Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tội lỗi làm loài người mất hạnh phúc

Tội lỗi làm loài người mất hạnh phúc

Chương 9

Tội lỗi làm loài người mất hạnh phúc

1. Đức Giê-hô-va đã ban cho cặp vợ chồng đầu tiên một chỗ ở như thế nào, và vị trị chỗ đó có thể thấy ở đâu? (Sáng-thế Ký 2:8, 10, 14).

GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời ban cho hai người đầu tiên một chỗ ở tuyệt đẹp trong “vườn Ê-đen”, tên này có nghĩa là “lạc thú”. Vườn này dường như ở gần núi A-ra-rát của xứ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, trong vùng mà sông Ơ-phơ-rát và Tigris (Hi-đê-ke) vẫn còn bắt nguồn từ đó (Sáng-thế Ký 2:15; 8:4).

2. a) A-đam và Ê-va có triển vọng gì trước mặt họ? (Sáng-thế Ký 1:28). b) Đức Chúa Trời có ý định duy trì sự hợp nhất trong gia đình nhân loại bằng cách nào, và tại sao điều đó là thích hợp? (Giê-rê-mi 10:23).

2 Trước mặt A-đam và Ê-va có một triển vọng tuyệt diệu biết bao! Họ sẽ biến cả trái đất thành một địa đàng và làm đầy dẫy đất với hàng tỉ con cháu, tất cả đều được dựng nên như “hình” Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn của Ngài trên đất! Trong một đại gia đình to lớn như thế, điều trọng yếu là duy trì sự hòa thuận và hợp nhất. Đức Chúa Trời có ý định thực hiện điều đó, không phải bằng cách để cho loài người tự cai trị lấy, nhưng chính Ngài yêu thương cai trị cả nhân loại. Chúng ta cần phải nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng đã hoạch họa và tạo ra con người và biết chúng ta cần gì để thực sự có hạnh phúc “trước khi chưa xin Ngài” (Ma-thi-ơ 6:8).

3. a) Đức Chúa Trời đã cho loài người điều răn giản dị nào? b) Tại sao điều răn đó không gây khó khăn cho họ? (I Giăng 5:3). c) Nếu họ vâng lời thì kết quả sẽ ra sao? (Châm-ngôn 3:1, 2, 7).

3 Đức Chúa Trời đặt giữa vườn “cây biết điều thiện và điều ác” và cho loài người một điều răn rất giản dị:

“Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17).

Sự đòi hỏi này không gây ra điều chi khó khăn, vì cặp vợ chồng đó có thể ăn thỏa thích bao nhiêu đồ ăn khác trong vườn. Đức Chúa Trời chỉ muốn họ kính trọng và vâng phục quyền thống trị của Ngài. Nếu họ cùng hàng tỉ con cháu mà họ có trong tương lai nghe lời Ngài, thì cả nhân loại sẽ hợp nhất mãi mãi trong sự thờ phượng Đấng Thống trị Tối cao duy nhất.

4. a) Địa đàng đã mất đi sự êm đẹp như thế nào? (Gia-cơ 1:14, 15). b) Ê-va và sau đó A-đam đã trật mục tiêu nào, và hậu quả đã ra sao? (I Ti-mô-thê 2:14).

4 Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó vườn lạc thú đã mất sự êm đẹp của nó! Một tạo vật thần linh phản loạn, tên là Sa-tan, đã dùng một con rắn bề ngoài có vẻ vô hại để khuyến khích Ê-va ăn trái cấm và như thế bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Sa-tan nói dối với Ê-va rằng:

“Hai ngươi chẳng chết đâu, nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 3:4, 5).

Vì một dục vọng xấu mà Ê-va đã sa ngã và ăn trái cấm, như thế đã không đạt được mục đích là hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời. A-đam không bị lừa gạt như Ê-va mà nghĩ rằng cãi lời Đức Chúa Trời và ăn trái cấm sẽ không bị chết, nhưng vì A-đam có tinh thần cố ý không muốn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời nên A-đam đã theo vợ bất tuân Đức Chúa Trời. Họ đã lựa chọn “làm theo ý họ” và tách khỏi quyền tối thượng của Đức Chúa Trời.

5. Điều gì đã xảy ra cho A-đam và Ê-va, và cho con cháu họ? (Sáng-thế Ký 3:5, 6, 21-24).

5 Bấy giờ vì hổ thẹn về sự trần truồng, nên họ lấy lá cây vả đóng khố che thân và cố ẩn mình khỏi mắt Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời gọi họ để phán xét, họ cố ý “giữ thể diện” bằng cách mỗi người đổ lỗi cho kẻ khác. Đức Chúa Trời kết án tử hình cặp vợ chồng phản nghịch và đuổi họ ra khỏi vườn lạc thú để họ phải làm việc khó nhọc trên một trái đất đầy gai góc nay bị “rủa-sả” vì loài người (Sáng-thế Ký 3:16-19). Tại đó họ sanh con cái có hình ảnh tội lỗi giống như họ, và vì vậy con cái họ cũng phải chết. Sứ đồ Phao-lô tóm tắt điều đó như sau:

“Như bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).

TỘI LI LÀ GÌ

6. Theo nhiều người nghĩ thì “tội-lỗi” là gì, nhưng Kinh-thánh định nghĩa tội lỗi như thế nào?

6 Có nhiều người lý luận rằng một việc làm xấu là “tội lỗi” chỉ khi nào nó gây tổn hại cho người khác. Nhưng Kinh-thánh không dạy thế. Trong Kinh-thánh, động từ “phạm tội” có nghĩa căn bản là “trật”, với ý nghĩa là không đúng đích hay tiêu chuẩn. Trong trường hợp của A-đam và Ê-va, họ không hoàn toàn vâng lời Đấng Tạo hóa đầy yêu thươngvì vậy họ đã ‘trật mục tiêu’. Tuy đã được dựng nên như “hình” Ngài và theo “tượng” Ngài, nhưng bấy giờ họ không còn phản ảnh nhân cách của Ngài nữa. Họ không còn đạt được các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, và họ truyền cho tất cả gia đình nhân loại cái tính bất toàn đó. Như sứ đồ Phao-lô nói: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).

7. a) Làm thế nào chúng ta có thể chống lại những khuynh hướng tội lỗi? (Rô-ma 12:1). b) Trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời đã cho một căn bản vững chắc nào để có đức tin?

7 Tuy nhiên, những người tôn trọng quyền tối thượng của Đức Chúa Trời có thể chống lại tội lỗi di truyền. Họ có thể trau dồi những đức tính giống như Đức Chúa Trời và dùng thân thể bất toàn của họ để phụng sự Đức Chúa Trời, làm những công việc của đức tin. Đức Chúa Trời đã ban cho một căn bản vững chắc để có đức tin như thế khi Ngài lên án “con rắn” và phán rằng Ngài sẽ dấy lên một “dòng-dõi”, một đấng Cứu chuộc từ “người nữ” tượng trưng cho gia đình ở trên trời của Ngài gồm các thiên sứ thánh. Đấng Cứu chuộc ấy sẽ “giày đạp đầu” Sa-tan cùng tất cả những ai theo nó, để họ không còn hoạt động được nữa (Sáng-thế Ký 3:15).

8. A-bên bày tỏ đức tin như thế nào, và bằng cách nào? (Hê-bơ-rơ 11:4).

8 A-bên là người đầu tiên đã bày tỏ đức tin nơi lời hứa về “dòng-dõi” là đấng Mê-si và đức tin của A-bên đã được Đức Chúa Trời chấp nhận. Mặc dầu gánh chịu tội lỗi di truyền của cha là A-đam, A-bên chứng tỏ đức tin của mình bằng cách dâng cho Đức Chúa Trời những phần tốt nhất của “chiên đầu lòng trong bầy mình”. Điều đó làm hình bóng trước cho việc sẽ xảy ra khoảng 4.000 năm sau đó, khi “dòng-dõi” mà Đức Chúa Trời đã hứa, tức đấng Mê-si, sẽ được dâng làm của-lễ hy sinh như “Chiên con của Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 4:4; Giăng 1:29).

9. a) Đức Chúa Trời cảnh cáo Ca-in về điều gì? b) Ca-in phạm tội nào?

9 Mặt khác, anh của A-bên là Ca-in dùng “thổ-sản” làm của-lễ dâng cho Đức Chúa Trời. Vì Ngài nhận của-lễ của A-bên và từ chối của-lễ của Ca-in nên “Ca-in giận lắm”. Đức Chúa Trời cảnh cáo người rằng “tội-lỗi rình đợi trước cửa”, và nếu người không tự chủ được thì điều đó sẽ đưa người đến chỗ phạm trọng tội. Ca-in không hành động theo lời cảnh cáo ấy. Hắn giết em mình (Sáng-thế Ký 4:3-8). Tội lỗi này khác với tội lỗi A-đam truyền cho con cái. Đó là một hành vi ác gây ra bởi lòng ghen ghét ích kỷ mà Ca-in đã nuôi dưỡng trong lòng mình. Sứ đồ Giăng cảnh cáo chúng ta phải tránh phát triển tính giống như Ca-in:

“Chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma-quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công-bình” (I Giăng 3:11, 12).

A-bên là dòng dõi có tội của A-đam, nhưng Đức Chúa Trời cho người là “công-bình” vì việc làm của người chứng tỏ có đức tin. Mặt khác thì ngoài tội lỗi di truyền của mình, Ca-in còn phạm thêm tội để rồi trở thành người ác. Đức Chúa Trời kết án và từ bỏ hắn.

10. Trong trường hợp của Hê-nóc, tội lỗi di truyền khác biệt với tội lỗi cố ý như thế nào? (Hê-bơ-rơ 11:5, 6).

10 Lời tường thuật về Hê-nóc cũng cho thấy sự khác biệt giữa tội lỗi di truyền và tội lỗi cố ý. Ông là người thứ nhì trong Kinh-thánh có đức tin được Đức Chúa Trời chấp nhận và là một nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Hê-nóc đã mạnh dạn rao truyền thông điệp của Đức Chúa Trời chống những kẻ ác thời bấy giờ:

“Nầy, Chúa [Đức Giê-hô-va] ngự đến với muôn-vàn thánh, đặng phán-xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin-kính về mọi việc không tin-kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ-hổ mà những kẻ có tội không tin-kính đó đã nói nghịch cùng Ngài” (Giu-đe 14, 15).

Hê-nóc là một người bất toàn, một người có tội, nhưng ông ghê tởm những kẻ cố ý làm ác và thế gian không tin kính chung quanh ông. Bởi đức tin, “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. Ông làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và Ngài cất ông đi trong sự chết để thoát khỏi tay kẻ ác và nguy hiểm thời đó (Sáng-thế Ký 5:24).

11. a) Tuy có tội nhưng làm thế nào Nô-ê có thể là người công bình? (Hê-bơ-rơ 11:7). b) Thế gian đã bại hoại như thế nào, và vì vậy Đức Giê-hô-va quyết định làm gì? (Sáng-thế Ký 6:6-8).

11 Một thí dụ khác đáng chú ý về sự khác biệt giữa tội lỗi di truyền và sự làm ác đã xảy ra trong thời kỳ Nô-ê. Nô-ê và gia đình ông là những người có tội, có khuynh hướng làm lỗi như chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, họ chứng tỏ có đức tin nơi Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài. Vì thế Kinh-thánh nói:

“Nô-ê trong đời mình là một người công-bình và trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 6:9).

Nhưng tất cả các người khác đều bại hoại và làm ác. Các điều đó xảy ra phần lớn là vì các con trai thần linh của Đức Chúa Trời ở trên trời đã rời bỏ địa vị được chỉ định của họ để xuống đất lấy con gái đẹp của loài người làm vợ. Con cái do các cuộc giao hợp không thánh khiết này sanh ra là giống người Nê-phi-lim khổng lồ, “những người mạnh-dạn” phi thường, làm thế gian đầy dẫy sự hung bạo.

“Đức Chúa Trời thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn... Thế-gian bấy giờ đều bại-hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy-dẫy sự hung-ác. Nầy, Đức Chúa Trời nhìn xem thế-gian, thấy đều bại-hoại, vì hết thảy xác-thịt làm cho đường mình trên đất phải bại-hoại” (Sáng-thế Ký 6:5, 11, 12).

Giê-hô-va quyết định dùng nước lụt tiêu diệt thế gian ác đó.

12. Bằng cách nào Đức Chúa Trời đã làm lụt trên mặt đất? (II Phi-e-rơ 3:5, 6).

12 Trận nước lụt này không phải chỉ là một trận bão hay một trận lụt địa phương chỉ xảy ra trong vùng thung lũng sông Ơ-phơ-rát mà thôi. Nếu quả như vậy, thì Đức Chúa Trời đã có thể dẫn dắt gia đình Nô-ê và các thú vật đến những đồi gần đó để tránh lụt. Nhưng không phải vậy! Trận lụt này đã bao phủ cả trái đất. Vì thế cho nên Đức Chúa Trời bảo Nô-ê cất một chiếc tàu theo kiểu mẫu mà Ngài cung cấp. Sau khi Đức Chúa Trời đóng cửa tàu sau lưng Nô-ê và các thú vật trong tàu, Ngài mở các đập nước “trên khoảng-không”—vực nước mà Ngài đã tách ra khỏi vực nước dưới đất trong “ngày thứ nhì” của việc sáng tạo.

“Các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống; mưa sa trên mặt đất trọn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm” (Sáng-thế Ký 1:6-8; 7:11, 12).

13. Điều gì đã xảy ra cho Nô-ê và gia đình, và cho những kẻ ác cùng các thiên sứ ác? (Giu-đe 6).

13 Hãy tưởng tượng tai họa đó! Cả một bầu trời đầy nước đổ tuôn xuống đất, tràn ngập tất cả vật sống và bao phủ tất cả các núi! Có lẽ các áp lực kinh khủng gây ra những thay đổi lớn trên mặt đất, có vùng nhô lên cao hợp thành những dẫy núi, có vùng sụp sâu xuống gom nước lại. Trong khoảng thời gian gần một năm, các hố sâu này trở thành những đại đương như chúng ta biết ngày nay. Chỉ có thể do một phép lạ của Đức Chúa Trời mà chiếc tàu mỏng manh cùng với các vật quí báu chứa trong đó gồm tám người và một cặp của mỗi giống vật và chim (hoặc bảy cặp trong trường hợp thú vật thanh sạch) đã sống sót. Những kẻ ác: người Nê-phi-lim và các người khác cùng với tất cả các tạo vật sống trên mặt đất đều bị tiêu diệt. Còn về phần các “con trai” phản nghịch của “Đức Chúa Trời” thì họ bắt buộc phải trở về lãnh vực vô hình, nơi đó Đức Chúa Trời bắt họ phải “chờ sự phán-xét” và sự hủy diệt (II Phi-e-rơ 2:4, 5, 9).

14. Các biến cố trong thời kỳ Nô-ê làm hình bóng trước cho điều gì? (Ma-thi-ơ 24:21, 22, 24).

14 Việc gì đã xảy ra trong ngày của Nô-ê cho thấy rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể giải cứu—và Ngài sẽ giải cứu—những người tầm thường có tội nhưng đặt đức tin nơi Ngài và nơi sự sắp đặt của Ngài để giải cứu. Bây giờ sự giải cứu đó đặt nơi “Con người”, là “dòng-dõi” mà Đức Chúa Trời đã hứa trước và đấng Mê-si, Giê-su Christ (Ga-la-ti 1:4). Khi nói về thời kỳ chúng ta đang sống hiện nay, khi Con người đến để hủy diệt “đời ác [hệ thống mọi sự đầy gian ác, NW] nầy”, chính Con người đó đã nói:

“Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy” (Ma-thi-ơ 24:37-39).

Không còn bao lâu nữa, tất cả những người ích kỷ quyết định coi thường sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va “sẽ cùng nhau bị hủy-hoại; sự tương-lai kẻ ác sẽ bị diệt đi” (Thi-thiên 37:38).

15. a) Có phải vì tội lỗi di truyền khiến chúng ta không thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không? b) Chúng ta nên bắt chước các đức tính và hành động nào của A-bên, Hê-nóc và Nô-ê, và tại sao? (III Giăng 11).

15 Tuy nhiên, bạn không nên nghĩ rằng vì bạn có một xác thịt tội lỗi do ông tổ là A-đam di truyền lại, và vì hàng ngày bạn phạm những tội lỗi không cố ý, nên những điều đó đặt bạn vào hạng người ác nói trên. Giống như A-bên, bạn có thể chứng tỏ có một đức tin làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, căn cứ vào sự hy sinh cứu chuộc của Giê-su. Giống như Hê-nóc, bạn có thể bước đi cùng Đức Chúa Trời, nói cho người khác biết về việc Ngài phán xét thế gian không tin kính hiện nay. Giống như Nô-ê, bạn có thể là một “người giảng đạo công-bình”, nói cho người lân cận biết về lời hứa của Đức Giê-hô-va là thành lập một xã hội trong đó “có sự công-bình ăn ở” (II Phi-e-rơ 2:5, NW; 3:13). Như thế bạn có thể ẩn náu ở nơi an toàn trong thời kỳ khủng hoảng hiện đang diễn ra trên toàn thế giới.

[Câu hỏi]

[Khung nơi trang 83]

CHỨNG CỚ VỀ TRẬN NƯỚC LỤT TRÊN KHẮP ĐẤT

Giê-su Christ làm chứng: “Trong đời Nô-ê... nước lụt đến hủy-diệt thiên-hạ hết” (Lu-ca 17:26, 27).

Có nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy trước trận Nước Lụt thì trái đất có đồng đều một khí hậu dưới lớp nước trên cao che khắp đất, lớp nước này sau đó bị Đức Chúa Trời cho sập xuống để gây tai họa lớn là trận nước lụt:

Scientific Monthly (Nguyệt san Khoa học), tháng 8-1949: “Trong thời đó, trái đất có khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới trên hầu hết đất liền... Mặt đất thì thấp và không có núi cao”.

Science et Vie (Khoa học và Đời sống), tháng 7-1966: “[Vùng Nam cực] thuở xưa là một mảnh đất liền xanh tươi, có suối nước chảy giữa những bông hoa và chim hót trên cành”.

Science News (Tin tức Khoa học) ngày 4-10-1975: “Trong hầu hết mọi văn hóa... đều có những chuyện tương tự nhau một cách lạ thường về trận nước lụt lớn thời xưa đã cuốn đi những nền văn minh và thay đổi mặt trái đất. Có những bằng cớ mới khám phá gần đây trong lòng đất dưới đáy biển... xác nhận đã có một trận nước lụt trên toàn cầu”.

The Deluge Story in Stone (Ch uyện Nước Lụt ghi trên đá) của Byron C. Nelson: “Phải có một tai họa khủng khiếp mới có thể giải thích được cách mà hàng triệu con cá bị chôn trong đá ở Anh, Tô Cách Lan, Wales, Đức, Thụy Sĩ, vùng núi Rockies ở Hoa Kỳ; cách mà hàng triệu con voi và tê giác bị chôn vùi tại Alaska, Tây Bá Lợi Á, Anh, Ý, Hy Lạp;... cách mà hàng triệu con bò sát bị chôn vùi ở miền tây Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Nam Mỹ, Phi Châu, Úc Châu, và đấy là chỉ mới nêu ra một phần những sự kiện như thế.”

Monarchs and Tombs and Peoples—The Dawn of the Orient (Vua chúa, mồ mả và dân tộc—Bình minh Đông phương) của Prince Mikasa: “Có trận Nước Lụt thật không? Kết quả các cuộc đào bới của các nhà khảo cổ trong những năm gần đây cho thấy sự kiện trận Nước Lụt thật sự xảy ra đã được chứng minh đầy đủ”.

[Bản đồ nơi trang 75]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

THỔ NHĨ KỲ

Vườn Ê-đen

Hồ Van

IRAQ

Sông Hi-đê-ke

SYRIA

Sông Ơ-phơ-rát

Địa Trung Hải

[Hình nơi trang 76]

Ê-va, và sau đó A-đam, phạm tội, “trật” mục tiêu hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 81]

Mặc dầu là người tội lỗi, nhưng bởi đức tin, A-bên, Hê-nóc và Nô-ê đã được chấp nhận; những kẻ cố ý phạm tội bị trừng phạt