Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?

Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?

Chương 12

Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có khổ đau?

1. Tại sao chúng ta nên biết lý do vì sao Đức Chúa Trời cho phép có sự gian ác? (Thi-thiên 94:2, 3).

LỊCH SỬ ghi chép biết bao nhiêu chuyện khủng khiếp về sự vô nhân đạo của người đối với người. Các trang sử bị đẫm máu vì các cuộc chiến tranh tôn giáo, các cuộc tàn sát và bắt bớ. Nhiều người vô tội đã bị giết một cách kinh khủng trong hai trận thế chiến do các nước tự xưng theo đấng Christ khởi đầu và trong các cuộc chiến tranh sau đó ở Đại-hàn, Đông Dương và các nơi khác. Bạo động, cách mạng và tội ác tiếp tục gia tăng trong nhiều xứ. Tại sao Đức Chúa Trời cho phép những tình trạng khủng khiếp như thế xảy ra? Tại sao bấy lâu nay Ngài không loại bỏ sự đau khổ? Chính Đức Chúa Trời giải nghĩa tại sao trong cuốn Sách “tin mừng” của Ngài.

2. a) Đức Chúa Trời có thể trừ bỏ sự gian ác không và Ngài có muốn làm điều đó không? (Giô-ên 1:15). b) Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự khôn ngoan trong vấn đề này như thế nào?

2 Đức Chúa Trời có thể tạo ra vũ trụ bao la thì chắc chắn Ngài có đủ quyền năng để loại bỏ mọi khổ đau. Vì là “Đức Chúa Trời... là sự yêu-thương”, Ngài thật sự quan tâm đến nhân loại. Tuy nhiên Ngài cũng là Đức Chúa Trời của “sự khôn-ngoan” (I Giăng 4:16; Châm-ngôn 2:6, 7). Ngài bày tỏ sự khôn ngoan bằng cách dành ra thì giờ để giải quyết một vấn đề tranh chấp có tầm quan trọng liên quan đến cả vũ trụ. Mặc dầu điều đó có nghĩa là Ngài cho phép có sự đau khổ một thời gian, nhưng thành quả lâu dài sẽ bảo đảm hạnh phúc đời đời cho tất cả những tạo vật thông minh trong vũ trụ.

3. a) Hãy dùng thí dụ cho thấy tại sao cần thời gian để giải quyết vấn đề tranh chấp. b) Tại sao thời gian cần thiết là tương đối ngắn? (Ha-ba-cúc 2:3).

3 Điều này có thể so sánh với việc xét xử một kẻ sát nhân khét tiếng. Có thể cần nhiều tháng để tranh luận về vấn đề, xem xét kỹ tất cả những bằng chứng và đi đến một bản án công bình. Sau đó kẻ sát nhân sẽ bị nhốt trong tù và tất cả những người bị hắn ta đe dọa mạng sống có thể sung sướng vì sự đe dọa đó không còn nữa. Cũng vậy, phải cần một thời gian dài—khoảng sáu ngàn năm—để giải quyết một vấn đề tranh chấp gây ra bởi một kẻ sát nhân, kẻ thù số một của Đức Chúa Trời, nhưng thời gian này ngắn biết bao nếu so với hạnh phúc đời đời ở trước mặt chúng ta! Vì dưới mắt Đức Chúa Trời “một ngàn năm... khác nào ngày hôm qua đã qua rồi” (Thi-thiên 90:4).

VẤN ĐỀ TRANH CHẤP

4. a) Vấn đề tranh chấp trọng đại là gì? (Thi-thiên 83:18). b) Quyền cai trị của Đức Chúa Trời đã bị thách đố như thế nào?

4 Vấn đề tranh chấp trọng đại cần phải giải quyết là gì? Đó là quyền cai trị của Đức Giê-hô-va trên các tạo vật. Khi có cuộc nổi loạn trong vườn Ê-đen, Sa-tan đưa quyền cai trị của Đức Giê-hô-va ra làm vấn đề tranh chấp. Không phải hắn có sức mạnh để lật đổ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Nhưng hắn nêu lên câu hỏi: Có phải quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên các tạo vật là đúng và có lợi ích tốt nhất cho họ không? Quyền cai trị đó có công bình và đáng được họ ủng hộ không? Qua con rắn, Sa-tan nói với Ê-va trong vườn Ê-đen: “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” Sau khi công kích quyền cai trị của Đức Giê-hô-va bằng cách ám chỉ rằng Ngài nói dối, Sa-tan làm cho Ê-va, và rồi qua bà, hắn làm cả A-đam tin rằng họ không cần đến sự cai trị của Đức Chúa Trời, không cần phải phụ thuộc vào Ngài và có thể quyết định cho chính mình điều “thiện” và điều “ác” (Sáng-thế Ký 3:1-5). Do đó vấn đề được nêu ra là sự cai trị của Đức Chúa Trời có đúng, có công bình và có chính đáng không.

5. a) Tại sao Đức Chúa Trời cho phép có sự gian ác? (Rô-ma 9:17). b) Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ đứng vững đời đời như thế nào?

5 Đức Chúa Trời kết án các kẻ phản nghịch phải chết. Nhưng Ngài cho phép họ tiếp tục sống một thời gian, và Ngài cho phép A-đam và Ê-va sanh con cái bất toàn. Thật vậy, Ngài đã cho phép sự gian ác kéo dài cho đến ngày nay dưới sự cai trị của Sa-tan. Và tại sao vậy? Tại vì để chứng minh chỉ một lần rằng sự cai trị của Ngài là công bình và không có tạo vật nào có thể hưởng hạnh phúc lâu bền mà không tùy thuộc vào sự cai trị và các luật pháp công bình của Ngài. Như thế Ngài buộc tội Sa-tan là “kẻ giết người”, kẻ nói dối, vu khống và lừa gạt, và Ngài sẽ diệt trừ hắn cùng với tất cả những kẻ bất tuân khác. Khi đó sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ làm một tiền lệ để làm tiêu chuẩn cho đến đời đời phòng khi có tạo vật nào lại thách đố quyền thống trị của Đức Giê-hô-va (Giăng 8:44).

6. a) Loài người đã chứng tỏ gì về sự cai trị của mình? b) Ngày nay chúng ta thấy gì trong cách cai trị của loài người? (Truyền-đạo 8:9).

6 Kết quả của cuộc tranh tụng trong tòa án vũ trụ này đã ra thế nào? Loài người đã chứng tỏ rõ ràng rằng họ không thể cai trị một cách tốt đẹp ngoài sự cai trị của Đức Chúa Trời. Quả đúng như lời của nhà tiên tri Giê-rê-mi:

“Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23).

Không có một thời kỳ nào chúng ta nhìn rõ sự kiện đó như ngày nay, khi thế gian bị chia rẽ thành khối dân chủ, cộng sản và “thế giới thứ ba”. Chính trong nội bộ các khối này cũng bị chia rẽ bởi những ý kiến khác nhau. Dưới sự cai trị của loài người, đâu đâu cũng có tham nhũng và chính sách dối trá. Trong khi một phần tư thế gian chết đói, các nhà cầm quyền dành những số tiền khổng lồ cho việc võ trang, nhiều xứ có vũ khí nguyên tử có khả năng tiêu diệt cả nhân loại. Phần nhiều các nhà cầm quyền đang có vấn đề về kinh tế hay vấn đề nghiêm trọng khác, và lắm khi họ bị lật đổ trong một đêm. Bất cứ những sự liên kết mà các lãnh tụ chính trị thiết lập với nhau đều phù hợp với lời mô tả trong Thi-thiên 127:1:

“Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà thì những thợ xây-cất làm uổng công”.

7. a) Tại sao sự cai trị của Đức Chúa Trời trổi hơn sự cai trị của loài người? (Thi-thiên 45:6). b) Đối với sự cai trị của loài người, Đức Chúa Trời sẽ làm gì và tại sao? (Na-hum 1:9).

7 Có những lý do căn bản cho biết tại sao sự cai trị của Đức Chúa Trời trổi hơn sự cai trị của loài người rất nhiều. Sự cai trị của Đức Chúa Trời căn cứ trên sự yêu thương là “dây liên-lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se 3:14). Sự cai trị của loài người thì thường hay đi đến chỗ ích kỷ và tham lam. Sự cai trị của Đức Chúa Trời có quyền lực kết hợp và “hội-hiệp muôn vật lại” (Ê-phê-sô 1:10). Sự cai trị của loài người gây ra sự chia rẽ, ghen ghét và cạnh tranh. Sự cai trị của Đức Chúa Trời thực thi trong sự “chánh-trực công-bình” (Ê-sai 9:6). Sự cai trị của loài người thường thường hà hiếp người nghèo và thiên vị người giàu. Khi bị thử thách, sự cai trị của loài người đã chứng tỏ là một thất bại nặng nề và bây giờ Đức Chúa Trời sắp sửa dẹp bỏ nó để thi hành trọn vẹn sự cai trị công bình của Ngài trên khắp đất trở lại.

SỰ TRUNG KIÊN CỦA LOÀI NGƯỜI

8. Sa-tan đưa ra sự thử thách nào về Gióp?

8 Tuy nhiên một vấn đề liên quan đến việc tranh chấp cũng được nêu ra trong vườn địa đàng. Vấn đề ấy là: Bởi lẽ những người đầu tiên đã phản nghịch, liệu Đức Chúa Trời có thể đặt một người nào trên đất và người đó sẽ trung kiên với Ngài khi bị thử thách hay không? Sách Gióp trong Kinh-thánh cho thấy vấn đề như thế đã được nêu ra. Hai đoạn đầu mô tả những gì đã xảy ra trên trời cách đây khoảng 3.500 năm hay hơn nữa. Thời đó, khi các con của Đức Chúa Trời ở trên trời họp lại trước mặt Đức Giê-hô-va, Sa-tan cũng đến, và Đức Giê-hô-va nói:

“Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi-tớ của ta chăng; nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác? Sa-tan thưa với Đức Giê-hô-va rằng: Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh-vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công-việc của tay người, và làm cho của-cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt” (Gióp 1:8-11).

9. Gióp đã đạt được thành tích nào, và Gióp được ban thưởng thế nào? (Gióp 42:12-16; Gia-cơ 5:11).

9 Đức Giê-hô-va cho phép có sự thử thách này. Gióp mất tất cả gia súc, và con cái đều chết, nhưng ông không phỉ báng Chúa hay phản nghịch lại Ngài. Sau đó, khi Sa-tan gây cho Gióp một thứ bệnh ghê tởm, vợ ông cuối cùng tuyệt vọng nói: “Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” Nhưng ông vẫn giữ sự trung kiên với Đức Chúa Trời. Kế đó ba kẻ an ủi giả mạo lại còn làm Gióp đau khổ thêm nữa, nhưng Gióp tuyên bố:

“Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn vẹn!” (Gióp 2:9, 10; 27:5).

Sau đó Gióp được ban thưởng xứng đáng vì giữ sự trung kiên với Đức Chúa Trời.

10. Những người khác cũng giữ sự trung kiên và họ đã thực hiện được thành tích nào? (Hê-bơ-rơ 12:1).

10 Lời ghi chép trong Kinh-thánh kể cả Hê-bơ-rơ đoạn 11 cho thấy rằng nhiều người khác trong nhân loại đã không ích kỷ và chọn theo đường lối cai trị của Đức Giê-hô-va, dù gặp phải mọi hình thức tấn công khủng khiếp của Sa-tan nhằm phá vỡ lòng trung kiên của họ. Danh sách những người giữ sự trung kiên vẫn còn tiếp tục ghi thêm mãi cho đến ngày nay.

11. a) Ngày nay, có những gương mẫu nào về việc giữ sự trung kiên? (Truyền-đạo 27:11 [Châm-ngôn 27:11]). b) Đức Chúa Trời sẽ biện minh cho quyền thống trị của Ngài bằng cách nào, và cho bao lâu? (Ê-xê-chi-ên 36:23).

11 Thí dụ trong thời kỳ Hitler ở Đức, Nhân-chứng Giê-hô-va từ chối chào quốc kỳ Đức và nhìn nhận nhà độc tài ấy là vị cứu tinh của họ. Hàng trăm người đã bị thiệt mạng vì sự trung kiên của họ. Ngay trong đêm bị hành quyết, một trong những người này đã viết cho vợ yêu quí của mình bức thư điển hình sau đây:

“Khi bức thơ này đến tay em thì anh đã qua đời. Chúng ta biết rằng cái nọc của sự chết đã được nhổ ra rồi và sự chết không còn thắng nữa... Giờ sẽ đến khi danh của Đức Chúa Trời Toàn năng sẽ nên thánh và nhân loại sẽ nhìn thấy. Ngày nay, khi người ta hỏi tại sao Ngài không làm thế từ trước đến giờ, thì chúng ta biết rằng ấy là để cho quyền năng của Ngài sẽ được chứng minh hữu hiệu hơn... Bây giờ anh đã đạt đến sự cuối cùng, và anh cầu xin cho em cũng có thể chịu đựng... Một lần nữa anh nhìn vào ánh mắt điềm tĩnh và sáng ngời của em và lau ráo sự buồn rầu cuối cùng trong lòng em; và mặc dù đau đớn, em hãy ngẩng đầu lên và vui vẻ đi em, không phải vì cái chết, nhưng vì sự sống mà Đức Chúa Trời sẽ cho những ai yêu mến Ngài”.

Chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ biện minh cho quyền thống trị của Ngài, và thưởng cho tất cả những ai đã ủng hộ quyền thống trị ấy, và Ngài sẽ chứng tỏ quyền năng của Ngài chống lại các kẻ thù hầu cho danh Ngài được vang ra “khắp cả thiên-hạ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16).

NGƯỜI TRUNG KIÊN XUẤT SẮC

12. Ai là nhân vật thích hợp nhất để chứng tỏ rằng có người đứng về phía Đức Giê-hô-va trong vấn đề nêu ra, và làm cách nào nhân vật ấy đã trở thành người? (Giăng 1:14).

12 Tuy nhiên vấn đề giữ sự trung kiên không phải chỉ riêng cho loài người mà thôi. Ngay cả một thiên sứ trên trời đã phản nghịch để trở thành Sa-tan, và những con khác của Đức Chúa Trời sau này cũng theo Sa-tan phản nghịch lại Ngài (Sáng-thế Ký 6:4, 5). Do đó vấn đề liên quan đến cả vũ trụ. Không ai có thể chứng tỏ rõ ràng mình đứng về phía Đức Giê-hô-va hơn là nhân vật đứng hàng nhì trong vũ trụ—sau Đức Giê-hô-va. Đó là đấng làm “thợ cái”, đã giúp Đức Giê-hô-va trong việc sáng tạo! Người Con trên trời này vui mừng chấp nhận để Đức Chúa Trời chuyển sự sống của ngài vào lòng người nữ đồng trinh Y-sơ-ra-ên tên là Ma-ri, hầu cho ngài được sanh ra làm người trên đất, nơi mà Sa-tan đã nêu lên vấn đề trung thành.

13. Giê-su đã đương đầu với sự thách đố của Sa-tan như thế nào? (I Phi-e-rơ 2:21-23).

13 Sau khi trưởng thành, Con của Đức Chúa Trời là Giê-su làm báp têm để biểu hiệu việc ngài đến trình diện hầu thực hiện công tác đặc biệt mà Đức Chúa Trời giao phó. Không lâu sau đó, Sa-tan đến tấn công! Hắn đề nghị cho Giê-su quyền cai trị mà hắn đang giữ lúc ấy trên tất cả các nước trên đất, miễn là Giê-su làm một hành động tôn sùng Sa-tan và như thế từ bỏ sự trung kiên với Đức Chúa Trời Giê-hô-va. Giê-su trả lời với Sa-tan:

“Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10).

14. Tại sao Giê-su có thể nói rằng Sa-tan “chẳng có chi hết nơi ta”?

14 Vì không để Sa-tan làm ngài từ bỏ luật pháp công bình của Đức Giê-hô-va, nên Giê-su bị hắn dùng các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy gây áp lực khủng khiếp. Họ hành hạ Giê-su một cách độc ác và cuối cùng họ khiến Giê-su bị giết trên cây khổ hình. Tuy nhiên họ đã thất bại vì không lay chuyển được Giê-su ra khỏi đường lối trung kiên toàn vẹn và vâng phục quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Ngay trong ngày Giê-su chết, ngài đã có thể nói về Sa-tan: “Người chẳng có chi hết nơi ta” (Giăng 14:30). Sau đó, vào ngày thứ ba, Đức Giê-hô-va ban thưởng người Con trung thành bằng cách làm người sống lại trong thể thần linh và sau đó được đem lên “bên hữu” Đức Chúa Trời ở trên trời (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32, 33).

15. Giê-su đã khuyến khích các môn đồ như thế nào, và họ đã chứng tỏ là những người như thế nào? (Phi-líp 2:5, 8, 9).

15 Đấng làm gương mẫu trong việc giữ sự trung kiên này đã tuyên bố với các môn đồ trung tín của ngài:

“Các ngươi sẽ có hoạn-nạn trong thế-gian, nhưng hãy cứ vững lòng! ta đã thắng thế-gian rồi” (Giăng 16:33).

Các sứ đồ của Giê-su và nhiều tín đồ đấng Christ sau họ cũng tỏ ra là những người giữ sự trung kiên cho đến chết.

NHỮNG NGƯỜI CAI TRỊ TRUNG THÀNH CHỊU THỬ THÁCH

16. Tại sao loài người có thể tin cậy vào sự quản trị mới trên đất? (Ê-sai 32:1).

16 Đức Chúa Trời cho phép môn đồ của Giê-su phải chịu đựng các sự thử thách và bắt bớ để thực hiện một mục đích quan trọng khác nữa. Giống như Giê-su đã “học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”, những người này cũng phải được huấn luyện và uốn nắn qua những sự đau khổ để phát triển những đức tính sắt đá của lòng trung thành với quyền thống trị của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh cho thấy rằng Đức Chúa Trời chọn một “bầy nhỏ” các môn đồ của Giê-su, gồm “mười bốn vạn bốn ngàn người”, để có phần trong “sự sống lại thứ nhứt”, và lên trời cùng với Giê-su cai trị loài người trong 1.000 năm. Thật sẽ là một sự khác biệt biết bao giữa sự cai trị của Nước Trời và sự cai trị thối nát và vô đạo đức của loài người ngày hôm nay! Ngoài ra, những người quản trị cả trái đất mà chúng ta thấy được sẽ gồm có những người như Gióp và hằng hà sa số những người khác giữ sự trung kiên, của thời xưa và của thế kỷ 20 này, là thời chúng ta đang sống! Nhân loại sẽ tin cậy biết bao nơi sự quản trị ấy! (Hê-bơ-rơ 5:8; Lu-ca 12:32; Khải-huyền 14:1-5; 20:6).

17. Tại sao lòng nhịn nhục của Đức Chúa Trời có lợi ích cho chúng ta? (II Phi-e-rơ 3:9, 15).

17 Chúng ta nên vui mừng vì Đức Giê-hô-va đã chịu “nhịn-nhục” mà chưa vội tiêu diệt người ác, nhờ đó nhiều người có cơ hội để đứng về phía Ngài trong vấn đề trọng đại như trên (Rô-ma 2:4). Mong rằng bạn cũng sẽ được ân phước vì ủng hộ quyền thống trị của Ngài!

18. a) Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét như thế nào? (Giê-rê-mi 25:31). b) Lúc đó trái đất sẽ trở thành một nơi như thế nào? (Ê-sai 11:9).

18 Vấn đề nêu ra từ lâu về sự cai trị của Đức Chúa Trời và sự trung kiên của loài người sắp được giải quyết một lần cho mãi mãi, và phần thắng hoàn toàn ở về phía Đức Giê-hô-va. Chẳng bao lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ thi hành sự phán xét bằng cách đuổi Sa-tan và tất cả những kẻ chống lại quyền cai trị của Ngài khỏi trái đất. Trái đất sẽ trở thành một nơi đẹp lộng lẫy, nơi mà “mọi sinh vật” sẽ “ca ngợi Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 150:6, NW). Nhưng để tiếp tục ca ngợi Đức Chúa Trời, con người sẽ cần phải tiếp tục sống. Làm cách nào có thể tiếp tục sống được? Chương tới sẽ cho chúng ta biết.

[Câu hỏi]

[Hình nơi trang 107]

Một vụ xét xử đòi hỏi nhiều thời gian. Cũng vậy, vấn đề về quyền thống trị phải được xem xét kỹ càng

[Hình nơi trang 110]

Dù bị thử thách khổ sở, Gióp đã giữ sự trung kiên

[Hình nơi trang 113]

Giê-su Christ, người vĩ đại nhất đã giữ sự trung kiên

[Hình nơi trang 115]

Triều đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su sẽ đề cao quyền cai trị công bình của Đức Giê-hô-va và đem lại ân phước cho cả nhân loại