Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Con cái—“Cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”

Con cái—“Cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”

Chương 19

Con cái—“Cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”

1. Cha mẹ và con cái nên đối xử thế nào với nhau? (Thi-thiên 128:1, 3, 4).

VUA SA-LÔ-MÔN mô tả con cái như một “phần thưởng” và là “cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” (Thi-thiên 127:3). Nếu bạn là cha mẹ, chắc chắn bạn yêu quí con cái bạn, coi chúng như một kho tàng! Còn nếu bạn là con trẻ, hẳn bạn muốn làm cho cha mẹ vui lòng và bạn muốn sống một đời sống sung sướng, hữu ích bên cạnh cha mẹ!

2. Con cái phải nhận biết có bổn phận gì đối với cha mẹ, và tại sao? (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).

2 Sau khi cho người vợ và người chồng những lời khuyên bảo hữu ích, sứ đồ Phao-lô khuyên cha mẹ và con cái như sau:

“Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng-phục cha mẹ mình, vì điều đó làm đẹp lòng Chúa. Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:20, 21).

Vậy những người trẻ, hãy nhớ rằng cha mẹ yêu thương bạn và bạn phải cố gắng vâng lời cha mẹ trong mọi việc hàng ngày. Còn các bậc cha mẹ, hãy giúp con cái cảm thấy bạn yêu thương chúng và cho chúng biết chúng đóng một vai trò quan trọng trong gia đình.

3. Con trẻ cần phải được sửa trị khi nào, và như thế nào? (Châm-ngôn 13:24).

3 Dĩ nhiên cũng có những lúc con trẻ cần phải được sửa trị, ngay cả dùng roi vọt, nhưng sự sửa trị đó không nên thái quá, mà cần phải cứng rắn đồng thời tỏ sự yêu thương, và không nên có sự nóng giận trong việc sửa trị. Con trẻ sẽ hiểu khi bị trừng phạt đích đáng, và điều đó không khiến chúng “giận” cha mẹ. Chúng cũng sẽ hiểu cha mẹ yêu thương và chăm sóc chúng khi chúng ngoan.

CON “KHÔN-NGOAN ĐỂ ĐƯỢC CỨU”

4. a) Việc bà Ơ-nít tận tâm dạy dỗ Ti-mô-thê có kết quả gì? (Công-vụ các Sứ-đồ 16:1, 2). b) Con trẻ cần được giúp đỡ để bắt đầu biết về “Kinh-thánh” từ tuổi nào? (Thi-thiên 22:9, 10).

4 Trong lá thư cuối cùng viết trước khi bị hành quyết, Phao-lô đã nói một cách nhiệt tình về “đức-tin thành-thật” mà người bạn trẻ đồng hành của ông là Ti-mô-thê đã học được nơi bà ngoại là Lô-ít và mẹ là Ơ-nít, một phụ nữ Do Thái. Tuy cha là người Hy Lạp không tin đạo, nhưng mẹ ông đã cố hết sức nuôi nấng ông lớn lên trong đức tin. Các bậc cha mẹ tin đạo cũng nên làm theo như thế. Không những chỉ dạy dỗ bằng lời nói, mà còn thành thật làm gương cho con cái trong việc “ăn-ở một cách xứng-đáng với tin-mừng” để đặt cho con cái một lối sống khuôn mẫu. Ti-mô-thê nhận được sự dạy dỗ như thế từ khi nào? Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh vốn có thể khiến con khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Đức Chúa Giê-su Christ” (II Ti-mô-thê 1:5; 3:15; Phi-líp 1:27, NW).

5. Tại sao ghi tạc ý tưởng của Đức Chúa Trời vào lòng con trẻ từ khi còn thơ ấu là điều quan trọng? (Lu-ca 2:40).

5 Tuy nhiên, em bé mới được vài tháng có thể hấp thụ được những điều thiêng liêng không? Được chứ! Hãy xem xét: Khi mới sanh ra óc của đứa bé chỉ nặng bằng một phần tư óc người lớn. Nhưng chỉ trong vòng hai năm óc nó lớn nhanh đến nỗi nặng bằng ba phần tư óc người lớn. Trong khoảng thời gian này, đứa bé hấp thụ hầu hết tin tức căn bản để chuẩn bị cho đời sống, gồm cả việc khó khăn là học hỏi một ngôn ngữ.

6. Điều gì giúp cha mẹ có thể động được lòng con trẻ? (Châm-ngôn 4:23).

6 Hơn nữa, đứa bé cũng có thể hấp thụ được bất cứ điều thiêng liêng nào mà nó nghe! Và đứa bé có nhu cầu về thiêng liêng vì con người được tạo ra theo “hình Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 1:27). Do đó nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18, 19, Đức Chúa Trời phán dạy những người làm cha: “Hãy cất để trong lòng và trong trí mình những lời ta nói cùng các ngươi... Hãy dạy nó lại cho con-cái mình”. Cha mẹ sẽ dễ dàng dạy dỗ và động vào lòng con cái hơn nếu họ nêu gương tốt bằng cách áp dụng các nguyên tắc tin kính trong đời sống hằng ngày. Những ai uốn nắn tâm trí con cái mình “từ khi... còn thơ-ấu” chắc chắn sẽ được phần thưởng xứng đáng!

7. a) Tại sao dành thì giờ cho con cái là việc rất quan trọng? (Châm-ngôn 4:1-4). b) Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy làm thế nào cha mẹ tìm được niềm vui sướng trong việc dạy dỗ con cái.

7 Làm sao làm được vậy? Có lẽ người ta có thể học nơi những con thú vật thường ở gần các con nhỏ để huấn luyện và dạy dỗ chúng chống chọi với đời. Không gì có thể thay thế việc dành thì giờ cho con cái. Nhiều người mẹ Đông phương hay đai con nơi lưng và ngoảnh đầu lại nói chuyện với con trong khi làm việc nhà hoặc đi chợ hoặc đi thăm bạn bè; nhờ vậy họ đã khiến con nhỏ học được nhiều điều hữu ích.

Một bà mẹ dạy một đứa con còn nằm trong nôi hát, và rồi bà dùng những điều trong Kinh-thánh làm lời hát. Đến khi đứa bé được hai tuổi, nó có thể hát được tên các sách trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Đến khi được hai tuổi ba tháng, nó có thể hát tất cả tên của 66 sách từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền. Khi đứa bé học kể lại các đức tính khôn ngoan, công bình, quyền năng và yêu thương, và cả chín bông trái của thánh linh ghi nơi Ga-la-ti 5:22, 23, nó ghi sâu trong đầu óc vì được mẹ dạy qua cách miêu tả bằng điệu bộ đầy ý nghĩa. Trong lúc cùng đi làm người “tiên phong” với mẹ từ nhà này sang nhà kia để rao giảng “tin mừng” và dự các buổi học hỏi Kinh-thánh của mẹ tại nhà những người chú ý, đứa bé càng ngày càng quí trọng các điều thiêng liêng nhiều hơn.

Hàng ngàn cha mẹ khác tin đạo cũng được vui sướng như vậy khi dạy dỗ con trẻ của họ.

8. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái chú ý đến các công việc và sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va? (Thi-thiên 78:2-4).

8 Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ nhấn mạnh việc dành thì giờ cho con cái. Vì thế, sau khi nêu rõ điều răn quan trọng nhất là: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”, Môi-se tiếp tục nói cùng những bậc làm cha trong dân Y-sơ-ra-ên như sau:

“Các lời [này]...sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-7).

Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, cha mẹ có thể lựa những dịp thuận tiện để giúp ích cho con cái khi còn bé bỏng bằng cách dạy dỗ chúng về sự khôn ngoan tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va được bày tỏ rõ ràng trong mọi tạo vật.

9. a) Cha mẹ nên lưu ý điều gì về thời gian học hỏi với con trẻ? b) Làm sao cha mẹ có thể trình bày tin mừng cho con cái một cách tích cực, và với mục đích gì? (Thi-thiên 71:17, 18).

9 Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên nhớ rằng đầu óc con trẻ chóng mệt, và chúng cần có lúc chơi đùa và nghỉ ngơi. Những buổi học với con trẻ có thể giản dị, ngắn và hào hứng, nhưng khi thấy chúng bắt đầu lơ đãng thì tốt nhất nên ngừng lại để khi khác hãy học. Sự thành công là ở điểm cả cha mẹ lẫn con cái đều thấy vui thích trong việc học hỏi chung. Các bậc cha mẹ, hãy vun trồng sự yêu thương Đức Chúa Trời trong lòng của con cái! Không bao giờ làm cho chúng có ý tưởng sai lầm là “tin mừng” giống như một bản liệt kê những điều “cấm” và “không nên làm”. Tốt hơn, hãy giúp con bạn đặt sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời, cũng như nơi chính bạn là cha mẹ chúng trên thế gian, và giúp chúng biết ghi ơn Đức Chúa Trời nhân từ, hiền lành và rộng lượng. Rồi sẽ đến lúc chúng tự ý muốn phụng sự Ngài vì lòng yêu thương và biết ơn Ngài đã ban cho chúng mọi điều tuyệt diệu để duy trì sự sống bây giờ và trong tương lai.

10. Làm sao một con trẻ tin đạo có thể giúp cha hoặc mẹ không tin đạo? (Châm-ngôn 10:1).

10 Nếu con trẻ được dạy dỗ chu đáo theo nguyên tắc Kinh-thánh thì khi lớn lên chúng sẽ làm tăng uy tín cha mẹ và là nguồn vui cho cha mẹ tin đạo. Và nhiều khi người cha hoặc mẹ không tin đạo thấy con mình có đức tính tốt nhờ học hỏi Kinh-thánh thì có thể sẽ chú ý muốn biết thêm về “tin mừng”.

Vào ngày làm báp têm, một chủ gia đình kể lại như sau: “Khi trước tôi làm cai thầu cho một hãng xây cất, nhưng đêm nào tôi cũng say rượu và điều này ảnh hưởng đến việc làm của tôi. Lúc ấy vợ tôi cùng gia đình đang học hỏi Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va. Một buổi tối nọ, con trai nhỏ chưa đầy năm tuổi chạy đến tôi, dựa đầu vào vai tôi và thỏ thẻ: “Ba ơi! Tối nào ba cũng nhậu say và hút thuốc, làm má và các chị con buồn lắm, và nhất là Giê-hô-va Đức Chúa Trời không thích như vậy đâu. Kinh-thánh nói phần con thì phải vâng lời ba, và ba phải vâng lời Giê-su Christ. Vậy ba học Kinh-thánh như mẹ đi”. Suốt hai tiếng đồng hồ nó rán thuyết phục tôi và giữ thái độ rất lễ phép. Do đó tôi hứa sẽ thử học Kinh-thánh. Và ngay sau khi bắt đầu học lẽ thật, tôi thấy tôi có thể bỏ mọi thói trước và trau giồi tính tự chủ. Từ đó gia đình tôi được vui vẻ và hạnh phúc”.

Trường hợp trên không phải là hiếm, vì lắm khi người cha hay mẹ không tin đạo nhưng nghe đứa con nhỏ vì thấy nó ngoan ngoãn nhờ được dạy dỗ chu đáo theo Kinh-thánh.

KHI CON TRẺ LỚN LÊN

11. Tại sao cả gia đình nên cùng nhau đi họp? (Thi-thiên 84:4, 10-12).

11 Đối với gia đình trong dân sự của Đức Giê-hô-va, việc đi họp đều ở hội thánh là một dịp vui vẻ. Thật vậy, theo điều răn cho dân Y-sơ-ra-ên thì “phải nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ... để chúng nghe... và cẩn thận làm theo các lời của luật-pháp nầy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12). Trong khi ngồi cạnh cha mẹ, con trẻ lắng tai nghe, học hỏi và tham gia trong các buổi họp. Những nhóm gia đình như vậy giúp hội thánh đấng Christ có được sự yêu thương, ân cần và hợp nhất.

12. a) Cha mẹ nên lưu ý đặc biệt về điều gì khi con cái bắt đầu đi học? (I Cô-rinh-tô 15:33). b) Dạy dỗ con cái một cách đúng đắn sẽ có lợi ích lâu dài như thế nào? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18-21).

12 Khi đi học ở trường, con trẻ có thể gặp nhiều loại bạn bè mới, cũng như nhiều sự dạy dỗ khác, nghịch lại với sự dạy dỗ trong Kinh-thánh, như thuyết tiến hóa chẳng hạn. Cha mẹ cần lưu ý gìn giữ con cái khỏi mọi ảnh hưởng xấu, biết đến mọi hoạt động của con, và giải thích cho chúng nghe điều gì là tốt hoặc là xấu theo nguyên tắc Kinh-thánh. Châm-ngôn 22:6 khuyên:

“Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa-khỏi đó”.

13. Như kể lại trong sách này, con trẻ được dạy dỗ theo Kinh-thánh đã gây cảm tưởng tốt như thế nào?

13 Hạnh kiểm tốt của các học sinh được cha mẹ dạy dỗ theo Kinh-thánh thường gây được cảm tưởng tốt, như một báo cáo sau đây cho thấy:

Một hôm, một nữ sinh lớp sáu và cô em gái được gọi lên văn phòng giáo sư. Nơi đó 52 giáo sư tỏ vẻ lo ngại về việc học sinh phạm pháp ngày càng gia tăng. Họ phỏng vấn hai em trong hai tiếng đồng hồ và trước mặt một nhóm học sinh khác. Họ hỏi cặn kẽ về thể thức cha mẹ dùng Kinh-thánh dạy dỗ hai em, việc cha mẹ kiểm soát sách báo kể chuyện bằng hình vẽ cũng như các chương trình hai em xem trên truyền hình, v.v... Khi kết thúc, ông hiệu trưởng khen: “Nếu tất cả con trẻ đều được dạy dỗ theo Kinh-thánh như con của Nhân-chứng Giê-hô-va, thì trường học chúng ta sẽ tốt hơn, không còn học sinh quấy rầy người khác hoặc cãi lại giáo sư nữa”. Kết quả của buổi họp này là em nữ sinh đó đã bắt đầu học hỏi Kinh-thánh với 26 bạn cùng lớp.

14. Điều gì chứng minh sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về gia đình rất là đúng?

14 Gia đình nào đồng nhất theo Kinh-thánh và đặt quyền lợi thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống thì sẽ sẵn sàng đứng vững trong các thử thách của “thời-kỳ khó-khăn” này (II Ti-mô-thê 3:1). Trong địa đàng thiêng liêng vĩ đại nay đang lan tràn đến tận cùng trái đất, một số đông gia đình thuộc mọi nước, mọi chi phái và mọi dân tộc có thể chứng minh rằng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về gia đình thật là đúng và mang lại ân phước cho những ai yêu thương Ngài. Họ tôn Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm đầu của “mọi gia đình trên trời và dưới đất”, và trông đợi các ân phước mà Ngài ban cho mọi gia đình ủng hộ sự cai trị của Ngài cho đến khi vào địa đàng mà nay đã gần kề (Ê-phê-sô 3:15, NW).

[Câu hỏi]

[Hình nơi trang 167]

Khả năng của con trẻ phát triển rất nhanh chóng ngay cả từ lúc thơ ấu

[Hình nơi trang 168]

Con trẻ cần được nuôi nấng về thiêng liêng

[Hình nơi trang 170]

Dành thì giờ cho con cái sẽ đem nhiều ân phước

[Hình nơi trang 173]

Các gia đình cùng nhau tiến đến sự sống đời đời sẽ được hạnh phúc