Đi đến nội dung

Thế gian này sẽ tồn tại không?

Thế gian này sẽ tồn tại không?

Thế gian này sẽ tồn tại không?

Không có thế hệ nào khác đã từng nghe nói nhiều đến “tận thế” như thế hệ này. Nhiều người sợ rằng thế gian sẽ kết liễu trong một trận hủy diệt khủng khiếp bằng vũ khí hạch tâm. Những người khác thì nghĩ rằng sự ô nhiễm sẽ hủy hoại thế gian. Nhiều người khác nữa lại lo rằng kinh tế hỗn loạn sẽ đưa quần chúng đến cảnh chém giết lẫn nhau.

Thế gian này có thể kết liễu thật sự không? Nếu có, điều đó có nghĩa gì? Trước đây có một thế gian nào đã bị kết liễu rồi không?

Một thế gian đã kết liễu—Một thế gian khác đã thay thế

Có, một thế gian xưa đã kết liễu. Hãy xem xét thế gian rất hung ác vào thời Nô-ê. Kinh-thánh giải thích: “Thế-gian bấy giờ...bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt”. Kinh-thánh cũng nói: “[Đức Chúa Trời] chẳng tiếc thế-gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy, chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi” (II Phi-e-rơ 2:5; 3:6).

Xin lưu ý sự kết liễu của thế gian đó có nghĩa gì và không có nghĩa gì. Không có nghĩa là sự tận cùng của toàn thể loài người. Nô-ê và gia đình ông đã sống sót qua khỏi Trận Nước Lụt. Hành tinh Trái đất và các từng trời đầy sao lấp lánh cũng còn lại. Chính “đời gian-ác” thời đó tức hệ thống mọi sự gian ác thời đó bị hủy diệt mà thôi.

Với thời gian, con cháu của Nô-ê sanh sản thêm nhiều nên một thế gian khác thành hình. Thế gian thứ hai này vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay. Lịch sử của thế gian này đầy dẫy chiến tranh, tội ác và bạo động. Cái gì sẽ xảy ra cho thế gian này? Nó sẽ tồn tại không?

Tương lai của thế gian này

Sau khi cho biết thế gian thời Nô-ê đã bị hủy diệt, Kinh-thánh kể tiếp: “Trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa” (II Phi-e-rơ 3:7). Thật thế, một người khác viết Kinh-thánh giải thích: “Thế-gian [hiện thời]...sẽ qua đi” (I Giăng 2:17).

Kinh-thánh không có ý nói theo nghĩa đen là trái đất hay các từng trời đầy sao sẽ qua đi, cũng như trời và đất thời Nô-ê không qua đi (Thi-thiên 104:5). Đúng hơn, thế gian này, gồm các “từng trời” tức các nhà cầm quyền dưới ảnh hưởng của Sa-tan và “đất” tức xã hội loài người, sẽ bị hủy diệt như bị lửa thiêu rụi (Giăng 14:30; II Cô-rinh-tô 4:4). Thế gian hay hệ thống mọi sự này sẽ tiêu tan đi cũng giống như thế gian trước thời Nước Lụt. Chính Giê-su Christ đã miêu tả về tình trạng xảy ra “đời Nô-ê” để làm gương cho điều sẽ xảy ra trước khi thế gian này kết liễu (Ma-thi-ơ 24:37-39).

Điều đáng lưu ý là Giê-su nói về thời Nô-ê để trả lời câu hỏi của các sứ đồ: “Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế?” (Ma-thi-ơ 24:3). Môn đồ của Giê-su biết rằng thế gian này sẽ phải kết liễu. Họ có kinh hãi trước cảnh trạng đó không?

Ngược lại, khi Giê-su diễn tả các biến cố sẽ xảy ra trước khi thế gian này kết liễu, ngài khuyến khích họ mừng rỡ ‘vì sự giải-cứu của họ gần tới’ (Lu-ca 21:28). Đúng, họ được giải cứu khỏi Sa-tan và hệ thống mọi sự ác của hắn để bước vào một thế giới mới thanh bình! (II Phi-e-rơ 3:13).

Nhưng khi nào thế gian này sẽ kết liễu? Giê-su đã cho “điềm” gì báo trước ngài sẽ “đến và tận-thế”?

“Điềm”

Chữ Hy-lạp pa·rou·siʹa dịch ra đây là “đến” có nghĩa “sự hiện diện”, tức sự có mặt. Vậy khi người ta nhìn thấy “điềm” này không có nghĩa là đấng Christ sắp sửa đến, nhưng có nghĩa là ngài đã trở lại rồi và đang hiện diện. Điều này có nghĩa ngài đã bắt đầu cai trị cách vô hình như một vị vua ở trên trời và chẳng bao lâu nữa ngài sẽ ra tay tận diệt kẻ thù (Khải-huyền 12:7-12; Thi-thiên 110:1, 2).

Cái “điềm” mà Giê-su cho không phải chỉ có vỏn vẹn một biến cố. Ngài miêu tả đến nhiều biến cố và tình trạng trên thế giới. Tất cả các biến cố này đều phải xảy ra trong thời kỳ mà những người viết Kinh-thánh gọi là “ngày sau-rốt” (II Ti-mô-thê 3:1-5; II Phi-e-rơ 3:3, 4). Xin xem xét một vài điều mà Giê-su báo trước là sẽ đánh dấu “ngày sau-rốt”.

“Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia” (Ma-thi-ơ 24:7). Chiến tranh trong thời buổi tân tiến ngày nay khủng khiếp hơn bao giờ hết. Một sử gia ghi: “Thế Chiến thứ nhất [bắt đầu năm 1914] là chiến tranh ‘toàn diện’ lần đầu tiên”. Thế nhưng thế chiến thứ hai lại tàn khốc hơn gấp bội! Và chiến tranh vẫn tiếp tục tàn phá trái đất. Thật vậy, những lời của Giê-su đã ứng nghiệm một cách đúng thay!

“Sẽ có đói kém” (Ma-thi-ơ 24:7). Sau Thế Chiến thứ I có nạn đói kém có lẽ lớn nhất trong suốt lịch sử nhân loại. Sau Thế Chiến thứ II cũng có một nạn đói khủng khiếp. Nạn thiếu ăn hoành hành trên một phần năm dân cư của trái đất, và làm cho khoảng chừng 14 triệu trẻ em chết mỗi năm. Quả thật, đã có “đói kém”!

“Sẽ có sự động đất lớn” (Lu-ca 21:11). Tính trung bình số người chết vì nạn động đất kể từ năm 1914 cao chừng 10 lần hơn trong các thế kỷ trước đó. Hãy xem vài cuộc động đất dữ dội: năm 1920 tại Trung Hoa đã có 200.000 người chết; năm 1923 tại Nhật có 99.300 nạn nhân thiệt mạng; năm 1939 tại Thỗ Nhĩ Kỳ có 32.700 người chết; năm 1970 tại Peru có 66.800 người chết; và năm 1976 tại Trung Hoa có khoảng 240.000 (hoặc theo vài nguồn tin thì 800.000) người đã bị thiệt mạng. Thật rõ ràng là đã có “động đất lớn”!

“Dịch-lệ trong nhiều nơi” (Lu-ca 21:11). Ngay sau Thế Chiến thứ I, khoảng chừng 21 triệu người đã chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha. Cuốn “Tập san Khoa học” (Science Digest) ghi: “Trong suốt lịch sử nhân loại chưa bao giờ sự chết đã đến một cách quá khốc liệt và quá nhanh chóng như thế”. Từ đó trở đi, bệnh tim, bệnh ung thư, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS hoặc SIDA) và nhiều bệnh dịch khác đã giết hại hàng trăm triệu người.

“Tội-ác sẽ thêm nhiều” (Ma-thi-ơ 24:12). Đặc biệt kể từ năm 1914 thế gian đầy dẫy tội ác và bạo động. Tại nhiều nơi không ai cảm thấy an toàn khi ra đường ngay cả vào ban ngày. Ban đêm thì người ta ở trong nhà, khóa cửa và cài then cẩn thận, không dám ra ngoài.

Kinh-thánh tiên tri nhiều điều khác nữa phải xảy ra trong những ngày sau rốt, và hết thảy đều đang ứng nghiệm. Điều này có nghĩa là “tận thế” gần đến. Nhưng vui mừng thay, sẽ có những người được sống sót. Sau khi cho biết “thế-gian...qua đi”, Kinh-thánh hứa: “Ai làm theo ý-muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:17).

Bởi vậy chúng ta cần học biết và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu làm vậy thì khi thế gian này kết liễu, chúng ta sẽ được sống sót để vui hưởng đời đời các ân phước trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh hứa là lúc đó “Đức Chúa Trời...sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa” (Khải-huyền 21:3, 4).

Bản phiên dịch Kinh-thánh dùng trong giấy nhỏ này là bản do Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc, Nữu-ước.

[Nguồn tư liệu nơi trang 6]

Nguồn gốc các tấm ảnh: Máy bay: Ảnh của Không lực Hoa-kỳ (USAF). Em bé: Ảnh của Cơ quan Y Tế Thế giới (WHO) do W. Cutting chụp. Động đất: Y. Ishiyama, Trường Đại học Bắc Hải Đạo (Hokkaido University), Nhật bản.