Tiếp tục rao truyền Lời Đức Chúa Trời cách dạn dĩ
Chương 19
Tiếp tục rao truyền Lời Đức Chúa Trời cách dạn dĩ
1. (a) Môn đồ của Chúa Giê-su đã công bố tin mừng nào, nhưng một số người Do thái phản ứng ra sao? (b) Chúng ta có thể nêu ra những câu hỏi nào?
CÁCH ĐÂY gần 2.000 năm, Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ được xức dầu để trở nên Vua tương lai trên khắp đất. Mặc dù Chúa Giê-su đã bị hành hình do sự xúi giục của những kẻ thù tôn giáo, nhưng Đức Giê-hô-va đã khiến Con Ngài sống lại từ kẻ chết. Qua trung gian Chúa Giê-su, ngày nay nhân loại có thể đạt được sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, sự bắt bớ bộc phát khi môn đồ của Chúa Giê-su công bố tin mừng này. Một số bị bỏ tù, bị đánh bằng roi và bị cấm không được nói về ngài. (Công-vụ 4:1-3, 17; 5:17, 18, 40) Lúc ấy họ làm gì? Trong trường hợp đó, bạn làm gì? Liệu bạn có tiếp tục làm chứng dạn dĩ không?
2. (a) Tin mừng tuyệt diệu nào cần được rao truyền trong thời kỳ chúng ta? (b) Ai có trách nhiệm rao truyền tin mừng?
2 Năm 1914 Vua của Nước Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, được lên ngôi ở trên trời để cai trị “giữa các thù-nghịch”. (Thi-thiên 110:2) Tiếp đến, Sa-tan và quỉ sứ của hắn bị quăng xuống trái đất. (Khải-huyền 12:1-5, 7-12) Những ngày cuối cùng của hệ thống ác đã bắt đầu. Khi thời kỳ này chấm dứt, Đức Chúa Trời sẽ dẹp tan toàn thể hệ thống mọi sự thuộc Sa-tan. (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 24:21) Những người sống sót có triển vọng sống vĩnh cửu trên trái đất trở thành một địa đàng. Nếu đã chấp nhận tin mừng này, bạn muốn chia sẻ với người khác. (Ma-thi-ơ 24:14) Nhưng người ta phản ứng ra sao?
3. (a) Người ta phản ứng thế nào trước thông điệp Nước Trời? (b) Chúng ta phải đối diện với điều gì?
3 Khi bạn rao truyền tin mừng Nước Trời, một số người có lẽ hân hoan tiếp nhận, nhưng phần đông sẽ thờ ơ. (Ma-thi-ơ 24:37-39) Có thể bạn sẽ bị một số người chế nhạo hoặc chống đối. Chúa Giê-su đã báo trước rằng sự chống đối có thể xuất phát từ bà con thân thuộc của bạn. (Lu-ca 21:16-19) Điều này cũng có thể xảy ra nơi sở làm hoặc trong trường học. Tại một số nước trên đất, Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngay cả chính quyền ngăn cấm. Khi đối đầu với những trường hợp như thế, liệu bạn sẽ tiếp tục dạn dĩ nói Lời Đức Chúa Trời và “vững-vàng trong đức-tin” không?—1 Cô-rinh-tô 16:13.
Không nương cậy vào sức riêng
4. (a) Để chứng tỏ là những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, chúng ta cần có những yếu tố cơ bản nào? (b) Tại sao những buổi họp của đạo Đấng Christ lại quan trọng đến thế?
4 Yếu tố căn bản để làm tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va là nương cậy nơi những sắp đặt của Ngài. Một trong những sắp đặt ấy là các buổi họp của hội thánh. Kinh Thánh thúc giục chúng ta chớ nên chểnh mảng việc nhóm họp. (Hê-bơ-rơ 10:23-25) Những người tiếp tục là nhân chứng trung thành của Đức Giê-hô-va đã cố gắng tham dự đều đặn các buổi họp với anh em cùng đức tin. Tại những buổi họp này, chúng ta gia tăng sự hiểu biết Kinh Thánh. Ngoài ra, chúng ta hiểu rõ hơn những lẽ thật đã biết rồi, và ý thức của chúng ta về cách sử dụng những hiểu biết ấy được bén nhạy thêm. Chúng ta cảm thấy gần gũi các anh em hơn trong sự thờ phượng hợp nhất và được củng cố để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Thánh linh Đức Giê-hô-va cung cấp sự hướng dẫn qua hội thánh, và nhờ thánh linh ấy, Chúa Giê-su ở giữa chúng ta.—Ma-thi-ơ 18:20; Khải-huyền 3:6.
5. Khi Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán, có sự sắp đặt nào cho các buổi họp?
5 Bạn có đều đặn tham dự tất cả các buổi họp, và bản thân có áp dụng những điều đã nghe thảo luận không? Đôi khi, những buổi họp cần tổ chức thành từng nhóm nhỏ tại nhà riêng trong trường hợp Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán. Địa điểm và giờ giấc có thể thay đổi và không thuận tiện, vài buổi họp được tổ chức trễ vào ban đêm. Nhưng bất kể sự nguy hiểm hay bất tiện cho bản thân, những anh chị em trung thành cố gắng hết sức để có mặt tại mỗi buổi họp.
6. Chúng ta biểu lộ sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bằng cách nào, và làm thế nào điều này có thể giúp chúng ta tiếp tục rao giảng dạn dĩ?
6 Chúng ta vun trồng lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bằng cách chân thành cầu nguyện với Ngài một cách đều đặn, ý thức rằng chúng ta cần sự giúp đỡ của Ngài. Bạn có làm thế không? Chúa Giê-su luôn cầu nguyện trong suốt thời gian làm thánh chức trên đất. (Lu-ca 3:21; 6:12, 13; 22:39-44) Vào đêm trước khi bị đóng đinh trên cây khổ hình, ngài giục các môn đồ: “Hãy tỉnh-thức và cầu-nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám-dỗ.” (Mác 14:38) Nếu gặp nhiều người thờ ơ với thông điệp Nước Trời, chúng ta có thể bị cám dỗ trì trệ trong thánh chức. Nếu bị người ta chế nhạo hoặc bắt bớ, để tránh các vấn đề ấy chúng ta có thể không muốn nói nữa. Nhưng nếu tha thiết cầu xin thánh linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta tiếp tục rao giảng dạn dĩ, chúng ta sẽ được che chở để khỏi sa vào những cám dỗ ấy.—Lu-ca 11:13; Ê-phê-sô 6:18-20.
Một sự tường thuật về việc làm chứng dạn dĩ
7. (a) Tại sao chúng ta đặc biệt chú ý đến lời tường thuật nơi sách Công-vụ? (b) Trả lời các câu hỏi ở cuối đoạn này, nhấn mạnh đến việc làm thế nào những điều đó mang lại lợi ích cho chúng ta.
7 Lời tường thuật ghi trong sách Công-vụ khiến tất cả chúng ta đặc biệt chú ý. Sách ấy cho biết làm thế nào các sứ đồ và những môn đồ khác thời ban đầu—những người có cùng cảm xúc như chúng ta—vượt qua những trở ngại, tỏ ra là những nhân chứng dạn dĩ và trung thành của Đức Giê-hô-va. Chúng ta hãy xem xét một phần tường thuật ấy với sự giúp đỡ của những câu hỏi và câu Kinh Thánh dẫn chứng sau đây. Khi làm thế, hãy xem điều đang đọc có thể đem lại lợi ích nào cho bản thân.
Các sứ đồ có phải là những người học thức cao không? Phải chăng họ là những người vốn có bản tính không biết sợ hãi, bất chấp việc gì xảy đến không? (Giăng 18:17, 25-27; 20:19; Công-vụ 4:13)
Điều gì khiến Phi-e-rơ có khả năng ăn nói dạn dĩ trước tòa án Do Thái đã từng kết án Con Đức Chúa Trời? (Ma-thi-ơ 10:19, 20; Công-vụ 4:8)
Các sứ đồ đã làm gì trong mấy tuần trước khi bị đưa ra Tòa Công Luận? (Công-vụ 1:14; 2:1, 42)
Khi các nhà cầm quyền ra lệnh cấm các sứ đồ lấy danh Chúa Giê-su rao giảng, Phi-e-rơ và Giăng đáp lại thế nào? (Công-vụ 4:19, 20)
Sau khi được thả, một lần nữa các sứ đồ tìm đến ai xin sự giúp đỡ? Có phải họ cầu xin đừng bị bắt bớ nữa, hay cầu xin gì? (Công-vụ 4:24-31)
Khi những kẻ chống đối tìm cách chấm dứt công việc rao giảng, Đức Giê-hô-va giúp đỡ bằng những cách nào? (Các sứ đồ cho thấy họ hiểu thế nào về lý do họ được giải cứu? (Công-vụ 5:21, 41, 42)
Ngay khi tản lạc khắp nơi vì bị bắt bớ, nhiều môn đồ tiếp tục làm gì? (Công-vụ 8:3, 4; 11:19-21)
8. Thánh chức rao giảng của các môn đồ thời ban đầu có kết quả khích lệ nào, và chúng ta dự phần vào công việc ấy như thế nào?
8 Công việc rao giảng tin mừng không phải là vô ích. Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN khoảng 3.000 môn đồ đã làm báp têm. “Số những người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm”. (Công-vụ 2:41; 4:4; 5:14) Cuối cùng, ngay cả người bắt bớ dữ dội dân sự của Đức Chúa Trời là Sau-lơ quê quán ở Tạt-sơ cũng đã trở thành tín đồ Đấng Christ và làm chứng dạn dĩ cho lẽ thật. Sau này ông được biết đến là sứ đồ Phao-lô. (Ga-la-ti 1:22-24). Công việc được khởi đầu vào thế kỷ thứ nhất vẫn chưa chấm dứt. Trong những ngày cuối cùng này công việc đó được tăng cường và lan rộng trên khắp đất. Chúng ta có đặc ân tham gia vào công tác ấy, và khi làm thế chúng ta có thể học gương của những nhân chứng trung thành đi trước chúng ta.
9. (a) Phao-lô đã dùng những cơ hội nào để làm chứng. (b) Bạn truyền thông điệp Nước Trời đến người khác bằng những cách nào?
9 Khi học biết được lẽ thật về Chúa Giê-su Christ, Phao-lô đã làm gì? “Người liền giảng-dạy... rằng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 9:20) Ông biết ơn về lòng nhân từ Đức Chúa Trời dành cho ông, và ý thức rằng mọi người cần đến tin mừng mà ông nhận được. Phao-lô là người Do Thái, và theo phong tục thời đó, ông đến làm chứng tại các nhà hội. Ông cũng rao giảng từ nhà này sang nhà kia và lý luận với người ta ở nơi phố chợ. Ông cũng sẵn lòng đi đến những khu vực mới để rao giảng tin mừng.—Công-vụ 17:17; 20:20; Rô-ma 15:23, 24.
10. (a) Dù dạn dĩ, Phao-lô cũng cho thấy ông sáng suốt như thế nào trong cách làm chứng? (b) Khi làm chứng cho quyến thuộc, bạn đồng sở hoặc bạn học, chúng ta có thể phản ánh những đức tính của Phao-lô như thế nào?
10 Phao-lô dạn dĩ nhưng cũng sáng suốt, chúng ta cũng nên như thế. Với người Do Thái ông kêu gọi họ dựa trên những lời hứa mà Đức Chúa Trời nói với tổ phụ họ. Với người Hy Lạp ông nói dựa trên cơ bản những điều họ quen thuộc. Đôi khi ông dùng kinh nghiệm bản thân trong việc học biết lẽ thật để làm phương tiện làm chứng. Ông nói: “Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin-lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó”.—1 Cô-rinh-tô 9:20-23; Công-vụ 22:3-21.
11. (a) Tránh đương đầu nhiều lần với những kẻ chống đối, Phao-lô đã làm gì? (b) Chúng ta có thể khôn ngoan bắt chước gương của Phao-lô trong những trường hợp nào, và như thế nào? (c) Từ đâu chúng ta có được sức mạnh để tiếp tục rao giảng cách dạn dĩ?
11 Khi sự chống đối lên đến mức mà Phao-lô thấy việc rao giảng ở nơi khác một thời gian dường như là tốt hơn, thì ông đi thay vì đương đầu nhiều lần với những kẻ chống ông. (Công-vụ 14:5-7; 18:5-7; Rô-ma 12:18) Nhưng ông không bao giờ hổ thẹn về tin mừng. (Rô-ma 1:16) Dù không thích cách đối xử xấc láo—ngay cả bạo ngược—của những kẻ chống đối, ông “cứ rao-truyền đạo Tin-lành của Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ”. Ông nói: “Chúa đã giúp-đỡ ta và thêm sức cho ta, hầu cho Tin-lành bởi ta được rao-truyền đầy-dẫy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:2; 2 Ti-mô-thê 4:17) Chúa Giê-su, Đầu hội thánh Đấng Christ, tiếp tục ban sức mạnh cần thiết để chúng ta làm công việc mà ngài tiên tri về thời kỳ chúng ta ngày nay.—Mác 13:10.
12. Điều gì chứng tỏ sự dạn dĩ của tín đồ Đấng Christ, và sự dạn dĩ đó căn cứ trên điều gì?
12 Như Chúa Giê-su và những tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta có đủ mọi lý do để tiếp tục dạn dĩ rao truyền Lời Đức Chúa Trời, nhưng không có nghĩa là thiếu quan tâm hay là cố buộc người ta nghe thông điệp trong khi họ không muốn. Chúng ta không bỏ cuộc dù người ta thờ ơ; cũng không im tiếng khi bị chống đối. Giống như Chúa Giê-su, chúng ta chỉ cho người ta thấy Nước Đức Chúa Trời là chính phủ chính đáng cho toàn thể trái đất. Chúng ta nói với sự tin cậy vì là người đại diện cho Đức Giê-hô-va, Đấng Chủ Tể Hoàn Vũ, và vì thông điệp mà chúng ta rao truyền đến từ Ngài chứ không phải từ chúng ta. Và tình yêu chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va hẳn phải là động lực mạnh mẽ nhất để ngợi khen Ngài.—Phi-líp 1:27, 28; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.
Thảo luận để ôn lại
• Tại sao việc chia sẻ thông điệp Nước Trời cho mọi người là điều quan trọng, nhưng chúng ta có thể chờ đợi những phản ứng nào?
• Làm thế nào chúng ta cho thấy mình không nương cậy vào sức riêng khi phụng sự Đức Giê-hô-va?
• Chúng ta học được những bài học quý giá nào từ sách Công-vụ?
[Câu hỏi thảo luận]
[Các hình nơi trang 173]
Như thời trước, tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay rao truyền Lời Đức Chúa Trời cách dạn dĩ