Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gia đình hạnh phúc trong ý định của Đức Chúa Trời

Gia đình hạnh phúc trong ý định của Đức Chúa Trời

Chương 18

Gia đình hạnh phúc trong ý định của Đức Chúa Trời

1. Đức Giê-hô-va làm gì để gia đình Ngài được hạnh phúc, và như vậy tại sao chúng ta nên tạ ơn Ngài? (Gia-cơ 1:17).

GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI là “Cha, bởi Cha mà mọi gia đình trên trời và dưới đất đều được đặt tên”. Với tư cách là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, Ngài biết cách làm cho cả gia đình trong vũ trụ của Ngài cũng được hạnh phúc (Ê-phê-sô 3:14, 15, NW; I Ti-mô-thê 1:11). Ngài rộng rãi ban cho con cái Ngài mọi thứ cần thiết, và vì thế chúng ta nên luôn luôn tạ ơn Ngài, như người viết Thi-thiên đã nói:

“Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng-nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài; chúng tôi là dân-sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài... Khá cảm-tạ Ngài, chúc-tụng danh của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhơn-từ Ngài hằng có mãi mãi, và sự thành-tín Ngài còn đến đời đời” (Thi-thiên 100:3-5).

2. Điều răn “làm đầy-dẫy đất” là ý định của Đức Chúa Trời và điều này phải được thực hiện như thế nào? (I Cô-rinh-tô 7:10, 11).

2 Đức Giê-hô-va đã có một sự sắp đặt đầy yêu thương cho gia đình nhân loại trên đất. Khi Ngài phán cùng tổ tiên chúng ta là “hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất”, điều này không phải là họ sẽ thực hiện một cách bừa bãi, nhưng qua sự sắp đặt đáng tôn trọng về hôn nhân. Mỗi cặp vợ chồng sẽ trở “nên một thịt”, trong một sự kết hợp lâu dài không có vấn đề hoặc ly dị, và đó phải là căn bản bền vững để nuôi dưỡng gia đình nhân loại trong địa đàng của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:28; 2:22-24).

3. Giê-su đã khẳng định tính cách thánh thiện của hôn nhân như thế nào? (I Cô-rinh-tô 6:18).

3 Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo cố gắng gài bẫy ngài bằng những câu hỏi hóc búa về vấn đề ly dị, Giê-su đã khẳng định rõ tính cách thánh thiện của sự sắp đặt nguyên thủy của Đức Chúa Trời về hôn nhân:

“Ngài trả lời rằng: Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo-hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!... Nếu ai để [ly dị, NW] vợ mình không phải vì cớ ngoại-tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà-dâm” (Ma-thi-ơ 19:4-9).

4. Ý định gì của Đức Chúa Trời đối với trái đất sau cùng sẽ được thực hiện? (Ê-sai 45:12, 18).

4 Đức Giê-hô-va đã dành cho trái đất này một tương lai huy hoàng biết bao! Bởi lẽ con người được tạo ra “giống như hình của Đức Chúa Trời”, tất cả gia đình nhân loại sẽ phản ảnh cá tính của Ngài. Và rồi cả trái đất sẽ đầy dẫy những người đàn ông và đàn bà hoàn toàn; họ sẽ là anh chị em với nhau, cùng ca ngợi Đức Chúa Trời, Đấng Tạo hóa (Sáng-thế Ký 1:27). Ý định này chắc chắn sẽ thành tựu!

5. Tại sao ngày nay nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ? (Rô-ma 1:24, 31).

5 Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy ngày nay khác xa kế hoạch của Đức Chúa Trời đối với những người có gia đình. Và tại sao thế? Bởi vì nhân loại không còn phản ảnh cá tính của Đức Chúa Trời. Đặc biệt trong những “ngày sau-rốt” này, người ta thường thấy trong hôn nhân vợ chồng thiếu chung thủy và “vô-tình”, và do đó nạn ly dị, gia đình ly tán, bệnh phong tình, chửa hoang và phá thai lan tràn khắp nơi. Nhiều người bỏ ngoài tai lời khuyên lành mạnh của sứ đồ Phao-lô:

“Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình” (Hê-bơ-rơ 13:4; II Ti-mô-thê 3:1-5).

6. Làm sao chúng ta có thể giữ cho tình dục và hôn nhân đáng được tôn trọng? (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8).

6 Làm sao ngày nay chúng ta có thể giữ cho tình dục và hôn nhân đáng được tôn trọng? Chúng ta có thể làm thế nếu tránh xa sự “tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam”, và ngược lại “mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn” (Cô-lô-se 3:5-10).

7. a) Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng một nhân cách mới? (Ê-phê-sô 4:22-24). b) Muốn xây dựng sự đoàn kết trong gia đình mỗi người phải làm gì? (Phi-líp 2:2-4).

7 “Mặc lấy người [nhân cách, NW] mới” là tối cần thiết cho những ai muốn có một đời sống gia đình hạnh phúc và thỏa nguyện. Bằng cách mặc lấy nhân cách mới này, mọi người trong gia đình sẽ gặt hái được lợi ích nhờ sống theo nguyên tắc của Kinh-thánh về hôn nhân. Các lời kế tiếp của Phao-lô áp dụng cho vấn đề:

“Vậy anh em là kẻ chọn-lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu-dấu của Ngài, hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành” (Cô-lô-se 3:12-14).

Đúng, lòng yêu thương là “dây liên-lạc của sự trọn-lành” được nẩy nở trong một gia đình mà tất cả mọi người đều chú ý lẫn nhau, dùng thì giờ trong những bữa ăn hay trong những dịp khác để nói chuyện với nhau, cùng nhau giải trí, đi nghỉ mát hay vui chơi với nhau trong những sinh hoạt có tính cách xây dựng. Nếu để tâm làm những điều đó thì tất cả—người lớn cũng như trẻ con trong gia đình—đều có thể góp phần xây dựng sự đoàn kết, và kết quả sẽ là một gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa và vui vẻ. Mỗi người có bổn phận chu toàn vai trò của mình, như Phao-lô giải thích tiếp.

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI VỢ

8. a) Người vợ giữ vai trò gì trong gia đình, và tại sao? (I Phi-e-rơ 3:5, 6). b) Làm thế nào người vợ có thể gặt được sự yêu thương và khen ngợi của mọi người trong nhà?

8 Người vợ sẽ được lợi nếu lắng nghe các lời sau đây của Phao-lô:

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng-phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy” (Cô-lô-se 3:18).

Điều này phù hợp với sự sắp đặt nguyên thủy của Đức Chúa Trời là người vợ giữ vai trò “giúp-đỡ” chồng (Sáng-thế Ký 2:20). Khi cả hai người đều muốn cầm đầu thì sẽ có sự đôi co và tranh chấp, dẫn đến chia rẽ. Nhưng nếu người vợ luôn luôn cho thấy mình “kính” chồng và các quyết định của chồng, ngay cả bỏ qua những khuyết điểm của chồng, thì người vợ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cho gia đình được hòa thuận và hạnh phúc. Nếu “nàng coi-sóc đường-lối của nhà mình” cách siêng năng và chăm sóc dạy dỗ con cái, thì chúng sẽ “chúc nàng được phước” cũng như chồng sẽ “khen-ngợi nàng” (Ê-phê-sô 5:33; Châm-ngôn 31:10-31).

9. Kinh-thánh cho lời khuyên gì liên quan đến người hôn phối không tin đạo? (Rô-ma 12:17, 18).

9 Ngay cả trong trường hợp người chồng không tin đạo, người vợ cũng nên xem chồng là “đầu” mình. Người vợ phải tiếp tục chu toàn mọi bổn phận của người làm vợ, song còn phải chứng tỏ yêu thương, chăm sóc đến chồng nhiều hơn trước nữa, vì ấy là thích hợp cho một người vợ tín đồ đấng Christ (I Cô-rinh-tô 11:3). Sứ đồ Phao-lô khuyên người làm vợ nên giữ một “tâm-thần dịu-dàng im-lặng” như sau:

“Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính” (I Phi-e-rơ 3:1-4).

Mặc dù chồng chống đối đạo, nhưng nếu người vợ vẫn luôn luôn trung thành với người chồng không tin đạo thì người vợ sẽ được thưởng xứng đáng khi chồng xem xét và chấp nhận “tin mừng”. Dù sao đi nữa, nếu những đứa con nhỏ vâng phục theo Chúa, thì đều được Đức Giê-hô-va xem là “thánh” trong sự sắp đặt gia đình mà bà cố gìn giữ. Các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho trường hợp người chồng tin đạo còn sống chung với vợ ngoại đạo (I Cô-rinh-tô 7:12-16).

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHỒNG

10. Chồng nên cư xử với vợ như thế nào? (Châm-ngôn 5:18).

10 Người chồng sẽ được ban phước nhiều khi làm theo các lời kế tiếp của Phao-lô gửi cho người ở Cô-lô-se:

“Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay-nghiệt với người” (Cô-lô-se 3:19).

Người chồng phải luôn luôn hành quyền lãnh đạo sao cho đượm tình yêu thương chứ không độc đoán. Vì “yêu vợ”, người chồng không quên bày tỏ “điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn”, lưu ý đến những tình cảm và tính tình thay đổi bất thường của phái nữ (I Phi-e-rơ 3:7). Trước khi quyết định việc gì cho gia đình, chồng cũng không quên bàn luận với vợ trước và lưu ý đến ý kiến cũng như ước vọng của nàng. Chồng phải luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của vợ, nhất là về phương diện thiêng liêng.

11. Tại sao chồng không nên cay nghiệt đối với vợ? (I Cô-rinh-tô 11:3; Ma-thi-ơ 11:28, 29).

11 Trong mọi khía cạnh của đời sống, người chồng phải tiếp tục yêu vợ mình “như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh”. Trong các sách tin mừng chúng ta không hề đọc đoạn nào kể rằng đấng Christ “ở cay-nghiệt” với hội thánh, phải không? Cũng vậy, chồng không được cư xử khắc nghiệt với vợ, mà “phải yêu vợ như chính thân mình”, quí nàng như chính da thịt của mình, vì thực sự cả hai đều là “một thịt” (Ê-phê-sô 5:25, 28-30).

12. Chúng ta muốn con cái góp phần vào một tương lai huy hoàng nào? (Thi-thiên 148:12, 13).

12 Nhưng còn con cái thì sao? Chúng rất là quí báu đối với chúng ta, và chúng ta cũng muốn thấy chúng góp phần vào việc ngợi khen Đức Giê-hô-va đời đời trong địa đàng của Đức Chúa Trời. Trong chương tới chúng ta sẽ xem xét làm thế nào chúng ta có thể giúp chúng đạt tới mục đích này.

[Câu hỏi thảo luận]