Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao chúng ta có thể biết là có một Thượng Đế

Làm sao chúng ta có thể biết là có một Thượng Đế

Phần 3

Làm sao chúng ta có thể biết là có một Thượng Đế

1, 2. Nguyên tắc nào giúp chúng ta xác định xem có một Thượng Đế hay không?

MỘT cách để xác định xem có một Thượng Đế hay không là áp dụng nguyên tắc vững chắc này: Vật gì được làm ra cần phải có người làm ra. Vật đó càng phức tạp đến đâu, thì người làm ra càng phải có khả năng đến đó.

2 Thí dụ, hãy nhìn chung quanh nhà bạn. Bàn ghế, bàn giấy, giường, nồi chảo, đĩa, muỗng nĩa, v.v... đều phải có người làm ra, cũng như các tường, sàn và trần nhà. Tuy nhiên, những vật đó tương đối dễ làm ra. Vì lẽ những vật đơn giản cần có người làm ra, thì điều hợp lý là những vật phức tạp hơn đòi hỏi người làm ra càng thông minh hơn, phải không?

Vũ trụ tuyệt diệu của chúng ta

3, 4. Làm sao vũ trụ giúp chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời hiện hữu?

3 Mỗi đồng hồ đòi hỏi phải có người làm ra. Nhưng nói sao về thái dương hệ của chúng ta phức tạp bằng vạn lần, với Mặt trời và các hành tinh xoay quanh một cách chính xác vô cùng từ thế kỷ này qua thế kỷ kia? Nói sao về thiên hà vĩ đại của chúng ta, gọi là Dải Ngân hà, với hơn 100 tỷ ngôi sao? Bạn có bao giờ dừng lại buổi tối và ngắm nhìn Dải Ngân hà chưa? Bạn có cảm phục không? Vậy hãy nghĩ đến vũ trụ bao la gồm cả tỷ thiên hà như Dải Ngân hà của chúng ta! Cũng thế, các thiên thể di chuyển trong các quỹ đạo từ thế kỷ này sang thế kỷ kia cách chính xác đến đỗi chúng được ví như những đồng hồ tinh vi.

4 Nếu một đồng hồ, tương đối giản dị, cần phải có người làm ra, chắc chắn vũ trụ phức tạp và vĩ đại hơn biết bao cho thấy phải có một đấng đã tạo nên. Vì thế nên Kinh-thánh mời chúng ta ‘ngước mắt lên cao mà xem’, và sau đó đặt câu hỏi: “Ai đã tạo những vật nầy?” Câu trả lời: “Ấy là Đấng [Đức Chúa Trời] khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao” (Ê-sai 40:26). Như vậy, vũ trụ hiện hữu nhờ một quyền năng vô hình, cực kỳ lỗi lạc và thông minh—Thượng Đế hay Đức Chúa Trời.

Trái đất được cấu tạo cách độc đáo

5-7. Những sự kiện nào khiến chúng ta biết trái đất đã có một Đấng Tạo hóa?

5 Các nhà khoa học càng nghiên cứu trái đất, họ càng thấy rõ là trái đất được cấu tạo cách độc đáo cốt cho loài người ở. Khoảng cách giữa trái đất và mặt trời là vừa phải để hưởng ánh sáng và sức nóng đúng mức. Mỗi năm trái đất quay một vòng chung quanh mặt trời với góc nghiêng vừa đúng để có các mùa ở nhiều nơi trên đất. Cứ mỗi 24 giờ, trái đất cũng quay một vòng quanh trục của nó khiến có ngày và đêm một cách đều đặn. Nhờ bầu khí quyển có những chất hơi pha trộn đúng mức khiến chúng ta có thể thở và được che chở khỏi chất phóng xạ nguy hiểm từ không gian. Trái đất cũng có nước và đất cần yếu để trồng trọt thực phẩm.

6 Nếu không có tất cả các yếu tố này và những yếu tố khác nữa hòa hợp cùng nhau, thì không thể nào có sự sống được. Phải chăng hết thảy những điều đó chỉ là do ngẫu nhiên? Tờ báo Science News (Tin tức Khoa học) viết: “Dường như những tình trạng độc đáo và chính xác như thế khó mà xuất phát một cách ngẫu nhiên được”. Không, không thể nào được. Những tình trạng ấy đã được cấu tạo với mục đích rõ rệt do một Đấng Tạo hóa kỳ diệu.

7 Giả sử bạn bước vào một ngôi nhà đẹp đẽ và thấy có đầy thực phẩm được dự trữ, có hệ thống điều hòa nhiệt độ thật tốt, và một hệ thống ống dẫn nước tốt để cung cấp nước, thì bạn sẽ kết luận gì? Có phải là mọi điều đó tự nhiên mà ra chăng? Không, chắc chắn bạn sẽ kết luận rằng một người thông minh đã kiến trúc và cẩn thận xây cất ngôi nhà ấy. Trái đất cũng đã được phác họa và tạo nên một cách kỹ lưỡng để cung cấp những điều cần thiết cho dân cư; trái đất còn phức tạp hơn và có kho dự trữ đầy đủ hơn bất cứ ngôi nhà nào.

8. Còn gì khác về trái đất cho thấy lòng quan tâm đầy yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta?

8 Bạn cũng hãy nghĩ đến tất cả những điều khiến cho đời sống thú vị hơn. Hãy nhìn vô số các loại bông hoa với màu sắc tuyệt đẹp và hương thơm làm cho con người thích thú. Hơn nữa, chúng ta cũng thưởng thức đủ loại thức ăn ngon miệng. Chúng ta vui thích ngắm rừng cây, núi, hồ và những công trình sáng tạo khác. Và nói gì về những cảnh mặt trời lặn huy hoàng khiến chúng ta yêu đời thêm nữa? Và trong loài súc vật, chúng ta không vui thích xem những chó con, mèo con cùng các con nhỏ của những súc vật khác nô đùa vui chơi với tính nết dễ thương của chúng sao? Vậy thì trái đất cung cấp nhiều vui thú bất ngờ, không hoàn toàn cần thiết cho sự sống. Những điều này cho thấy rằng trái đất được phác họa một cách chu đáo và đầy yêu thương đặc biệt cho loài người, để cho chúng ta không những có thể sống mà còn vui hưởng sự sống nữa.

9. Ai đã tạo ra trái đất, và tại sao?

9 Do đó, kết luận hợp lý là chúng ta phải nhìn nhận Đấng Ban cho mọi sự này, như người viết Kinh-thánh đã làm khi nói về Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “Ngài đã dựng nên trời và đất”. Với mục đích nào? Ông trả lời bằng cách mô tả Đức Chúa Trời như Đấng “đã tạo-thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền-vững, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 37:16; 45:18).

Tế bào tuyệt diệu

10, 11. Tại sao tế bào lại tuyệt diệu đến thế?

10 Nhưng về những vật sống thì sao? Chúng không cần có người làm ra sao? Thí dụ, bạn hãy xem xét một vài khía cạnh tuyệt diệu của tế bào. Trong cuốn sách Evolution: A Theory in Crisis (Thuyết tiến hóa: Một lý thuyết bị khủng hoảng), nhà sinh vật học về phân tử là Michael Denton phát biểu: “Ngay cả những hệ thống có sự sống giản dị nhất trên thế giới ngày nay, các tế bào vi trùng cũng rất phức tạp. Dù bé tí xíu, mỗi tế bào vi trùng nhỏ nhất thật ra là một cái xưởng vi mang với hàng ngàn bộ phận máy móc phân tử phức tạp được cấu tạo một cách xuất sắc... phức tạp gấp bội bất cứ máy móc nào do loài người làm ra và tuyệt đối không có điều gì trong thế giới vô sinh có thể sánh bằng”.

11 Về cơ cấu di truyền trong mỗi tế bào, ông nói: “Khả năng tích trữ tin tức của chất DNA trổi hơn xa bất cứ hệ thống nào mà người ta từng biết và hữu hiệu đến nỗi hết thảy tin tức cần thiết để định rõ một sinh vật phức tạp như con người lại cân nhẹ chỉ bằng vài phần tỷ của một gram. So với sự khéo léo và độ phức tạp bày tỏ qua bộ máy phân tử của sự sống, thì ngay cả những [máy móc] tân tiến nhất của chúng ta đều có vẻ vụng về. Chúng ta cảm thấy thấp kém”.

12. Một nhà khoa học đã nói gì về nguồn gốc của tế bào?

12 Ông Denton nói thêm: “Loại tế bào đơn giản nhất mà người ta biết cũng có một mức độ phức tạp cao đến nỗi ta không thể nào chấp nhận rằng một biến cố ngẫu nhiên và khó xảy ra đã đột ngột hỗn hợp được một vật thể như thế”. Chắc chắn đã phải có một ai phác họa và làm ra.

Bộ não kỳ lạ của chúng ta

13, 14. So với một tế bào, tại sao bộ não còn kỳ lạ hơn nhiều?

13 Nhà khoa học này nói tiếp: “Nói về mức độ phức tạp thì một tế bào riêng rẽ lại không ra gì khi so sánh với một hệ thống như bộ não của loài động vật có vú. Bộ não con người gồm có khoảng mười ngàn triệu tế bào thần kinh. Mỗi tế bào thần kinh có từ mười ngàn đến một trăm ngàn thớ, nhờ đó mà nó có thể liên kết với những tế bào thần kinh khác trong bộ não. Tổng số tất cả các mối liên kết trong bộ não con người lên đến... một ngàn triệu triệu”.

14 Ông Denton tiếp tục: “Ngay cả nếu chỉ một phần trăm của các mối liên kết trong bộ não được sắp xếp rõ ràng, đây vẫn sẽ là một hệ thống có nhiều gấp bội các mối liên kết rõ ràng so với cả mạng lưới thông tin trên khắp trái đất”. Rồi ông đặt câu hỏi: “Có tiến trình hoàn toàn ngẫu nhiên nào mà có thể kết hợp lại được những hệ thống như vậy không?” Hiển nhiên, câu trả lời là: Không. Bộ não phải có một đấng đã phác họa và làm ra với lòng đầy quan tâm.

15. Những người khác đã phát biểu thế nào về bộ não?

15 So với bộ não con người, ngay cả những máy điện toán tân tiến nhất cũng có vẻ thô sơ. Nhà viết về khoa học là Morton Hunt nói: “Trí nhớ hoạt động của chúng ta tích trữ được tin tức gấp cả mấy tỷ lần một máy điện toán khảo cứu tối tân loại lớn”. Vì vậy, Bác sĩ giải phẫu về não kết luận: “Tôi buộc phải nhìn nhận sự hiện hữu của một Đấng Thông minh siêu phàm, là Đấng đã phác họa và thực hiện mối liên hệ giữa bộ não và tâm trí, một điều quá tầm hiểu biết của loài người... Tôi cũng phải tin rằng tất cả những điều này đã được khởi sự một cách thông minh và có một Đấng nào đã làm thế”. Đấng ấy cũng đã phải có lòng quan tâm.

Hệ thống độc đáo của máu

16-18. a) Hệ thống của máu là độc đáo về những phương diện nào? b) Chúng ta nên kết luận gì?

16 Cũng hãy xem xét hệ thống độc đáo của máu; hệ thống này chuyển vận chất dinh dưỡng và dưỡng khí và che chở thân thể khỏi bị nhiễm độc. Về hồng huyết cầu, một phần chính yếu của hệ thống này, sách ABC’s of the Human Body (Sơ lược về thân thể con người) phát biểu: “Riêng một giọt máu chứa đựng hơn 250 triệu tế bào máu... Cơ thể có lẽ có 25 ngàn tỷ tế bào máu, nếu trải ra trên đất là đủ lấp bốn sân quần vợt... Các tế bào máu được thay thế bởi những tế bào mới với tốc độ 3 triệu mỗi giây đồng hồ”.

17 Về bạch huyết cầu, một phần khác của hệ thống độc đáo của máu, cùng tài liệu này nói thêm: “Trong khi chỉ có một loại hồng huyết cầu, thì lại có nhiều loại bạch huyết cầu, mỗi loại có khả năng kháng địch khác nhau trong cơ thể. Thí dụ, một loại thì triệt những tế bào chết. Những loại khác thì sản xuất những kháng thể để chống lại siêu vi khuẩn, trừ độc tố các dị chất, hay nuốt và tiêu hóa vi trùng”.

18 Thật là một hệ thống tuyệt diệu và có trật tự biết bao! Rõ ràng là vật gì được cấu tạo tốt đến thế và có sức bảo vệ hữu hiệu như vậy phải có một đấng tổ chức thật thông minh và có lòng quan tâm—Đức Chúa Trời.

Những kỳ quan khác

19. Khi so sánh con mắt với những máy móc nhân tạo, chúng ta thấy gì?

19 Trong cơ thể con người có rất nhiều kỳ quan khác. Trong số đó có con mắt, được cấu tạo cách tuyệt vời đến độ không máy ảnh nào có thể bắt chước được. Nhà thiên văn học Robert Jastrow nói: “Con mắt dường như đã được chế tạo; không có nhà chuyên môn chế tạo kính viễn vọng nào có thể làm tốt hơn được”. Và tài liệu Popular Photography (Nhiếp ảnh phổ thông) nói: “Cặp mắt con người có thể thấy chi tiết trong tầm mức lớn hơn phim chụp ảnh. Mắt con người nhìn thấy ba chiều, với góc độ rộng lớn, không bị méo mó và thấy một cách liên tục... Việc so sánh máy chụp hình với con mắt loài người là không công bằng. Đúng hơn, con mắt loài người giống như một máy điện toán tối tân vô song có sự thông minh nhân tạo, có khả năng nghiên cứu tin tức, có tốc độ nhanh và có nhiều tác dụng hơn xa bất cứ máy móc, máy điện toán hay máy chụp hình nào do loài người làm ra”.

20. Cơ thể con người có những phương diện tuyệt diệu nào khác?

20 Cũng hãy nghĩ về cách các cơ quan phức tạp trong thân thể chúng ta hợp tác với nhau mà chúng ta không cần phải ý thức làm gì cả. Thí dụ, chúng ta cho vào bao tử nhiều loại đồ ăn thức uống khác nhau, nhưng cơ thể chúng ta tiêu hóa hết thảy và sản xuất năng lực. Hãy thử bỏ nhiều vật liệu khác nhau vào bình xăng xe hơi và xem xe chạy được bao xa! Và cũng có sự sanh nở, như một phép lạ, chỉ trong chín tháng sanh ra một em bé dễ thương—một bản sao của cha mẹ nó. Và còn nói gì về khả năng của một đứa bé chỉ có vài ba tuổi có thể học nói một sinh ngữ phức tạp?

21. Khi xem xét các kỳ quan của cơ thể con người, những người có lý trí nói gì?

21 Đúng vậy, các vật sáng tạo tuyệt vời và phức tạp trong cơ thể con người khiến chúng ta phải khâm phục. Không có kỹ sư nào có thể bắt chước làm ra những điều này. Các tác phẩm như vậy có thể nào do sự ngẫu nhiên mà ra chăng? Chắc chắn là không. Thay vì thế, khi xem xét mọi phương diện tuyệt diệu của cơ thể con người, những người có lý trí thốt lên như người viết Thi-thiên: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng” (Thi-thiên 139:14).

Đấng Xây cất tối cao

22, 23. a) Tại sao chúng ta nên nhận biết là có Đấng Tạo hóa? b) Kinh-thánh nói gì về Đức Chúa Trời một cách đúng lý?

22 Kinh-thánh nói: “Chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 3:4). Vì mỗi nhà, dù đơn giản đến đâu, phải có người xây cất, thì vũ trụ phức tạp gấp bội cùng với hằng hà sa số các loại sinh vật trên đất cũng phải có ai dựng nên. Và vì chúng ta nhận biết là phải có người làm ra những vật như máy bay, vô tuyến truyền hình và máy điện toán, chúng ta cũng nên nhận biết là phải có một Đấng đã ban cho loài người trí óc để làm ra những vật ấy, phải không?

23 Kinh-thánh nhìn nhận điều đó, gọi Ngài là “Giê-hô-va Đức Chúa Trời,... Đấng đã dựng nên các từng trời và giương ra, đã trải đất với mọi sự ra bởi nó, đã ban hơi sống cho dân ở trên nó” (Ê-sai 42:5). Kinh-thánh đúng lý tuyên bố: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên” (Khải-huyền 4:11).

24. Làm sao chúng ta có thể biết có một Đức Chúa Trời?

24 Đúng vậy, chúng ta có thể biết có một Đức Chúa Trời bằng cách nhìn sự sáng tạo của Ngài. “Bởi những sự trọn-lành của Ngài [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được,... thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài” (Rô-ma 1:20).

25, 26. Tại sao việc dùng sai một vật nào không có nghĩa vật đó không được chế tạo?

25 Sự kiện một sản vật bị dùng sai không có nghĩa là vật đó không được chế tạo. Người ta có thể dùng máy bay với những mục tiêu hòa bình, như để chở hành khách. Nhưng máy bay cũng có thể dùng để hủy phá, như khi ném bom. Việc dùng máy bay để làm chết người không có nghĩa là không có người nào đã chế tạo máy bay đó.

26 Tương tự thế, sự kiện loài người thường hành động cách xấu xa không có nghĩa là không có Đấng nào đã dựng nên họ, hay không có một Đức Chúa Trời. Vì vậy, Kinh-thánh nhận xét đúng đắn: “Các ngươi thật là trái-ngược quá, há nên xem người thợ gốm như đất sét sao? Đồ-vật há được nói về kẻ làm nên mình rằng: Nó chẳng làm ra ta? Cái bình há được nói về kẻ tạo mình rằng: Nó chẳng có trí hiểu đâu” (Ê-sai 29:16).

27. Tại sao chúng ta có thể chờ đợi Đức Chúa Trời giải đáp các câu hỏi của chúng ta về sự đau khổ?

27 Đấng Tạo hóa đã tỏ bày sự khôn ngoan của Ngài qua sự phức tạp kỳ diệu của các tạo vật Ngài. Ngài đã chứng tỏ rằng Ngài thật sự quan tâm đến chúng ta khi tạo ra trái đất hoàn toàn thích hợp cho sự sống, khi làm cơ thể và trí óc chúng ta một cách tuyệt vời, và bằng cách tạo nên rất nhiều vật tốt lành cho chúng ta thưởng thức. Chắc hẳn Ngài cũng bày tỏ sự khôn ngoan và quan tâm thể ấy bằng cách cho chúng ta biết lời giải đáp cho những câu hỏi như: Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự đau khổ? Ngài sẽ làm gì để sửa chữa vấn đề này?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 5]

Trái đất, với bầu khí quyển che chở, là một nơi ở độc đáo cho chúng ta, được cấu tạo bởi một Đức Chúa Trời có lòng quan tâm

[Hình nơi trang 6]

Trái đất được dựng nên một cách đầy yêu thương để chúng ta có thể tận hưởng sự sống

[Hình nơi trang 7]

‘Một bộ não chứa đựng nhiều mối liên kết hơn cả mạng lưới thông tin trên khắp trái đất’.—Một nhà sinh vật học về phân tử

[Hình nơi trang 8]

“Con mắt dường như đã được chế tạo; không có nhà chuyên môn chế tạo kính viễn vọng nào có thể làm tốt hơn được”.—Một nhà thiên văn học