Đi đến nội dung

Tôi đã chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời về máu

Tôi đã chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời về máu

Tôi đã chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời về máu

Một bác sĩ kể kinh nghiệm của mình

Lúc đó tôi đang ở trong hội trường bệnh viện, tóm tắt lại kết quả cuộc khám nghiệm tử thi cho một nhóm bác sĩ. Bệnh nhân tử vong có một khối u ác tính, và tôi đã nói: “Chúng ta có thể kết luận rằng nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của bệnh nhân này là hiện tượng tan máu [có nghĩa là hiện tượng hồng huyết cầu bể vỡ] và suy thận nghiêm trọng sau khi truyền một lượng máu quá lớn”.

Một giáo sư đứng dậy và la hét giận dữ: “Có phải anh cho rằng chúng tôi đã truyền sai nhóm máu cho bệnh nhân?”. Tôi trả lời: “Tôi không có ý đó”. Tôi cho họ xem một số phim chụp X quang thận của bệnh nhân và nói thêm: “Chúng ta thấy nhiều tế bào hồng huyết cầu vỡ ra trong thận. Và có thể kết luận rằng chính điều này gây ra tình trạng suy thận nghiêm trọng”. * Bầu không khí trở nên căng thẳng, và miệng tôi khô khốc. Mặc dù tôi là một bác sĩ trẻ và ông ấy là một giáo sư, nhưng tôi cảm thấy rằng mình không thể nhượng bộ.

Sự việc trên xảy ra khi tôi chưa là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi sinh ra vào năm 1943 tại thành phố Sendai, thuộc miền bắc Nhật Bản. Vì bố tôi là một nhà bệnh lý học và tâm lý học nên tôi quyết định học ngành y. Năm 1970, khi tôi đang học năm thứ hai trường y, tôi kết hôn với một cô gái tên là Masuko.

Theo đuổi chuyên ngành bệnh lý học

Masuko làm việc để chu cấp cho gia đình cho đến khi tôi tốt nghiệp. Tôi yêu thích ngành y. Tôi kinh ngạc trước cấu tạo của cơ thể con người! Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có Đấng Tạo Hóa. Tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu y khoa sẽ mang lại cho tôi đời sống ý nghĩa. Vì vậy, sau khi trở thành bác sĩ, tôi chọn học tiếp chuyên ngành bệnh lý học, bao gồm cơ chế, nguyên nhân và tác hại của bệnh.

Trong khi thực hiện khám nghiệm tử thi cho các bệnh nhân qua đời vì ung thư, tôi bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của việc truyền máu. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường thiếu máu vì bị mất máu. Vì phương pháp hóa trị càng gây ra thiếu máu nên bác sĩ thường đề nghị truyền máu. Nhưng càng ngày tôi càng nghi ngờ rằng việc truyền máu chỉ khiến cho tế bào ung thư phát triển. Dù sao đi nữa, y học ngày nay cho biết việc truyền máu gây ra suy giảm miễn dịch, là điều có thể làm tăng nguy cơ tái phát khối u và giảm tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư. *

Vào năm 1975, tôi gặp trường hợp được đề cập ở đầu bài. Vị giáo sư phụ trách trường hợp này là một chuyên gia trong ngành huyết học. Vì thế, chẳng lạ gì khi ông rất tức giận khi nghe tôi nói rằng việc truyền máu đã gây ra cái chết cho bệnh nhân! Tuy nhiên, khi tôi tiếp tục trình bày thì ông đã dần dần bình tĩnh lại.

Không còn bệnh tật hay sự chết

Vào khoảng thời gian đó, có một bác lớn tuổi là Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến nhà rao giảng cho vợ tôi. Bác ấy dùng từ “Giê-hô-va” trong cuộc trò chuyện, và vợ tôi đã hỏi “Giê-hô-va” có nghĩa gì. Bác ấy trả lời “Giê-hô-va tên Đức Chúa Trời”. Masuko, vợ tôi, đọc Kinh Thánh từ khi còn nhỏ, nhưng Kinh Thánh mà cô ấy dùng đã thay thế danh Đức Chúa Trời bằng từ “CHÚA”. Giờ đây, cô ấy biết rằng Đức Chúa Trời có một danh riêng!

Ngay lập tức, Masuko đồng ý học Kinh Thánh với bác Nhân Chứng ấy. Khi tôi từ bệnh viện trở về vào khoảng 1 giờ sáng, vợ tôi hào hứng nói với tôi: “Kinh Thánh nói rằng sẽ không còn bệnh tật và sự chết!”. Tôi đáp: “Nếu được vậy thì tốt quá!”. Cô ấy nói tiếp: “Vì thế giới mới sắp đến nên em không muốn anh lãng phí thời gian nữa”. Nghe vậy, tôi nghĩ rằng cô ấy muốn tôi bỏ nghề bác sĩ nên tôi đã rất tức giận, và vợ chồng tôi đã lục đục với nhau.

Nhưng vợ tôi không bỏ cuộc. Cô ấy cầu xin Đức Chúa Trời giúp mình tìm được những câu Kinh Thánh phù hợp để cho tôi xem. Những lời nơi Truyền đạo 2:22, 23 đã động đến lòng tôi. Câu này nói: “Một người thật sự được gì khi lao lực và lao tâm mà làm việc khó nhọc dưới mặt trời?... Cả ban đêm, lòng người chẳng yên nghỉ. Đó cũng là hư không”. Câu này đúng trong trường hợp của tôi, tôi cống hiến cả đời cho y học, nghiên cứu ngày lẫn đêm mà chẳng thỏa nguyện gì.

Vào tháng 7 năm 1975, sáng Chủ Nhật nọ, sau khi vợ tôi đến Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi đột nhiên quyết định cũng đi đến đó. Vợ tôi rất bất ngờ khi thấy tôi ở đó, và tôi đã được các Nhân Chứng nồng nhiệt chào đón. Kể từ đó, tôi tham dự buổi nhóm họp vào mỗi Chủ Nhật. Sau khoảng một tháng, một anh Nhân Chứng bắt đầu học Kinh Thánh với tôi. Ba tháng sau lần đầu được các Nhân Chứng rao giảng, vợ tôi đã báp-têm.

Chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời về máu

Không lâu sau, tôi học được rằng Kinh Thánh lệnh cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô là “phải kiêng huyết” (Công vụ 15:28, 29; Sáng thế 9:4). Vì tôi từng nghi ngờ về tính hiệu quả của việc truyền máu nên không khó để tôi chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời về máu. * Tôi nghĩ: “Nếu có Đấng Tạo Hóa và ngài nói như vậy thì hẳn là đúng”.

Tôi cũng học được rằng bệnh tật và cái chết của con người là do sự di truyền từ A-đam (Rô-ma 5:12). Vào thời điểm đó, tôi đang nghiên cứu về bệnh xơ vữa động mạch. Khi càng lớn tuổi thì động mạch của chúng ta càng xơ cứng và hẹp, gây ra những bệnh như bệnh tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận. Hợp lý để tin rằng nguyên nhân là do sự bất toàn di truyền. Sau đó, lòng nhiệt huyết của tôi dành cho ngành y bắt đầu giảm dần. Chỉ có Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới có thể xóa bỏ bệnh tật và sự chết!

Vào tháng 3 năm 1976, bảy tháng kể từ khi bắt đầu học Kinh Thánh, tôi bỏ công việc nghiên cứu tại bệnh viện đại học. Tôi lo là mình sẽ không bao giờ được làm bác sĩ nữa, nhưng tôi đã tìm được công việc tại một bệnh viện khác. Tôi báp-têm vào tháng 5 năm 1976. Tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để dùng đời sống mình là trở thành người rao truyền tin mừng trọn thời gian, còn được gọi là tiên phong, và tôi đã bắt đầu làm thế từ tháng 7 năm 1977.

Bênh vực quan điểm của Đức Chúa Trời về máu

Vào tháng 11 năm 1979, vợ chồng tôi chuyển đến một hội thánh ở tỉnh Chiba, là nơi có nhu cầu về người rao giảng. Tôi đã tìm được công việc bán thời gian ở một bệnh viện. Vào ngày đầu tiên tôi đi làm, một nhóm bác sĩ phẫu thuật đã vây quanh tôi. Họ cứ hỏi tôi: “Là Nhân Chứng Giê-hô-va, anh sẽ làm gì nếu có một bệnh nhân cần tiếp máu?”.

Tôi tử tế giải thích rằng tôi làm theo điều Đức Giê-hô-va nói về máu. Tôi giải thích rằng có những phương pháp khác thay thế việc truyền máu và tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân. Sau một tiếng đồng hồ thảo luận, vị trưởng khoa phẫu thuật đã nói: “Tôi hiểu. Còn những trường hợp mất quá nhiều máu thì anh hãy để cho chúng tôi xử lý”. Vị trưởng khoa có tiếng là người khó tính, nhưng sau cuộc thảo luận ấy, chúng tôi đã có mối quan hệ tốt với nhau, và ông ấy luôn tôn trọng niềm tin của tôi.

Lập trường về máu bị thử thách

Khi chúng tôi phụng sự tại Chiba, chi nhánh mới của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nhật Bản, cũng được gọi là Bê-tên, đang được xây dựng tại Ebina. Vợ chồng tôi lái xe đến đó mỗi tuần một lần để chăm sóc sức khỏe cho các tình nguyện viên tham gia dự án xây cất. Sau vài tháng, chúng tôi nhận được lời mời là phụng sự trọn thời gian tại Bê-tên Ebina. Vào tháng 3 năm 1981, chúng tôi chuyển vào khu nhà tạm thời được dùng làm nơi ở cho hơn 500 tình nguyện viên. Vào buổi sáng thì tôi dọn phòng tắm và phòng vệ sinh tại công trường, còn buổi chiều thì khám sức khỏe cho các anh chị.

Một trong những bệnh nhân của tôi là chị Ilma Iszlaub, là người chuyển từ Úc đến Nhật Bản để làm giáo sĩ vào năm 1949. Chị mắc bệnh ung thư bạch cầu và được các bác sĩ cho biết là chị chỉ còn sống được vài tháng mà thôi. Chị từ chối tiếp máu để kéo dài sự sống, và chọn sống ở Bê-tên cho đến khi qua đời. Thời đó vẫn chưa có những thuốc kích thích sản sinh hồng cầu, chẳng hạn như erythropoietin. Đôi khi lượng huyết sắc tố của chị giảm xuống chỉ còn 3g hay 4g (bình thường là 12g đến 15g). Nhưng tôi đã cố gắng hết sức để điều trị cho chị. Chị Ilma tiếp tục thể hiện đức tin không lay chuyển nơi Lời Đức Chúa Trời cho đến khi qua đời vào tháng 1 năm 1988, khoảng bảy năm sau!

Trong những năm qua, có nhiều tình nguyện viên tại chi nhánh Nhật Bản đã cần phải phẫu thuật. Đáng mừng là các bác sĩ của những bệnh viện kế cận đã hợp tác bằng cách phẫu thuật cho các anh chị mà không truyền máu. Tôi thường được mời vào phòng phẫu thuật để quan sát và đôi khi là trợ giúp những ca phẫu thuật. Tôi rất biết ơn các bác sĩ đã tôn trọng lập trường của Nhân Chứng Giê-hô-va về máu. Khi làm việc với họ, tôi có nhiều cơ hội để chia sẻ niềm tin. Và gần đây, một trong những bác sĩ ấy đã báp-têm để trở thành Nhân Chứng.

Điều đáng chú ý là những nỗ lực của các bác sĩ điều trị cho Nhân Chứng Giê-hô-va mà không dùng máu đã đóng góp một cách đáng kể cho ngành y. Những cuộc phẫu thuật không dùng máu đã cho thấy nhiều lợi ích của việc không truyền máu. Các cuộc nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân phẫu thuật không truyền máu thì phục hồi nhanh hơn và có ít vấn đề hơn sau khi phẫu thuật.

Tiếp tục học từ Bác Sĩ vĩ đại nhất

Tôi cố gắng bắt kịp những tiến bộ trong y học. Tuy nhiên, tôi cũng tiếp tục học từ Đức Giê-hô-va, là Bác Sĩ vĩ đại nhất. Ngài không chỉ nhìn bề ngoài nhưng quan tâm sâu xa đến mỗi chúng ta (1 Sa-mu-ên 16:7). Là một bác sĩ, tôi không chỉ tập trung vào bệnh của bệnh nhân mà cố gắng quan tâm đến chính người đó. Nhờ thế, tôi có thể chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

Tôi tiếp tục phụng sự tại Bê-tên và giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va, trong đó có quan điểm của ngài về máu, và đây vẫn là một trong những niềm vui lớn nhất của tôi. Tôi cầu nguyện là Bác Sĩ vĩ đại nhất, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, sẽ sớm chấm dứt mọi bệnh tật và sự chết.​—Do anh Yasushi Aizawa kể lại.

[Chú thích]

^ đ. 4 Theo một sách nói về ngân hàng máu và truyền máu (Modern Blood Banking and Transfusion Practices) của tiến sĩ Denise M. Harmening, “phản ứng huyết tan có thể xảy ra với những bệnh nhân đã từng truyền máu, mang thai hoặc thực hiện phẫu thuật cấy ghép. Trong trường hợp như thế, những kháng thể khiến bệnh nhân phản ứng mạnh đối với việc truyền máu không phát hiện được qua các phương pháp thăm khám và xét nghiệm thông thường trước khi truyền máu”. Dựa theo một sách về máu (Dailey’s Notes on Blood), hiện tượng tan máu “có thể xảy ra khi bệnh nhân được truyền máu không phù hợp... cho dù với một lượng nhỏ. Khi thận ngừng hoạt động thì bệnh nhân sẽ dần dần bị nhiễm độc, vì thận không thể lọc bỏ các chất thải trong máu”.

^ đ. 8 Theo tạp chí Ung thư lâm sàng (Journal of Clinical Oncology), tháng 8 năm 1988, báo cáo rằng: “Bệnh nhân ung thư truyền máu trong giai đoạn phẫu thuật thì có tiên lượng xấu hơn nhiều so với các bệnh nhân không truyền máu trong giai đoạn phẫu thuật”.

^ đ. 16 Để biết thêm về sự dạy dỗ của Kinh Thánh liên quan đến máu, xin xem sách mỏng Máu có thể cứu sống bạn như thế nào? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 14]

“Tôi giải thích rằng có những phương pháp khác thay thế việc truyền máu và tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân”

[Câu nổi bật nơi trang 15]

“Những cuộc phẫu thuật không dùng máu đã cho thấy nhiều lợi ích của việc không truyền máu”

[Hình nơi trang 15]

Phía trên: Đang trình bày bài giảng dựa trên Kinh Thánh

Bên phải: Cùng với vợ tôi là Masuko hiện nay