Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vấn đề tranh chấp mà tất cả chúng ta phải đương đầu

Vấn đề tranh chấp mà tất cả chúng ta phải đương đầu

Chương 6

Vấn đề tranh chấp mà tất cả chúng ta phải đương đầu

1, 2. (a) Sa-tan đã dấy lên vấn đề tranh chấp nào trong vườn Ê-đen? (b) Điều hắn nói có ngụ ý đến vấn đề đó như thế nào?

BẠN bị liên lụy đến một vấn đề tranh chấp quan trọng nhất mà loài người từng đương đầu. Lập trường của bạn trong vấn đề này sẽ định đoạt tương lai vĩnh cửu của bạn. Cuộc tranh chấp này được dấy lên khi sự phản nghịch bộc phát trong vườn Ê-đen. Vào thời đó Sa-tan hỏi Ê-va: “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” Bà đáp rằng Đức Chúa Trời chỉ phán về về một cây: “Hai ngươi chẳng nên ăn đến... e khi hai ngươi phải chết chăng”. Sau đó, Sa-tan liền vu khống Đức Giê-hô-va là kẻ nói dối, cho rằng sự sống của A-đam và Ê-va không tùy thuộc vào việc vâng lời Đức Chúa Trời. Hắn cả quyết là Đức Chúa Trời giấu giếm các tạo vật của Ngài một điều tốt—khả năng tự đặt những tiêu chuẩn riêng trong đời sống. Sa-tan quyết đoán: “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.—Sáng-thế Ký 3:1-5.

2 Trên thực tế, Sa-tan cho rằng tốt hơn loài người nên tự quyết định thay vì vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Như vậy hắn đã thách đố quyền cai trị của Ngài. Việc này dấy lên vấn đề tranh chấp quan trọng bậc nhất về quyền thống trị vũ trụ của Đức Chúa Trời, quyền cai trị thích đáng của Ngài. Câu hỏi được nêu ra: Đường lối cai trị nào tốt hơn cho loài người, đường lối của Đức Giê-hô-va hoặc quyền tự trị không phụ thuộc vào Ngài? Bấy giờ Đức Giê-hô-va đã có thể hành quyết A-đam và Ê-va ngay lập tức, nhưng làm thế vấn đề tranh chấp về quyền thống trị không được giải quyết thỏa đáng. Qua việc để cho xã hội loài người phát triển trong một thời gian đáng kể, Đức Chúa Trời có thể cho thấy rõ việc không phụ thuộc vào Ngài và luật pháp của Ngài sẽ mang đến hậu quả gì.

3. Sa-tan đã dấy lên vấn đề tranh chấp phụ nào?

3 Cuộc tấn công của Sa-tan chống lại quyền cai trị của Đức Giê-hô-va không dừng lại với những gì xảy ra trong vườn Ê-đen. Hắn đặt nghi vấn về lòng trung thành của các tạo vật khác đối với Đức Giê-hô-va. Điều này trở thành vấn đề tranh chấp phụ, liên hệ mật thiết với cuộc tranh chấp trước. Thách đố của hắn bao gồm con cháu của A-đam và Ê-va cùng tất cả các con thần linh của Đức Chúa Trời, kể cả Con đầu lòng rất yêu quý của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, vào thời Gióp, Sa-tan tranh luận rằng các tôi tớ phụng sự Đức Giê-hô-va không phải vì yêu thương Đức Chúa Trời và đường lối cai trị của Ngài nhưng vì những lý do ích kỷ. Hắn lập luận rằng khi gặp khó khăn hết thảy sẽ bỏ cuộc vì những ham muốn ích kỷ.—Gióp 2:1-6; Khải-huyền 12:10.

Lịch sử đã chứng minh gì

4, 5. Lịch sử đã chứng minh gì về việc con người tự dẫn đưa bước mình?

4 Điểm trọng yếu của vấn đề tranh chấp về quyền thống trị là: loài người do Đức Chúa Trời dựng nên không thể thành công khi sống độc lập với quyền cai trị của Ngài. Ngài dựng nên loài người lệ thuộc vào những luật pháp công bình của Ngài vì lợi ích cho họ. Tiên tri Giê-rê-mi thừa nhận: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình. Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy xin hãy sửa-trị tôi cách chừng-đỗi”. (Giê-rê-mi 10:23, 24) Do đó, Lời Đức Chúa Trời khuyến giục: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”. (Châm-ngôn 3:5) Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người tuân theo những định luật vật lý của Ngài để tồn tại, thì cũng vậy, Ngài đặt ra những luật về đạo đức, nếu vâng giữ loài người sẽ có được một xã hội hài hòa.

5 Rõ ràng Đức Chúa Trời biết gia đình nhân loại không bao giờ có thể thành công khi tự ý điều hành không vâng theo quyền cai trị của Ngài. Loài người đã cố gắng vô ích khi sống độc lập với sự cai trị của Đức Chúa Trời trong việc thành lập nhiều hệ thống chính trị, kinh tế và tôn giáo khác nhau. Những sự bất đồng này đã mang lại xung khắc dai dẳng giữa người này với người kia, hậu quả là bạo lực, chiến tranh và chết chóc. “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. (Truyền-đạo 8:9) Đó chính là những điều đã xảy ra trong suốt lịch sử loài người. Như được báo trước trong Lời Đức Chúa Trời, những người hung ác và kẻ giả mạo tiếp tục “càng chìm-đắm luôn trong điều dữ”. (2 Ti-mô-thê 3:13) Và thế kỷ 20 chứng kiến những thành công tột đỉnh của loài người trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp đồng thời hứng chịu những tai họa tệ hại nhất. Những lời nơi Giê-rê-mi 10:23 đã chứng minh đầy đủ—con người không được dựng nên để tự dẫn đưa bước mình.

6. Chẳng bao lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ giải quyết như thế nào về việc nhân loại sống độc lập với Ngài?

6 Hậu quả bi thảm lâu dài của việc độc lập với Đức Chúa Trời cho thấy một lần là đủ rằng loài người cai trị không bao giờ thành công. Quyền cai trị của Đức Chúa Trời là đường lối duy nhất mang đến hạnh phúc, hợp nhất, sức khỏe và sự sống. Và Lời Đức Chúa Trời cho thấy lòng khoan dung của Ngài đối với sự cai trị độc lập của loài người sắp kết thúc. (Ma-thi-ơ 24:3-14; 2 Ti-mô-thê 3:1-5) Chẳng bao lâu nữa, Ngài sẽ can thiệp vào công việc của loài người để khẳng định quyền cai trị của Ngài trên khắp đất. Lời tiên tri trong Kinh Thánh nói: “Trong đời các vua nầy [các nhà cầm quyền loài người hiện hữu], Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước [ở trên trời] không bao giờ bị hủy-diệt. Quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác [loài người không bao giờ được cai trị trên đất nữa]. Nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia [các nước đang cầm quyền], mà mình thì đứng đời đời”.—Đa-ni-ên 2:44.

Sống sót để vào thế giới mới của Đức Chúa Trời

7. Ai sẽ sống sót khi Đức Chúa Trời chấm dứt sự cai trị của loài người?

7 Ai sẽ được sống sót khi Đức Chúa Trời chấm dứt sự cai trị của loài người? Kinh Thánh trả lời: “Người ngay-thẳng [những ai ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời] sẽ được ở trên đất, và người trọn-vẹn sẽ còn ở đó luôn luôn. Nhưng kẻ gian-ác [những người không ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời] sẽ bị truất khỏi đất”. (Châm-ngôn 2:21, 22) Tương tự như thế, người viết Thi-thiên nói: “Một chút nữa kẻ ác không còn... Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:10, 29.

8. Đức Chúa Trời sẽ biện minh hoàn toàn quyền thống trị của Ngài như thế nào?

8 Sau khi hệ thống của Sa-tan bị hủy diệt, Đức Chúa Trời sẽ dẫn loài người vào thế giới mới của Ngài hoàn toàn loại bỏ bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, đau khổ, bệnh tật và sự chết đã kìm kẹp nhân loại hàng ngàn năm qua. Kinh Thánh miêu tả rất hay những ân phước chờ đón nhân loại biết vâng lời: “Ngài [Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa. Vì những sự thứ nhất đã qua rồi”. (Khải-huyền 21:3, 4) Nhờ chính phủ Nước Trời dưới quyền cai trị của Đấng Christ, Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn biện minh Ngài là Chúa Tối Thượng, Đấng Cai Trị chúng ta.—Rô-ma 16:20; 2 Phi-e-rơ 3:10-13; Khải-huyền 20:1-6.

Họ phản ứng thế nào trước cuộc tranh chấp này

9. (a) Những người giữ sự trung thành với Đức Giê-hô-va đã xem lời Ngài như thế nào? (b) Nô-ê đã chứng tỏ lòng trung thành của ông ra sao, và chúng ta nhận được lợi ích gì từ gương ấy?

9 Trong suốt lịch sử có những người đàn ông và đàn bà có đức tin chứng tỏ lòng trung thành của họ đối với Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng. Họ biết rằng sự sống của mình tùy thuộc vào việc lắng nghe và vâng lời Ngài. Nô-ê là người như thế. Thế nên Đức Chúa Trời nói với Nô-ê: “Kỳ cuối-cùng của mọi xác-thịt đã đưa đến trước mặt ta... Ngươi hãy đóng một chiếc tàu”. Và ông Nô-ê đã vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Bất chấp lời cảnh báo, những người khác thời bấy giờ cứ tiếp tục sống theo nếp cũ, xem như sẽ chẳng có chuyện gì bất thường xảy ra cả. Nhưng Nô-ê đóng một chiếc tàu khổng lồ và bận rộn rao giảng về đường lối công bình của Đức Giê-hô-va cho người khác nghe. Lời tường thuật nói tiếp: “Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”.—Sáng-thế Ký 6:13-22; Hê-bơ-rơ 11:7; 2 Phi-e-rơ 2:5.

10. (a) Áp-ra-ham và Sa-ra đã ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Chúng ta được lợi ích gì từ gương của Áp-ra-ham và Sa-ra?

10 Áp-ra-ham và Sa-ra cũng là hai gương mẫu tốt trong việc ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, họ thi hành bất cứ điều gì Ngài phán. Hai người sống ở U-rơ thuộc xứ Canh-đê, một thành phố thịnh vượng. Nhưng khi Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham đến một xứ hoàn toàn xa lạ, Áp-ra-ham “đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy”. Chắc chắn Sa-ra đã có một nếp sống tiện nghi với nhà cửa, bạn hữu và bà con thân thuộc. Nhưng bà vâng phục chồng và Đức Giê-hô-va, đi đến xứ Ca-na-an dù không biết hoàn cảnh nào chờ mình ở đấy.—Sáng-thế Ký 11:31–12:4; Công-vụ 7:2-4.

11. (a) Môi-se đã ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va trong hoàn cảnh nào? (b) Gương của Môi-se có thể đem lại lợi ích cho chúng ta như thế nào?

11 Môi-se là một người khác cũng ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Ông thực hiện điều này trong những hoàn cảnh khó khăn nhất—đương đầu trực diện với Pha-ra-ôn xứ Ê-díp-tô. Không phải Môi-se tự tin. Ngược lại, ông không tin mình có đủ khả năng ăn nói lưu loát. Nhưng ông đã vâng lệnh Đức Giê-hô-va. Với sự ủng hộ của Đức Giê-hô-va và sự hỗ trợ của anh là A-rôn, Môi-se đã nhiều lần chuyển lời Đức Giê-hô-va đến tai Pha-ra-ôn cứng lòng. Ngay cả một số người Y-sơ-ra-ên cũng gay gắt chỉ trích Môi-se. Nhưng Môi-se vẫn trung thành làm mọi điều Đức Giê-hô-va đã truyền, và dân Y-sơ-ra-ên nhờ ông được giải thoát khỏi xứ Ê-díp-tô.—Xuất Ê-díp-tô Ký 7:6; 12:50; Hê-bơ-rơ 11:24-27.

12. (a) Điều gì cho thấy sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va bao hàm nhiều hơn là việc chỉ làm theo những điều Đức Chúa Trời cho viết ra cách rõ ràng? (b) Việc hiểu rõ hình thức trung thành này có thể giúp chúng ta áp dụng 1 Giăng 2:15 như thế nào?

12 Những người trung thành với Đức Giê-hô-va không lý luận rằng tất cả những gì được đòi hỏi chỉ là vâng theo những điều Đức Chúa Trời cho viết ra. Khi vợ của Phô-ti-pha tìm cách quyến rũ Giô-sép phạm tội ngoại tình với bà, bấy giờ chưa có điều răn nào của Đức Chúa Trời được viết ra cấm đoán sự ngoại tình. Tuy nhiên, Giô-sép biết về sự sắp đặt hôn nhân do Đức Giê-hô-va thiết lập trong vườn Ê-đen. Ông ý thức rằng quan hệ tình dục với vợ người khác không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Giô-sép không muốn thử xem Đức Chúa Trời sẽ để ông hành động giống như người Ê-díp-tô tới giới hạn nào. Ông đã ủng hộ các đường lối của Đức Giê-hô-va bằng cách suy ngẫm về cách Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại và rồi hết lòng áp dụng điều mà ông nhận định là ý muốn của Ngài.—Sáng-thế Ký 39:7-12; Thi-thiên 77:11, 12.

13. Ma-quỉ đã chứng tỏ hắn là kẻ nói dối như thế nào về (a) Gióp? (b) ba chàng thanh niên Hê-bơ-rơ?

13 Ngay dù bị thử thách gay gắt, những người thật sự biết Đức Giê-hô-va không quay lưng từ bỏ Ngài. Sa-tan tố cáo nếu Gióp mất hết tài sản, sức khỏe thì chính ông—người được Đức Giê-hô-va khen ngợi—cũng sẽ lìa xa Ngài. Nhưng Gióp đã chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối dù không hiểu tại sao các tai họa bủa vây ông. (Gióp 2:9, 10) Nhiều thế kỷ sau, Sa-tan vẫn tìm cách chứng minh quan điểm của mình, hắn khiến một vua Ba-by-lôn nổi giận hăm dọa giết ba chàng thanh niên Hê-bơ-rơ trong lò lửa hừng nếu họ không chịu quỳ lạy trước một tượng chạm do vua dựng lên. Bắt buộc phải chọn giữa việc tuân lệnh vua và vâng phục luật pháp của Đức Giê-hô-va cấm thờ hình tượng, ba thanh niên này kiên quyết cho biết họ phụng sự Đức Giê-hô-va và Ngài là Đấng Thống Trị Tối Cao của họ. Đối với họ, lòng trung thành với Đức Chúa Trời quý báu hơn sự sống hiện tại.—Đa-ni-ên 3:14-18.

14. Làm sao những người bất toàn như chúng ta có thể chứng tỏ thật sự trung thành với Đức Giê-hô-va?

14 Từ những gương đó chúng ta có nên kết luận rằng muốn trung thành với Đức Giê-hô-va một người cần phải hoàn toàn hoặc người nào phạm lỗi thì đã thất bại hoàn toàn không? Tuyệt đối không! Kinh Thánh cho chúng ta biết nhiều lần Môi-se đã thiếu sót. Dù không hài lòng, Đức Giê-hô-va không từ bỏ Môi-se. Các sứ đồ của Chúa Giê-su Christ cũng có những nhược điểm. Xét rằng chúng ta gánh chịu sự bất toàn, Đức Giê-hô-va hài lòng nếu chúng ta không cố ý lờ đi ý muốn của Ngài trong bất cứ khía cạnh nào. Nếu vì yếu đuối chúng ta phạm lỗi, điều quan trọng là chúng ta thành thật ăn năn và không tái phạm. Như thế chứng tỏ chúng ta thật sự yêu thích điều Đức Giê-hô-va nói là thiện và ghét điều Ngài cho là ác. Dựa trên đức tin nơi giá trị của của-lễ hy sinh để chuộc tội do Chúa Giê-su cung cấp, chúng ta có thể hưởng một vị thế trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời.—A-mốt 5:15; Công-vụ 3:19; Hê-bơ-rơ 9:14.

15. (a) Trong vòng nhân loại, ai giữ được sự trung kiên trọn vẹn đối với Đức Chúa Trời, và điều đó chứng tỏ gì? (b) Điều Chúa Giê-su đã làm giúp ích chúng ta ra sao?

15 Tuy thế, phải chăng loài người không thể nào vâng phục quyền thống trị của Đức Giê-hô-va một cách trọn vẹn? Trong khoảng 4.000 năm câu trả lời này giống như “một sự mầu-nhiệm”. (1 Ti-mô-thê 3:16) A-đam dù được tạo ra là người hoàn toàn không để lại gương mẫu hoàn toàn về sự tin kính. Vậy, ai có thể làm được? Chắc chắn không một con cháu tội lỗi nào của A-đam. Người duy nhất làm được điều đó là Chúa Giê-su Christ. (Hê-bơ-rơ 4:15) Điều Chúa Giê-su thực hiện chứng tỏ A-đam, người có hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều, đã có thể giữ được sự trung kiên trọn vẹn nếu muốn. Lỗi không phải tại công việc sáng tạo của Đức Chúa Trời. Do đó Chúa Giê-su Christ là gương mẫu chúng ta cố bắt chước trong việc chứng tỏ không những chúng ta vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời mà còn hết lòng tôn kính Đức Giê-hô-va, Đấng Thống Trị Hoàn Vũ.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5.

Câu trả lời của chính chúng ta là gì?

16. Tại sao chúng ta luôn đề cao cảnh giác về thái độ của mình đối với quyền thống trị của Đức Giê-hô-va?

16 Mỗi người chúng ta ngày nay phải đương đầu với vấn đề tranh chấp quyền thống trị hoàn vũ. Nếu công khai tuyên bố đứng về phía Đức Giê-hô-va, chúng ta trở thành mục tiêu tấn công của Sa-tan. Hắn gây áp lực từ khắp phía và sẽ tiếp tục làm thế cho đến ngày cuối cùng của hệ thống gian ác này. Chúng ta không được chểnh mảng việc phòng thủ. (1 Phi-e-rơ 5:8) Hạnh kiểm của chúng ta cho thấy chúng ta đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp tối hậu liên hệ đến quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va và trong vấn đề tranh chấp phụ liên hệ đến lòng trung kiên đối với Đức Chúa Trời khi gặp thử thách. Chúng ta không thể xem thường sự bất trung chỉ vì việc này thịnh hành trong thế gian. Giữ sự trung kiên đòi hỏi chúng ta nỗ lực áp dụng đường lối công bình của Đức Giê-hô-va trong mọi vấn đề của đời sống.

17. Chúng ta nên tránh nói dối và trộm cắp vì những thực hành này bắt nguồn từ đâu?

17 Thí dụ, chúng ta không thể bắt chước Sa-tan là “cha sự nói dối”. (Giăng 8:44) Chúng ta phải trung thực trong mọi cách xử sự. Trong hệ thống của Sa-tan, người trẻ thường không trung thực với cha mẹ. Nhưng tín đồ Đấng Christ trẻ nên tránh điều này, và như vậy họ chứng tỏ Sa-tan sai khi hắn tố cáo rằng dân của Đức Chúa Trời sẽ không giữ lòng trung kiên khi gặp thử thách. (Gióp 1:9-11; Châm-ngôn 6:16-19) Rồi có những thực hành trong công việc làm ăn có thể khiến một người đứng về phía “cha sự nói dối” thay vì Đức Chúa Trời của lẽ thật. Những việc này chúng ta phải tránh xa. (Mi-chê 6:11, 12) Cũng thế, trộm cắp không bao giờ được chấp nhận dù một người đang túng thiếu hoặc người bị lấy trộm có nhiều của cải. (Châm-ngôn 6:30, 31; 1 Phi-e-rơ 4:15) Cho dù trong vùng chúng ta sinh sống việc lấy trộm là chuyện thông thường hoặc món đồ bị trộm là nhỏ nhặt, điều đó vẫn ngược lại luật pháp Đức Chúa Trời.—Lu-ca 16:10; Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 4:28.

18. (a) Cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, toàn thể nhân loại sẽ chịu thử thách nào? (b) Chúng ta nên vun trồng thói quen nào ngay từ bây giờ?

18 Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, Sa-tan và các quỉ sứ của hắn sẽ ở trong vực sâu, không thể ảnh hưởng loài người. Thật là nhẹ nhõm! Nhưng sau thời hạn một ngàn năm, chúng sẽ được thả ra một thời gian ngắn. Sa-tan và những ai theo hắn sẽ gây áp lực cho loài người, là những người được phục hồi trong hệ thống mới và giữ lòng trung kiên đối với Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 20:7-10) Nếu có đặc ân được sống vào lúc ấy, chúng ta sẽ phản ứng thế nào trước vấn đề tranh chấp quyền thống trị hoàn vũ? Vì loài người lúc ấy sẽ ở trạng thái hoàn toàn, bất cứ hành vi bất trung nào cũng là do cố ý và sẽ dẫn đến sự hủy diệt mãi mãi. Ngay bây giờ thật trọng yếu làm sao khi vun trồng thói quen đáp ứng tích cực với bất cứ hướng dẫn nào Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta, dù qua trung gian Lời Ngài hay qua tổ chức của Ngài! Khi làm thế, chúng ta cho thấy lòng sùng kính chân thật của mình đối với Ngài là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ.

Thảo luận để ôn lại

• Toàn thể các tạo vật phải đương đầu với vấn đề tranh chấp vĩ đại nào? Chúng ta bị liên lụy thế nào?

• Có gì nổi bật trong cách những người đàn ông và đàn bà thời xưa chứng tỏ lòng trung kiên đối với Đức Giê-hô-va?

• Tại sao tôn vinh Đức Giê-hô-va mỗi ngày bằng hạnh kiểm của chúng ta là điều trọng yếu?

[Câu hỏi thảo luận]