Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sửa soạn một chỗ ở vui tươi cho loài người

Sửa soạn một chỗ ở vui tươi cho loài người

Chương 7

Sửa soạn một chỗ ở vui tươi cho loài người

1. Đức Chúa Trời đã cho loài người ở đâu, và chúng ta nên nhận biết giá trị của điều đó như thế nào? (Hê-bơ-rơ 3:4).

NẾU CÓ AI vẽ họa đồ và cất cho bạn một căn nhà xinh xắn trong một khung cảnh thơ mộng rồi đem tặng bạn thì bạn có cám ơn người đó không? Chắc chắn có! Nếu vậy thì bạn cũng phải thật tình cám ơn Đấng đã phác họa và tạo ra hành tinh trái đất này. Vì Kinh-thánh nói cho chúng ta biết rằng “Đức Giê-hô-va, là Đấng dựng nên trời đất”, đã ban trái đất này cho “con cái loài người” (Thi-thiên 115:15, 16). Một món quà tốt đẹp biết bao! Và nếu chúng ta xem xét lại cách mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời, một Kiến trúc sư và một Nhà xây cất đại tài, đã sửa soạn trái đất để làm chỗ ở cho loài người, chúng ta tất phải khâm phục sự khôn ngoan và quyền năng mà Ngài đã bày tỏ.

“BAN ĐẦU”

2. Những gì cho thấy công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời là kỳ diệu? (Thi-thiên 8:3, 4).

2 Khi lật xem những chữ đầu tiên của Kinh-thánh chúng ta đọc: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế Ký 1:1). Chắc chắn Đức Chúa Trời đã thực hiện công cuộc sáng tạo vĩ đại này từ hàng tỉ năm trước đây và bất kể các lý thuyết mâu thuẫn của vài nhà bác học cố giải nghĩa hiện tượng đó, một bầu trời vinh quang và một trái đất đẹp đẽ tiếp tục chứng tỏ sự kỳ diệu của công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời.

3. Đức Chúa Trời đã tỏ ra khôn ngoan như thế nào khi Ngài cung cấp thật nhiều nước cho trái đất? (Thi-thiên 104:1, 5, 6).

3 Khi Đức Giê-hô-va kết hợp các vật liệu để tạo nên vũ trụ, Ngài đã tỏ ra khôn ngoan và có khả năng nhìn xa biết bao! Thí dụ, chúng ta có nước—một nguồn nhiên liệu trên trái đất này. Khác với các chất lỏng khác, nước có khác tính chất thường là nó trở nên nhẹ hơn khi nhiệt độ của nó xuống gần đến mức đông đặc, cho nên nước lạnh trổi lên và tạo thành một lớp băng nhằm che chở mặt hồ và biển. Nếu băng nặng hơn nước thì trái đất này đã trở thành “một tủ đông lạnh” từ lâu rồi, không sinh vật nào có thể sống được. Ngày nay, nước dùng để hòa tan, để tưới đất, để tạo ra điện lực—và lạ thay trong thân thể chúng ta gần hai phần ba là nước. Chúng ta không thể sống nếu không có nước. Đấng Tạo hóa khôn ngoan đã nhìn thấy trước mọi sự đó khi Ngài bao phủ trái đất với một “vực nước” (Sáng-thế Ký 1:2, NW).

4. Vị trí của trái đất đối với mặt trời và mặt trăng chứng tỏ Đức Chúa Trời khôn ngoan vĩ đại đến độ nào? (Gióp 26:7, 14).

4 Trong việc sáng tạo này của Đức Chúa Trời, sự liên quan giữa trái đất và các từng trời cũng là một điều đáng chú ý. Đức Chúa Trời nghiêng trục trái đất 23,5 độ so với mặt phẳng của quĩ đạo, cho nên khi trái đất quay chung quanh mặt trời trong một năm, mỗi bán cầu đều lần lượt có các mùa xuân, hạ, thu, đông. Khoảng cách giữa trái đất và mặt trời cũng vừa đúng để duy trì sự sống. Nếu trái đất gần mặt trời hơn thì sẽ không có sự sống vì quá nóng; và nếu xa hơn thì nó sẽ luôn luôn đông lạnh. Mặt trăng được đặt trong một vị trí nhờ đó sức hút trọng tâm của nó làm trái đất có thủy triều lên và xuống để rửa sạch các bờ biển. Khi chúng ta suy nghĩ về những việc này, chắc chắn chúng ta muốn “ngợi-khen Ngài [Đức Giê-hô-va]... vì các việc quyền-năng Ngài!” (Thi-thiên 150:1, 2).

CÁC “NGÀY” SÁNG TẠO

5, 6. Chúng ta có thể suy luận thế nào để biết các ‘ngày sáng tạo’ kéo dài bao lâu? (Hê-bơ-rơ 4:3-5).

5 Trong một khoảng thời gian rất dài, trái đất chìm đắm trong bóng tối và trống không, không có sự sống. Nhưng “thần [linh của, NW] Đức Chúa Trời vận-hành trên mặt nước” (Sáng-thế Ký 1:1, 2). Kết quả là gì?

6 Ở đây chúng ta bắt đầu vào trong bảy “ngày” sáng tạo. Các “ngày” này kéo dài bao lâu? Dài hơn hai mươi bốn giờ nhiều lắm! Kinh-thánh cho chúng ta biết rằng “trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm” (II Phi-e-rơ 3:8). Nhưng mỗi “ngày” sáng tạo phải dài hơn thế nữa. Làm sao chúng ta biết được? Sáng-thế Ký 2:2 nói rằng sau sáu “ngày” sáng tạo, “ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công-việc Ngài đã làm”. Kinh-thánh cho thấy rằng ‘ngày nghỉ’ của Đức Giê-hô-va vẫn còn tiếp tục. Vì sứ đồ Phao-lô viết rằng qua đức tin và sự vâng lời, tín đồ đấng Christ phải “gắng sức vào sự yên-nghỉ đó” (Hê-bơ-rơ 4:9-11). Niên đại học Kinh-thánh cho thấy rằng ngày nay đã gần hết sáu ngàn năm kể từ khi Đức Chúa Trời bắt đầu “nghỉ” các công việc sáng tạo trên đất. Ngay trước mặt chúng ta còn một ngàn năm cai trị của đấng Christ, và cuối khoảng thời gian này ý định của Đức Chúa Trời là làm trái đất đầy dẫy với một gia đình nhân loại hạnh phúc sẽ được thực hiện. Lúc đó ‘ngày nghỉ’ của Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt. Điều này chứng tỏ rằng ‘ngày nghỉ’ đó kéo dài bảy ngàn năm (Sáng-thế Ký 1:28; Khải-huyền 20:4). Như thế thì ta có thể kết luận hợp lý rằng mỗi một “ngày” trong sáu “ngày” sáng tạo trước đó cũng kéo dài một khoảng thời gian giống như thế, trong mỗi khoảng thời gian đó Đức Giê-hô-va thực hiện một phần trong công việc sửa soạn trái đất làm chỗ ở tương lai cho loài người. Ngày nay khi xem Ngài đã thực hiện các việc đó như thế nào, chúng ta nên hiểu rõ ý nghĩa của lời người viết Thi-thiên: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài lớn biết bao! Tư-tưởng Ngài rất sâu-sắc” (Thi-thiên 92:5).

“PHẢI CÓ SỰ SÁNG”

7. “Sự sáng” phải có như thế nào? (Ê-sai 45:7).

7 Mấy chục ngàn năm trước đây, Đức Giê-hô-va phán: “Phải có sự sáng”. Đó là lúc khởi đầu “ngày sáng tạo” thứ nhất. Khi “ngày” dài này chấm dứt thì Đức Chúa Trời đã làm cho ánh sáng của mặt trời chiếu vào “mặt vực nước” bao bọc trái đất. Từ lúc đó không còn sự tối tăm dày đặc ngăn cản sự phân chia ra Ngày và Đêm đối với trái đất. Vì có ánh sáng của ban “ngày” cho nên sau này loài người có thể làm việc và thưởng thức vẻ đẹp của trái đất chung quanh họ, và lúc ban “đêm” họ có thể nghỉ ngơi để lấy lại sức lực (Sáng-thế Ký 1:3-5).

“PHẢI CÓ MỘT KHOẢNG-KHÔNG”

8. Đức Giê-hô-va đã cho thấy Ngài có khả năng nhìn xa như thế nào khi làm ra “khoảng-không”?

8 Trong “ngày” sáng tạo thứ nhì, Đức Chúa Trời phân rẽ nước ra làm thành một lớp nước bao phủ trái đất và một lớp nước treo trên khoảng không bao bọc quả địa cầu. Ngài gọi khoảng không giữa hai lớp nước đó là “trời”. Trong khoảng không này là bầu không khí. Ở đây Đức Chúa Trời cung cấp các chất hơi với số lượng vừa đúng, phần lớn gồm có đạm khí và dưỡng khí, để nuôi dưỡng cây cỏ và những tạo vật có hơi thở mà Ngài sẽ tạo ra sau này. Ngài làm bầu không khí vừa đúng để chúng ta sống thích thú, và cũng để che chở chúng ta khỏi các vân thạch và chất phóng xạ có hại. Đức Chúa Trời quả thật là một Đấng Tạo hóa khôn ngoan và đầy yêu thương! (Sáng-thế Ký 1:6-8).

LÀM NÊN ĐẤT, BIỂN, CÂY CỎ

9. Đức Chúa Trời đã dự định gì khi làm ra “đất” và “biển”? (Ê-sai 45:18).

9 Sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời hay là thánh linh tiếp tục vận hành trên mặt trái đất. Đến ‘ngày sáng tạo’ thứ ba, Ngài làm đất khô nhô lên khỏi mặt ‘nước ở dưới trời’. Chắc chắn đã có những chấn động mạnh khi các phần đất bị đẩy lên và các biển gom nước lại trong lòng sâu. Tại đây chúng ta thấy một lần nữa sự khôn ngoan và lòng yêu thương của Đức Chúa Trời. Khi được tạo ra sau này, thú vật và loài người đã có sẵn chỗ ở trên đất. Biển sẽ có đầy sinh vật, và các đại dương mênh mông sẽ có một tác dụng điều hòa để tránh nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh chung quanh trái đất (Sáng-thế Ký 1:9, 10).

10. a) Cái gì hiện ra lần đầu tiên trong “ngày thứ ba” và dưới hình dạng nào? b) Điều đó sẽ có lợi ích cho nhân loại như thế nào? (Sáng-thế Ký 1:29, 30; Thi-thiên 104:14).

10 Nhưng trong “ngày thứ ba” này còn nhiều điều khác hiện ra nữa. Lần đầu tiên có sự sống! Kinh-thánh tường thuật như sau:

“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây-cỏ; cỏ kết hột giống, cây-trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất” (Sáng-thế Ký 1:11).

Như thế Đức Chúa Trời làm ra những tế bào kết hợp một cách kỳ diệu, có khả năng sanh sôi nảy nở theo một “mẫu” đã định sẵn đặt trong mỗi tế bào. Có những “loại” trở thành những cây to lớn cho bóng mát và làm đất dính chặt lại với nhau. Những “loại” khác gồm bụi rậm và những cây nhỏ sinh trái, hạt và quả mọng, để cùng với các thứ rau cải cho chúng ta nhiều thức ăn thơm ngon. Đức Chúa Trời tạo ra nhiều thứ bông hoa xinh đẹp để tô điểm trái đất. “Loại” cây nào thì sinh giống nấy, nhưng với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau—như trong trường hợp của những loại hoa hồng mảnh mai (Sáng-thế Ký 1:12, 13).

11. Đức Chúa Trời cung cấp thế nào để cho đất có thể sản xuất đồ ăn? (Giê-rê-mi 10:12).

11 Đức Chúa Trời ban cho các phần màu xanh của cây cỏ một chất gọi là “diệp lục tố”. Nhờ có chất phức tạp này, ánh sáng mặt trời làm thán khí (carbon dioxide) trong không khí và nước trong đất tác dụng với nhau để sinh ra chất đường, mỗi năm sản xuất khoảng 150 tỉ tấn trên khắp đất, và đồng thời tiết ra dưỡng khí để đổi mới không khí. Cây cỏ dùng các chất đường này để lớn lên, biến đường thành nhiều loại thức ăn cho chúng ta. Như thế năng lực dùng để duy trì tất cả các loại sinh vật sống trên mặt đất đều xuất phát từ sự biến chuyển kỳ diệu bao hàm ánh nắng mặt trời, không khí và nước, và loài người ngày nay vẫn chưa thấu hiểu cái bí mật của sự biến chuyển đó! Các lời sau đây thật là đúng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài” (Thi-thiên 104:24).

CÁC VÌ SÁNG HIỆN RA TRÊN BẦU TRỜI

12. a) Tại sao không có sự mâu thuẫn giữa Sáng-thế Ký 1:1 và 1:16? b) Cái gì dường như đã xảy ra trong “ngày thứ tư”? (Thi-thiên 136:1, 7-9).

12 Trong “ngày thứ tư”, Đức Chúa Trời “làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai-trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai-trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao” (Sáng-thế Ký 1:14-19). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không tạo ra các vật trên trời này trước đó, vào lúc “ban đầu” hay sao? Đúng, Ngài đã làm thế rồi. Nhưng hãy lưu ý đến sự khác biệt giữa động từ “dựng nên” (tiếng Hê-bơ-rơ là baraʹ) ở Sáng-thế Ký 1:1 và động từ “làm nên” (tiếng Hê-bơ-rơ là ‘asah) ở Sáng-thế Ký 1:16. Dường như việc xảy ra trong “ngày thứ tư” là lần đầu tiên hình thù của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao mới được thấy rõ từ mặt đất, có lẽ vì bầu không khí đã tan mỏng ra. Bấy giờ một mặt trời sáng rực dùng làm “vì sáng” để soi sáng ban ngày, mang lại sự ấm áp cho chúng ta. Nhưng còn về mặt trăng thì sao? Bề mặt của mặt trăng tối tăm nhất trong thái dương hệ, và chỉ phản chiếu 7% ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, kích thước của mặt trăng và khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất (cũng điều khiển thủy triều) là vừa đúng để cho chúng ta thưởng thức ánh trăng mát dịu về đêm. Chắc chắn sự khôn ngoan và lòng yêu thương của Đức Chúa Trời được thấy rõ qua “vì [sáng] nhỏ hơn” này!

13. a) Người ta sẽ đo lường cái gì nhờ các vì sáng này? (Truyền-đạo 3:1). b) Tại sao “buổi chiều” được đặt trước “buổi mai”? (Châm-ngôn 4:18).

13 Nhờ có các vì sáng này, loài người sau này mới có thể đo lường thời gian. Tuy nhiên, những dụng cụ đo lường thời gian do con người chế tạo không những luôn luôn thua kém mà còn phải phụ thuộc vào các hành tinh mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng Vĩ đại ấn định giờ giấc, đã cho di chuyển theo giờ giấc và lịch trình chính xác để mang lại lợi ích cho loài người. Trong ‘ngày sáng tạo’ thứ tư này, cũng giống như mỗi “ngày” khác, công việc của Đức Chúa Trời bắt đầu vào “buổi chiều”, khi kế hoạch của Ngài mới bắt đầu thành hình, và tiếp tục cho đến “buổi mai” khi tất cả các công việc vinh quang của Ngài được hoàn tất một cách rõ rệt.

14. Tại sao chúng ta có lý do để cám ơn Đức Chúa Trời về các việc Ngài đã làm? (Khải-huyền 4:11).

14 Khi hoàn tất các công việc lớn lao của Ngài trong hai “ngày” thứ ba và thứ tư, Đức Chúa Trời thấy mọi việc đều “tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:12, 18). Nhưng còn hai “ngày” sáng tạo nữa và một ‘ngày nghỉ’. Đấng Tạo hóa cao cả sẽ tiếp tục công việc sửa soạn chỗ ở cho loài người để đem lại hạnh phúc cho họ sau này. Vì lẽ ấy, mỗi người chúng ta phải tỏ lòng biết ơn và nói như Vua Đa-vít:

“Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công-việc lạ-lùng Chúa đã làm, và những tư-tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều, không thể sắp-đặt trước mặt Chúa; nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, thật lấy làm nhiều quá không đếm được” (Thi-thiên 40:5).

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 63]

Cây cỏ được Đấng Tạo hóa tạo ra một cách kỳ diệu để dùng ánh nắng mặt trời, không khí và nước để sinh hoa quả