Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự đau khổ
Phần 6
Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự đau khổ
1, 2. Tổ tiên chúng ta đã phá hoại như thế nào sự bắt đầu tốt đẹp mà Đức Chúa Trời đã cho họ?
TẠI sao mọi sự đã hư hỏng? Điều gì xảy ra đã phá hoại sự bắt đầu tốt đẹp mà Đức Chúa Trời đã cho tổ tiên chúng ta trong địa đàng Ê-đen? Tại sao, thay vì sự thanh bình và hòa hợp trong Địa đàng, lại có sự gian ác và đau khổ trong hàng ngàn năm nay?
2 Đó là vì A-đam và Ê-va đã dùng sự tự do lựa chọn một cách sai lầm. Họ đã quên đi sự kiện là họ không được tạo nên để sống thành công xa cách Đức Chúa Trời và các luật lệ của Ngài. Họ quyết định sống biệt lập với Đức Chúa Trời, nghĩ rằng điều này sẽ cải thiện đời sống của họ. Vậy họ đã bước ra ngoài những giới hạn của sự tự do lựa chọn mà Đức Chúa Trời đã định (Sáng-thế Ký đoạn 3).
Sự tranh chấp về quyền thống trị hoàn vũ
3-5. Tại sao Đức Chúa Trời đã không hủy diệt ngay A-đam và Ê-va rồi bắt đầu lại?
3 Tại sao Đức Chúa Trời đã không hủy diệt ngay A-đam và Ê-va và rồi bắt đầu lại với một cặp vợ chồng khác? Đó là vì quyền thống trị hoàn vũ, tức quyền cai trị không nhượng lại được của Ngài, đã bị thách thức.
4 Câu hỏi đã được nêu lên là: Ai có quyền cai trị, và sự cai trị của ai là đúng? Vì Đức Chúa Trời là toàn năng và là Đấng Tạo hóa của muôn vật, nên quyền cai trị trên các tạo vật đương nhiên thuộc về Ngài. Vì Ngài là khôn ngoan vô cùng, sự cai trị của Ngài là tốt nhất cho hết thảy các tạo vật. Nhưng giờ đây sự cai trị của Ngài đã bị thách thức. Lại nữa, có gì sai lầm với tạo vật của Ngài là loài người không? Sau này chúng ta sẽ xem xét làm sao sự trung kiên của loài người liên quan đến vấn đề này.
5 Khi loài người trở nên độc lập đối với Đức Chúa Trời, một câu hỏi khác đã được nêu lên: Có thể nào loài người sẽ thành công hơn nếu không sống dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời không? Hiển nhiên Đấng Tạo hóa đã biết rõ câu trả lời rồi, nhưng để cho loài người tự khám phá câu trả lời đó một cách dứt khoát, Ngài ban cho họ sự tự do hoàn toàn như họ mong muốn. Họ đã tự ý chọn con đường ấy, vì vậy Đức Chúa Trời cho phép họ làm điều đó.
6, 7. Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép loài người được tự do hoàn toàn lâu đến thế?
6 Bằng cách cho loài người đầy đủ thì giờ để thí nghiệm với sự tự do hoàn toàn, Đức Chúa Trời sẽ chứng minh một lần là đủ cả xem loài người sẽ sống tốt hơn dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời hay sự cai trị của chính họ. Và khoảng thời gian này phải đủ lâu để cho loài người đạt đến chỗ mà họ nghĩ là thành tích tột đỉnh về chính trị, kỹ nghệ, khoa học và y khoa.
7 Bởi vậy, Đức Chúa Trời đã thả lỏng loài người, cho họ tự do hoàn toàn ngay đến thời nay để chứng tỏ một cách dứt khoát xem sự cai trị do loài người biệt lập với Đức Chúa Trời có thể thành công hay không. Như vậy, loài người đã có thể chọn giữa sự nhân từ và tàn nhẫn, giữa sự yêu thương và ghen ghét, giữa sự công bình và bất công. Nhưng họ cũng phải gặt hái kết quả của
sự lựa chọn đó: sự tốt lành và thanh bình hoặc sự gian ác và đau khổ.Sự phản nghịch của các tạo vật thần linh
8, 9. a) Sự phản loạn đã bắt đầu trên trời như thế nào? b) Ngoài A-đam và Ê-va, Sa-tan đã lôi cuốn ai khác nữa để phản nghịch?
8 Chúng ta cũng nên xem xét một yếu tố khác nữa. Tổ tiên chúng ta không phải là những người duy nhất đã phản nghịch lại sự cai trị của Đức Chúa Trời. Nhưng còn ai khác hiện hữu lúc ấy? Các tạo vật thần linh. Trước khi Đức Chúa Trời tạo ra loài người, Ngài đã dựng nên những tạo vật cao hơn, ấy là vô số các thiên sứ để sống trên trời. Các thiên sứ này cũng được dựng nên với sự tự do lựa chọn, và họ cũng cần phải vâng phục sự cai trị của Đức Chúa Trời (Gióp 38:7; Thi-thiên 104:4; Khải-huyền 5:11).
9 Kinh-thánh cho thấy rằng sự phản loạn đã bắt đầu ở trên trời. Một tạo vật thần linh đã muốn có sự tự do hoàn toàn. Hắn còn muốn được loài người thờ phượng nữa (Ma-thi-ơ 4:8, 9). Kẻ phản nghịch này đã xúi giục A-đam và Ê-va phản loạn, và hắn dối trá tuyên bố là Đức Chúa Trời đã giữ lại một điều tốt nào đó mà không cho họ hưởng (Sáng-thế Ký 3:1-5). Vì vậy, hắn được gọi là Ma-quỉ (kẻ Vu khống) và Sa-tan (kẻ Chống đối). Sau đó, hắn đã xui khiến những thần linh khác cũng phản nghịch. Chúng được gọi là các quỉ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:17; Khải-huyền 12:9; 16:14).
10. Sự phản nghịch của loài người và các tạo vật thần linh đã đưa đến hậu quả nào?
10 Khi phản nghịch lại Đức Chúa Trời, loài người đã tự đặt mình dưới ảnh hưởng của Sa-tan và các quỉ. Bởi thế Kinh-thánh gọi Sa-tan là “chúa đời nầy”; hắn đã ‘làm mù lòng những kẻ chẳng tin’. Do đó, Lời Đức Chúa Trời nói rằng “cả thế-gian đều phục dưới quyền Ma-quỉ”. Chính Giê-su gọi Sa-tan là “vua-chúa của thế-gian nầy” (II Cô-rinh-tô 4:4; I Giăng 5:19; Giăng 12:31).
Hai vụ tranh chấp
11. Sa-tan đã thách thức Đức Chúa Trời với vụ tranh chấp nào nữa?
11 Sa-tan đã nêu lên một vụ tranh chấp khác để thách thức Đức Chúa Trời. Thực thế, hắn tố cáo Đức Chúa Trời đã lầm lỗi trong cách Ngài tạo ra loài người, và chẳng ai sẽ muốn làm điều đúng khi bị áp lực. Thật ra, Sa-tan nói là khi bị thử thách, loài người sẽ phỉ báng ngay cả Đức Chúa Trời (Gióp 2:1-5). Bằng cách này, Sa-tan gieo sự nghi ngờ về lòng trung kiên của loài người.
12-14. Thì giờ trôi qua sẽ tỏ rõ sự thật về hai vụ tranh chấp như thế nào?
12 Vì thế, Đức Chúa Trời đã cho phép đầy đủ thì giờ để cho tất cả các tạo vật thông minh nhìn thấy cách mà vụ tranh chấp này, cùng với vấn đề về quyền thống trị của Đức Chúa Trời, sẽ được giải quyết. (So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16). Những điều trải qua trong lịch sử nhân loại sẽ tỏ rõ sự thật về hai vụ tranh chấp này.
13 Trước nhất, khoảng thời gian này sẽ cho thấy gì liên quan đến quyền thống trị hoàn vũ, tức quyền cai trị chính đáng của Đức Chúa Trời? Loài người có thể nào tự cai trị tốt hơn Đức Chúa Trời chăng? Có chính phủ nào biệt lập với Đức Chúa Trời sẽ mang lại một thế giới hạnh phúc, không có chiến tranh, tội ác và sự bất công không? Có chính phủ nào có thể loại bỏ sự nghèo khó và cung cấp cho mọi người được thịnh vượng chăng? Có chính phủ nào có thể trừ bỏ bệnh tật, tuổi già và sự chết được không? Sự cai trị của Đức Chúa Trời có thể thực hiện mọi điều đó (Sáng-thế Ký 1:26-31).
14 Về vụ tranh chấp thứ nhì, thời gian sẽ cho thấy gì về giá trị của loài người như một tạo vật? Đức Chúa Trời có lầm lỗi khi tạo ra loài người theo cách Ngài đã làm không? Có người nào sẽ làm điều đúng khi bị thử thách không? Có ai sẽ chứng tỏ rằng họ muốn sự cai trị của Đức Chúa Trời thay vì sự cai trị độc lập của loài người không?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 13]
Đức Chúa Trời đã cho loài người đầy đủ thì giờ để đạt đến tột đỉnh của các thành tích họ
[Nguồn tư liệu]
Shuttle: Based on NASA photo