Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng”

“Anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng”

Chương 16

“Anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng”

1. Những người lần đầu đến dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va thường cảm kích về điều gì?

KHI đến dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va lần đầu tiên, người ta thường cảm kích bởi tình yêu thương được thể hiện nơi đó. Họ nhận thấy sự yêu thương trong lời chào và trong tình thân hữu nồng nhiệt. Quan khách đến dự các đại hội của chúng ta cũng nhận thấy tình yêu thương này. Một phóng viên báo chí viết về một đại hội: ‘Không thấy ai nghiền ma túy hay say rượu. Không có tiếng la hét và làm ồn. Không chen lấn. Không xô đẩy. Không ai văng tục hay chửi rủa. Không ai nói đùa tục tĩu hoặc ăn nói thô tục. Không có bầu không khí đầy khói thuốc. Không trộm cắp. Không ai vứt lon trên sân cỏ. Thật khác thường’. Tất cả những điều này là bằng chứng cụ thể của sự yêu thương, loại yêu thương “chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi”.—1 Cô-rinh-tô 13:4-8.

2. (a) Dần dần sự biểu lộ tình yêu thương của chúng ta nên được thể hiện rõ qua điều gì? (b) Noi gương Đấng Christ, chúng ta cần vun trồng tình yêu thương loại nào?

2 Tình yêu thương anh em là dấu hiệu giúp nhận ra tín đồ thật của Đấng Christ. (Giăng 13:35) Khi lớn lên về thiêng liêng, chúng ta học cách bày tỏ tình yêu thương đầy trọn hơn. Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho tình yêu thương của anh em cùng đạo “càng ngày càng chan-chứa hơn”. (Phi-líp 1:9) Sứ đồ Giăng cho thấy chúng ta nên yêu thương đến độ có thể hy sinh chính mình. Ông viết: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu-thương, ấy là [Con của Đức Chúa Trời] đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy”. (1 Giăng 3:16; Giăng 15:12, 13) Liệu chúng ta sẽ thật sự phó sự sống mình vì anh em không? Dù phần lớn trường hợp không đòi hỏi điều đó, nhưng bây giờ chúng ta chịu khó cố gắng giúp đỡ anh em đến mức độ nào, ngay dù việc này không mấy thuận lợi?

3. (a) Chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương đầy trọn hơn nữa bằng cách nào khác? (b) Tại sao bây giờ có lòng yêu thương sốt sắng là điều trọng yếu đến thế?

3 Cùng với những việc làm phản ánh tinh thần hy sinh, chúng ta cần có tình cảm nồng hậu chân thật đối với anh em. Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em”. (Rô-ma 12:10) Tất cả chúng ta đều có cảm tình như thế đối với một vài người. Nhưng chúng ta có thể tập bày tỏ tình cảm nồng hậu ấy đối với nhiều người hơn nữa không? Khi sự cuối cùng của hệ thống cũ này gần kề, điều trọng yếu là chúng ta càng gần gũi anh em cùng đạo nhiều hơn. Kinh Thánh nói: “Sự cuối-cùng của muôn vật đã gần... Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”.—1 Phi-e-rơ 4:7, 8.

Khi có vấn đề khó khăn xảy ra

4. (a) Tại sao có thể có những vấn đề xảy ra giữa người trong hội thánh? (b) Dù chúng ta có thể không luôn luôn có khuynh hướng làm điều đó, nhưng nếu áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận được lợi ích nào?

4 Dĩ nhiên, bao lâu còn bất toàn bấy lâu chúng ta còn làm những điều xúc phạm đến người khác. Anh em cũng có thể phạm lỗi nghịch cùng chúng ta trong nhiều cách. (1 Giăng 1:8) Nếu lâm vào trường hợp như thế bạn nên làm gì? Kinh Thánh cung cấp những chỉ dẫn cần thiết. Nhưng những gì Kinh Thánh nói có thể không hợp với những gì loài người bất toàn chúng ta có khuynh hướng làm. (Rô-ma 7:21-23) Dầu vậy, sốt sắng áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh cho thấy chúng ta chân thành muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Làm thế sẽ giúp tình yêu thương của chúng ta đối với người khác phong phú hơn.

5. Tại sao chúng ta không nên trả đũa nếu có người nào xúc phạm đến mình?

5 Khi bị xúc phạm, đôi khi người ta tìm cách trả đũa. Nhưng làm vậy chỉ khiến tình thế trở nên tệ hại hơn. Nếu cần phải báo trả, chúng ta nên để Đức Chúa Trời làm việc này. (Châm-ngôn 24:29; Rô-ma 12:17-21) Những người khác có lẽ tránh giao tiếp với người xúc phạm đến mình. Nhưng chúng ta không nên làm thế với anh em cùng đạo, vì sự thờ phượng của chúng ta có được chấp nhận hay không, một phần tùy thuộc nơi việc chúng ta yêu thương anh em. (1 Giăng 4:20) Vì vậy, Phao-lô viết: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy”. (Cô-lô-se 3:13) Bạn có thể làm điều đó không?

6. (a) Chúng ta nên tha thứ cho anh em mình bao nhiêu lần? (b) Hiểu rõ về điều gì sẽ giúp chúng ta xử lý một lỗi lầm nghịch lại mình?

6 Còn nếu một người cứ liên miên phạm lỗi với bạn nhưng không phải là lỗi nặng đáng bị khai trừ khỏi hội thánh thì sao? Đối với những lỗi nhẹ, sứ đồ Phi-e-rơ đề nghị tha thứ “bảy lần”. Nhưng Chúa Giê-su phán: “Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Ngài nêu bật tầm cỡ món nợ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời to tát thế nào so với số nợ người ta có thể thiếu chúng ta. (Ma-thi-ơ 18:21-35) Mỗi ngày chúng ta phạm tội cùng Đức Chúa Trời nhiều cách mà không ý thức mình đang phạm tội—đôi khi bằng một hành vi ích kỷ, bằng lời nói hoặc suy nghĩ, hay bằng việc chúng ta không làm điều đáng lý phải làm. (Rô-ma 3:23) Nhưng Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục thương xót chúng ta. (Thi-thiên 103:10-14; 130:3, 4) Ngài đòi hỏi chúng ta lấy lòng thương xót cư xử với nhau. (Ma-thi-ơ 6:14, 15; Ê-phê-sô 4:1-3) Vậy chúng ta sẽ thực hành loại tình yêu thương “chẳng nghi-ngờ sự dữ”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5; 1 Phi-e-rơ 3:8, 9.

7. Chúng ta nên làm gì nếu một anh em nào có điều gì nghịch cùng chúng ta?

7 Có lẽ đôi lúc chúng ta ý thức rằng có người anh em có điều gì nghịch cùng chúng ta dù chúng ta không buồn giận người ấy. Chúng ta có thể chọn cách để cho ‘sự yêu-thương che-đậy tội-lỗi’ như 1 Phi-e-rơ 4:8 khuyên. Hoặc chúng ta chủ động đến nói chuyện và tìm cách lập lại mối liên lạc hòa thuận với người ấy.—Ma-thi-ơ 5:23, 24.

8. Nếu một anh em cùng đức tin làm điều gì gây khó chịu cho chúng ta, chúng ta có thể làm gì?

8 Có thể một anh em nào đó làm những việc gây khó chịu không những cho bạn mà còn cho những người khác nữa. Điều tốt là đến nói chuyện với người ấy, phải không? Có lẽ. Nếu bạn đích thân giải thích vấn đề cách tử tế, có lẽ sẽ có kết quả tốt. Nhưng trước hết bạn phải tự hỏi: ‘Việc người đó làm có thật sự trái với Kinh Thánh không? Hoặc vấn đề có phải phần lớn là vì sự khác biệt về gốc gác và giáo dục giữa tôi với người đó không?’ Hãy cẩn thận, đừng đặt ra tiêu chuẩn riêng và dựa vào đó để phán đoán. (Gia-cơ 4:11, 12) Đức Giê-hô-va không thiên vị, Ngài chấp nhận những người có gốc gác khác nhau và tỏ ra kiên nhẫn trong khi họ lớn lên về thiêng liêng.

9. (a) Trong hội thánh ai lo những trường hợp phạm lỗi nặng? (b) Khi nào người bị xúc phạm có trách nhiệm hành động trước tiên, và với mục tiêu gì?

9 Nếu một người nào đó trong hội thánh liên can đến một tội nặng, chẳng hạn như vô luân, việc này phải được lưu ý ngay lập tức. Nhưng ai làm điều đó? Các trưởng lão. (Gia-cơ 5:14, 15) Tuy nhiên, nếu một tội liên can đến cá nhân, có lẽ là về thương mại hoặc lời nói gây thiệt hại giữa các anh em, thì người bị xúc phạm trước tiên nên cố gắng tiếp xúc riêng với người kia. (Ma-thi-ơ 18:15) Nhưng nếu việc ấy không giải quyết được vấn đề, bước tiếp theo cần làm được đề ra nơi Ma-thi-ơ 18:16, 17. Tình yêu thương và lòng mong muốn ‘được lại’ anh em lầm lỗi sẽ giúp chúng ta tìm cách làm sao để động đến lòng của người ấy.—Châm-ngôn 16:23.

10. Khi có vấn đề xảy ra, điều gì sẽ giúp chúng ta có quan điểm đúng?

10 Khi có vấn đề xảy ra, dù lớn hay nhỏ, nếu cố hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về việc đó sẽ có lợi cho chúng ta. Ngài không tán thành tội lỗi dưới bất cứ hình thức nào, và đến thời kỳ Ngài ấn định, những kẻ thực hành trọng tội không chịu ăn năn sẽ bị thanh lọc khỏi tổ chức Ngài. Tuy nhiên, đừng quên rằng tất cả chúng ta đều phạm những lỗi ít nghiêm trọng hơn trong nhiều cách và cần đến sự nhịn nhục và lòng thương xót của Ngài. Do đó, Đức Giê-hô-va nêu gương cho chúng ta noi theo khi chạm trán với những lầm lỗi của người khác. Khi tỏ lòng thương xót, chúng ta phản ánh sự yêu thương của Ngài.—Ê-phê-sô 5:1, 2.

Tìm cách “mở rộng” lòng mình

11. Tại sao Phao-lô khuyến khích người ở thành Cô-rinh-tô “mở rộng” lòng mình?

11 Sứ đồ Phao-lô dành ra nhiều tháng để xây dựng hội thánh ở Cô-rinh-tô, Hy Lạp. Ông đã chăm chỉ làm việc để giúp anh em ở đấy và yêu mến họ. Nhưng một số người trong họ thiếu cảm tình nồng hậu đối với ông. Họ chỉ trích gay gắt. Ông khuyên họ “mở rộng” lòng trong việc bày tỏ tình thương. (2 Cô-rinh-tô 6:11-13; 12:15) Tất cả chúng ta nên xem xét mức độ chúng ta bày tỏ tình yêu thương đối với người khác và tìm cách mở rộng lòng mình.—1 Giăng 3:14.

12. Làm thế nào chúng ta gia tăng tình yêu thương đối với tất cả anh em trong hội thánh?

12 Trong hội thánh, có một số người nào chúng ta cảm thấy khó kết thân không? Nếu cố gắng bỏ qua những khác biệt trong nhân cách—như chúng ta cũng muốn họ bỏ qua cho mình—điều này có thể giúp mối liên lạc giữa chúng ta được nồng hậu. Chúng ta có thể trau dồi cảm tình đối với họ nếu nỗ lực tìm kiếm những đức tính tốt và chỉ chú ý đến các đức tính đó nơi họ mà thôi. Điều này chắc chắn sẽ gia tăng thêm tình yêu thương của chúng ta đối với họ.—Lu-ca 6:32, 33, 36.

13. Làm thế nào chúng ta mở rộng lòng mình để bày tỏ tình yêu thương với những người trong hội thánh?

13 Công nhận là những gì chúng ta có thể làm cho người khác còn bị giới hạn. Có lẽ chúng ta không thể chào hỏi tất cả mọi người ở mỗi buổi họp. Có lẽ chúng ta không thể mời hết mọi người đến dùng bữa tại nhà. Nhưng chúng ta có mở rộng lòng mình bằng cách dành ra ít phút để biết rõ một người nào đó trong hội thánh hơn không? Thỉnh thoảng chúng ta có thể mời người nào đó mà chúng ta chưa biết rõ lắm, đi rao giảng cùng chúng ta không?

14. Khi ở giữa những anh em chưa từng gặp trước đây, làm thế nào chúng ta bày tỏ tình yêu thương nồng nhiệt lẫn nhau?

14 Các đại hội đạo Đấng Christ cho chúng ta cơ hội để mở rộng tình yêu thương. Có thể có hàng ngàn người hiện diện. Chúng ta không thể gặp tất cả mọi người, nhưng chúng ta có thể cư xử theo cách cho thấy chúng ta đặt hạnh phúc của họ lên trên sự thuận tiện của chúng ta. Vào giờ giải lao, chúng ta có thể tỏ ra chú ý riêng đến họ bằng cách chủ động đến bắt chuyện với một số người chung quanh. Một ngày nào đó tất cả những người sống trên đất sẽ là anh chị em với nhau, hợp nhất trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật và là Cha của mọi người. Thật là niềm vui để quen biết nhau! Tình yêu thương nồng nhiệt sẽ thúc đẩy chúng ta muốn làm thế. Tại sao không bắt đầu ngay từ bây giờ?

Thảo luận để ôn lại

• Khi có vấn đề xảy ra giữa các tín đồ Đấng Christ, chúng ta nên giải quyết như thế nào, và tại sao?

• Trong khi lớn lên về thiêng liêng, tình yêu thương của chúng ta cũng gia tăng về những phương diện nào?

• Làm thế nào có thể bày tỏ tình yêu thương nồng nhiệt đối với nhiều người hơn là chỉ với một nhóm nhỏ các bạn thân?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 148]

Tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ được thể hiện qua nhiều cách, như tại các buổi họp hội thánh