Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nghe lời khuyên, chấp nhận sự sửa dạy

Nghe lời khuyên, chấp nhận sự sửa dạy

Chương 15

Nghe lời khuyên, chấp nhận sự sửa dạy

1. (a) Tại sao tất cả chúng ta đều cần đến lời khuyên bảo và sự sửa dạy? (b) Câu hỏi nào cần được xem xét?

KINH THÁNH nói nơi Gia-cơ 3:2: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm”. Có lẽ chúng ta nghĩ đến những thiếu sót của mình trong nhiều trường hợp, không theo đúng lời khuyên của Đức Chúa Trời. Do đó chúng ta công nhận Kinh Thánh có lý khi nói: “Hãy nghe lời khuyên-dạy, và tiếp-nhận sự giáo-hối, để con được khôn-ngoan trong lúc cuối-cùng”. (Châm-ngôn 19:20) Chắc hẳn chúng ta đã sửa đổi đời sống mình cho phù hợp với những dạy dỗ của Kinh Thánh. Nhưng chúng ta phản ứng thế nào nếu một anh em cùng đạo khuyên chúng ta về một vấn đề rõ rệt?

2. Chúng ta nên làm gì khi nhận được lời khuyên riêng?

2 Một số người phản ứng bằng cách cố tìm cách tự bào chữa, làm giảm bớt sự nghiêm trọng của tình thế, hoặc đổ lỗi cho người khác. Nhưng tốt hơn nên lắng nghe và áp dụng lời khuyên. (Hê-bơ-rơ 12:11) Dĩ nhiên, không ai nên mong đợi sự hoàn toàn nơi người khác, cũng không nên luôn luôn khuyên bảo về những chuyện tầm thường hoặc những vấn đề mà Kinh Thánh cho phép tùy cá nhân chọn lựa. Ngoài ra, có lẽ người cho lời khuyên đã không nắm vững hết mọi sự kiện, và người được khuyên có thể lễ phép lưu ý người khuyên những điểm này. Nhưng trong cuộc thảo luận sau đây, chúng ta hãy giả sử lời khuyên bảo hay sự sửa dạy được đưa ra là thích đáng, căn cứ vào Kinh Thánh. Người được khuyên nên phản ứng ra sao?

Gương mẫu để khuyến cáo chúng ta

3, 4. (a) Điều gì trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta vun trồng quan điểm đúng đối với lời khuyên và sự sửa dạy? (b) Vua Sau-lơ đã phản ứng ra sao với lời khuyên, và hậu quả là gì?

3 Lời Đức Chúa Trời chứa đựng kinh nghiệm thật của những người nhận được lời khuyên bảo cần thiết. Đôi khi lời khuyên kèm theo sự sửa dạy. Một trong những người đó là Vua Sau-lơ của Y-sơ-ra-ên. Ông đã không vâng lời Đức Giê-hô-va về vấn đề liên hệ đến dân A-ma-léc. Dân A-ma-léc chống lại các tôi tớ của Đức Chúa Trời, và sự trừng phạt của Đức Giê-hô-va là không tha một người hay vật nào trong bầy gia súc của họ. Nhưng Vua Sau-lơ đã tha chết cho Vua A-ma-léc và những con thú tốt nhất.—1 Sa-mu-ên 15:1-11.

4 Đức Giê-hô-va phái nhà tiên tri Sa-mu-ên đến khiển trách Sau-lơ. Sau-lơ phản ứng ra sao? Ông cãi lý rằng ông đã đánh thắng dân A-ma-léc duy chỉ tha chết cho vua của họ mà thôi. Tuy nhiên, điều đó trái với mạng lệnh của Đức Giê-hô-va. (1 Sa-mu-ên 15:20) Sau-lơ cố đổ lỗi cho dân sự về việc giữ lại bầy gia súc, nói rằng: “Tôi sợ dân-sự, nên nghe theo tiếng của họ”. (1 Sa-mu-ên 15:24) Dường như ông quan tâm nhiều đến tính tự phụ của mình, thậm chí xin Sa-mu-ên hãy tôn trọng ông trước dân sự. (1 Sa-mu-ên 15:30) Cuối cùng, Đức Giê-hô-va đã từ bỏ Sau-lơ, không cho ông làm vua nữa.—1 Sa-mu-ên 16:1.

5. Điều gì xảy ra cho Vua Ô-xia khi ông bác bỏ lời khuyên bảo?

5 Vua Ô-xia của Giu-đa “phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người; vì người vào trong đền-thờ Đức Giê-hô-va, xông hương trên bàn-thờ xông hương”. (2 Sử-ký 26:16) Nhưng theo luật pháp chỉ có các thầy tế lễ mới được phép xông hương. Khi thầy tế lễ thượng phẩm cố ngăn Ô-xia làm điều này, vua đã phản ứng cách giận dữ. Chuyện gì đã xảy ra? Kinh Thánh nói: “Phung bèn nổi lên nơi trán người... vì Đức Giê-hô-va đã hành hại người. Ô-xia bị bịnh phung cho đến ngày băng-hà”.—2 Sử-ký 26:19-21.

6. (a) Tại sao cả Sau-lơ lẫn Ô-xia đều kháng cự lời khuyên bảo? (b) Tại sao kháng cự lời khuyên là một vấn đề nghiêm trọng ngày nay?

6 Tại sao cả Sau-lơ lẫn Ô-xia thấy khó chấp nhận lời khuyên? Vấn đề căn bản là tính kiêu ngạo, có tư tưởng quá cao về chính mình. Nhiều người tự chuốc lấy buồn phiền vì tính nết này. Họ dường như cảm thấy chấp nhận lời khuyên bảo là ngụ ý thừa nhận yếu kém hoặc xúc phạm đến danh tiếng của mình. Nhưng kiêu ngạo là một sự yếu kém. Tính khiêm nhường mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi các tôi tớ Ngài thì không phải là khuyết điểm. Tính kiêu ngạo làm lu mờ tư tưởng của một người, khiến người có khuynh hướng kháng cự sự giúp đỡ mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua Lời và tổ chức của Ngài. Vì vậy, Đức Giê-hô-va cảnh báo: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”.—Châm-ngôn 16:18; Rô-ma 12:3.

Chấp nhận lời khuyên

7. Chúng ta rút ra bài học tích cực nào qua cách Môi-se đáp ứng lời khuyên?

7 Kinh Thánh cũng ghi lại gương tốt của những người đã chấp nhận lời khuyên, và chúng ta có thể học hỏi từ những gương này. Hãy xem xét trường hợp của Môi-se được cha vợ cho vài lời khuyên về cách mà ông có thể chu toàn trách nhiệm nặng nề. Môi-se lắng nghe lời khuyên dạy và lập tức áp dụng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-24) Mặc dù Môi-se có nhiều quyền hành, tại sao ông sẵn sàng đón nhận lời khuyên? Vì ông là người khiêm nhường. “Môi-se là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian”. (Dân-số Ký 12:3) Đức tính khiêm hòa hay nhu mì quan trọng như thế nào? Sô-phô-ni 2:3 cho thấy đức tính ấy dẫn đến sự sống cho chúng ta.

8. (a) Đa-vít đã phạm những tội gì? (b) Đa-vít phản ứng thế nào trước lời khiển trách của Na-than? (c) Tội lỗi của Đa-vít đã gây ra những hậu quả nào?

8 Vua Đa-vít phạm tội ngoại tình cùng Bát-Sê-ba và cố che giấu tội lỗi bằng cách đẩy U-ri, chồng bà, vào chỗ chết. Đức Giê-hô-va phái nhà tiên tri Na-than đến khiển trách Đa-vít. Ông ăn năn và nhanh chóng thú nhận: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va”. (2 Sa-mu-ên 12:13) Dù Đức Chúa Trời chấp nhận sự ăn năn của Đa-vít, ông vẫn phải gánh chịu những hậu quả của hành động sai quấy. Đức Giê-hô-va phán cùng Đa-vít rằng gươm sẽ “chẳng hề thôi hủy-hoại nhà [ông]”, và con trai sinh ra do tội ngoại tình “hẳn sẽ chết”.—2 Sa-mu-ên 12:10, 11, 14.

9. Nếu phải nghe lời khuyên hoặc chịu sửa dạy, chúng ta không nên quên điều gì?

9 Vua Đa-vít biết lợi ích của việc lắng nghe lời khuyên bảo hợp lý. Có lần, ông cám ơn Đức Chúa Trời về nhân vật được Ngài dùng để khuyên ông. (1 Sa-mu-ên 25:32-35) Chúng ta có giống như thế không? Nếu có, chúng ta sẽ được che chở, tránh nói và làm nhiều điều có thể khiến chúng ta ân hận. Nhưng nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh cần phải được khuyên răn hoặc ngay cả chịu sự sửa dạy thì sao? Mong sao chúng ta chớ quên điều này là bằng chứng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, nhằm ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu.—Châm-ngôn 3:11, 12; 4:13.

Những đức tính vô giá cần vun trồng

10. Chúa Giê-su cho thấy những ai muốn vào Nước Trời cần có đức tính nào?

10 Để có mối liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va và với các anh em tín đồ, chúng ta cần vun trồng một số đức tính. Chúa Giê-su nêu rõ một trong các đức tính này khi ngài đặt một đứa bé ở giữa các môn đồ và nói: “Nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên-đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm-nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng”. (Ma-thi-ơ 18:3, 4) Các môn đồ Chúa Giê-su cần vun trồng tính khiêm nhường, vì họ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn hết.—Lu-ca 22:24-27.

11. (a) Chúng ta cần khiêm nhường trước mặt ai, và tại sao? (b) Nếu khiêm nhường, chúng ta phản ứng thế nào trước lời khuyên?

11 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hết thảy đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường; vì Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (1 Phi-e-rơ 5:5) Chúng ta biết mình cần phải khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng câu Kinh Thánh này cho thấy chúng ta cũng cần khiêm nhường với anh em cùng đức tin. Nếu thế, chúng ta không nên bực tức về những lời đề nghị thích đáng mà các anh em nói với chúng ta, nhưng sẽ nghe để học hỏi.—Châm-ngôn 12:15.

12. (a) Đức tính quan trọng nào liên hệ mật thiết với tính khiêm nhường? (b) Tại sao chúng ta nên quan tâm về việc hạnh kiểm chúng ta ảnh hưởng đến người khác?

12 Liên hệ mật thiết với tính khiêm nhường là mối quan tâm chân thành đến hạnh phúc người khác. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác... Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm. Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội-thánh của Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 10:24-33) Phao-lô không nói chúng ta phải gạt qua một bên tất cả sở thích cá nhân, nhưng khuyên chớ nên làm điều gì có thể khiến người khác bắt chước, làm điều mà lương tâm của người đó cho là sai.

13. Thí dụ nào có thể cho thấy chúng ta có thói quen áp dụng lời Kinh Thánh khuyên hay không?

13 Bạn có đặt hạnh phúc người khác lên trên sở thích cá nhân không? Tất cả chúng ta nên học làm như thế. Có nhiều cách để thể hiện điều này. Thí dụ, hãy xem xét việc ăn mặc và chải chuốt. Đây là những vấn đề liên quan đến sở thích cá nhân miễn là làm theo những hướng dẫn của Kinh Thánh về tính khiêm tốn, tươm tất và sạch sẽ. Nhưng nếu bạn biết được rằng vì cớ phong tục tập quán của những người sống trong cộng đồng, cách ăn mặc hay chải chuốt của bạn khiến cho người khác ngại nghe thông điệp Nước Trời, bạn sẽ sửa đổi không? Chắc chắn việc giúp người khác nhận được sự sống vĩnh cửu quan trọng hơn việc làm hài lòng chính mình.

14. Tại sao việc vun trồng tính khiêm nhường và quan tâm đến người khác là quan trọng?

14 Chúa Giê-su nêu gương mẫu về việc khiêm nhường và quan tâm đến người khác, thậm chí ngài rửa chân cho các môn đồ. (Giăng 13:12-15) Lời Đức Chúa Trời nói về ngài: “Hãy có đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ, chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết”.—Phi-líp 2:5-8; Rô-ma 15:2, 3.

Chớ nên gạt bỏ sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va

15. (a) Chúng ta cần làm những sửa đổi nào để có một nhân cách làm hài lòng Đức Chúa Trời? (b) Đức Giê-hô-va cung cấp lời khuyên và sự sửa dạy cho tất cả chúng ta qua những phương tiện nào?

15 Vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, chúng ta cần thay đổi thái độ và hạnh kiểm nếu muốn phản ánh cá tính của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần mặc lấy “người mới” hoặc nhân cách mới. (Cô-lô-se 3:5-14) Lời khuyên và sự sửa dạy giúp chúng ta nhận ra những phạm vi nào cần sửa đổi và xem phải sửa đổi như thế nào. Kinh Thánh là nguồn chính yếu của sự chỉ dạy chúng ta cần. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và các buổi họp do tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp giúp chúng ta áp dụng Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có ý thức mình cần lời khuyên, dù trước đây đã nghe qua rồi, và gắng sức trau dồi không?

16. Đức Giê-hô-va cung cấp cho mỗi người chúng ta sự giúp đỡ nào?

16 Với sự quan tâm đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta khi có vấn đề. Hàng triệu người đã được giúp đỡ bằng cách học hỏi Kinh Thánh tại nhà. Cha mẹ khuyên bảo và sửa dạy con cái để chúng tránh những hành vi có thể gây buồn phiền. (Châm-ngôn 6:20-23) Trong hội thánh, những người rao giảng có kinh nghiệm thường được một số anh em xin lời khuyên để cải tiến hoạt động rao giảng. Đôi khi, các trưởng lão cũng cho lời khuyên lẫn nhau hoặc hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm trong thánh chức. Những anh có khả năng về thiêng liêng sử dụng Kinh Thánh để giúp đỡ những ai cần lời khuyên, họ khuyên trong tinh thần mềm mại. Nếu bạn là người cho lời khuyên, hãy nhớ: “Chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ-dành chăng”. (Ga-la-ti 6:1, 2) Đúng thế, tất cả chúng ta đều cần đến lời khuyên và sự sửa dạy để hợp nhất thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật.

Thảo luận để ôn lại

• Làm sao Đức Giê-hô-va yêu thương giúp cá nhân chúng ta nhận thấy điểm nào mình cần sửa đổi?

• Tại sao nhiều người khó chấp nhận lời khuyên bảo cần thiết, và điều này nghiêm trọng thế nào?

• Các đức tính vô giá nào sẽ giúp chúng ta sẵn sàng chấp nhận lời khuyên, và Chúa Giê-su đã nêu ra gương mẫu nào về những đức tính này?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 142]

Ô-xia bác bỏ lời khuyên và bị bệnh phung

[Hình nơi trang 142]

Môi-se được lợi ích nhờ chấp nhận lời khuyên của Giê-trô