Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giải cứu khỏi sự chết đến sự sống

Giải cứu khỏi sự chết đến sự sống

Chương 13

Giải cứu khỏi sự chết đến sự sống

1. Như diễn tả ở đây, việc gì có thể xảy ra cho những đứa con trong một gia đình mồ côi cha mẹ khiến chúng có lý do để tỏ lòng biết ơn?

NHỮNG cuộc chiến tranh tàn khốc của thế kỷ 20 đã khiến cho rất nhiều đứa trẻ bị mồ côi. Hãy hình dung một gia đình có những đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vì không nhà hoặc không có phương tiện sinh sống, nên chúng sống bơ vơ lạc lõng—đói khổ, bệnh tật và không có hy vọng nào cho tương lai. Tuy nhiên, giả sử có một người hào hiệp để ý đến tình trạng của chúng, và tỏ lòng yêu thương đối với chúng. Người ấy ra lịnh cho chính người con độc thân của ông làm bạn với những trẻ mồ côi này và đem chúng về nhà. Khi tới nhà, người con ấy tắm rửa cho chúng, cho chúng quần áo và ăn uống, và trả hết nợ cho chúng. Người ấy trở thành như người cha ruột của những đứa trẻ mồ côi đó, nuôi nấng chúng và giúp chúng có một đời sống trọn vẹn. Những đứa trẻ đó có nên biết ơn người hào hiệp kia và con của ông ấy hay không? Chắc chắn là có!

2. Làm thế nào tất cả chúng ta đã trở thành như “trẻ mồ côi”? (Rô-ma 5:12).

2 Bạn có ý thức rằng bạn là một người trong gia đình đó không? Đúng thế, vì bạn thuộc dòng dõi của A-đam, là tổ phụ của nhân loại, và vì cố ý phạm tội nên ông đã bỏ cả gia đình nhân loại rơi vào trong tình trạng khốn khổ ngày hôm nay. Cũng như những đứa trẻ mồ côi nói trên, chúng ta bị “bán cho tội-lỗi”, gánh chịu tình trạng đau khổ mà A-đam để lại (Rô-ma 7:14).

3. Tại sao chúng ta không thể tự chuộc chúng ta? (Thi-thiên 51:5).

3 Vì phạm tội từ khi lọt lòng mẹ, nên tất cả chúng ta ở trong tình trạng vô vọng diễn tả nơi Thi-thiên 49:7:

“Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Đức Chúa Trời”.

Nếu không có người nào ngoài gia đình nhân loại giúp đỡ, thì tất cả chúng ta đều phải chết và chết vĩnh viễn. Bởi vì Đức Chúa Trời không thể để các tạo vật thiếu kém hay “trật mục tiêu” công bình của Ngài tiếp tục sống vô hạn định được. Họ sẽ gây ảnh hưởng ô uế trong vũ trụ thanh sạch.

4. a) Làm sao chúng ta biết là Đức Chúa Trời chăm lo cho loài người? (I Giăng 4:9, 10). b) Ai là “Con”?

4 Tuy nhiên, giống như người hào hiệp kể trên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tỏ ra là Ngài quan tâm đến nhân loại và Ngài đã hành động như Kinh-thánh nói:

“Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Con này được mô tả là “Con một” bởi vì ngài là con đầu lòng và con duy nhất đã được Đức Chúa Trời sáng tạo trực tiếp. Như chúng ta đã ghi nhận, ngài đã làm việc cạnh Đức Giê-hô-va như một “thợ cái” để làm ra tất cả những tạo vật khác. Với tư cách là Phát ngôn nhân chính của Đức Chúa Trời, ngài cũng được gọi là “Ngôi-Lời” (Giăng 1:1-3).

CON ĐỨC CHÚA TRỜI XUỐNG THẾ GIAN

5. a) Làm thế nào Con đó đã trở thành một người trên đất? (Lu-ca 1:30-35). b) Giê-su tương xứng với người hoàn toàn A-đam như thế nào?

5 Đức Giê-hô-va đã sắp đặt để sai người Con đó từ trên trời xuống trái đất. Ngài “sửa-soạn cho người một thân-thể”, một thân thể con người hoàn toàn, bằng cách chuyển sự sống của con ấy từ các từng trời vào lòng người nữ đồng trinh Ma-ri, là dòng dõi của vua Đa-vít, và như thế khoảng chín tháng sau bà sanh con đó ra trên trái đất này như là “Con người” (Hê-bơ-rơ 10:5; Giăng 3:13). Khi con ấy là Giê-su lớn lên đến tuổi trưởng thành, thì hoàn toàn tương xứng với người đàn ông đầu tiên là A-đam. Như người đàn ông hoàn toàn A-đam đã phản ảnh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì bây giờ Giê-su cũng phản ảnh sự vinh hiển đó:

“Ngôi-Lời đã trở nên xác-thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh-hiển của Ngài, thật như vinh-hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).

6. a) Tại sao Giê-su phải là một con người hoàn toàn? (I Ti-mô-thê 2:5, 6). b) Tại sao Giê-su không lập gia đình và sanh con cái? c) Với tư cách là nhân viên của Đức Chúa Trời, Giê-su đã chuộc cả nhân loại như thế nào? (I Phi-e-rơ 1:18-19).

6 Giê-su không phải là nửa Trời, nửa người. Ngài không phải là Đức Chúa Trời trong xác thịt. Để có thể chuộc “tội-lỗi của... một người [A-đam]”, “một người là Đức Chúa Giê-su Christ” phải hoàn toàn tương xứng với A-đam, trước kia là người hoàn toàn. Ngài phải là một người hoàn toàn, không hơn, không kém (Rô-ma 5:15). Giống như A-đam, Giê-su hẳn đã có thể lấy vợ và sanh con cái và cuối cùng có thể có hàng tỉ con cháu hoàn toàn. Nhưng đó không phải là ý muốn của Cha ngài. Ý muốn của Đức Chúa Trời là để Giê-su không sanh con cái và dâng chính mình ngài để làm của-lễ hy sinh với tư cách một người hoàn toàn. Máu ngài đổ ra khi chết tượng trưng cho sự sống hoàn toàn của ngài, hoàn toàn tương xứng với sự sống của A-đam, và ngài sẽ dùng sự hy sinh đó để mua lại cả gia đình của A-đam để trở thành gia đình của chính ngài. Như thế Giê-su sẽ trở nên “cha” của gia đình mồ côi đó, và nơi Ma-thi-ơ 20:28 ngài đề cập đến “nhiều người” trong gia đình đó:

“Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”.

HỦY BỎ NỢ CỦA TỘI LỖI

7. a) Làm thế nào Giê-su đã có “tiền mặt” để trả nợ cho tội lỗi của loài người? b) Làm thế nào ngài đã có thể trao số tiền đó cho Đức Giê-hô-va? (I Cô-rinh-tô 15:45).

7 Giống như người con của người đàn ông hào hiệp trong ví dụ nói trên đã trả hết nợ cho gia đình những người con mồ côi, Giê-su có thể hủy bỏ nợ của tội lỗi mà A-đam để lại cho gia đình loài người gánh chịu. Tuy nhiên, trước tiên Giê-su phải có sẵn trong tay giá trị của sự sống ngài, giống như “tiền mặt” để trả nợ đó. Ngài phải chết để bỏ quyền sống của một con người hầu dùng quyền đó vào việc khác. Với mục đích đó, ngài tự nguyện gánh chịu một cái chết đau đớn trong tay các kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời. Nhưng các kẻ thù nghịch này không thể lấy của ngài quyền sống của một con người. Giờ đây quyền sống này trở thành như “tiền mặt” trong tay ngài. Khi Đức Chúa Trời làm ngài sống lại trong thể thần linh và ngài lên trời trở lại, ngài vẫn còn có cái “tiền mặt” đó trong tay để trao trả cho Đức Giê-hô-va như một “giá chuộc”. Như thế ngài có thể chuộc lại điều mà A-đam đã đánh mất. Đó là sự sống cho tất cả con cháu A-đam (I Phi-e-rơ 3:18; Rô-ma 3:24).

8. Hình bóng tiên tri nào trong Kinh-thánh nói về việc tha tội cho loài người? (Lê-vi Ký 16:34).

8 Cũng như trong trường hợp gia đình những trẻ mồ côi, Giê-su với tư cách là nhân viên của Đức Chúa Trời đã ra tay hành động để đem nhân loại ra khỏi tình trạng bi đát. Hơn 1.500 năm trước khi Giê-su hy sinh một cách phi thường, Đức Giê-hô-va đã bảo dân Y-sơ-ra-ên là mỗi năm phải cử hành một lễ làm hình bóng tiên tri cho việc ấy. Vào ngày tha tội mỗi năm, thầy tế lễ thượng phẩm giết những con vật không tì vết và mang máu của chúng vào trong đền-tạm (sau này là đền thờ), và nơi đó thầy tế lễ rảy máu trước ngôi thương xót, tượng trưng cho ngôi phán xét của Đức Giê-hô-va. Bằng cách này Ngài tha tội cho dân sự thêm một năm nữa.

9. Giê-su đã làm ứng nghiệm hình bóng tiên tri xưa như thế nào?

9 Trong lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô mô tả chi tiết làm cách nào Giê-su đã làm ứng nghiệm hình bóng tiên tri xưa:

“Vả đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người làm ra, theo kiểu-mẫu nơi thánh thật, bèn là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải là dâng chính mình Ngài nhiều lần, như thầy tế-lễ thượng-phẩm [của dân Y-sơ-ra-ên xưa] mỗi năm vào trong nơi rất thánh mà dâng huyết không phải là huyết mình [máu của thú vật, chứ không phải của một người hoàn toàn]; bằng chẳng vậy, thì từ buổi sáng-thế đến nay, Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần rồi. Nhưng hiện nay đến cuối-cùng các thời-đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế-lễ để cất tội-lỗi đi. Theo như đã định cho loài người phải chết một lần [vì tội lỗi của A-đam], rồi chịu phán-xét, cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội-lỗi của nhiều người” (Hê-bơ-rơ 9:24-28).

Như vậy, nhờ Giê-su hoàn tất thủ tục luật pháp ở trên trời nên ngài không những giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi A-đam truyền lại, mà còn nhận họ vào trong gia đình của ngài, và từ nay ngài có thể cấp cho họ sự sống đời đời.

MỘT SỰ BIỂU LỘ VĨ ĐẠI VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG

10. a) Tại sao giá chuộc là một sự biểu lộ vĩ đại về tình yêu thương? (Giăng 15:9, 13). b) Chúng ta tỏ lòng biết ơn bằng cách nào về sự sắp đặt này, và kết quả sẽ là gì cho chúng ta? (Cô-lô-se 3:17).

10 Giê-su đã bằng lòng trả một giá đắt biết bao để chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi! Chúng ta vui sướng biết bao vì Đức Chúa Cha và Con Ngài đã ban cho gia đình nhân loại sự sắp đặt đầy yêu thương này! Thật là một sự biểu lộ vĩ đại về tình yêu thương cho nhân loại, và chúng ta phải tỏ lòng biết ơn bằng cách vui vẻ chấp nhận mọi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm ban cho chúng ta sự sống theo điều kiện của Ngài. Những ai thực hành đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su có thể “quả thật, quả thật” có sự sống đời đời, như Giê-su nói lời ví dụ:

“Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô-cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế-gian tức là thịt ta” (Giăng 6:47, 51).

11. a) Những người muốn sống đời đời phải hội đủ điều kiện nào? (Rô-ma 12:2). b) Nếu nhận sự khoản đãi trong nhà của Đức Chúa Trời thì kết quả sẽ ra sao?

11 Trong ví dụ về trẻ mồ côi, những trẻ bơ vơ này phải chấp nhận tiêu chuẩn sống trong nhà mới của chúng. Chúng phải tắm rửa sạch sẽ. Những người tỏ đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su và muốn ngài làm “Cha Đời đời” của họ cũng làm thế (Ê-sai 9:5). Giê-su nói với môn đồ:

“Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập-tự-giá mình mà theo ta” (Ma-thi-ơ 16:24).

Ta không nên nghĩ rằng việc này quá khó, vì hãy nhớ rằng Giê-su cũng nói: “Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:30). Và nếu chúng ta chấp nhận sự khoản đãi trong nhà của Đức Chúa Trời, và phục vụ nơi đó hết lòng thì chúng ta sẽ nhận được những niềm vui không tả xiết. Cũng như người con cho trẻ mồ côi đồ ăn và giúp chúng tắm rửa sạch sẽ và cho chúng quần áo, Giê-su sẽ nuôi chúng ta với đồ ăn thiêng liêng từ Lời của Đức Chúa Trời là Kinh-thánh, và giúp chúng ta mặc một nhân cách mới và thanh sạch, “tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24).

PHÂN PHÁT SỰ BAN CHO VỀ SỰ SỐNG

12. a) Giê-su thi hành công việc chuộc tội trước hết cho ai, và với mục đích gì? b) Các người dự phần vào “giao-ước mới” nhận lãnh được gì? (Hê-bơ-rơ 8:10).

12 Từ sáu ngàn năm nay, sự chết đã “làm vua cai trị” loài người. Đó là giá phải trả cho tội lỗi mà A-đam truyền lại, nhưng giờ đây Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một món quà kỳ diệu là “sự sống đời đời bởi Giê-su Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 5:14; 6:23, NW). Sự ban cho này sẽ được phân phát như thế nào? Trước hết Giê-su thi hành công việc chuộc tội cho “bầy nhỏ” gồm 144.000 môn đồ trung kiên của ngài. Họ là những người đã được “chuộc từ trong loài người để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con [Giê-su]” và họ sẽ “trị-vì trên mặt đất” với Giê-su Christ (Lu-ca 12:32; Khải-huyền 14:4; 5:9, 10). Trên căn bản sự hy sinh của Giê-su, những người này đã được dự phần vào “[giao] ước mới” với Đức Chúa Trời với tư cách là thành viên của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, và mỗi người đều phải chứng tỏ trung thành cho đến chết trên đất này, sau đó họ sẽ được sống lại để lên trời (Hê-bơ-rơ 8:8). Ngày nay vẫn còn sót lại một số ít người thuộc “bầy nhỏ” đang phục vụ trên đất.

13. a) Một nhóm nào khác đã xuất hiện trong thời gian gần đây? (Rô-ma 8:21, 22). b) Các người này có triển vọng vui mừng nào trước mặt họ? (Khải-huyền 7:15-17).

13 Nhưng nhìn kìa! Trong thời gian gần đây có một đám đông “vô-số người” lên đến hàng trăm ngàn người, “bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” đã xuất hiện trên đất. Những người này cũng thực hành đức tin nơi “huyết Chiên Con”, tức Giê-su, và chứng tỏ trung thành với quyền cai trị tối cao của Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ trải qua “cơn đại-nạn” khi Đức Chúa Trời hủy diệt hệ thống gian ác của Sa-tan, và rồi họ sẽ bước vào trái đất được tẩy sạch, là nơi sẽ biến thành địa đàng (Khải-huyền 7:9-14). Qua sự quản trị đầy yêu thương của Nước Trời, Giê-su Christ sẽ áp dụng giá trị của sự hy sinh lớn lao của ngài cho họ hầu đưa họ đến sự hoàn toàn. Những người chọn sự cai trị tối cao của Đức Chúa Trời trong sự thử thách sẽ được vào sự sống đời đời.

14. a) Khải-huyền 20:11-13 mô tả gì? (Giăng 5:28, 29). b) Người chết sống lại sẽ chịu sự phán xét thế nào? (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15).

14 Và này, nhìn kìa! Khi địa đàng đã được tái lập trên đất, hãy xem sự ứng nghiệm của Khải-huyền 20:11-13:

“Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng [trên trời] cùng Đấng [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] đương ngồi ở trên... Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra... Những kẻ chết bị xử-đoán tùy công-việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy”.

Vô số những người chết nằm trong mồ mả sẽ được sống lại trên đất. Họ cũng có mặt trong số “nhiều người” trong gia đình của Giê-su, được chuộc bởi sự hy sinh của ngài và ngài bấy giờ xóa bỏ những điều bất toàn của họ (Hê-bơ-rơ 9:28). Ngài phán xét họ, không phải tùy theo các tội mà họ đã làm khi trước, nhưng tùy theo các việc làm của họ chiếu theo những lời “đã biên trong những sách ấy”—những sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời để được sống trong địa đàng trên đất.

15. Ai đã làm sự sắp đặt kỳ diệu đó, và chúng ta có thể có cảm nghĩ như thế nào về việc đó? (I Cô-rinh-tô 15:55, 57).

15 Cũng như người đàn ông hào hiệp và người con trong ví dụ nói trên, Cha trên trời là Đức Giê-hô-va và Con của Ngài là Giê-su Christ đã thực hiện một công việc đầy yêu thương tuyệt vời khi họ chuộc chúng ta là loài người ra khỏi tình trạng giống như trẻ mồ côi để cho chúng ta vào sự sống thật sự. Khi ngẫm nghĩ về sự sắp đặt kỳ diệu này, chúng ta có thể nói:

“Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, không-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33).

[Câu hỏi thảo luận]