Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời không hành hạ linh hồn

Đức Chúa Trời không hành hạ linh hồn

Chương 11

Đức Chúa Trời không hành hạ linh hồn

1. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã dạy gì và làm gì về “địa ngục”?

MỘT ĐIỀU thông thường được dạy dỗ trong các đạo tự xưng theo đấng Christ cũng như trong các đạo ở Đông phương là “linh hồn” của kẻ ác sau khi chết phải trải qua những sự hành hạ đau đớn trong “địa ngục” đầy lửa. Vì tin tưởng vô nhân đạo như thế cho nên nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo nghĩ rằng đó là một điều tốt khi họ xui giục các nhà cầm quyền hành hạ và đốt sống người ta ngay trong đời này, đặc biệt khi những người này khác đức tin với họ.

2. a) Đấng Tạo hóa là Đức Chúa Trời như thế nào? (I Giăng 4:8). b) Điều gì cho thấy Đức Chúa Trời không thể chấp nhận sự hành hạ? (Giê-rê-mi 7:31).

2 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo hóa, là một Đức Chúa Trời đầy yêu thương. Ngài nhân từ và hay thương xót. Thái độ của Ngài đối với kẻ ác được diễn tả nơi Ê-xê-chi-ên 18:23:

“Ta há có vui chút nào về sự chết của kẻ dữ sao? há chẳng thà vui về sự nó xây-bỏ đường-lối mình và nó sống sao?”

Như thế, Đức Giê-hô-va không muốn thấy kẻ dữ chết, huống hồ bị hành hạ. Sự thương xót và quan tâm của Đức Chúa Trời đối với loài người được bày tỏ qua lời của Giê-su nơi Ma-thi-ơ 10:29-31:

“Hai con chim sẽ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”.

Đức Chúa Trời quan tâm đến loài người như thế thì Ngài chắc chắn sẽ không chấp nhận việc hành hạ người ta dù trong đời này hay trong đời sau. Kinh-thánh không hề dạy một sự hành hạ nào như thế.

NGUỒN GỐC CỦA SỰ DẠY DỖ VỀ SỰ HÀNH HẠ TRONG “ĐỊA NGỤC”

3. a) Các tôn giáo nào đã dạy về một địa ngục thống khổ? b) Một vài sự dạy dỗ đó khác nhau như thế nào?

3 Ý niệm “địa ngục” là nơi để hành hạ người ta bắt nguồn từ Ba-by-lôn xưa. Nó cũng có trong các sự dạy dỗ về tôn giáo của xứ Ba Tư và Phê-ni-xi thời xưa. Bách khoa Tự điển Hoa Kỳ (The Encyclopedia Americana, 1956, quyển 14, trang 82) nói:

“Mặc dầu có nhiều sự khác nhau trong chi tiết, những điểm chánh về địa ngục theo quan niệm người Ấn Độ, Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp, Hê-bơ-rơ và các nhà thần học đạo đấng Christ, đều giống nhau”.

Mặc dầu hầu hết các tôn giáo đều dạy rằng có một hỏa ngục, các sự dạy dỗ của họ có những mục đích khác nhau. Bách khoa Tự điển Anh quốc (Encyclopoedia Britannica, 1971, quyển 11, trang 320) nói như sau:

“Giáo hội Công giáo La Mã dạy rằng địa ngục là một tình trạng trừng phạt cho kẻ chết mà không ăn năn về tội trọng đã phạm. Địa ngục sẽ kéo dài mãi mãi; sự thống khổ sẽ không bao giờ chấm dứt... Trên căn bản, sự dạy dỗ về địa ngục của giáo hội Tin lành theo truyền thống vẫn tương tự như giáo lý Công giáo và cho đến ngày nay, nhiều nhóm tân giáo bảo thủ vẫn dạy như thế”.

Mặt khác, người Ấn Độ giáo và Phật giáo dạy rằng địa ngục là một nơi để tẩy sạch, giống như nơi “luyện tội” của người Công giáo, và mặc dầu ít khi trở lại như con người, người nào đi xuống đó có thể được đầu thai trở lại sau khi các điều ác mà người ấy làm được thiêu đốt hết.

4. a) Các địa ngục của Phật giáo thì như thế nào? b) Đạo Công giáo La Mã có những sự dạy dỗ tương tự nào?

4 Sách “Bách khoa Tự điển Anh quốc” nói trên mô tả các địa ngục của Phật giáo như sau:

“Có tám địa ngục nóng và tám địa ngục lạnh cộng với lãnh vực của các hồn ma có miệng nhỏ và bao tử to bị hành hạ bởi sự đói khát. Một người sanh ra trong địa ngục là hậu quả của các việc ác của mình đã ‘chín mùi’ ”.

Một hình vẽ trong cuộn sách Phật giáo nhan đề “Khuyến khích điều tốt, sửa trị điều xấu” ở trang 104 của sách trên cho chúng ta vài khái niệm về cái gọi là các sự hành hạ tàn nhẫn ác độc trong “địa ngục”. Những sự thống khổ khủng khiếp được thực hành trong “địa ngục” ấy tương tự như trong bức tranh nhan đề “Inferno” (“Hỏa ngục”) của Dante, một người Công giáo La Mã và một phần của bức tranh này được in lại nơi trang 105.

5. a) Trước kia và bây giờ Giê-su có thái độ nào đối với kẻ có tội? (Lu-ca 15:1, 2, 7). b) Chỉ có ai mới bị phạt đời đời, và bằng cách nào? (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8, 9).

5 Bạn có thể nào tin rằng thật sự có một địa ngục như thế không? Điều đó có hợp lý không? Lẽ dĩ nhiên, nếu bạn muốn kết hợp với một tôn giáo dạy dỗ những điều ấy, bạn hoàn toàn có quyền làm vậy. Nhưng các sự dạy dỗ về việc hành hạ trong lửa như thế rất khác xa với những gì Giê-su dạy. Ngài vui vẻ giúp đỡ người thâu thuế, gái mãi dâm và những kẻ có tội để họ thay đổi nếp sống cho trong sạch và “tìm được sự thơ thới” cho linh hồn họ, mặc dù các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ xem họ như những người sống ngoài vòng xã hội (Ma-thi-ơ 11:28-30, NW). Kinh-thánh cho thấy rằng chỉ những kẻ làm ác không phương cứu chữa mới bị Đức Chúa Trời phạt đời đời—không phải Ngài tàn nhẫn trừng phạt họ mãi mãi, nhưng chỉ không cho họ sống đời đời mà thôi:

“Kẻ ác... khác nào như rơm-rác gió thổi bay đi... Đường kẻ ác rồi bị diệt-vong” (Thi-thiên 1:4, 6).

6. a) Tại sao Lu-ca 16:19-31 không xác nhận sự dạy dỗ về “lửa địa ngục” là đúng? (Ma-thi-ơ 13:10, 11). b) Chuyện ví dụ này được ứng nghiệm thế nào? (Ma-thi-ơ 21:45, 46).

6 Tuy nhiên, vài người có thể nêu lên chuyện ví dụ của Giê-su nơi Lu-ca 16:19-31 mô tả một người giàu ở trong “lửa” của địa ngục. Tự điển định nghĩa “chuyện ví dụ” là một “câu chuyện ngắn không có thật”—không phải một cái gì đã thật sự xảy ra trong đời sống. Ở đây, Giê-su muốn dùng một hình ảnh cho thấy những nhà lãnh đạo tôn giáo người Do Thái với tư cách một lớp người sẽ “chết” theo nghĩa bóng như thế nào đối với việc hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời và bị khốn khổ trong khi còn sống trên đất—như họ đã bị khi nghe Giê-su rao báo thông điệp lên án họ. Kinh-thánh không nói gì về việc Đức Chúa Trời hành hạ người chết trong “lửa địa ngục”. * Ý nghĩ lấy lửa để hành hạ người chết hoàn toàn xa lạ đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì Ngài kết án mạnh mẽ những người Do Thái bội đạo khi họ làm “sự gớm-ghiếc” là “đem con trai, con gái mình qua lửa, dâng cho Mô-lóc”, là thần của Am-môn (Giê-rê-mi 32:35; II Sử-ký 28:3).

7. a) Ai là “cha sự nói dối” về một “địa ngục” thống khổ, và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã dùng sự nói dối đó thế nào? (II Cô-rinh-tô 11:13-15). b) Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ tỏ ra thế nào rằng Ngài là “Đức Chúa Trời của mọi sự yên-ủi”? (Rô-ma 15:5, 6).

7 Giống như giáo lý về linh hồn bất diệt, giáo lý về “địa ngục” là nơi hành hạ người chết căn cứ trên sự nói dối xuất phát từ Ba-by-lôn cho rằng linh hồn loài người tiếp tục sống sau khi chết. Sự nói dối này bắt nguồn từ Sa-tan là “cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Các thầy tế lễ và lãnh đạo tôn giáo đã hoàn toàn lợi dụng sự nói dối, cầm giữ nhiều người trong các đạo của họ bằng cách gieo vào lòng các người này sự sợ hãi về “địa ngục” đầy lửa sau khi chết. Trái lại, Đức Giê-hô-va là “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” có ý định dành cho những người đã chết một tương lai rực rỡ và hạnh phúc vì Ngài hứa sẽ cho họ được sống lại (II Cô-rinh-tô 1:3, 4).

HÀNH HẠ TRONG ĐỜI SỐNG NÀY

8. Trong việc đối xử với những người không đồng ý với họ, đạo Công giáo và Tin lành đã không theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời và gương của Ngài như thế nào? (Ma-thi-ơ 7:21-23).

8 Trước sau như một, Đức Chúa Trời không chấp nhận việc những linh hồn sống bị tra tấn trong đời sống này. Giáo hội Công giáo đã dùng Tôn giáo Pháp đình lừng danh để loại bỏ kẻ mà họ gọi là “cuồng tín” bằng những cuộc tra tấn đã man và thiêu đốt trên cây khổ hình. Chỉ riêng thế kỷ 16, Tôn giáo Pháp đình của Công giáo đã thiêu sống hơn 30.000 người “cuồng tín” bằng lối này. Những người Tin lành tân giáo cũng mắc tội tàn bạo, trường hợp đáng chú ý là việc thiêu sống ông Michael Servetus ở gần Genève, chỉ vì ông công khai tuyên bố sự thật rằng thuyết Chúa Ba Ngôi và việc làm báp têm cho trẻ sơ sinh là trái với sự dạy dỗ của Kinh-thánh. Ông John Calvin, một trong những người sáng lập Giáo hội trưởng lão (Presbyterian), biện hộ cho việc xử tử hình và đứng xem Servetus bị thiêu từ từ, hầu như là bị nướng sống trong khoảng 5 tiếng đồng hồ cho đến chết.

9. Vì đức tính nào của Đức Giê-hô-va mà chúng ta có thể tin tưởng nơi Ngài? (Thi-thiên 11:7).

9 Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của sự yêu-thương”; Ngài không bao giờ chấp nhận những sự hành hạ như thế. Tất cả loài người có thể nhìn lên Ngài với lòng tin cậy và tin tưởng nơi lòng nhân từ của Ngài.

“Hỡi Đức Chúa Trời, sự nhơn-từ Chúa quí biết bao! Con-cái loài người nương-náu mình dưới bóng cánh của Chúa” (Thi-thiên 36:7).

10. Bạn có đồng ý rằng kẻ chế giễu phải bị trừng trị như thuyết Phật giáo Nhật-bản nêu ra hay không?

10 Đức Chúa Trời yêu thương như vậy cũng không thể nào chấp nhận hình phạt vĩnh viễn của linh hồn theo thuyết Phật giáo Nhật-bản. Thuyết này nói trong chương kết luận 28 của sách “Lotus of Truth” (Hoa sen chân lý):

“Kẻ nào chế giễu người sùng đạo theo sách này sẽ bị hình phạt trong tất cả các kiếp: răng bể và răng thưa, môi xấu xí, mũi tẹt, tay chân co lại, mắt nheo, thân thể ghê tởm; người ấy sẽ bị lở loét, mủ máu sẽ chảy ra từ thân thể, bụng sẽ phình lên đầy nước, thở hổn hển và đau đớn bởi tất cả các bệnh nặng và nhẹ. Do đó, nếu người nào thấy—kể cả ở đàng xa—người đàn ông cầm cuốn sách giáo lý này thì phải đứng dậy và tỏ sự sùng kính như đối với ông Phật”.

Chắc chắn rằng gieo hình phạt như thế, kể cả cho người mang tội chế giễu, là bất công! Thật là độc ác biết bao khi chồng chất sự đau khổ vĩnh viễn lên người ta như vậy. Dù sao đi nữa, như Kinh-thánh nói rõ rằng linh hồn của kẻ có tội không thể tiếp tục sống sau khi thân thể chết và không thể nào bị hành hạ trong kiếp khác được. Những linh hồn đó “chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4).

LINH HỒN CÓ LUÂN HỒI HAY KHÔNG?

11. Luật nhân quả rất thông thường ở Phật giáo và Ấn Độ giáo là gì?

11 Sách nói trên mô tả những điều được cho là hình phạt “đời đời kiếp kiếp” dành cho người chế giễu. Đây chiếu theo sự tin tưởng rất thông thường của Phật giáo và Ấn Độ giáo, nói rằng lúc chết, linh hồn “luân hồi” hay di chuyển đến một thể xác khác. Những người tin thuyết này cảm thấy rằng họ đã sống vô số kiếp trước đây và sẽ tiếp tục không ngừng di chuyển từ kiếp này đến kiếp nọ trong một chu kỳ không bao giờ chấm dứt. Những hành động trong đời sống này sẽ định đoạt kiếp sống tới sẽ như thế nào.

12. Kinh Ấn Độ giáo diễn tả luật nhân quả như thế nào, và bạn nghĩ sao về những lời phát ngôn này?

12 Một câu kinh của Ấn Độ giáo gọi là Chandogya Upanishad, giải thích luật nhân quả như sau:

“Những người có hạnh kiểm tốt ở kiếp này, có hy vọng sẽ đầu thai vào bụng sung sướng, hoặc bụng của người tu hành, hoặc bụng của lính, hoặc bụng của nông dân hay người buôn bán. Nhưng những người có hạnh kiểm thối nát, sẽ có viễn tượng bị đầu thai vào bụng của con chó, hoặc con heo, hoặc của kẻ sống ngoài vòng xã hội”.

Những đoạn trích ra sau đây từ luật Ấn Độ giáo (the Hindu code of Manu) liên quan đến đàn bà cũng nói tương tự như vậy:

“Mặc dù không có đức hạnh, hay tìm thú vui nơi khác, hay không có đức tánh tốt, tuy nhiên người vợ trung thành phải luôn luôn thờ phượng chồng như một vị thần... Nếu không làm trọn bổn phận đối với chồng, người vợ sẽ bị ghét bỏ trong đời này, và sau khi chết sẽ đầu thai vào bụng một con chó hoang và bị hành hạ bởi bệnh tật, hình phạt của tội lỗi người”.

13. Sự dạy dỗ về thuyết luân hồi đã ảnh hưởng người ta thế nào? b) Người ta nói làm cách nào đạt đến Niết-bàn?

13 Dĩ nhiên, người Ấn Độ giáo và những người khác được hoàn toàn tự do tin tưởng theo lối ấy nếu họ muốn. Nhưng sự tin tưởng như vậy có mang lại hạnh phúc cho họ hay không? Giáo sư John Ross viết trong cuốn Man’s Religions (Tôn giáo của loài người):

“Người Ấn Độ giáo nói về chu kỳ tái sanh như là cái “Bánh xe”. Họ nhìn bánh xe ấy với sự tuyệt vọng... lòng họ điêu đứng trước viễn tượng của cả tỉ kiếp đầu thai đang chờ đợi họ”.

Ấn Độ giáo dạy rằng khi người nào nhận thức rằng chính bản ngã của mình là một phần của Đức Chúa Trời, thì người ấy có thể mất ước muốn tiếp tục một đời sống cụ thể và muốn trốn khỏi chu kỳ tái sanh để đạt tới Niết-bàn. Theo những giáo phái khác nhau của Ấn Độ giáo, điều này có thể đạt được do thiền yoga, hay nhảy múa cuồng loạn và tụng kinh. Giáo phái Zen của Phật giáo ở Nhật cũng nhấn mạnh đến thiền như một lối đi đến Niết-bàn.

14. Sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh-thánh nói gì về tình trạng của người chết, và hy vọng cho họ là gì? (I Cô-rinh-tô 5:20, 21 [I Cô-rinh-tô 15:20, 21]).

14 Hãy để những người sùng các đạo này theo các tín ngưỡng đó nếu họ muốn. Tuy nhiên, Kinh-thánh ngược lại mang đến cho chúng ta sự dạy dỗ giản dị, thực tế rằng tất cả mọi người đều là những linh hồn có thể chết, vì thừa hưởng tội lỗi và sự chết từ người đàn ông đầu tiên, A-đam. Sự chết là đường cùng của mỗi linh hồn cho đến thời kỳ vui mừng lúc Đức Chúa Trời làm người chết được sống lại:

“Vì tiền công của tội-lỗi là sự chết [không phải hành hạ bởi lửa hay ‘cái bánh xe’ của tái sanh]; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Bây giờ câu hỏi được nêu ra là: Tại sao Đức Chúa Trời lại khoan dung cho phép những sự dạy dỗ sai lầm về tôn giáo kéo dài quá lâu như vậy? Tại sao Ngài lại cho phép nhân loại bị đau khổ quá lâu như vậy?

[Chú thích]

^ đ. 6 Xem sách Is This Life All There Is?, trang 98-110.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 95]

Đức Chúa Trời quan tâm đến cả loài chim, huống chi loài người

[Hình nơi trang 99]

Tương lai của loài người tội lỗi là cơ hội để sống đời đời trong địa đàng, chứ không phải bị hành hạ mãi mãi

[Hình nơi trang 100]

Hàng vạn người đã bị thiêu sống bởi những đạo tự xưng theo đấng Christ

[Hình nơi trang 102]

Luật nhân quả dạy về “một bánh xe” tái sanh không bao giờ ngừng

[Hình nơi trang 104]

Một sách Phật giáo mô tả sự hành hạ của những linh hồn người ác trong “địa ngục”

Các chặng trong “địa ngục” Phật giáo, như được mô tả nơi trang 104, từ trên xuống dưới: Đường dẫn tới địa ngục, Gió giết người, Đường đói khát, Núi đầy chông, Mụ phù thủy xé áo, Hồ máu, Chỗ trốn tránh thế gian, Đường sát sanh, Địa ngục chết đi sống lại, Chỗ đầy phân và bùn, Địa ngục dây đen, Đại hội địa ngục, Rừng lưỡi gươm, Địa ngục gào thét, Gió u ám và lửa, Địa ngục cực kỳ đau đớn, Địa ngục hành khổ vô tận.

[Hình nơi trang 105]

Dante vẽ cảnh “Lửa địa ngục” của Công giáo La Mã