Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nguồn gốc của tin mừng—“Đức Chúa Trời”

Nguồn gốc của tin mừng—“Đức Chúa Trời”

Chương 6

Nguồn gốc của tin mừng—“Đức Chúa Trời”

1. Loài người ngày nay thờ phượng những thần thánh khác nhau nào?

“ĐỨC CHÚA TRỜI” nghĩa là gì? Hàng trăm triệu người nói họ tin nơi Đức Chúa Trời của Kinh-thánh, nhưng thay vì thờ phượng Ngài, họ thờ một Chúa Ba Ngôi huyền bí. Hàng trăm triệu người Ấn Độ cũng thờ một Chúa Ba Ngôi, một vị thần có ba đầu gồm Brahma, Vishnu và Siva, trong số 330 triệu thần và nữ thần của họ. Hàng trăm triệu người thờ nhiều hình Phật, tượng Phật khác nhau, và đạo Shinto có đền thờ của 8 triệu vị thần, kể cả nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami. Ngoài ra có hàng trăm triệu người vô thần cho rằng tôn giáo là “á phiện của quần chúng”, tuy nhiên chính họ cũng tôn thờ các lãnh tụ đã qua đời của họ.

2. Mọi người trong chúng ta nên muốn tìm hiểu điều gì về Đức Chúa Trời? (I Cô-rinh-tô 8:5, 6).

2 Thật vậy, trong lãnh vực tôn giáo có quá nhiều thần thánh khác nhau, và tôn giáo bành trướng như một đế quốc bao la đến tận cùng trái đất. Đứng trước tình trạng này, chúng ta sẽ có lợi ích nếu xem xét vấn đề một cách khách quan để tìm hiểu đâu là lẽ thật về vấn đề Đức Chúa Trời là ai.

CÁC VỊ THẦN CỦA GIA ĐÌNH

3. a) Chúng ta có nên tôn kính cha mẹ không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:16). b) Nếu chúng ta thờ phượng tổ tiên, việc đó sẽ đưa chúng ta đến tình trạng nào? (Sáng-thế Ký 3:1-6).

3 Có nhiều người thờ tổ tiên của họ, và một số rất thành thật trong việc thờ cúng này. Lẽ dĩ nhiên mọi người phải hiếu kính cha mẹ và ông bà vì họ xứng đáng nhận lãnh sự hiếu kính đó. Sứ đồ Phao-lô đề cập đến điều răn thứ năm trong Mười Điều Răn như sau: “Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi... hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:2, 3). Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta phải thờ phượng họ? Nếu chúng ta thờ tổ tiên thì điều đó sẽ đưa chúng ta đến chỗ thờ phượng cha mẹ đầu tiên của nhân loại là A-đam và Ê-va là những người đã bất tuân trong vườn Ê-đen và do đó đưa nhân loại vào tình trạng khổ sở, khó khăn! Chắc chắn chúng ta không muốn thờ phượng các tổ tiên ấy, phải không?

4. a) Các báo cáo từ Á Châu chứng tỏ gì về việc tôn kính và thờ phượng? b) Đức Chúa Trời được mô tả như thế nào trong Ma-thi-ơ 22:32, và tại sao? (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13).

4 Các báo cáo sau đây từ Á Châu cho thấy sự lợi ích thiết thực của việc tôn kính người lớn tuổi khi họ còn sống:

Trong một gia đình người Nhật có con gái săn sóc cách yêu thương cha mẹ theo đạo Phật cho đến khi họ qua đời vì cô áp dụng các nguyên tắc của Kinh-thánh. Cô là một nguồn an ủi lớn cho họ. Trong khi đó thì người con trai không làm gì để giúp cha mẹ khi họ còn sống, nhưng sau khi họ qua đời rồi thì ông bỏ 300 đô-la ra mua một bàn thờ để thờ cúng họ.

Tại Đại Hàn một anh trẻ tuổi chấp nhận lời dạy dỗ của Kinh-thánh, nhưng khi anh trở về quê thì bị cha mẹ và các bô lão chống đối dữ dội vì họ thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên sau khi anh cắt nghĩa về việc tôn kính cha mẹ còn sống và không thờ phượng những người đã chết thì một bô lão 81 tuổi trong làng đã nhìn nhận: “Chúng ta nên đi theo con đường của sự sống hơn là theo đường của những người chết”.

Sự thật là trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cũng như trong các nước không theo đạo đấng Christ, có nhiều nghi lễ dành cho người chết như thánh lễ, thánh ca, tụng kinh v.v... Trong khi đó, Đức Chúa Trời của Kinh-thánh được mô tả như là “Đức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống” (Ma-thi-ơ 22:32). Ngay cả những người chết cũng vẫn còn sống trong trí nhớ của Ngài và đến giờ đã định, Ngài sẽ phục sinh họ để họ được sống trên đất. Cho nên Ngài không tán thành những nghi lễ rườm rà, tốn kém trong đám táng. Nhưng Đức Chúa Trời hằng sống đó là ai?

“ĐỨC CHÚA TRỜI HẠNH PHÚC”

5. Hãy kể vài đức tính của “Đức Chúa Trời hạnh-phước” (Thi-thiên 146:5, 6).

5 Kinh-thánh mô tả Ngài như là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”, là Tác giả của “tin mừng vinh hiển” cho nhân loại (I Ti-mô-thê 1:11, NW). Ngài yêu mến nhân loại và muốn chúng ta cũng được hạnh phúc. Với tư cách là Đấng Tạo hóa của cả vũ trụ, Ngài có đủ quyền năng để làm cho chúng ta được hạnh phúc, và với tư cách là “Đấng Thượng-cổ” sống đời đời, Ngài có sự khôn ngoan tuyệt vời cần thiết để mang lại những điều kiện tốt đẹp trên trái đất này (Đa-ni-ên 7:9). Vì “chuộng sự công-bình” nên Ngài sẽ chăm lo sao cho những người trung thành với Ngài và các nguyên tắc công bình của Ngài “sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (Thi-thiên 37:28, 29). Kinh-thánh nói về Đấng Tạo hóa và Đức Chúa Trời này như sau:

“Trước khi núi-non chưa sanh ra, đất và thế-gian chưa dựng-nên, từ trước vô-cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”. “Nguyền xin sự tôn-quí vinh-hiển đời đời vô-cùng về nơi Vua muôn đời, không hề hư-nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi!” (Thi-thiên 90:2; I Ti-mô-thê 1:17).

6. Tại sao so sánh Đức Chúa Trời với các hình tượng là sai lầm? (Ê-sai 42:5, 8).

6 Đức Chúa Trời của Kinh-thánh là Đức Chúa Trời hằng sống, Đức Chúa Trời của các nguyên tắc đạo đức cao cả và là Đức Chúa Trời sẽ thực hiện mục đích vĩ đại của Ngài đối với loài người là đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Một trong những người viết Thi-thiên có nói về Ngài như sau:

“Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm” (Thi-thiên 115:3).

Vì lẽ ấy chúng ta không bao giờ có thể so sánh Ngài với các hình tượng vô tri, vô giác! Đối với người đặt tin cậy vào những hình tượng như thế, người viết Thi-thiên nêu trước đây nói thêm:

“Hình-tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, là công-việc tay người ta làm ra. Hình-tượng có miệng mà không nói; có mắt mà chẳng thấy; có tai mà không nghe; có lỗ mũi mà chẳng ngửi; có tay, nhưng không rờ-rẫm; có chơn, nào biết bước đi; cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình-tượng, và nhờ-cậy nơi nó, đều giống-như nó” (Thi-thiên 115:4-8).

Thay vì thờ phượng những hình tượng chết, chúng ta nên thờ Đức Chúa Trời hằng sống.

7. Tại sao chúng ta nên tìm kiếm Đức Chúa Trời? (Thi-thiên 34:8).

7 Con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự là chúng ta thành thật tìm kiếm để biết Đức Chúa Trời hạnh phúc đó, vì như sứ đồ Phao-lô nói, “Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Chúng ta sẽ không thấy quá khó khăn để tìm kiếm Đức Chúa Trời này và chúng ta cũng không nên sợ hãi về Ngài. Chính sứ đồ Phao-lô, khi nói chuyện với một nhóm người Hy Lạp thờ hình tượng, đã cắt nghĩa như sau về Ngài:

“Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt-sắng quá chừng. Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem-xét khí-vật các ngươi dùng thờ-phượng, thì thấy một bàn-thờ có chạm chữ rằng: THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT. Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao-truyền cho. Đức Chúa Trời đã dựng nên thế-giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền-thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới-hạn chỗ ở, hầu cho tìm-kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi-nhơn của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng-dõi của Ngài.

Vậy, bởi chúng ta là dòng-dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công-nghệ và tài-xảo của người ta chạm-trổ nên” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:22-29).

Một số người nghe Phao-lô thì chế nhạo ông, nhưng có người khác tin lời ông và trở thành những người thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống.

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG TẠO HÓA

8. Chúng ta có thể học biết gì về Đức Chúa Trời khi xem xét công việc sáng tạo của Ngài? (Thi-thiên 19:1).

8 Có nhiều người ngày nay phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Có người nói: “Đức Chúa Trời đã chết”. Nhưng lý thuyết của họ có đúng không? Nói về những người như thế, sứ đồ Phao-lô tuyên bố trong một bức thư như sau:

“Những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (Rô-ma 1:20).

Vũ trụ bao la và tất cả các vật kỳ diệu trong vũ trụ quả thật nói lên ‘quyền-năng đời đời của Đức Chúa Trời’.

9. Các nhà bác học danh tiếng đã công nhận gì về vị trí của con người trong vũ trụ?

9 Ngay cả các nhà bác học trứ danh cũng đôi khi nhìn nhận rằng họ rất bé nhỏ so với quyền lực và sự khôn ngoan vĩ đại mà họ thấy rõ trong tạo vật. Thí dụ, Albert Einstein một lần nọ đã nói:

“Khi tôi suy nghĩ về sự cấu tạo tuyệt diệu của vũ trụ mà chúng ta chỉ nhận biết một cách mù mờ, và cố gắng tìm hiểu một cách khiêm nhường chỉ một phần nhỏ li ti của sự thông minh bày tỏ trong tạo vật, tôi thấy điều đó là đủ cho tôi rồi”.

10. Ông Newton đã chứng minh thế nào cho người bạn biết rằng Đấng Tạo hóa có thật?

10 Người đã khám phá ra “định luật về trọng lực” là Isaac Newton cũng rất thán phục các đức tính không trông thấy được của Đức Chúa Trời được bày tỏ rõ ràng trong công cuộc sáng tạo của Ngài. Câu chuyện sau đây cho thấy cách ông Newton đã bày tỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời Toàn năng:

Có một lần ông Newton nhờ một thợ máy tài giỏi làm cho ông một kiểu mẫu nhỏ của thái dương hệ. Những trái banh tượng trưng những hành tinh được cấu kết với nhau để quay theo quĩ đạo như trong thực tế. Một hôm có một người bạn vô thần đến thăm ông Newton. Khi nhìn thấy kiểu mẫu đó, ông cho nó quay và thốt lên một cách thán phục: “Ai đã làm cái này?” Ông Newton trả lời: “Không ai làm cả”. Người vô thần đáp lại: “Bộ anh nghĩ tôi ngu lắm sao? Lẽ tất nhiên là phải có một người làm ra nó và người đó phải là một thiên tài”. Newton liền nói với bạn: “Cái này chỉ là một vật thô sơ nhằm bắt chước một hệ thống vĩ đại hơn mà anh đã học biết các định luật, thế mà tôi không làm sao cho anh tin rằng cái đồ chơi này chẳng có ai phác họa và chế tạo ra nó; trong khi đó thì anh lại tin rằng thái dương hệ thật sự tự nhiên mà có, chẳng có ai phác họa hay chế tạo ra cả!”

Bạn của Newton phải nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời là Đấng Phác họa và Chế tạo lớn nhất của muôn vật. Chắc chắn chúng ta cũng vậy, khi chúng ta nhìn các vật sáng tạo kỳ diệu chung quanh chúng ta, những vật trên trời và dưới đất, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng một Đấng Tạo hóa vô cùng khôn ngoan đã tạo ra tất cả những điều này. Chúng ta phải tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo hóa quyền năng này vì Ngài đã đặt loài người trên mặt đất một cách đầy yêu thương và Ngài rất quan tâm đến chúng ta.

DANH VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

11. a) Tại sao Đức Chúa Trời có một tên riêng là hợp lý? b) Tên riêng của Ngài là gì? (Ê-sai 12:2, 4). c) Danh của Ngài xuất hiện bao nhiêu lần trong Kinh-thánh? d) Đức Chúa Trời đã làm rạng danh Ngài một cách đặc biệt thế nào trong thời Môi-se? (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3, 7, 8).

11 Mỗi người chúng ta có một tên. Nhân vật tối cao của vũ trụ là Đức Chúa Trời cũng có một tên riêng. Tên Ngài là gì? Tên riêng của Đức Chúa Trời xuất hiện khoảng 7.000 lần trong Kinh-thánh. Thí dụ như bài Thi-thiên số 83, câu 18, viết: “Chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-cao trên khắp trái đất”. Khi Đức Chúa Trời dùng Môi-se để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay Pha-ra-ôn tàn bạo của xứ Ê-díp-tô, Ngài đã làm danh Ngài được người ta biết đến một cách rất đặc biệt. Pha-ra-ôn nói một cách ngạo mạn: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:2). Đức Giê-hô-va đã cho biết rất rõ ràng Ngài là ai! Sau khi giáng mười tai vạ khủng khiếp trên xứ Ê-díp-tô, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dẫn dân của Ngài ra khỏi xứ và làm phép lạ phân rẽ nước của Biển Đỏ cho họ có lối đi qua. Và hết thảy đạo binh tinh nhuệ của Pha-ra-ôn đuổi theo bị chết chìm khi nước trở lại bao phủ chúng.

12. Danh của Đức Chúa Trời dính liền với ý định nào? (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-15).

12 Như vậy Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ rằng danh vinh hiển của Ngài dính liền với ý định của Ngài là giải cứu những ai yêu mến và vâng lời Ngài, điều mà trong tương lai chúng ta sẽ nhận thấy với lòng biết ơn khi Ngài ra tay tiêu diệt thế gian hiện nay gồm những người không tin kính. Đúng như chính Đức Giê-hô-va đã tuyên bố hơn sáu mươi lần qua miệng nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên: “Chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê-chi-ên 38:23).

13. a) Đức Giê-hô-va đã nói với Môi-se điều gì về các đức tính của Ngài? b) Đức tính đặc sắc nhất của Ngài là gì? (Rô-ma 8:38, 39). c) Làm sao chúng ta có thể tìm thấy các câu giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi về đời sống?

13 Tuy nhiên, ngày nay nhiều người đang tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, nhờ đó họ sẽ được nhiều ân phước. Đức Chúa Trời vĩ đại này có những đức tính tuyệt diệu, đúng như Ngài đã từng tuyên bố với nhà tiên tri Môi-se:

“Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá đều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7).

Trong suốt cuốn Kinh-thánh, chúng ta đọc thấy Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng đầy nhân từ đối với tôi tớ trung thành của Ngài. “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8). Ngài thương xót và rộng lượng đối với những người xây bỏ đường lối gian ác của thế gian này và tìm kiếm sự công bình của Ngài. Ngài có đầy lẽ thật, và cho thấy điều này trong suốt các trang của Kinh-thánh. Khi chúng ta tìm kiếm lẽ thật của Ngài, chúng ta sẽ thấy những câu giải đáp thỏa đáng cho nhiều câu hỏi của chúng ta về đời sống.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 48]

Loài người thờ phượng nhiều thần thánh. Nhưng ai là Đức Chúa Trời hằng sống?

[Hình nơi trang 49]

Thờ cúng tổ tiên đã qua đời hoặc hiếu kính cha mẹ còn sống—điều nào hữu ích hơn?

[Hình nơi trang 55]

Chỉ một mình Đức Chúa Trời hằng sống mới có thể phác họa và tạo nên thái dương hệ

[Hình nơi trang 56]

יהוה GIÊ-HÔ-VA

Đức Giê-hô-va làm rạng danh Ngài bằng cách tiêu diệt kẻ ác, đồng thời che chở tôi tớ trung thành của Ngài