Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thực hành sự tin kính trong gia đình

Thực hành sự tin kính trong gia đình

Chương 17

Thực hành sự tin kính trong gia đình

1. Áp dụng sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời mang lại kết quả nào trong hôn nhân?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng Sáng Lập hôn nhân, và Lời Ngài ban sự hướng dẫn tốt nhất cho gia đình. Nhờ áp dụng sự hướng dẫn ấy, nhiều người thành công trong việc xây dựng hôn nhân. Thật đáng khen thay khi một số người trước đây chỉ sống chung, nay đã kết hôn hợp pháp. Những người khác không quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nữa. Những người chồng hung bạo hành hạ vợ con giờ đây biết tỏ ra ân cần và tế nhị.

2. Đời sống gia đình tín đồ Đấng Christ bao hàm điều gì?

2 Đời sống gia đình tín đồ Đấng Christ bao hàm nhiều điều, như quan điểm của chúng ta về sự bền vững trong hôn nhân, việc phải làm gì để chu toàn trách nhiệm và cách chúng ta đối xử với những người trong gia đình. (Ê-phê-sô 5:33–6:4) Dù chúng ta có thể biết Kinh Thánh nói gì về đời sống gia đình nhưng áp dụng lời khuyên lại là chuyện khác. Không ai trong chúng ta muốn giống như những kẻ bị Chúa Giê-su kết án vì trốn tránh điều răn của Đức Chúa Trời. Họ ngụy biện rằng chỉ sùng đạo là đủ. (Ma-thi-ơ 15:4-9) Chúng ta không muốn là hạng người tin kính Đức Chúa Trời bằng hình thức nhưng lại không thực hành sự tin kính ấy trong “nhà riêng”. Thay vì thế, chúng ta muốn bày tỏ sự tin kính thật sự, ấy là “một lợi lớn”—1 Ti-mô-thê 5:4; 6:6; 2 Ti-mô-thê 3:5.

Hôn nhân kéo dài bao lâu?

3. (a) Điều gì xảy ra cho nhiều cuộc hôn nhân, nhưng chúng ta kiên quyết làm gì? (b) Hãy dùng Kinh Thánh trả lời những câu hỏi nêu ra sau đoạn này.

3 Càng ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân tỏ ra mong manh. Nhiều cặp vợ chồng đã sống với nhau nhiều năm nay quyết định ly hôn và kết hôn với người khác. Cũng không còn lạ gì khi nghe nói một số cặp vợ chồng trẻ ly thân chỉ sau một thời gian ngắn kết hôn. Bất luận người khác làm gì, chúng ta nên muốn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Vậy chúng ta hãy xem xét những câu hỏi và các câu Kinh Thánh sau đây để biết Lời Đức Chúa Trời nói gì về sự bền vững trong hôn nhân.

Khi một người đàn ông và đàn bà kết hôn, họ nên trông mong sống với nhau bao lâu? (Mác 10:6-9; Rô-ma 7:2, 3)

Chỉ có lý do nào để ly hôn và được tái hôn một cách hợp lệ trước mặt Đức Chúa Trời? (Ma-thi-ơ 5:31, 32; 19:3-9)

Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về các vụ ly hôn mà Lời Ngài không cho phép? (Ma-la-chi 2:13-16)

Kinh Thánh có ủng hộ việc ly thân như là biện pháp giải quyết những vấn đề khó khăn giữa vợ chồng không? (1 Cô-rinh-tô 7:10-13)

Trong những trường hợp nào có thể được phép ly thân? (Thi-thiên 11:5; Lu-ca 4:8; 1 Ti-mô-thê 5:8)

4. Tại sao một số hôn nhân được bền lâu?

4 Một số hôn nhân thành công, được bền lâu. Tại sao? Một yếu tố quan trọng là đợi cho đến khi cả hai đều thành thục, tìm kiếm người hôn phối có cùng sở thích và có thể thảo luận các vấn đề cách cởi mở cũng là điều quan trọng. Nhưng quan trọng hơn nữa là tìm người hôn phối yêu mến Đức Giê-hô-va và kính trọng Lời Ngài, xem đó là cơ bản để giải quyết các vấn đề. (Thi-thiên 119:97, 104; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Một người như thế sẽ không có quan niệm rằng nếu việc không thành, mình luôn có thể xin ly thân hoặc ly hôn. Người đó sẽ không viện cớ những thiếu sót của người hôn phối để trốn trách trách nhiệm. Thay vì thế, người sẽ đối phó với các vấn đề và tìm ra những giải pháp có thể thực hiện được.

5. (a) Sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va đóng vai trò nào trong hôn nhân? (b) Ngay cả khi gặp phải sự chống đối, việc giữ vững các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va có thể đem lại lợi ích gì?

5 Sa-tan quả quyết rằng khi đau khổ chúng ta sẽ từ bỏ đường lối Đức Chúa Trời. (Gióp 2:4, 5; Châm-ngôn 27:11) Nhưng đại đa số Nhân Chứng Giê-hô-va dù đau khổ vì bị người hôn phối chống đối vẫn không từ bỏ lời kết hứa hôn nhân. Họ tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va và các điều răn của Ngài. (Ma-thi-ơ 5:37) Một số người bền chí có được niềm vui cùng người hôn phối phụng sự Đức Giê-hô-va—dù sau nhiều năm chống đối! (1 Phi-e-rơ 3:1, 2) Về phần những tín đồ Đấng Christ mà người hôn phối không cho thấy dấu hiệu thay đổi hoặc đã bỏ rơi họ vì họ phụng sự Đức Giê-hô-va, những người này cũng biết mình sẽ được ban phước nhờ bày tỏ sự tin kính trong gia đình.—Thi-thiên 55:22; 145:16.

Mỗi người làm phần mình

6. Ta phải tôn trọng sự sắp đặt nào để thành công trong hôn nhân?

6 Dĩ nhiên, chỉ ở bên nhau không đủ để thành công trong hôn nhân. Nhu cầu căn bản là mỗi người tôn trọng quyền lãnh đạo do Đức Giê-hô-va sắp đặt. Điều này mang lại trật tự và cảm giác an toàn trong gia đình. Chúng ta đọc nơi 1 Cô-rinh-tô 11:3: “Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn-ông là đầu người đàn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”.

7. Nên sử dụng quyền làm đầu trong gia đình như thế nào?

7 Bạn có chú ý điều gì được đề cập trước nhất trong câu ấy không? Đúng vậy, mỗi người đàn ông phải vâng phục Đấng Christ là đấng làm Đầu. Điều này nghĩa là người chồng nên sử dụng quyền làm đầu sao cho phản ánh các đức tính của Chúa Giê-su. Đấng Christ vâng phục Đức Giê-hô-va, tha thiết yêu mến và chăm sóc hội thánh. (1 Ti-mô-thê 3:15) Ngài “phó chính mình vì Hội-thánh”. Chúa Giê-su không kiêu căng và thiếu quan tâm đến người khác, trái lại ngài “có lòng nhu-mì, khiêm-nhường”. Những ai ở dưới quyền lãnh đạo của ngài cảm thấy “linh-hồn [họ] được yên-nghỉ”. Khi người chồng đối xử với gia đình như thế, ông cho thấy mình đang phục tùng Đấng Christ. Bấy giờ, người vợ tín đồ Đấng Christ hẳn nhận được lợi ích và cảm thấy dễ chịu khi hợp tác và vâng phục quyền làm đầu của chồng.—Ê-phê-sô 5:25-33; Ma-thi-ơ 11:28, 29; Châm-ngôn 31:10, 28.

8. (a) Trong một số gia đình, tại sao những phương pháp của đạo Đấng Christ dường như không mang lại kết quả mong muốn? (b) Chúng ta nên làm gì nếu đứng trước tình trạng như thế?

8 Tuy nhiên, những vấn đề khó khăn sẽ xảy ra. Trước khi có người nào trong gia đình bắt đầu áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, một số người hơi bực tức khi bị người khác chỉ huy. Lời yêu cầu tử tế và cung cách yêu thương dường như không đem lại kết quả. Chúng ta biết Kinh Thánh nói nên từ bỏ “sự... buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc”. (Ê-phê-sô 4:31) Nhưng nên làm gì nếu một số người trong nhà dường như không biết làm gì hơn ngoài việc la mắng? Chúa Giê-su đã không bắt chước những kẻ hăm dọa và chửi rủa nhưng nương cậy nơi Cha ngài. (1 Phi-e-rơ 2:22, 23a) Vậy, khi trong gia đình xảy ra tình trạng căng thẳng, hãy chứng tỏ sự tin kính bằng cách cầu nguyện với Đức Giê-hô-va xin Ngài giúp đỡ thay vì làm theo đường lối của thế gian.—Châm-ngôn 3:5-7.

9. Thay vì bới móc lỗi lầm, nhiều người chồng tín đồ Đấng Christ học cách làm gì?

9 Các sự thay đổi không luôn luôn đến một cách nhanh chóng, nhưng khi áp dụng một cách kiên nhẫn và siêng năng, lời khuyên của Kinh Thánh thật sự hiệu nghiệm. Nhiều người chồng nhận thấy hôn nhân bắt đầu khả quan hơn khi họ hiểu rõ cách Đấng Christ đối xử với hội thánh. Hội thánh ấy không gồm những con người hoàn toàn. Tuy vậy, Chúa Giê-su yêu thương, nêu gương, và dùng Kinh Thánh để giúp hội thánh cải tiến. Ngài phó sự sống mình vì hội thánh. (1 Phi-e-rơ 2:21) Gương của ngài khuyến khích nhiều người chồng tín đồ Đấng Christ làm tốt vai trò gia trưởng và sẵn lòng giúp đỡ cách yêu thương để cải thiện hôn nhân. Phương pháp này mang lại nhiều kết quả tốt hơn là bới móc lỗi lầm hoặc từ chối nói chuyện.

10. (a) Bằng cách nào người chồng hay người vợ—dù cho mình là tín đồ Đấng Christ—có thể làm những người khác trong gia đình cảm thấy khó sống? (b) Có thể làm gì để cải thiện tình thế?

10 Nếu người chồng không tinh tế nhận thức về nhu cầu tình cảm của gia đình hoặc không chủ động sắp đặt việc thảo luận Kinh Thánh trong gia đình và các hoạt động khác thì sao? Hoặc nếu người vợ không hợp tác và không bày tỏ sự vâng phục theo ý Đức Chúa Trời thì sao? Một số gia đình đạt kết quả tốt bằng cách cùng thảo luận những vấn đề khó khăn với thái độ tôn trọng. (Sáng-thế Ký 21:10-12; Châm-ngôn 15:22) Nhưng ngay dù không gặt được kết quả mong muốn, mỗi người trong chúng ta có thể góp phần vào việc cải thiện bầu không khí trong gia đình bằng cách thể hiện bông trái thánh linh trong mọi khía cạnh của đời sống, tỏ ra quan tâm một cách yêu thương đến những thành viên khác trong gia đình. (Ga-la-ti 5:22, 23) Sẽ có tiến bộ, không phải bằng cách chờ đợi người khác làm, nhưng nhờ chính chúng ta làm trọn phần mình, như vậy chứng tỏ chúng ta thực hành sự tin kính.—Cô-lô-se 3:18-21.

Tìm đâu ra câu trả lời

11, 12. Đức Giê-hô-va cung cấp điều gì để giúp chúng ta thành công trong đời sống gia đình?

11 Người ta có thể tìm lời khuyên cho các vấn đề gia đình từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng chúng ta biết Lời Đức Chúa Trời chứa đựng lời khuyên tốt nhất, và chúng ta biết ơn vì qua tổ chức hữu hình, Đức Chúa Trời giúp chúng ta áp dụng những lời khuyên ấy. Bạn có tận dụng sự giúp đỡ đó không?—Thi-thiên 119:129, 130; Mi-chê 4:2.

12 Ngoài việc tham dự các buổi nhóm tại hội thánh, bạn có đều đặn dành thì giờ cho buổi học Kinh Thánh gia đình không? Làm vậy, gia đình sẽ được hợp nhất trong sự thờ phượng. Nhờ áp dụng Lời Đức Chúa Trời vào hoàn cảnh riêng, đời sống gia đình trở nên phong phú.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18-21.

13. (a) Nếu có câu hỏi về những vấn đề gia đình, thường thì chúng ta tìm thấy sự giúp đỡ cần thiết nơi đâu? (b) Chúng ta nên phản ánh điều gì trong tất cả các quyết định?

13 Bạn có thể có những câu hỏi về vấn đề gia đình. Chẳng hạn, nói gì về kế hoạch hóa gia đình? Việc phá thai có bao giờ chính đáng không? Nếu một đứa con tỏ ra ít quan tâm đến những vấn đề thiêng liêng, chúng ta nên đòi hỏi nó tham gia vào sự thờ phượng cùng gia đình đến mức độ nào? Nhiều câu hỏi như thế được thảo luận trong các ấn phẩm do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Hãy tập dùng các sách giúp học Kinh Thánh, kể cả thư mục để tìm câu trả lời. Nếu bạn không có các ấn phẩm mà thư mục nói đến, hãy tìm trong thư viện Phòng Nước Trời. Hoặc bạn có thể truy cập những ấn phẩm này trên máy vi tính. Bạn cũng có thể thảo luận những vấn đề này với những anh chị tín đồ thành thục. Nhưng không nên luôn mong chờ câu trả lời dứt khoát có hoặc không cho mỗi vấn đề. Thường thì bạn phải quyết định, trên bình diện cá nhân hoặc với tư cách vợ chồng. Nhưng hãy có những quyết định cho thấy bạn thực hành sự tin kính không những trước mặt người ngoài mà còn trong gia đình nữa.—Rô-ma 14:19; Ê-phê-sô 5:10.

Thảo luận để ôn lại

• Sự trung thành với Đức Giê-hô-va liên quan thế nào đến việc chung thủy trong hôn nhân?

• Khi các vấn đề khó khăn trong gia đình gây áp lực, điều gì sẽ giúp chúng ta làm đẹp lòng Đức Chúa Trời?

• Ngay dù những người khác trong gia đình có thiếu sót, chúng ta có thể làm gì để cải thiện tình thế?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 155]

Vai trò làm đầu của người chồng nên phản ánh những đức tính của Chúa Giê-su

[Hình nơi trang 157]

Việc đều đặn học Kinh Thánh với gia đình giúp có được sự hợp nhất