Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một lối sống dẫn đến hạnh phúc

Một lối sống dẫn đến hạnh phúc

Chương 20

Một lối sống dẫn đến hạnh phúc

1. a) Tại sao ngày nay có nhiều người khổ sở? (Truyền-đạo 2:11, 18). b) Cái gì có thể mang lại hạnh phúc thật sự cho đời sống chúng ta?

NHIỀU NGƯỜI chấp nhận thái độ: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết”. Nhưng sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta nên tránh làm “bạn” với những người như vậy (I Cô-rinh-tô 15:32, 33). Mặt khác, có người cố gắng tranh đấu cho một mục đích đem lợi ích cho đời sống, nhưng họ không tránh khỏi viễn tượng là rốt cuộc mọi việc sẽ phải bỏ dở dang sau thời gian 70 hay 80 năm ngắn ngủi. Thật tuyệt diệu biết bao nếu có thể theo đuổi một mục đích đích đáng trong suốt thời gian hàng trăm năm, hay hơn nữa hàng ngàn năm! Được vậy hẳn sẽ có hạnh phúc không? Chắc chắn là thế!

2. Tại sao nghĩ rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống đời đời là điều hợp lý? (Thi-thiên 133:1, 3).

2 Và sung sướng thay, đây chính là ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. “Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”, điều mà Ngài tất chẳng làm nếu người ta chỉ có thể sống ít lâu rồi phải chết đi và không có dịp tìm hiểu sâu xa về các “công-việc Đức Chúa Trời” làm (Truyền-đạo 3:11). Đúng thế, một đời sống vĩnh cửu, có mục đích và hạnh phúc tràn trề đang chờ đón những ai được đặc ân sống trong địa đàng trên đất của Đức Chúa Trời.

3. a) Giê-su đề cao lối sống tích cực như thế nào? (Lu-ca 6:31, 36). b) Giê-su nói gì về hai điều răn quan trọng nhất? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5; Lê-vi Ký 19:18).

3 Khi đã biết được con đường dẫn đến sự sống, chúng ta nên nhìn mọi việc dưới khía cạnh tích cực và vững tâm. Có lẽ cũng có vài câu nói tiêu cực hay ho, chẳng hạn như lời của Khổng tử: “Đừng làm cho người ta điều gì mình không muốn người ta làm cho mình”. Nhưng câu của Giê-su, cũng gọi là Luật Vàng, mang ý nghĩa tích cực và có nhiều giá trị hơn biết bao: “Hễ đều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm đều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Và sau khi cho thấy cả luật pháp Môi-se dẫn đến điều này, Giê-su đề cao một thái độ sống không tốt hơn là thái độ tiêu cực:

“Nầy là điều đầu nhứt: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết trí-khôn và hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân-cận như mình. Chẳng có điều-răn nào lớn hơn hai điều đó” (Mác 12:29-31).

4. Giê-su ban cho điều răn “mới” nào? (I Giăng 3:16).

4 Chắc chắn điều này đòi hỏi một đời sống hoạt động, đầy ý nghĩa, chứng tỏ chúng ta thật lòng yêu mến Đức Chúa Trời và là Đấng Tạo hóa, và thành thật yêu thương người đồng loại. Liên quan đến điều này, Giê-su cũng có nói:

“Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau thì ấy là tại đều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:34, 35).

Điều răn này “mới” ở điểm nào? Ở điểm phải có lòng yêu thương với tinh thần hy sinh chính mình. Người nào có được lòng yêu thương như vậy sẽ có thể hy sinh đến mức “vì bạn-hữu mà phó sự sống mình” như Giê-su đã hy sinh chính mình (Giăng 15:12, 13).

5. Làm sao bạn có thể tham gia vào việc làm ứng nghiệm lời tiên tri? (Mác 13:10).

5 Vì nhận biết chúng ta đang sống trong thời kỳ “kết liễu của hệ thống mọi sự”, Nhân-chứng Giê-hô-va bày tỏ lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời và với người đồng loại bằng cách đi rao giảng, làm ứng nghiệm lời tiên tri quan trọng của Giê-su là: “Tin mừng này về nước trời sẽ được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân” (Ma-thi-ơ 24:3, 14, NW). Bạn cũng có thể tham dự vào công việc làm chứng bằng cách nói cho người khác biết về hy vọng tuyệt vời nơi Nước Trời và sự cai trị của Nước Trời trên khắp đất. Nhưng là Nhân-chứng của Đức Chúa Trời thật thì không phải chỉ nói về những lẽ thật của Kinh-thánh cho người khác mà thôi, nhưng còn phải sống theo Kinh-thánh, áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh trong đời sống mình.

6. a) Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải có đời sống như thế nào? (Cô-lô-se 1:9, 10). b) Do đó, lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” có lời khuyên nào cho những tín đồ đấng Christ không phải gốc Do Thái?

6 Điều này không có nghĩa bạn phải sống rập khuôn theo một số luật lệ hoặc “cấm” không được làm điều này, điều nọ, nhưng có nghĩa bạn sống một đời sống bình thường, lành mạnh, quên mình giúp đỡ người khác và quí trọng mọi lời khuyên bảo của lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, tức các tín đồ đấng Christ được xức dầu do “chủ” là Giê-su Christ chỉ định để cung cấp “đồ-ăn đúng giờ” (Ma-thi-ơ 24:45). Trong thế kỷ thứ nhất, lớp người “đầy-tớ” này không hề đặt ra nhiều luật lệ nhằm kiểm soát đời sống của các tín đồ không phải gốc Do Thái. Nhưng họ có lưu ý đến những điều nên tránh, gồm những điều như sau:

“Thánh-Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những đều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột và chớ tà-dâm; ấy là mọi đều mà anh em khá kiêng-giữ lấy vậy. Kính chúc bình-an!” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29).

“Những đều cần-dùng” nói trên có liên quan đến gì?

‘HÃY TRÁNH SỰ THỜ LẠY HÌNH TƯỢNG’

7. Tại sao tránh thờ hình tượng là điều quan trọng? (I Cô-rinh-tô 10:20, 21).

7 Trong điều thứ hai của Mười Điều Răn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có cấm ngặt sự thờ lạy hình tượng. Sứ đồ Phao-lô cũng có lời căn dặn rõ ràng nơi I Cô-rinh-tô 10:14:

“Hỡi kẻ yêu-dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng”.

Nhưng tại sao? Bởi vì các hình tượng vô tri vô giác làm bằng gỗ không thể nào tượng trưng các cá tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời hằng sống. Các vật này làm mất giá trị của Đức Chúa Trời thật và hằng sống. Trong thế kỷ thứ nhất các tín đồ đấng Christ tử vì đạo đã có thể tự cứu khỏi nanh vuốt ác thú trong đấu trường nếu họ chỉ chịu dâng một nhúm hương lên hình tượng của hoàng đế La Mã, nhưng không, họ thà chịu chết hơn là làm nhục danh của Đức Chúa Trời. Ngày nay cũng vậy, tất cả những ai muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời thì phải quyết tâm tránh việc thờ cúng ở nơi có đám táng, tránh ăn uống đồ cúng trên bàn thờ trong gia đình hoặc tại các đền thờ nơi công chúng đến cúng bái, cũng như tránh mọi hình thức khác của việc thờ lạy hình tượng.

‘HÃY KIÊNG ĂN HUYẾT’

8. Tại sao lời răn “hãy kiêng ăn huyết” áp dụng cho toàn thể nhân loại? (Công-vụ các Sứ-đồ 15:19, 20).

8 Việc kiêng ăn huyết có ghi trong luật pháp Môi-se và trước đó nữa, khi Đức Chúa Trời phán cùng Nô-ê là tổ phụ của tất cả mọi người chúng ta ngày nay: “Các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu” (Sáng-thế Ký 9:4). Chúng ta nên tôn trọng huyết và coi như là thiêng liêng. Lý do nêu ra trong Lê-vi Ký 17:14 là: “Sanh mạng của mọi xác-thịt, ấy là huyết nó”, và sanh mạng là rất quí trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng ban cho sự sống. Do đó, Kinh-thánh cho thấy vì lý do thiêng liêng chúng ta nên tránh ăn thịt của vật chưa được đổ hết máu ra, chẳng hạn như các vật bị chết ngộp.

9. Bạn nghĩ có nên nhận tiếp máu không, và nếu không thì bạn có bị thiệt thòi gì chăng? (Công-vụ các Sứ-đồ 21:25).

9 Điều hợp lý khi “kiêng ăn huyết” là không thể tiếp máu người vào thân thể mình. Nếu từ chối việc tiếp máu, thì chẳng những chúng ta chứng tỏ chúng ta vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời, mà điều này còn che chở chúng ta khỏi các chứng bệnh truyền nhiễm như giang mai, sốt rét và sưng gan, là những bệnh làm chết nhiều người đã tiếp máu. Ai vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời về vấn đề kiêng ăn huyết thì nên tìm một bác sĩ biết tôn trọng lương tâm của bệnh nhân và chỉ dùng chất làm loãng huyết tương khi cần đến. Có những trường hợp hiếm có xảy ra là bệnh nhân không nhận tiếp máu đã chết, song việc trọn vẹn giữ luật pháp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời bảo đảm người đó sẽ được sống lại trong địa đàng của Ngài.

‘CHỚ TÀ DÂM’

10. Tại sao chúng ta nên giữ vững quan điểm của Đức Chúa Trời về tình dục và hôn nhân? (II Phi-e-rơ 2:9, 10, 14).

10 Quyết định của lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cũng như lời khuyên của riêng cá nhân các sứ đồ đều dạy rằng: “Hãy tránh sự dâm-dục” (I Cô-rinh-tô 6:18). Nhưng quan niệm của thế gian ngày nay thật là khác biệt làm sao! Sự dâm dục bao gồm việc ngoại tình, và tất cả mọi hình thức dâm dục phản thiên nhiên như sự kê gian, đồng tính luyến ái, giao hợp với loài thú, v.v... ngày nay được thực hành đầy dẫy trong nhiều tầng lớp xã hội. Luật pháp của Đức Chúa Trời che chở chúng ta khỏi mọi điều đó. Khi giữ vững quan điểm của Đức Chúa Trời về tình dục và hôn nhân, chúng ta không những tôn vinh Đấng Tạo hóa Tối cao mà còn tránh khỏi nhiều điều khổ tâm.

11. Tuân theo những “đều cần-dùng” này sẽ có kết quả như thế nào? (II Ti-mô-thê 1:13).

11 Nếu bạn muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, bạn nên tuân theo các “đều cần-dùng” nêu trên, vì bạn sẽ được “bình-an” về mặt thiêng liêng, thể chất, cũng như tình cảm.

TRỞ THÀNH TÔI TỚ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẦY YÊU THƯƠNG

12. Sự yêu thương của Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta làm gì với đời sống mình? (Rô-ma 6:17, 18).

12 Đề cập đến “lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta”, sứ đồ Giăng nói:

“Nầy, sự yêu-thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của-lễ chuộc tội chúng ta” (I Giăng 4:9, 10).

Làm sao bạn có thể đáp lại sự yêu thương dường ấy của Đức Chúa Trời? Bằng cách tự dâng mình cho Ngài để trở nên người sẵn sàng “hầu việc Chúa” (Rô-ma 12:11).

13. Chúng ta phải làm gì nếu muốn dâng mình cho Đức Chúa Trời? (Hê-bơ-rơ 11:1, 6).

13 Một sứ đồ khác là Phi-e-rơ nói chúng ta phải làm gì nếu muốn dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời:

“Hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi, hầu cho kỳ thơ-thái đến từ Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19, 20).

Bạn phải ăn năn về những hành động liên quan đến sự vô luân, chính trị hoặc chiến tranh của “hệ thống mọi sự ác hiện nay” (Ga-la-ti 1:3, 4, NW). Bạn phải quay trở lại, mặc lấy nhân cách tín đồ thật của đấng Christ, rập theo khuôn mẫu của đấng làm gương cho chúng ta là Giê-su Christ, hoàn toàn ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, và quyền đó được thể hiện qua Nước Trời với đấng Christ làm vua. Như thế bạn mới dứt khoát không còn “thuộc về thế-gian” này nữa (Giăng 17:14-16).

14. Xin kể một thí dụ cho thấy việc giữ vững nguyên tắc đúng sẽ có kết quả tốt. (Thi-thiên 15:1-3).

14 Vài bạn bè cũ có thể “lấy làm lạ và gièm-chê”, bởi vì bạn chẳng còn theo họ mà “ăn-ở theo tà-tịch... thờ hình-tượng” cũng như những điều quá độ khác (I Phi-e-rơ 4:3, 4). Nhưng nhờ nhất quyết sống lương thiện và ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời, bạn sẽ có những kết quả tốt đến bất ngờ cho bạn, thí dụ như kinh nghiệm sau đây do một Nhân-chứng Giê-hô-va ở Phi-luật-tân kể lại:

“Trong một đợt sa thải nhân viên bán hàng ở hãng tôi làm, nhiều người đã bị sa thải vì họ làm những việc bất lương. Nhờ áp dụng nguyên tắc của đạo đấng Christ, tôi là người duy nhất không bị sa thải vào dịp ấy. Không bao lâu sau, tôi được thăng chức và thuyên chuyển về một ban khác, nơi đó người ta lại khám phá ra nhiều nhân viên làm giấy đặt hàng giả mạo vì lợi riêng. Lại một lần nữa tôi là nhân viên duy nhất còn giữ được việc làm, vì người ta biết tôi không bao giờ dính líu vào các việc bất lương đó. Qua hai dịp này, tôi đã chứng minh được là tính lương thiện cùng lòng trung thành theo các nguyên tắc Kinh-thánh giúp chúng ta tránh khỏi nhiều vấn đề rắc rối, đồng thời làm sáng danh Đức Chúa Trời”.

15. Khi nào một người nên làm báp têm? (I Phi-e-rơ 3:21; Ma-thi-ơ 28:19, 20).

15 Phải chăng bạn là hạng người mong muốn áp dụng đạo đấng Christ vào đời sống mình với triển vọng được sống đời đời trong địa đàng trên đất của Đức Chúa Trời? Nếu vậy thì sau khi đã ăn năn và quay trở lại, bạn có thể cầu nguyện để dâng mình cho Đức Giê-hô-va xin được làm “đầy-tớ” của Ngài, căn cứ trên đức tin vào sự hy sinh của Giê-su, và rồi bạn bày tỏ sự dâng mình bằng cách làm báp têm trong nước. Làm như vậy, bạn sẽ trở nên một tôi tớ vui sướng như những tôi tớ của Đức Chúa Trời ở thành Tê-sa-lô-ni-ca mà Phao-lô đã khen ngợi như sau:

“Đức-tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã đồn khắp mọi nơi... [Anh em] đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình-tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chơn-thật, đặng chờ-đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải-cứu chúng ta khỏi cơn thạnh-nộ ngày sau” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:8-10).

16. Thí dụ nào cho thấy rằng vâng lời Đức Chúa Trời sẽ có kết quả tốt? (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29).

16 Để làm báp têm hầu trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va, nhiều người đã phải vượt qua nhiều sự chống đối cay nghiệt, thí dụ như trường hợp sau đây:

Một cô gái Trung-hoa ở Đài-Loan đã bắt đầu đi dự các buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va và nói với người khác về Nước Trời. Nhưng gia đình cô chống đối kịch liệt. Cô bị đánh đập nhiều lần. Cha mẹ cô mướn du đãng địa phương đến hăm dọa các Nhân-chứng làm người “tiên phong” đang học Kinh-thánh với cô. Thư từ của cô đều bị gia đình đọc trộm và Kinh-thánh cùng các sách báo về Kinh-thánh nhiều lần bị hủy. Nhưng cô vẫn kiên trì và tử tế nên dần dần cô được tự do hơn đôi chút. Các chị Nhân-chứng “tiên phong” phải dọn đi nơi khác, nhưng cô vẫn tỏ đức tính của người tín đồ đấng Christ đầy yêu thương và thông cảm, nên thái độ cha mẹ cô dịu dần và họ cho phép cô được đi dự các buổi họp ở hội thánh cách nhà một giờ đường. Sau hai năm kiên nhẫn chịu đựng, cô đã làm báp têm.

Vì quyết chí vâng theo Đức Chúa Trời và tiến đến việc làm báp têm, cô gái nói trên đã nắm được hy vọng về “sự sống đời đời”. Phần thưởng thật lớn lao thay! (I Ti-mô-thê 6:12, 19).

17. a) Tại sao những người mới làm báp têm cần phải tiếp tục tiến bộ? (Ê-phê-sô 4:14, 15). b) Chúng ta ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì sẽ có kết quả như thế nào? (I Giăng 4:16-19).

17 Làm báp têm không giống như “tốt nghiệp”. Ngược lại, đó là bước đầu cho mối liên lạc tốt và đầy vui mừng với Đức Giê-hô-va. Song khi mới bước vào con đường sự sống này, có thể bạn còn là “con [trẻ]” trong lẽ thật, và cần phải tiếp tục “tấn-tới sự trọn-lành”. Khi bạn “hầu việc Chúa [Giê-hô-va]”, bạn sẽ vui vẻ hơn và bạn sẽ thấy đời sống có ý nghĩa và mãn nguyện (II Ti-mô-thê 2:1; Hê-bơ-rơ 6:1). Đành rằng nhiều vấn đề thử thách và khó khăn sẽ xảy đến, nhưng bạn có thể đương đầu với mọi sự khi đặt lòng tin cậy vững chắc nơi Đức Chúa Trời, như Phao-lô đã nói:

“Chúng ta nhờ Đấng yêu-thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống, các thiên-sứ, các kẻ cầm-quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền-phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:37-39).

Bạn còn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, thì bạn sẽ còn được Ngài che chở vậy.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 177]

Với lòng yêu thương, các Nhân-chứng nói về ân phước của Nước Trời

[Hình nơi trang 181]

Báp têm bắt đầu mối liên lạc đầy vui mừng với Đức Giê-hô-va