Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?

Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?

Chương 10

Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?

1. Tại sao tất cả chúng ta phải chết? (Rô-ma 5:12).

VÌ là người tội lỗi gánh chịu sự bất toàn mà A-đam truyền lại, tất cả chúng ta đều phải chết.

“Tiền công của tội-lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).

Nhưng bạn có thật sự muốn chết không? Dĩ nhiên không, bạn muốn tiếp tục sống, đặc biệt nếu bạn có sức khỏe dồi dào.

2. a) Tại sao chúng ta muốn tiếp tục được sống? b) Điều gì khiến chúng ta thấy loài người đáng lý phải được sống lâu hơn 70 hay 80 năm? (Sáng-thế Ký 2:9).

2 Vì đời sống có nhiều điều làm cho chúng ta vui sướng: có những người bạn tốt, gia đình đầy yêu thương, hoạt động thể thao lành mạnh, vui thích cảnh vật chung quanh. Thật khoan khoái biết bao khi ngắm cảnh núi non hùng vĩ, cảnh bình minh hoặc hoàng hôn huy hoàng, hay cảnh sông hồ và rừng rú bao la! Có những cây trong rừng có thể sống hàng trăm hay hàng ngàn năm! Vậy mà loài người chúng ta chỉ sống khoảng 70 hay 80 năm thôi, mặc dù chúng ta được Đức Chúa Trời tạo ra với một mục đích cao cả hơn các loài cây đó? Có phải ý định của Đức Chúa Trời là thế không?

3. Một người đi đến kết luận chết là hết vì đã trải qua kinh nghiệm nào? (Thi-thiên 104:29).

3 Tất cả chúng ta sớm muộn đều phải đương đầu với cái chết. Trong trận chiến Thái Bình Dương (1941-1945), cái chết đã trở thành kẻ thù quá quen thuộc đối với nhiều người trong vùng đó. Trong một trận đánh lớn trên đảo Okinawa có đến 203.000 người chết, kể cả 132.000 thường dân.

Một trong những người sống sót kể lại rằng bà cùng với đứa con mới sanh được 40 ngày đã trốn trong ngôi mộ gia đình ở trong một nghĩa địa trên sườn đồi. Trái với điều mê tín của dân địa phương, con bà không bị ma ám khi đến mộ. Trong nhiều giờ trốn ở đó, bà nhận thấy xác của tổ tiên đã biến thành đất, không khác gì đất ở ngoài mộ, nên bà kết luận rằng các tổ tiên của bà chắc hoàn toàn chết rồi. Ít lâu sau chiến tranh, bà gặp Nhân-chứng Giê-hô-va, và họ chỉ cho bà thấy Kinh-thánh nói người chết “trở về bụi” và không còn gì nữa. Bà đã trở thành người Okinawa đầu tiên đi rao giảng “tin mừng” về một hy vọng thật sự cho những người “ngủ [trong sự chết, NW]” (Sáng-thế Ký 3:19; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13).

4. Kinh-thánh tả tình trạng của người chết ra sao?

4 Người đàn bà Okinawa đã đọc những điều gì khác trong Kinh-thánh xác nhận quan điểm của bà về tình trạng của người chết? Sau đây là một số những câu Kinh-thánh mà bà đọc và nói trực tiếp về vấn đề này:

“Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi. Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ [Sheol], là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền-đạo 9:5, 10).

“Lạy Đức Giê-hô-va,... hãy cứu tôi vì lòng nhơn-từ Ngài. Vì trong sự chết chẳng còn nhớ đến Chúa nữa; nơi Âm-phủ [Sheol], ai sẽ cảm-tạ Chúa?” (Thi-thiên 6:4, 5).

“Ai là người sống mà sẽ chẳng thấy sự chết? Ai sẽ cứu linh-hồn [tiếng Hê-bơ-rơ: neʹphesh] mình khỏi quyền Âm-phủ [Sheol]?” (Thi-thiên 89:48).

“Loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi” (Thi-thiên 146:3, 4).

5. Hai chữ Sheol và Hades có nghĩa gì, và những người phải đi tới chỗ đó ở trong tình trạng nào? (Thi-thiên 115:17).

5 Những đoạn văn kể trên đã ba lần dùng chữ Hê-bơ-rơ Sheol, là chữ được dùng hơn 60 lần trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa đen là “mồ mả”. Chữ tương đương trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp là Hades, xuất hiện chỉ có 10 lần, cũng có nghĩa y như vậy. Cả hai chữ đều nói đến, không phải mồ mả riêng của cá nhân nào, nhưng “mồ mả chung” của nhân loại, nơi mà tất cả con cháu tội lỗi của A-đam đều phải đi tới. Vậy đó là một nơi mà những người chết phải ở, không sống, không biết gì, hoàn toàn chết cho tới khi Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Họ hoàn toàn chết, nhưng không phải vô vọng.

“LINH-HỒN” LÀ GÌ?

6. a) Theo sự tin tưởng chung của mọi người thì “linh hồn” có nghĩa gì? b) Chữ nào trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp được dịch là “linh hồn”?

6 Tuy nhiên nhiều người tin rằng người ta có một “linh-hồn” và khi thân thể chết thì “linh-hồn” đó rời khỏi thân thể và đi sống nơi khác. Nhiều người còn tưởng Kinh-thánh dạy như thế. Một lý do là vì chữ Hê-bơ-rơ và chữ Hy Lạp trong Kinh-thánh (neʹphesh psy·kheʹ) được dịch ra trong nhiều ngôn ngữ bằng những chữ ám chỉ một sự sống thần linh sau khi chết. Trong tiếng Việt, chữ này được dịch là “linh hồn”. Do đó điều rất quan trọng là chúng ta phải hiểu trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp hai chữ được dịch là “linh hồn” có nghĩa thật là gì.

7. a) Chữ Hê-bơ-rơ đó xuất hiện bao nhiêu lần trong Kinh-thánh, và có nghĩa thật sự là gì? b) Có các linh hồn nào khác ngoài các linh hồn loài người không, và các linh hồn có chết không? c) Trong trường hợp của A-đam, danh từ linh hồn trong tiếng Hy Lạp được dùng như thế nào? d) A-đam đã trở nên một linh hồn sống như thế nào, và biến chuyển ngược lại nào xảy ra sau đó? (Gióp 34:15).

7 Chữ Hê-bơ-rơ neʹphesh, xuất hiện khoảng 750 lần trong Kinh-thánh, thật ra có nghĩa là “một tạo vật có hơi thở”. Như chúng ta đã thấy, chim, cá, thú vật và loài người đều được gọi trong Kinh-thánh là “các linh hồn [neʹphesh]”. Tất cả không linh hồn, mà tất cả đều những linh hồn, tức là những tạo vật có hơi thở. Và như trong những đoạn Thi-thiên vừa kể trên, “linh-hồn” đều phải đi tới nơi mồ mả. Mọi linh hồn đều phải chết. Khi xem xét chữ Hy Lạp psy·kheʹ xuất hiện khoảng 102 lần trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, chúng ta thấy rằng chữ này cũng cho thấy con người một linh hồn.

“Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh-hồn sống [psy·kheʹ]” (I Cô-rinh-tô 15:45).

Đức Chúa Trời đã làm nên linh hồn đó bằng cách hà sanh khí vào lỗ mũi của người đàn ông mà Ngài đã dựng nên từ bụi đất. Như thế con người đã trở nên “một tạo vật có hơi thở” tức là một linh hồn sống. Khi A-đam phản nghịch, Đức Chúa Trời kết án người phải chết, Ngài nói:

“Ngươi [sẽ] trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19).

Khi bản án được thi hành, A-đam không còn là một “tạo vật có hơi thở” nữa, hay là một linh hồn, và trở về với cát bụi không có sự sống là nơi mà người đã được lấy ra. Như vậy là một biến chuyển ngược lại với sự sáng tạo. Không phần nào trong người A-đam tiếp tục sống. A-đam hoàn toàn không hiện hữu

8. a) Các học giả tiếng Hê-bơ-rơ định nghĩa chữ neʹphesh thế nào? b) Các tự điển Hy–Anh định nghĩa chữ psy·kheʹ thế nào? c) Các lời nào của Giê-su cho thấy linh hồn không bất diệt? (Ma-thi-ơ 26:38).

8 “Linh hồn” là toàn phần người sống, chứ không phải chỉ là một phần thần linh của người đó. Nhiều học giả đồng ý như vậy. Thí dụ, tiến sĩ H. M. Orlinsky, một trong những học giả nổi danh về tiếng Hê-bơ-rơ, nói về chữ “linh hồn”:

“Kinh-thánh không nói chúng ta có một linh hồn. ‘Nefesh’ có nghĩa là chính người đó, có nhu cầu về ăn uống, có máu chảy trong huyết quản, là chính người đó”.

Còn về chữ Hy Lạp psy·kheʹ, các tự điển Hy–Anh định nghĩa là “sự sống” và “nhân vật với tư cách là trung tâm của xúc cảm, ham muốn, và yêu thương”, “một vật sống”, và cho biết rằng ngay cả trong những sách Hy Lạp ngoài Kinh-thánh cũng dùng chữ đó để chỉ những thú vật. * Và một “vật sống” thì không bất tử, bởi vì Giê-su đã nói nơi Ma-thi-ơ 10:28 rằng Đức Chúa Trời “có thể tiêu-diệt cả linh-hồn [psy·kheʹ] và thân-thể trong địa-ngục [tiếng Hê-bơ-rơ: Gehenna]”.

9. a) Chữ “Gehenna” là gì? b) Ở đó có ai sống hay có ý thức gì được không? (Ma-thi-ơ 18:9).

9 Tuy nhiên, “địa-ngục” là gì? Bởi vì trong nhiều thứ tiếng chữ “Gehenna” được dịch là “địa-ngục”, ám chỉ một nơi hành hạ những người chết phải không? Không phải. Chữ “Gehenna” là tên một thung lũng nơi ngoài thành Giê-ru-sa-lem thời xưa được dùng làm chỗ để đốt rác rưới, và những xác chết của những kẻ tử tội thường bị quăng xuống đó và bị thiêu đốt cùng với rác rưới. “Gehenna” được dùng 12 lần trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp tượng trưng cho sự hủy diệt đời đời, không phải hành hạ đời đời. Những kẻ bị hủy diệt trong Gehenna không bị hành hạ, cũng như những xác chết không biết đau khổ khi hỏa táng.

LỜI NÓI DỐI TIẾP DIỄN

10. Cái gì tiếp tục sống sau khi người ta chết? (Ê-sai 53:12).

10 Không, không có gì tiếp tục sống sau khi một người chết đi. Vậy thì sự dạy dỗ nói rằng loài người có một linh hồn bất diệt xuất phát từ đâu?

11. a) Nim-rốt đã thách đố Đức Giê-hô-va như thế nào? b) Ba-by-lôn đã trở thành “mẹ” của các tôn giáo giả trên khắp trái đất như thế nào? (Khải-huyền 17:5).

11 Sau trận nước lụt thời Nô-ê, chắt của ông là Nim-rốt trở nên một nhà độc tài “chống lại Đức Giê-hô-va”, và là một người săn người và thú vật. Hắn nghiêm ngặt khép dân chúng xây thành, trong đó có thành Ba-bên, hay Ba-by-lôn, nơi xuất phát của tôn giáo giả và trở thành “mẹ” của các tôn giáo giả. Tại đó Nim-rốt bắt đầu xây một tháp cao để chống lại Đức Giê-hô-va. Vì vậy Ngài đã làm cho dân bị lộn xộn tiếng nói và làm họ tản ra “khắp trên mặt đất” tùy theo tiếng của họ (Sáng-thế Ký 10:8-10, NW; 11:5-9). Khi tản đi thì họ mang theo tôn giáo của Ba-by-lôn, và lập ra các tôn giáo “con” trên khắp đất.

12. a) Các tôn giáo xuất phát từ Ba-by-lôn luôn luôn dạy điều chính yếu nào? b) Nhưng Kinh-thánh thì dạy gì?

12 Cuốn Encyclopoedia Britannica (Bách khoa Tự điển Anh quốc, 1910, quyển 3, trang 115) viết về những sự dạy dỗ của tôn giáo ở Ba-by-lôn thời xưa về tình trạng người chết như sau:

“Họ tin rằng có một hầm tối tăm ở dưới đất... nơi đó tất cả những người chết tụ tập lại và sống một đời sống khổ sở không có sinh hoạt, ở giữa tối tăm và bụi”.

Như vậy, trên khắp đất, các tôn giáo phát nguồn từ “mẹ” là Ba-by-lôn đã tiếp tục dạy dỗ là “linh hồn” bất tử, và còn sống trong một thế giới vô hình sau khi chết. Như vậy là ngược hẳn với Kinh-thánh, vì Kinh-thánh nói rõ ràng về con người phạm tội: “Linh-hồn... sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:20).

13. Nhiều người có thẩm quyền đã xác nhận thế nào về vấn đề linh hồn mà Kinh-thánh dạy dỗ?

13 Những triết gia Hy Lạp, như Plato, cũng dạy rằng linh hồn bất tử. Về vấn đề này, nhật báo Le Monde ra ngày 8-11-1972 có trích lời của văn sĩ Pháp Roger Garaudy cho rằng triết lý Hy Lạp “đã làm đạo đấng Christ đi lạc đường cả hàng thế kỷ”. Chúng ta đọc tiếp:

“Thuyết chia [con người] ra thành phần hồn và phần xác, và huyền thoại về linh hồn bất tử... là những thuyết của Plato, không có liên quan gì hết đến đạo đấng Christ hay Kinh-thánh cả”.

Ngay cả cuốn New Catholic Encyclopedia (Tân Bách khoa Tự điển Công giáo, quyển 13, trang 449) cũng công nhận và viết dưới tiểu đề “Linh hồn (trong Kinh-thánh)” như sau:

“Trong Kinh-thánh (phần viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ) không có sự phân chia phần linh hồn và phần xác thịt... Chữ nepes, mà được chúng ta dịch là linh hồn, thật sự không bao giờ có nghĩa là một cái gì có thể tách rời khỏi thân thể”.

14. Điều gì cho thấy rằng các tôn giáo tự xưng theo đạo đấng Christ đã dạy dỗ một sự giả dối vĩ đại? (I Ti-mô-thê 4:1, 2).

14 Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và các tôn giáo trong những nước khác như vậy đã dạy dỗ một sự giả dối khi nói rằng linh hồn còn tiếp tục sống sau khi thân thể chết đi. Trong tất cả khoảng 850 lần hay hơn nữa mà chữ neʹphesh psy·kheʹ được dùng trong Kinh-thánh, không một lần nào những chữ ấy được bổ nghĩa với những chữ như bất diệt, không thể chết được, không thể diệt được, không thể hủy phá được, v.v...

“Linh-hồn [neʹphesh] nào phạm tội thì sẽ chết”. “Linh hồn [psy·kheʹ] nào không nghe... sẽ bị truất khỏi dân sự” (Ê-xê-chi-ên 18:4; Công-vụ các Sứ-đồ 3:23, NW).

Linh hồn (neʹphesh, psy·kheʹ) không tiếp tục sống sau khi chết.

HY VỌNG CHO NGƯỜI CHẾT

15. a) Điều gì rốt cuộc xảy ra cho cả loài người và thú vật? (Thi-thiên 49:12). b) “Thần-linh” nói đến nơi Truyền-đạo 12:7 là gì, và chuyện gì xảy ra cho thần linh khi chết?

15 Vậy thì có hy vọng nào cho người đã chết không? Nếu Đức Chúa Trời không có những sự sắp đặt cho họ, thì họ vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chết mãi mãi, giống như các loài vật.

“Vì việc xảy đến cho con loài người làm sao, thì xảy đến cho loài thú cũng vậy; sự xảy đến cho hai loài giống hẳn với nhau. Sự chết của loài nầy cũng như sự chết của loài kia... Cả thảy đều qui vào một chỗ; cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất” (Truyền-đạo 3:19, 20).

Chúng ta thấy rõ ràng rằng loài người cũng phải chết giống như các loài vật. Nhưng hãy lưu ý xem người viết Truyền-đạo nói gì về “thần-linh” hay sinh lực mà Đức Chúa Trời đã đặt trong loài người:

“Bụi-tro trở vào đất y như nguyên-cũ, và thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền-đạo 12:7).

Vậy, Đức Chúa Trời lấy lại sinh lực của người chết.

16. a) Điều gì chứng tỏ là Đức Chúa Trời có thể dễ dàng tạo lại một người? (Gióp 14:13). b) Đức Chúa Trời có thể phục hồi “thần-linh” bằng cách nào?

16 Nếu Đức Chúa Trời thật quyết định phục hồi “thần-linh” hay sinh lực cho một người nào thì sao? Với trí nhớ hoàn toàn của Ngài, Đức Giê-hô-va có thể gợi lại một cách tuyệt diệu nhân cách của người đó. Ngày nay, người ta có thể thâu giọng nói và hành động của một người nào vào băng nhựa và sau khi người này đã chết đi, người ta có thể nghe trên đài truyền thanh và xem những băng này trên màn ảnh video. Tất nhiên, việc này sẽ không khó đối với Đức Chúa Trời, Đấng Tạo hóa. Với trí nhớ vô tận, Ngài sẽ dùng bụi đất để nắn lại thân thể một người nào đó, thêm vào mọi khía cạnh của nhân cách và tâm trí, và phục hồi thần linh, hoặc sinh lực đặng họ có thể sống một lần nữa. Đối với Đức Chúa Trời, việc này không khó gì hơn việc sáng tạo người đàn ông đầu tiên. Và Kinh-thánh cam kết với chúng ta rằng Đức Chúa Trời “khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ” (Giăng 5:21).

17. a) Đức Chúa Trời “khiến” cái gì “sống lại”? b) Vậy thì chúng ta có thể có sự quả quyết vững chắc nào? (Mác 12:26, 27).

17 Vậy thì Đức Chúa Trời “khiến” cái gì “sống lại”? Thường thường thì thể xác của một người chết không còn lại một vết gì cả. Thậm chí xác chết đã bị thiêu hay có lẽ bị thú dữ ăn thịt. Tuy nhiên, trong sự sống lại, Đức Chúa Trời sẽ dùng các nguyên tố căn bản trong đất để dựng nên một thân thể hoàn toàn mới, rồi Ngài cũng sẽ phục hồi nhân cách của người đó và ban cho họ thần linh hay sinh lực, và như vậy họ lại trở thành một linh hồn sống. Nếu chúng ta đứng vững trong sự yêu thương của Đấng Tạo hóa, chúng ta có thể chắc chắn rằng dù cho chúng ta có chết đi nữa, Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng ta sống lại. Đức Giê-hô-va sẽ làm y như vậy cho loài người sau khi Ngài tẩy sạch trái đất và làm cho nó thành một chỗ ở thích đáng đời đời.

[Chú thích]

^ đ. 8 A Greek-English Lexicon (Tự điển Hy-Anh), của Liddell và Scott, 1968, in lần thứ 9, trang 2026, 2027; A New Greek and English Lexicon (Tân Tự điển Hy Lạp và Anh-ngữ), của Donnegan, trang 1404.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 85]

Đức Chúa Trời có ý định cho loài người một triển vọng tốt đẹp hơn

[Hình nơi trang 86]

Trong trận chiến Thái Bình Dương, nhiều thường dân đảo Okinawa còn sống nhờ trốn trong mồ mả của người chết

[Hình nơi trang 89]

Thân thể + sinh lực = linh hồn sống

[Hình nơi trang 91]

Gehenna, ngoài thành Giê-ru-sa-lem, là chỗ thiêu xác của kẻ tử tội

[Hình nơi trang 94]

Loài người có thể phát lại hành động và tiếng nói của người đã qua đời, nhưng Đức Chúa Trời có thể làm cho người chết sống lại