xác của Giê-su. Một số người có thể nói: “Tôi nghĩ rằng Giê-su sinh ngày 25 tháng 12”. Điều này không thể được vì ngài chết vào mùa xuân năm 33 công nguyên, khi được 33 tuổi rưỡi. Hơn nữa, vào lúc ngài sinh ra, các kẻ chăn chiên “trú ngoài đồng, thức đêm canh-giữ bầy chiên” (Lu-ca 2:8). Trong xứ Y-sơ-ra-ên, cuối tháng chạp là mùa lạnh và mưa, phải giữ chiên ở trong chuồng cả đêm để che chở chúng khỏi thời tiết mùa đông. Thật ra, người La Mã đã dành riêng ngày 25 tháng 12 để làm sinh nhật cho thần mặt trời của họ. Nhiều thế kỷ sau khi Giê-su xuống trái đất, các tín đồ bội đạo đã chọn ngày này để cử hành sinh nhật của đấng Christ. Vì vậy, tín đồ thật của đấng Christ không cử hành Lễ Giáng sinh hoặc bất cứ ngày lễ nào được căn cứ trên sự tin tưởng của tôn giáo giả. Bởi vì họ thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách chuyên độc, họ cũng không giữ những ngày lễ tôn sùng các nước hoặc loài người tội lỗi.

17. Tại sao những người tin kính không ăn mừng sinh nhật, và tại sao con trẻ tín đồ đấng Christ cũng vẫn vui vẻ?

17 Kinh-thánh đề cập rõ rệt chỉ hai vụ cử hành sinh nhật, cả hai đều dính líu đến những người không phụng sự Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 40:20-22; Ma-thi-ơ 14:6-11). Vì Kinh-thánh không tiết lộ ngày sinh của người hoàn toàn Giê-su Christ, thế thì tại sao chúng ta lại phải đặc biệt chú ý đến ngày sinh của những người bất toàn? (Truyền-đạo 7:1). Dĩ nhiên, cha mẹ tin kính không nên đợi một ngày đặc biệt mới bày tỏ lòng yêu thương đối với con cái. Một em gái tín đồ đấng Christ 13 tuổi nhận xét: “Gia đình em và em vui lắm... Em cảm thấy rất gần gũi với cha mẹ, và khi các đứa trẻ khác hỏi tại sao em không ăn mừng các ngày lễ, em nói rằng ngày nào em cũng giữ lễ cả”. Một người trẻ tín đồ đấng Christ 17 tuổi nói: “Gia đình em cho quà nhiều lần trong năm”. Khi tặng quà bất cứ lúc nào, chúng ta sẽ được vui mừng nhiều hơn.

18. Giê-su bảo môn đồ giữ một lễ nào hàng năm, và điều này nhắc chúng ta nhớ gì?

18 Đối với những người đeo đuổi đời sống tin kính thì chỉ có một ngày trong năm mà họ đặc biệt phải giữ. Đó là Bữa Tiệc Thánh của Chúa, thường gọi là Lễ Kỷ niệm sự chết của đấng Christ. Nói về ngày này, Giê-su bảo các môn đồ: “Hãy làm sự này để nhớ đến ta” (Lu-ca 22:19, 20; I Cô-rinh-tô 11:23-25). Khi Giê-su lập bữa tiệc này vào đêm 14 Ni-san, năm 33 công nguyên, ngài dùng bánh không men và rượu đỏ, tượng trưng cho thân thể con người vô tội và huyết hoàn toàn của ngài (Ma-thi-ơ 26:26-29). Các tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh của Đức Chúa Trời dùng bánh và rượu này. Họ được vào giao ước mới và giao ước về Nước Trời, họ có hy vọng lên trời (Lu-ca 12:32, 22:20, 28-30; Rô-ma 8:16, 17; Khải-huyền 14:1-5). Tuy nhiên, những người hiện diện vào buổi tối tương đương với ngày 14 Ni-san theo lịch Do-thái xưa cũng được lợi ích. Họ được nhắc nhở về tình yêu thương mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ đã bày tỏ qua sự hy sinh làm giá chuộc để chuộc tội, nhờ đó những người được ân huệ của Đức Chúa Trời có được sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16).

VIỆC LÀM VÀ SỰ GIẢI TRÍ

19. Tín đồ đấng Christ đương đầu với vấn đề nào khi tìm kế sinh nhai?

19 Các tín đồ thật của đấng Christ phải làm việc chăm chỉ và cung cấp cho nhu cầu của mình. Khi làm tròn bổn phận này, người chủ gia đình sẽ cảm thấy thỏa lòng (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:11, 12). Dĩ nhiên, nếu việc làm của một tín đồ đấng Christ trái ngược với Kinh-thánh thì người đó sẽ cảm thấy không vui. Nhưng, đôi khi khó cho một người tín đồ tìm việc làm phù hợp với tiêu chuẩn của Kinh-thánh. Thí dụ, người chủ có thể bảo vài công nhân lừa dối khách hàng. Mặt khác, nhiều người chủ sẽ nhân nhượng chiều theo lương tâm của người làm việc thành thật, vì họ không muốn mất người làm công đáng tin cậy. Tuy nhiên, dù chuyện gì xảy ra, bạn nên biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho sự cố gắng của bạn để tìm được việc làm mà không bị lương tâm cắn rứt (II Cô-rinh-tô 4:2).

20. Tại sao chúng ta nên kén chọn trong việc giải trí?

20 Vì Đức Chúa Trời muốn các tôi tớ Ngài vui vẻ, chúng ta cần phải thăng bằng giữa việc làm và thời gian giải trí, nghỉ ngơi (Mác 6:31; Truyền-đạo 3:12, 13). Thế gian của Sa-tan cổ võ sự giải trí không tin kính. Nhưng để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, chúng ta phải kén chọn những sách mình đọc, những chương trình trên rađiô và âm nhạc chúng ta nghe, và các buổi hòa nhạc, phim ảnh, kịch nghệ, chương trình vô tuyến truyền hình và video chúng ta xem. Nếu trong quá khứ chúng ta chọn loại giải trí trái ngược với những lời căn dặn trong những đoạn Kinh-thánh như Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; Thi-thiên 11:5 và Ê-phê-sô 5:3-5, chúng ta sẽ làm vui lòng Đức Giê-hô-va và được vui mừng hơn nếu sửa đổi lại.

TÔN TRỌNG SỰ SỐNG VÀ HUYẾT

21. Việc tôn trọng sự sống phải ảnh hưởng quan điểm của chúng ta về sự phá thai, cũng như thói quen và hạnh kiểm của chúng ta như thế nào?

21 Để đạt được hạnh phúc thật, chúng ta cần có quan điểm giống như Đức Giê-hô-va, đó là xem mạng sống của con người là quan trọng. Lời của Ngài cấm chúng ta giết người (Ma-thi-ơ 19:16-18). Thật vậy, luật pháp Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên cho thấy Ngài xem thai nhi như một mạng sống quí giá, chứ không phải là một vật nên giết bỏ (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22, 23). Vì lý do đó, chúng ta chớ nên xem mạng sống như một cái gì rẻ mạt bằng cách dùng thuốc lá, lạm dụng thân thể bằng cách dùng ma túy hoặc rượu, hoặc liều lĩnh làm những điều không cần thiết. Chúng ta cũng chớ nên theo đuổi bất cứ điều gì đe dọa sự sống hoặc lờ đi những biện pháp an toàn mà có thể gây ra nợ máu (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8).

22. a) Quan điểm theo Đức Chúa Trời về huyết và cách xử dụng huyết là gì? b) Chỉ riêng huyết của ai mới thật sự cứu mạng sống?

22 Đức Giê-hô-va bảo Nô-ê và gia đình ông là huyết tượng trưng linh hồn hoặc sự sống. Vì vậy, Đức Chúa Trời ngăn cấm họ ăn bất cứ loại huyết nào (Sáng-thế Ký 9:3, 4). Vì chúng ta là con cháu của họ, luật pháp này cũng buộc trên tất cả mọi người chúng ta. Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng huyết phải đổ ra đất và không được dùng cho mục đích riêng của loài người (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:15, 16). Và luật pháp của Đức Chúa Trời về huyết được nhắc lại khi tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất được dặn rằng: “Phải kiêng... huyết” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Vì tôn trọng sự thánh khiết của sự sống, những người tin kính không chấp nhận việc tiếp máu, cho dù những người khác có nhất định rằng biện pháp này sẽ cứu mạng sống. Nhân-chứng Giê-hô-va chấp nhận nhiều cách trị liệu y khoa được chứng tỏ là công hiệu và không gây nguy hiểm cho một người bởi việc tiếp máu. Các tín đồ đấng Christ biết rằng chỉ có huyết mà Giê-su đã đổ ra mới thật sự cứu mạng sống. Đức tin nơi huyết của ngài giúp họ được sự tha thứ và có triển vọng sống đời đời (Ê-phê-sô 1:7).

23. Đời sống tin kính có một số phần thưởng nào?

23 Rõ ràng là sống một đời sống tin kính đòi hỏi nhiều cố gắng. Chúng ta có thể sẽ bị những người trong gia đình hoặc bạn bè chế giễu (Ma-thi-ơ 10:32-39; I Phi-e-rơ 4:4). Nhưng phần thưởng của việc sống một đời sống như thế sẽ hơn hẳn bất cứ sự thử thách nào. Đời sống tin kính sẽ đem lại cho mình một lương tâm trong sạch và có được tình bạn lành mạnh với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 9:27, 29). Rồi cũng hãy tưởng tượng đến việc được sống đời đời trong một thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời (Ê-sai 65:17, 18). Và thật là vui biết mấy khi sống phù hợp với những lời khuyên của Kinh-thánh và nhờ đó làm vui lòng Đức Giê-hô-va! (Châm-ngôn 27:11). Vậy sống một đời sống tin kính mang lại hạnh phúc không có gì lạ cả! (Thi-thiên 128:1, 2).

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Có một số lý do nào cho thấy tại sao sống một đời sống tin kính mang lại hạnh phúc?

Đời sống tin kính đòi hỏi phải có những thay đổi nào?

Tại sao bạn muốn sống một đời sống tin kính?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 124, 125]

Giữ hoạt động thiêng liêng thăng bằng với giờ giấc nghỉ ngơi góp phần làm tăng hạnh phúc của những người sống một đời sống tin kính