Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đấng Tạo hóa làm cho trái đất có người ở

Đấng Tạo hóa làm cho trái đất có người ở

Chương 8

Đấng Tạo hóa làm cho trái đất có người ở

1. a) Trái đất khác hẳn với mặt trăng thế nào, và so với các phi thuyền do người làm ra thì sao? b) Nhiều người bày tỏ họ không thật sự quí trái đất của chúng ta như thế nào? (Thi-thiên 10:4).

VÀO khoảng cuối “ngày thứ tư” của sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, mặt đất đã được tô điểm một cách đẹp đẽ, đầy màu sắc sống động. Rất lâu sau đó, trong thế kỷ 20 này, một phi hành gia nhìn trái đất từ mặt trăng, là nơi không có sự sống, đã thốt lên:

“Khi bạn nhìn trái đất từ một khoảng xa 384.000 cây số, bạn sẽ nhận thấy rằng hành tinh của chúng ta là vật duy nhất trong vũ trụ có màu sắc... Chúng ta cùng chia xẻ một hành tinh đẹp như vậy... Điều đáng ngạc nhiên hết sức là tại sao chúng ta lại không thể quí những gì chúng ta có”.

Qua kinh nghiệm, phi hành gia này nhận biết rằng đời sống trong các phòng chật ních không có trọng lượng ở trong phi thuyền không gian do người làm ra, khác hẳn với đời sống bình thường mà người ta có thể vui hưởng ngay tại đây trên đất này, trong khung cảnh mà Đức Chúa Trời đã sửa soạn cho con người. Tuy nhiên, không những đa số loài người không biết quí những điều họ có, mà phần đông còn không biết đến Đấng đã phác họa và tạo nên trái đất này. Nhiều người chọn theo con đường của kẻ ngu dại “nói trong lòng mình: chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 14:1).

“LINH HỒN” CÁ VÀ SINH VẬT BIẾT BAY

2. a) Khi nào Đức Chúa Trời mới khởi sự tạo sinh vật trên trái đất? b) “Linh hồn” là gì? (Khải-huyền 16:3). c) Linh hồn nào được tạo ra trong “ngày thứ năm”?

2 Không phải hàng triệu năm trước đây như theo lý thuyết của một số người, nhưng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn trước đây, Đức Chúa Trời đã khởi sự sáng tạo sinh vật để sống trên hành tinh của chúng ta, theo thời khóa biểu mà Ngài đã tự đặt ra. Ngài tạo ra các “linh hồn” đầu tiên. Chữ “linh hồn” (tiếng Hê-bơ-rơ neʹphesh) nói về một sinh vật có hơi thở, có cảm giác, dù là cá, chim, thú vật hay người, theo như chữ ấy được dùng trong sự tường thuật của Kinh-thánh về sự sáng tạo. Trong ‘ngày sáng tạo’ thứ năm này, Đức Chúa Trời tạo ra “linh hồn” cá và “linh hồn” chim (Sáng-thế Ký 1:20-23, NW).

3. a) Loài người đã có thể dùng các nguyên tắc tìm thấy trong tạo vật, nhưng họ phải công nhận điều gì? (Gióp 12:7-10). b) Cá và chim như thế nào là một ân phước cho loài người như thế nào?

3 Thật là một kho tàng khôn ngoan của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong sự cấu tạo của các sinh vật này! Loài người đã có thể bắt chước một phần nào các nguyên tắc mà họ khám phá trong các tạo vật, như sức đẩy tới của con mực, hệ thống ra-đa của con dơi và một số đặc tính để bay của các con chim. Nhưng còn rất nhiều bí mật lạ lùng trong sự cấu tạo của các “linh hồn” này mà loài người chưa khám phá ra được. Cá và chim làm tăng vẻ đẹp cho chỗ ở của loài người và làm đời sống con người thêm hứng thú. Chúng cũng là đồ ăn ngon cho chúng ta khi Đức Chúa Trời phán rằng loài người có thể dùng thú vật “làm đồ-ăn” (Sáng-thế Ký 9:2, 3).

CÁC LINH HỒN SỐNG TRÊN ĐẤT

4. a) Đức Chúa Trời đã tạo ra gì trong “ngày thứ sáu”, và bằng cách nào? b) Thú vật đã phục vụ loài người như thế nào? (Sáng-thế Ký 1:25).

4 Khi ‘ngày sáng tạo’ thứ sáu bắt đầu, Đức Giê-hô-va phán:

“Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc-vật, côn-trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại” (Sáng-thế Ký 1:24).

Thánh linh vô hình của Đức Chúa Trời hoạt động để tạo ra nhiều “loại” thú vật khác nhau, một số thú vật này đã được tạo ra với mục đích tạm thời và một số khác còn sống cho tới ngày nay để giúp ích cho con người. Một số thú vật này có công dụng nhiều hơn là chỉ để làm bạn cho loài người: như ngựa để cưỡi, chó để chăn bầy thú, voi để chuyên chở, bò để kéo cày, cừu để lấy lông v.v... Các “linh hồn” thú vật thật sự đã đem lại lợi ích và hạnh phúc cho loài người.

5. Tại sao chúng ta phải cám ơn Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những tạo vật này? (Thi-thiên 8:4, 6-9).

5 Chúng ta quả thật có thể cám ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta các tạo vật này! Như người viết Thi-thiên nói:

“Tôi sẽ hát-xướng về sự nhơn-từ của Đức Giê-hô-va luôn luôn... Các từng trời thuộc về Chúa, đất cũng thuộc về Chúa; Chúa đã sáng-lập thế-gian và mọi vật nó chứa” (Thi-thiên 89:1, 11).

TẠO VẬT VINH HIỂN NHẤT TRÊN ĐẤT

6. a) Ai ở cạnh Đức Giê-hô-va để giúp việc Ngài trong công cuộc sáng tạo? (Giăng 1:1-4). b) Đức Chúa Trời đã nói gì với đấng cùng làm việc với Ngài, và như thế loài người có quan hệ gì với thú vật?

6 Trong suốt thời gian sáng tạo này, Đức Giê-hô-va có cạnh Ngài một đấng giúp việc—một “thợ cái”—là con thiêng liêng mà Ngài yêu mến nhất trong các thiên sứ sống trên các từng trời vô hình (Châm-ngôn 8:30). Vào khoảng cuối ‘ngày sáng tạo’ thứ sáu, Đức Giê-hô-va nói với đấng cùng làm việc này:

“Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản-trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc-vật, loài côn-trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng-thế Ký 1:26-28).

7. a) Đức Chúa Trời đã tạo ra con người theo phương cách nào? (Gióp 33:4). b) Điều gì chứng tỏ rằng con người không thể nào do sự tiến hóa mà ra? (Thi-thiên 100:3).

7 Có phải Đức Chúa Trời và đấng cùng làm việc với Ngài đã tạo ra con người bởi một sự biến chế phức tạp nào đó theo luật tiến hóa hay không? Không, việc đó đã giản dị hơn thế nhiều. Vì Kinh-thánh nói với chúng ta rằng:

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh-linh [linh hồn sống, NW]” (Sáng-thế Ký 2:7).

Ở đây Kinh-thánh không nói gì về loài người tiến hóa từ những tạo vật giống như khỉ, có lông, không biết nói, chỉ gầm gừ. Nếu quả thật con người chỉ tiến hóa theo một cách ngẫu nhiên thì đã không có thể chứng tỏ họ thích thú cái đẹp, âm nhạc, không có khả năng nhìn lại trong quá khứ và vào tương lai, không có óc sáng kiến, không có lương tâm để phân biệt phải trái và không có những đức tính tuyệt diệu như sự nhân từ và yêu thương! Chỉ có một nhân vật thông minh, cao hơn loài người—Đức Chúa Trời—mới có thể ban cho con người những đức tính ấy. Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo nên người đàn ông đầu tiên theo “hình” Ngài, chứ không phải theo hình của một tạo vật nào đã có trước đó trên đất, như “điểu, thú, côn-trùng” (Rô-ma 1:23). Giữa loài vật ngu dốt, không có lý trí và loài người thông minh, đứng thẳng, có một sự cách biệt mà không có sự tiến hóa nào có thể ngay cả bắt đầu vượt qua được.

8. a) Cái gì chứng tỏ rằng người đàn ông đầu tiên đã biết nói rành rẽ? b) Tất cả công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời có đặc tính nào? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4).

8 Sau đó, khi Đức Chúa Trời lấy một xương sườn của người đàn ông trong lúc ông ngủ, và nắn thành một người đàn bà là Ê-va và giới thiệu người vợ duyên dáng này cùng A-đam, thì người đàn ông đã không bày tỏ sự vui mừng của mình bằng những tiếng gầm gừ thô sơ. Trái lại, người liền thốt ra bài thơ đầu tiên:

“Người nầy là xương bởi xương tôi,

Thịt bởi thịt tôi mà ra.

Người nầy sẽ được gọi là người nữ,

Vì nó do nơi người nam mà có”

(Sáng-thế Ký 2:21-23).

Như thế khi Đức Chúa Trời tạo ra loài người, gồm “nam và nữ”, thì Ngài chấm dứt công cuộc sáng tạo trên đất.

“Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu” (Sáng-thế Ký 1:31).

NHỮNG LÝ DO ĐỂ CÁM ƠN ĐẤNG TẠO HÓA

9. Hãy kể vài chi tiết trong cách cấu tạo của con người khiến chúng ta phải ngợi khen Đấng Tạo hóa?

9 Công trình tuyệt tác trong cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời là loài người, quả thật là “tốt-lành”. Là con cháu của cặp vợ chồng đầu tiên, chúng ta nên luôn luôn biết ơn về sự tài giỏi tuyệt vời của Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ đến những điều vui mừng chúng ta có nhờ các giác quan: thưởng thức các bữa ăn ngon, cầm tay những người thân yêu, nhìn các quang cảnh đẹp, nghe tiếng chim hót hay tiếng nhạc êm dịu, ngửi hương thơm của các bông hoa và hương vị của các món ăn! Và ngoài các bộ phận quan trọng khác của cơ thể Đức Chúa Trời còn cho mỗi người chúng ta hai cái tai, hai mắt và một cái mũi. Mười ngón tay cộng tác với nhau một cách hoàn toàn để làm mọi công việc và 32 cái răng tuyệt tác khiến chúng ta có thể cắn và nhai đồ ăn, và còn có thể cười với những người chung quanh. Khả năng vui cười để bày tỏ sự khoan khoái và tính khôi hài (điều mà các thú vật không thể làm được) là một trong nhiều ân phước. Chúng ta thấy yêu đời nhờ có khả năng đi, chạy, nhảy và bơi lội mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta! Để cám ơn về hàng ngàn khía cạnh tuyệt vời của thân thể chúng ta, chúng ta nên thốt lên những lời như Vua Đa-vít:

“Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi. Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm” (Thi-thiên 139:1, 14).

10. Tiến trình trong sự sinh sản của loài người cho thấy rõ Đức Chúa Trời khôn ngoan như thế nào? (Truyền-đạo 11:5).

10 Trong các sự ban cho của Đức Chúa Trời cho loài người có khả năng sinh sản thật là tuyệt diệu. Mặc dầu thế gian đồi bại ngày nay đã quá lạm dụng tình dục một cách vô luân lý, tình dục không phải là xấu giữa vợ chồng và phù hợp với ý định triểu cùng các điều răn của Đức Chúa Trời. Sự sinh sản của loài người thật là tuyệt diệu thay! Một cái trứng trong người đàn bà—nhỏ bằng mũi kim—thụ tinh với một tinh trùng của người đàn ông chỉ nhỏ bằng 1/85.000 lần cái trứng. Từ sự kết hợp của hai vật rất nhỏ này và với thời gian đã biến thành một người có những tính chất di truyền của cả cha lẫn mẹ, theo một “họa đồ” (DNA) được phác họa từ lúc hai tế bào kết hợp. Ngày nay, kiến trúc sư đôi khi phải dùng hàng tập họa đồ để xây một tòa nhà. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có thể đặt “họa đồ” để tạo ra nguyên một người chỉ trong một tế bào rất nhỏ gần như không thấy được, dù việc tạo ra con người còn phức tạp hơn việc xây một tòa nhà rất nhiều. Nói về “họa đồ” để tạo ra con người, Vua Đa-vít công nhận Đức Chúa Trời có thể nhìn mọi sự, cả những vật vô cùng nhỏ bé như sau:

“Vì chính Chúa nắn nên tâm-thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Mắt Chúa đã thấy thể-chất vô-hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy. Hỡi Đức Chúa Trời, các tư-tưởng Chúa quí-báu cho tôi thay! Số các tư-tưởng ấy thật lớn thay!” (Thi-thiên 139:13, 16, 17).

11. Chúng ta nên cám ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta một bộ óc với những khả năng nào?

11 Những ý tưởng của Đức Chúa Trời thật quí giá biết bao! Và chúng ta hết sức biết ơn Đức Chúa Trời đã ban cho bộ óc, nhờ đó chúng ta có thể nghĩ những ý tưởng của Ngài. Thật là một bộ phận vô cùng tuyệt diệu! Bộ óc loài người có hệ thống lưu trữ tin tức hữu hiệu và tinh vi đến độ nếu người ta có thể làm một máy điện toán để làm cùng công việc đó, thì máy đó sẽ phải lớn bằng cả tòa nhà Empire State ở Nữu Ước. * Giê-hô-va Đức Chúa Trời thực sự biết thu gọn lại bộ óc một cách tài giỏi biết bao! Hơn nữa, theo nhà sinh hóa học, khả năng trí óc loài người vượt xa khả năng trí óc các thú vật. Người ta ước tính bộ óc con người có thể chứa đựng một số tin tức gấp tỉ lần số tin tức mà một người ngày nay thâu thập trong một đời người dài bảy mươi hay tám mươi năm. Để phù hợp với ý định cho loài người sống đời đời trên đất, Đức Chúa Trời đã ban cho con người một bộ óc, nhờ đó họ có thể tiếp tục nhớ những điều mới cho đến vô tận! Để tâm trí chúng ta hướng về những điều “nhơn-đức đáng khen” thật quan trọng biết bao! (Phi-líp 4:8).

Ý ĐỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI KHI TẠO RA LOÀI NGƯỜI

12. a) Ý định của Đức Chúa Trời là gì khi tạo nên loài người? b) Mặc dù loài người đã hủy phá nhiều, trái đất sẽ ra sao, và khi nào? (Ê-sai 65:17, 18).

12 Đức Chúa Trời tạo ra loài người với một ý định và chúng ta phải mong muốn sống phù hợp với ý định ấy. Khi Đức Chúa Trời tạo ra hai người đầu tiên, Ngài ban phước cho họ và phán cùng họ:

“Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 1:28).

Tuy nhiên, chúng ta thấy gì ngày nay, sau 6.000 năm? Tại nhiều nơi, trái đất có đầy dẫy người ở, nhưng phần đông họ không nhìn nhận rằng họ phải tùy thuộc nơi Đấng Tạo hóa của họ là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và họ cũng không thờ phượng Ngài. Và thay vì quản trị trái đất, họ làm ô nhiễm và hủy phá trái đất trên một bình diện lớn, và cũng làm hại sự sống của thú vật. Tuy nhiên, chúng ta có thể cám ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã tuyên bố rằng Ngài quyết định “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian” và Ngài sẽ biến trái đất thành một địa đàng vinh quang trước khi “ngày nghỉ” lớn của Ngài chấm dứt (Khải-huyền 11:18).

13. Chúng ta có thể biết ơn về triển vọng vinh quang nào? (Thi-thiên 145:11, 15, 16).

13 Thật vậy, hành tinh trái đất có triển vọng tuyệt diệu trong tương lai! Và cả cho loài người sống trên đó! Theo ý định lớn lao của Đức Chúa Trời, “ngày nghỉ” của Ngài sẽ chấm dứt với trái đất trở thành địa đàng, đầy dẫy những người công bình làm tất cả các tạo vật khác của đất phục tùng. Chúng ta có thể cám ơn Đức Giê-hô-va vì Ngài đã tạo ra “loài người như hình Ngài”, và cung cấp cho chúng ta đủ mọi thứ một cách tuyệt diệu tại đây, trên trái đất này—ngay bây giờ, và cả trong tương lai vô tận (Sáng-thế Ký 1:27).

[Chú thích]

^ đ. 11 The World Book Encyclopedia (Bách khoa Tự điển Thế giới), xuất bản năm 1973, quyển 2, trg 459.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 66]

Trong mọi phương diện, quả địa cầu còn xuất sắc hơn bất cứ phi thuyền không gian nào

[Hình nơi trang 69]

Một cách biệt to lớn giữa con người do Đức Chúa Trời sáng tạo và các loài thú vật, chứng tỏ thuyết “tiến hóa” là sai lầm

[Hình nơi trang 73]

Một máy điện toán có ký ức lớn bằng loài người thì phải to bằng nhà chọc trời