Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Xây dựng một gia đình tôn vinh Đức Chúa Trời

Xây dựng một gia đình tôn vinh Đức Chúa Trời

Chương 15

Xây dựng một gia đình tôn vinh Đức Chúa Trời

1-3. Tại sao một số người không thể giải quyết những vấn đề thường xảy ra trong hôn nhân và trong vai trò làm cha mẹ, nhưng tại sao Kinh-thánh có thể giúp họ?

GIẢ SỬ bạn dự tính xây một căn nhà. Trước hết bạn mua đất. Sau đó vì tha thiết trông mong thấy căn nhà mới, bạn hình dung nó trong trí bạn. Nhưng nếu bạn không có dụng cụ hoặc không có tài xây cất thì sao? Những cố gắng của bạn sẽ không đi đến đâu cả, thật là bực bội biết bao!

2 Nhiều cặp khi bắt đầu kết hôn nghĩ đến một gia đình hạnh phúc, nhưng họ không có phương cách hoặc khả năng cần thiết để xây một gia đình hạnh phúc. Chẳng bao lâu sau ngày cưới, thói xấu nảy sinh. Gây gổ và đánh nhau trở thành chuyện hằng ngày. Khi con cái sanh ra, người mới làm cha và mẹ đó cảm thấy mình thiếu khả năng trong vai trò làm cha mẹ cũng như trong việc tạo một hôn nhân hạnh phúc.

3 Tuy nhiên, vui mừng thay Kinh-thánh có thể giúp họ. Những nguyên tắc của Kinh-thánh giống như là bí quyết để giúp bạn xây một gia đình hạnh phúc (Châm-ngôn 24:3). Chúng ta hãy xem như thế nào.

BÍ QUYẾT ĐỂ XÂY CUỘC HÔN NHÂN HẠNH PHÚC

4. Tại sao chúng ta biết phải có vấn đề xảy ra trong hôn nhân, và Kinh-thánh ban cho những tiêu chuẩn nào?

4 Dù cho một cặp vợ chồng có vẻ xứng đôi đến mấy, họ vẫn có những cảm xúc, kinh nghiệm lúc thơ ấu và sự dạy dỗ trong gia đình khác nhau. Vì vậy phải có một số vấn đề xảy ra sau khi cưới. Làm sao để đối phó với những vấn đề này? Khi các thợ xây một căn nhà, họ cùng tham khảo họa đồ. Đó là sự chỉ dẫn mà họ phải theo. Kinh-thánh cho biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Bây giờ chúng ta hãy xem xét một ít tiêu chuẩn này.

5. Kinh-thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chung thủy trong hôn nhân như thế nào?

5 Sự chung thủy. Giê-su nói: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” * (Ma-thi-ơ 19:6). Sứ đồ Phao-lô viết: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình” (Hê-bơ-rơ 13:4). Vì vậy những người đã kết hôn phải cảm thấy có bổn phận đối với Đức Giê-hô-va để giữ sự chung thủy với người hôn phối mình (Sáng-thế Ký 39:7-9).

6. Sự chung thủy giúp gìn giữ cuộc hôn nhân như thế nào?

6 Sự chung thủy nâng cao giá trị và làm bền vững cuộc hôn nhân. Những người hôn phối chung thủy biết rằng dù việc gì xảy ra, họ sẽ nâng đỡ lẫn nhau (Truyền-đạo 4:9-12). Thật là khác hẳn với những người hủy bỏ cuộc hôn nhân vừa khi gặp vấn đề! Những người như thế vội kết luận rằng họ ‘đã chọn lầm người’, họ ‘không còn yêu nhau nữa’, và giải pháp cho vấn đề là đi lấy người khác. Nhưng kết luận như thế tức là không cho hai vợ chồng có cơ hội để phát triển về tình cảm. Thay vì vậy, những người không chung thủy này có thể đem những vấn đề đó đến cho người hôn phối mới. Khi một người có một nhà tốt nhưng mái nhà bị dột, chắc chắn người ấy sẽ cố sửa chữa lại, chứ không phải dọn đi nhà khác. Tương tự như thế, việc thay đổi người hôn phối không phải là cách giải quyết vấn đề bên trong sự xung đột hôn nhân. Khi vấn đề xảy ra, đừng tìm cách chấm dứt cuộc hôn nhân, nhưng cố gắng hết sức để giữ gìn nó. Người có tính chung thủy xem cuộc hôn nhân như một cái gì đáng bảo vệ, gìn giữ và quí trọng.

7. Tại sao vợ chồng thường cảm thấy khó trò chuyện với nhau, nhưng việc mặc lấy “nhân cách mới” có thể giúp họ như thế nào?

7 Sự trò chuyn. Câu châm-ngôn trong Kinh-thánh nói: “Thiếu bàn bạc, dự tính thất bại” (Cách ngôn 15 22, Châm-ngôn 15:22 Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Tuy nhiên, vài cặp vợ chồng cảm thấy khó trò chuyện với nhau. Tại sao lại khó? Bởi vì mỗi người có cách nói chuyện khác nhau. Đây là một sự kiện thường đưa đến nhiều hiểu lầm và bực bội. Sự dạy dỗ trong nhà có thể ảnh hưởng đến vấn đề này. Thí dụ, một số người có thể lớn lên trong hoàn cảnh mà cha mẹ hay gây gổ nhau. Bây giờ những người này lớn lên và kết hôn, họ không biết cách nói chuyện với người hôn phối một cách tử tế và trìu mến. Tuy nhiên, nhà bạn không cần phải biến thành ‘nhà đầy cãi-lộn’ (Châm-ngôn 17:1). Kinh-thánh nhấn mạnh đến việc mặc lấy “nhân cách mới” và không dung thứ sự cay đắng hiểm độc, la hét và mắng nhiếc (Ê-phê-sô 4:22-24, 31, NW).

8. Điều gì có thể giúp bạn khi có sự bất đồng ý kiến với người hôn phối của bạn?

8 Bạn có thể làm gì khi có sự bất đồng ý kiến? Khi mới bắt đầu nổi nóng, có lẽ tốt nhất là bạn nghe theo lời khuyên của Châm-ngôn 17:4 (NW): “Trước khi cuộc gây gổ bùng nổ, hãy tránh đi”. Đúng vậy, bạn có thể hoãn lại cuộc thảo luận cho đến khi bạn và người hôn phối đã nguôi giận (Truyền-đạo 3:1, 7). Dù chuyện gì đi nữa, hãy cố gắng “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Mục tiêu của bạn là cố giải quyết vấn đề, chứ không phải thắng cuộc tranh cãi (Sáng-thế Ký 13:8, 9). Hãy lựa lời và tư cách nói chuyện mà sẽ làm cho bạn và người hôn phối của bạn giữ được sự bình tĩnh (Châm-ngôn 12:18; 15:1, 4; 29:11). Trên hết mọi sự, chớ nên giận dai, nhưng cố tìm sự giúp đỡ bằng cách nói với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện khiêm nhường (Ê-phê-sô 4:26, 27; 6:18).

9. Tại sao có thể nói rằng sự trò chuyện bắt đầu ở trong lòng?

9 Một câu châm ngôn trong Kinh-thánh nói: “Lòng khôn ngoan khiến miệng nên khéo léo và môi miếng thêm nhiều hiểu biết” (Cách ngôn 16 23, Châm-ngôn 16:23 Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Vậy thì bí quyết để có được cuộc trò chuyện tốt đẹp là ở trong lòng chứ không phải nơi miệng. Bạn có thái độ nào đối với người hôn phối của bạn? Kinh-thánh khuyến khích tín đồ đấng Christ bày tỏ “tình yêu anh em” (I Phi-e-rơ 3:8). Bạn có làm được điều này khi người hôn phối trải qua sự lo âu sầu não không? Nếu được thì nó sẽ giúp bạn biết cách trả lời như thế nào (Ê-sai 50:4).

10, 11. Chồng có thể áp dụng lời khuyên nơi I Phi-e-rơ 3:7 như thế nào?

10 Tôn trọng và kính nể. Kinh-thánh bảo người chồng tín đồ đấng Christ phải “tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình như là với giống yếu-đuối hơn...phải kính-nể họ” (I Phi-e-rơ 3:7). Tôn trọng vợ bao hàm việc nhìn nhận giá trị của vợ. Người chồng ăn ở với vợ theo sự “khôn ngoan” sẽ tôn trọng cảm nghĩ, ưu điểm, sự thông minh và phẩm cách của vợ. Người chồng cũng nên biết Đức Giê-hô-va xem người đàn bà như thế nào và Ngài muốn họ được đối xử ra sao.

11 Trong nhà bạn, giả sử bạn có một cái bình rất hữu dụng nhưng đặc biệt dễ vỡ. Chẳng lẽ bạn lại không cẩn thận với nó hay sao? Phi-e-rơ dùng từ “giống yếu-đuối hơn” cùng trong ý nghĩa đó, và điều này nên khuyến khích người chồng tín đồ đấng Christ bày tỏ tình yêu thương dịu dàng với vợ yêu quí của mình.

12. Vợ có thể cho thấy mình kính chồng một cách sâu xa như thế nào?

12 Nhưng Kinh-thánh cho người vợ lời khuyên nào? Phao-lô viết: “Vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33). Cũng như người vợ cần cảm thấy được chồng tôn trọng và yêu thương, thì người chồng cũng cần cảm thấy mình được vợ kính trọng. Người vợ kính trọng chồng không muốn rêu rao lỗi lầm của chồng một cách thiếu suy nghĩ, dù chồng là tín đồ đấng Christ hay không. Vợ sẽ không làm mất phẩm cách chồng bằng cách chỉ trích hoặc xem thường chồng, dù nói riêng hoặc trước mặt người khác (I Ti-mô-thê 3:11; 5:13).

13. Làm sao vợ chồng có thể nói ra ý kiến mà vẫn giữ hòa khí?

13 Điều này không có nghĩa là người vợ không thể nói lên ý kiến riêng của mình. Khi có chuyện gì làm nàng lo âu, nàng nên lễ độ nói ra cảm nghĩ của mình (Sáng-thế Ký 21:9-12). Nói cho chồng biết một cảm nghĩ có thể được ví như là ném một trái banh cho chồng. Vợ có thể ném nhẹ nhàng để cho chồng dễ bắt được, hoặc có thể liệng mạnh đến độ làm tổn thương chồng. Thật là tốt hơn biết bao khi cả hai vợ chồng tránh đổ lỗi nhau nhưng nói với nhau bằng giọng tử tế và dịu dàng! (Ma-thi-ơ 7:12; Cô-lô-se 4:6; I Phi-e-rơ 3:3, 4).

14. Bạn nên làm gì nếu người hôn phối của bạn chẳng chú ý đến việc áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh trong hôn nhân?

14 Như chúng ta đã thấy, nguyên tắc Kinh-thánh có thể giúp cho bạn xây dựng một hôn nhân hạnh phúc. Nhưng nếu người hôn phối của bạn không chú ý đến những gì Kinh-thánh nói thì sao? Bạn vẫn có thể làm được nhiều điều bằng cách áp dụng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong vai trò của bạn. Phi-e-rơ viết: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính” (I Phi-e-rơ 3:1, 2). Dĩ nhiên, điều này cũng áp dụng cho người chồng có vợ thờ ơ đối với Kinh-thánh. Bất kể người hôn phối của bạn chọn làm điều gì, hãy để nguyên tắc của Kinh-thánh khiến bạn trở thành một người chồng hay vợ tốt hơn. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời cũng có thể giúp bạn trở thành bậc cha mẹ tốt hơn.

DẠY DỖ CON CÁI THEO SỰ HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

15. Phương cách dạy dỗ sai lầm của cha mẹ đôi khi có thể truyền cho con cái như thế nào, nhưng vấn đề này có thể thay đổi như thế nào?

15 Chỉ riêng việc có một cái cưa hoặc cây búa không làm cho một người thành người thợ mộc khéo léo. Cũng vậy, chỉ việc có con cái không làm cho một người trở nên một bậc cha mẹ khéo léo. Dù biết hay không, cha mẹ thường dạy con cái theo cách mà họ đã được dạy. Vì vậy, những phương pháp dạy dỗ sai lầm của cha mẹ đôi khi được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Một câu tục ngữ Hê-bơ-rơ nói: “Cha ăn trái nho chua, mà con ghê răng”. Tuy nhiên, Kinh-thánh cho thấy rằng một người không phải theo con đường mà cha mẹ đã vạch sẵn. Người ấy có thể chọn đường khác, con đường theo luật pháp của Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 18:2, 14, 17).

16. Tại sao chu cấp cho nhu cầu của gia đình là quan trọng, và việc này bao gồm điều gì?

16 Đức Giê-hô-va đòi hỏi cha mẹ tín đồ đấng Christ phải hướng dẫn và chăm sóc con cái đúng cách. Phao-lô viết: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:8). Những lời này thật mạnh mẽ biết bao! Làm tròn vai trò của bạn là người chu cấp cho gia đình, bao gồm việc chăm sóc cho nhu cầu vật chất, thiêng liêng và cảm xúc của con cái là một đặc ân và trách nhiệm của một người tin kính. Kinh-thánh cho những nguyên tắc có thể giúp cha mẹ tạo một môi trường vui vẻ cho con cái họ. Hãy xem xét một vài nguyên tắc này.

17. Bạn cần phải làm gì nếu muốn luật pháp Đức Chúa Trời thấm vào lòng con cái bạn?

17 Nêu gương tốt. Các cha mẹ Y-sơ-ra-ên được dặn bảo: “Khá ân-cần dạy-dỗ [lời Đức Chúa Trời] cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy”. Cha mẹ phải dạy dỗ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cho con cái họ. Nhưng lời khuyên nhủ này được mở đầu bằng câu: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Đúng vậy, cha mẹ không thể cho những gì mà họ không có. Luật pháp Đức Chúa Trời trước hết phải ghi sâu vào lòng của bạn nếu bạn muốn ghi những luật này trong lòng của con cái bạn (Châm-ngôn 20:7; so sánh Lu-ca 6:40).

18. Trong việc bày tỏ tình yêu thương, Đức Giê-hô-va nêu gương tuyệt hảo cho các bậc cha mẹ như thế nào?

18 Hãy trấn an bằng tình thương của bạn. Trong lúc Giê-su làm báp têm, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ngươi là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Lu-ca 3:22). Qua lời đó, Đức Giê-hô-va thừa nhận Con Ngài, tự ý bày tỏ sự chấp nhận và trấn an Con bằng tình yêu thương của Ngài. Giê-su sau đó nói với Cha ngài: “Cha đã yêu Con trước khi sáng-thế” (Giăng 17:24). Thế thì, với tư cách là cha mẹ tin kính, hãy biểu lộ cho con bạn biết bằng lời nói và hành động là bạn yêu chúng—và nên làm như vậy thường xuyên. Hãy luôn luôn nhớ rằng “sự yêu-thương làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 8:1).

19, 20. Sửa trị con cái đúng cách bao hàm điều gì, và gương của Đức Giê-hô-va giúp ích cho các bậc cha mẹ như thế nào?

19 Sự sửa trị. Kinh-thánh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sửa trị một cách yêu thương (Châm-ngôn 1:8). Cha mẹ lẩn tránh trách nhiệm hướng dẫn con cái ngày nay thì hầu như sẽ phải đối diện với hậu quả đau lòng trong tương lai. Tuy nhiên, Kinh-thánh cũng lưu ý cha mẹ nên tránh đi vào một thái cực khác. Phao-lô viết: “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21). Cha mẹ phải tránh sửa trị con cái quá đáng hoặc nói đi nói lại những lỗi lầm của chúng và chỉ trích những cố gắng của chúng.

20 Cha trên trời là Giê-hô-va Đức Chúa Trời nêu gương cho chúng ta về việc sửa trị. Sự sửa trị của Ngài không bao giờ quá đáng. Đức Chúa Trời nói với dân Ngài: “Ta... sẽ sửa-trị ngươi cách chừng-mực” (Giê-rê-mi 46:28). Cha mẹ nên noi gương Đức Giê-hô-va về phương diện này. Sự sửa trị vượt quá giới hạn vừa phải hoặc đi quá mục đích đã định trong việc sửa trị hoặc dạy dỗ thì chắc chắn là có hại.

21. Làm sao cha mẹ có thể xác định sự sửa trị của họ có hữu hiệu hay không?

21 Làm sao cha mẹ có thể xác định cách sửa trị của họ hữu hiệu hay không? Họ có thể tự hỏi: ‘Sự sửa trị của tôi đạt được kết quả nào?’ Sự sửa trị phải có tính cách dạy dỗ. Con của bạn nên hiểu tại sao nó được sửa trị. Cha mẹ cũng nên quan tâm đến những hậu quả của sự dạy dỗ của họ. Đành rằng hầu hết con cái mới đầu đều bực tức khi bị sửa trị (Hê-bơ-rơ 12:11), nhưng khi sửa trị không bao giờ nên làm cho đứa trẻ sợ hãi hoặc cảm thấy bị bỏ rơi hoặc cho nó ấn tượng nó vốn là người ác. Trước khi sửa trị dân tộc Ngài, Đức Giê-hô-va nói: “Ngươi chớ sợ, vì ta ở cùng ngươi” (Giê-rê-mi 46:28). Đúng vậy, bạn phải sửa trị sao cho con bạn cảm thấy rằng bạn là cha mẹ yêu thương và ủng hộ nó.

ĐƯỢC SỰ HƯỚNG DẪN KHÔN KHÉO

22, 23. Làm sao bạn có thể được sự hướng dẫn cần thiết để xây dựng một gia đình hạnh phúc?

22 Chúng ta có thể biết ơn Đức Giê-hô-va đã cho những bí quyết chúng ta cần để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng chỉ có những bí quyết này thôi thì không đủ. Chúng ta phải tập dùng chúng cho đúng cách. Thí dụ, người thợ xây nhà có thể phát triển thói quen xấu trong cách dùng những dụng cụ mình. Người có thể hoàn toàn dùng dụng cụ không đúng cách. Trong hoàn cảnh như vậy, phương pháp của người đó sẽ sinh ra một sản phẩm thấp kém. Tương tự như thế, có lẽ bây giờ bạn nhận thức được những thói xấu đã tiêm nhiễm vào gia đình bạn. Một số thói quen này có thể là cố hữu và khó thay đổi. Tuy nhiên, hãy theo lời khuyên của Kinh-thánh: “Kẻ khôn sẽ nghe và có thêm sự chỉ dẫn, người hiểu biết là người được sự hướng dẫn khôn khéo” (Châm-ngôn 1:5NW).

23 Bạn có thể được sự hướng dẫn khôn khéo bằng cách tiếp tục thu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Phải mau mắn áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh trong gia đình và sửa đổi những chỗ cần sửa đổi. Hãy quan sát những tín đồ đấng Christ thành thục đã nêu gương tốt trong vai trò làm chồng, vợ và cha mẹ. Hãy nói chuyện với họ. Trên hết mọi sự, bạn hãy thổ lộ sự lo lắng với Đức Giê-hô-va bằng lời cầu nguyện (Thi-thiên 55:22; Phi-líp 4:6, 7). Ngài có thể giúp bạn để có được đời sống gia đình hạnh phúc và tôn vinh Ngài.

[Chú thích]

^ đ. 5 Chỉ một lý do mà Kinh-thánh cho phép ly dị và được tái hôn là “tà-dâm”—sự liên lạc tình dục ngoài hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:9).

TRẮC NGHIỆM SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẠN

Sự chung thủy, trò chuyện, tôn trọng và kính nể góp phần làm hôn nhân được hạnh phúc như thế nào?

Cha mẹ có thể dùng tình thương của họ để trấn an con cái qua những cách nào?

Sự sửa trị đúng cách bao hàm những yếu tố nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Trang hình ảnh nơi trang 147]