Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống

Thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống

Chương 14

Thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống

1. a) Đức Chúa Trời chấp nhận một sự thờ phượng như thế nào? b) Tại sao việc chỉ giản dị theo bất cứ một tôn giáo nào là nguy hiểm? (Ma-thi-ơ 15:14). c) Sự thờ phượng thật sẽ dẫn dắt bạn đi trên con đường nào? (Phi-líp 4:8).

SỰ thờ phượng thật có tính cách xây dựng. Ấy là bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và đối với người đồng loại, và tránh sự ô uế của thế gian. Gia-cơ là em của Giê-su mô tả sự thờ phượng thật như sau:

“Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:27).

Đó không phải là vấn đề bạn chỉ giản dị theo bất cứ một tôn giáo nào, giống như đi theo một trong nhiều con đường dẫn lên một ngọn núi. Những đường đó có thể nguy hiểm và làm bạn đi lạc, vì ngày nay có rất nhiều tôn giáo trái ngược nhau, và những người lãnh đạo thì bị lầm lạc hoặc có những mục đích ích kỷ. Trái lại, sự thờ phượng thật sẽ dẫn dắt bạn theo sự “khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận, tiết-độ, nhu-mì, đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành, không có sự hai lòng và giả-hình” (Gia-cơ 3:17).

2. a) Tại sao trong số tổ tiên của chúng ta, có những người đã thay đổi tôn giáo? b) Vậy ngày nay chúng ta nên làm gì để chứng tỏ có khôn ngoan? (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:20, 21).

2 Có nhiều người bào chữa cho việc họ theo một đạo nào đó bằng cách nói rằng: “Chúng tôi và ông bà chúng tôi thờ phượng như thế này đã mấy đời rồi”. Nhưng lịch sử cho thấy rằng nhiều người trong các vị tổ tiên này đã sẵn sàng thay đổi nếu họ thấy sự thay đổi đem lại lợi ích cho họ. Thí dụ ở xứ Nhật-bản, mọi người đều theo đạo Shinto cho đến thế kỷ thứ chín. Sau đó nhiều người thấy thích đạo Phật và họ theo đạo này. Ngày nay phần đông người Nhật sẽ nói với bạn rằng họ theo Phật giáo. Ấy là vì tổ tiên họ không có thái độ cho rằng: “Tôn giáo của cha mẹ tôi đủ tốt cho tôi”. Họ đã sẵn sàng nghe theo người khác. Ngày nay nhiều người đang nghe theo Kinh-thánh.

3. Giê-su đã sửa sai quan niệm sai lầm nào về vấn đề thờ phượng? (Ê-sai 46:5-7).

3 Kinh-thánh khuyến khích chúng ta theo một sự thờ phượng như thế nào? Khi Giê-su còn ở trên đất này, nhiều người tưởng rằng các nghi lễ và hình thức là quan trọng trong sự thờ phượng. Có người thờ phượng trên một núi đặc biệt, còn kẻ khác thì ở đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Giê-su nói với họ rằng:

“Giờ đến, khi các ngươi thờ-lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi này, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem. Các người thờ-lạy sự các ngươi không biết... Giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ-phượng thật lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ-phượng mà Cha ưa-thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy” (Giăng 4:21-24).

4. Thờ phượng Đức Chúa Trời với “tâm-thần và lẽ thật” có nghĩa gì? (Lu-ca 10:27).

4 Giê-su muốn nói gì qua các lời này? Ngài muốn nói rằng sự thờ phượng theo hình thức tại một đền thờ hay nhà thờ, với những nghi lễ lộng lẫy, không phải là điều mà Đức Chúa Trời muốn. Giê-hô-va Đức Chúa Trời là “thần” (II Cô-rinh-tô 3:18, NW). Chính sự thờ phượng trong tâm thần, bày tỏ với một lòng biết ơn, là điều quan trọng đối với Ngài bất cứ ở nơi nào. Giống như Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và bày tỏ điều đó bằng tất cả các điều lớn lao mà Ngài ban cho chúng ta, cũng thế chúng ta có thể thờ phượng Ngài “bằng tâm-thần” bằng cách bày tỏ sự yêu thương của chúng ta đối với Ngài cũng như đối với người đồng loại. Chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời với “lẽ thật” bằng cách học Lời của Ngài là Kinh-thánh để biết ý định của Ngài đối với chúng ta và làm theo ý muốn của Ngài. Sự thờ phượng với “lẽ thật” cũng đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm loại bỏ tất cả các điều sai lầm về tôn giáo.

“HỠI DÂN TA, HÃY RA KHỎI NÓ!”

5. a) Kinh-thánh chỉ cho chúng ta thấy phải tránh loại thờ phượng như thế nào? (Giê-rê-mi 10:3-5). b) Kinh-thánh mô tả đế quốc tôn giáo giả như thế nào, và tại sao? (Gia-cơ 4:4).

5 Muốn cho sự thờ phượng của chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta phải hoàn toàn bỏ tất cả các sự thờ phượng sai lầm. Kinh-thánh nói rõ ràng điều này trong nhiều đoạn:

“Hỡi kẻ yêu-dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng”. “Anh em chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỉ”. “Hỡi các con-cái bé-mọn, hãy giữ mình về hình-tượng!” (I Cô-rinh-tô 10:14, 21; I Giăng 5:21).

Thêm vào đó, sách Khải-huyền còn có mệnh lệnh nghiêm trọng: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó!” Ra khỏi ai? Ra khỏi “Ba-by-lôn lớn, là mẹ kẻ tà-dâm và sự đáng gớm-ghê trong thế-gian”. Đó là đế quốc tôn giáo giả trên khắp đất, Công giáo, Tin lành và các đạo không theo đấng Christ, tất cả đều phủ nhận lẽ thật của Kinh-thánh! Như chúng ta đã ghi nhận trước đây, sự tà dâm thiêng liêng của Ba-by-lôn là ở chỗ nó tán thành và ủng hộ các nhà cầm quyền thế gian và các chính trị gia. Nó còn tổ chức những đảng phái chính trị riêng nằm dưới ảnh hưởng tôn giáo của nó. Cùng với các giáo phái “con”, nó đã lập nhiều thành tích ủng hộ những nhà độc tài và các nhà cầm quyền chính trị khác trong các cuộc chiến tranh của họ và trong các chương trình bạo động hay đàn áp. Bề ngoài nó có vẻ đẹp đẽ, khi tuyên bố rằng nó đã làm chính trị được “trong sạch” bằng cách ban cho các nhà lãnh đạo chính trị một bề ngoài thánh thiện và ban phước cho khí giới chiến tranh của họ. Nhưng các từng trời nói với chúng ta một cách khẩn cấp: ‘Hãy đứng xa nó!’ Vì các nhà cầm quyền—những “tình nhân” của nó thuở trước—sắp sửa tiêu diệt nó! (Khải-huyền 17:3-5; 18:4).

6. Bạn có thể kể vài thực hành thông thường của tôn giáo bắt nguồn từ Ba-by-lôn được không?

6 Như thế, chúng ta cần phải tách ra khỏi tất cả những âm mưu, những sự dạy dỗ cùng các thực hành sai lầm của tôn giáo. Một vài thực hành đó là gì? Hồng y Newman người Anh-quốc mô tả một số thực hành đó trong sách Essay on the Development of Christian Doctrine (Luận về sự tiến triển của giáo lý đạo Ki-tô), xuất bản năm 1878:

“Việc dùng các đền thờ dành riêng cho những thánh đặc biệt, đôi khi được tô điểm với những nhánh cây; nhang, đèn và nến; dâng của lễ hứa nguyện sau khi được lành bệnh; nước thánh; nơi ẩn trú; những ngày lễ và các mùa đặc biệt, sự dùng lịch [tôn giáo], rước lễ, ban phước lành cho đồng ruộng; y phục nhà tu, cạo đỉnh đầu,... hình tượng mới có sau này, và có lẽ thánh ca (chant) tại giáo đường”.

Trong bài luận này, vị hồng y nói rằng Giáo hội Công giáo “làm nên thánh” các thực hành kể trên mà họ đã thâu nhận từ các tôn giáo không thuộc đạo đấng Christ, mặc dầu theo lời của vị hồng y thì chính các thực hành này là “những công cụ và đồ phụ thuộc cho sự thờ phượng ma quỉ”.

7. a) Các lễ tôn giáo nào Đức Chúa Trời không chấp nhận? b) Có phải Lễ Giáng sinh được cử hành vào ngày sanh của Giê-su không? c) Theo “Bách khoa Tự điển Hoa-kỳ” thì các phong tục của Lễ Giáng sinh bắt nguồn từ đâu? d) Những người thờ phượng thật xem Lễ Giáng sinh như thế nào, và tại sao? (II Cô-rinh-tô 6:17). e) Đấng Christ bảo môn đồ phải kỷ niệm biến cố duy nhất nào? (Lu-ca 22:19, 20).

7 Tuy nhiên những thói tục như thế không được Đức Chúa Trời của lẽ thật chấp nhận. Ngài cũng không tán thành các lễ lộc căn cứ vào tôn giáo của Ba-by-lôn. Thí dụ hàng năm có lễ Giáng sinh mà người ta làm như là lễ mừng sinh nhật của Giê-su, mặc dầu lễ này bắt nguồn từ Ba-by-lôn xưa. Kinh-thánh cho thấy rằng thật ra Giê-su sanh vào khoảng ngày 1 tháng 10 năm 2 trước công nguyên. Nhưng lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 chỉ bắt đầu có từ thế kỷ thứ 5 công nguyên, khi giáo hội bội đạo tự xưng theo đấng Christ gắn nhãn hiệu “theo đấng Christ” vào các cuộc ăn uống say sưa náo nhiệt của dân ngoại vào dịp cuối năm. Cuốn Encyclopedia Americana (Bách khoa Tự điển Hoa-kỳ), xuất bản năm 1959, quyển 6, trang 622, nói:

“Phần nhiều các phong tục hiện thời liên quan đến lễ Giáng sinh không phải là những phong tục nguyên thủy của Giáng sinh. Đúng hơn, đó là những phong tục đã có trước đạo Đấng Christ và thuộc về dân ngoại mà giáo hội đấng Christ đã thâu nhận vào. Lễ Saturnalia mà người La Mã ăn mừng vào giữa tháng 12 là lễ thờ Thổ tinh và làm mẫu cho nhiều phong tục ăn chơi vui đùa của lễ Giáng sinh. Thí dụ việc trao đổi quà, tiệc tùng, thắp nến, đều từ lễ đó mà ra”.

Tại nhiều nơi trên trái đất, những người không theo đạo đấng Christ như người theo đạo Phật, đạo Do Thái và các đạo khác cũng ăn mừng Giáng sinh một cách nhiệt thành như những người Công giáo và Tin lành. Thường thường lễ này được gắn liền với việc mua bán và lòng tham lam. Nó không phải là lễ của đạo đấng Christ. Không có chỗ nào trong Kinh-thánh nói phải mừng ngày sinh nhật của Giê-su hay của bất cứ ai khác, nhưng một điều mà Giê-su phán dặn nên làm là môn đồ ngài phải cử hành một buổi lễ để “nhớ” đến ngày chết của ngài mỗi năm. Lý do là vì cái chết của ngài là trọng yếu để cứu chuộc loài người (I Cô-rinh-tô 11:23-26).

8. Tại sao chúng ta phải mau mau tách rời khỏi tôn giáo sai lầm? (Giê-rê-mi 51:6).

8 Đức Chúa Trời hằng sống của lẽ thật không tán thành các thực hành của sự thờ hình tượng và các sự “ve vãn” với chính trị của đế quốc tôn giáo giả. Thật vậy, các điều này chứng tỏ nó là “Ba-by-lôn lớn” mà Khải-huyền 18:21 nói:

“Bấy giờ một vị thiên-sứ rất mạnh lấy một hòn đá như cối-xay lớn quăng xuống biển mà rằng: Ba-by-lôn là thành lớn cũng sẽ bị quăng mạnh xuống như vậy”.

Nếu chúng ta muốn tránh “dự phần vào các tội-lỗi nó” và bị hủy diệt như nó, chúng ta phải mau mau tách rời khỏi tôn giáo sai lầm! (Khải-huyền 18:2-4).

SỰ THỜ PHƯỢNG ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI CHẤP NHẬN

9. Tại sao những người thờ phượng thật phải nhóm lại với nhau? (Ê-phê-sô 4:15, 16).

9 Sứ đồ Phao-lô mô tả những người thờ phượng thật ngày nay nên làm gì qua những lời sau đây:

“Hãy cầm-giữ sự làm chứng về điều trông-cậy chúng ta chẳng chuyển-lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành-tín. Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:23-25).

Vì thế, những người yêu mến Đức Chúa Trời cần phải nhóm lại để học hỏi Lời của Ngài và khuyến khích lẫn nhau vì ngày mà Đức Chúa Trời ra tay để hủy diệt Ba-by-lôn lớn cùng tất cả những hệ thống bất công khác và tái lập một địa đàng vinh quang trên trái đất này đang đến một cách nhanh chóng.

10. Sự thờ phượng thật ảnh hưởng đến nhân cách của chúng ta như thế nào? (Cô-lô-se 3:9, 10, 12-14).

10 Tuy nhiên sự thờ phượng thật bao gồm nhiều điều khác hơn là chỉ nhóm lại với những người yêu mến Đức Chúa Trời. Muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta không những phải tránh xa tôn giáo sai lầm mà còn cả lối sống đồi trụy của thế gian nữa. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta phải lột bỏ “nhân-cách cũ” với cách ăn ở luông tuồng, ô uế và tham lam. Ông cũng nói:

“[Anh em] phải làm nên mới trong tâm-chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:19-24).

Bởi vậy nếp sống của chúng ta phải trong sạch về mặt đạo đức và về mặt tinh thần phải có tính cách xây dựng đối với những người chung quanh chúng ta. Để bày tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhận Ngài là Đấng Cai trị trong đời sống chúng ta.

11. Giê-su cho chúng ta một gương mẫu khác nào về sự thờ phượng thật? (Lu-ca 8:1).

11 Chính Giê-su cho gương mẫu về cách thờ phượng thật trong một phạm vi quan trọng khác. Ít lâu sau khi bị Ma quỉ cám dỗ, ngài bắt đầu công việc mà Ma-thi-ơ 4:17 mô tả như sau:

“Từ lúc đó, Đức Chúa Giê-su khởi giảng-dạy rằng: Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần”.

Khoảng ba năm sau đó, khi ngài ra trước mặt Phi-lát, Giê-su xác nhận rằng việc ngài làm chứng cho lẽ thật về Nước Trời là một phần trọng yếu của sự thờ phượng của ngài khi ở trên đất. Ngài nói:

“Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta” (Giăng 18:37).

Bạn có vâng theo tiếng ngài không? Nếu có thì bạn cũng có thể có đặc ân làm chứng cho lẽ thật về Nước Trời giống như Giê-su.

12. Giê-su để lại cho chúng ta một gương mẫu nào về sự cầu nguyện? (Giăng 14:13, 14; 15:16).

12 Một phần quan trọng khác của sự thờ phượng thật là lời cầu nguyện dâng lên Đức Giê-hô-va nhân danh Giê-su, vì sự hy sinh làm giá chuộc của ngài mở đường cho chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Kinh-thánh kết án lời cầu nguyện theo hình thức, lặp đi lặp lại. Chính Giê-su nói:

“Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm. Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài. Vậy các ngươi hãy cầu như vầy”.

Sau đó Giê-su cho một lời cầu nguyện mẫu, không phải để chúng ta lặp đi lặp lại như một nghi thức lần chuỗi hạt hay dùng hình tượng, nhưng để cho chúng ta một nguyên tắc về cách cầu nguyện. Ngài nói rằng trước hết chúng ta có thể cầu nguyện cho danh Đức Giê-hô-va, Cha chúng ta trên trời, được nên thánh, và cầu cho nước Ngài đến và ý định của Ngài được thực hiện trên đất này cũng như ở trên trời. Sau đó, chúng ta có thể cầu Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những gì chúng ta cần hàng ngày, xin Ngài tha tội vì chúng ta thường hay lầm lỗi và giúp chúng ta trung kiên với Ngài để không bị “kẻ ác” là Sa-tan cám dỗ (Ma-thi-ơ 6:5-13, NW). Tất cả lời cầu nguyện, dù nói nơi kín đáo, trong gia đình hay ở buổi họp của hội thánh đều phải dâng lên từ trong lòng chứ không phải là lời đọc thuộc lòng để ra vẻ mộ đạo. Các lời cầu nguyện của chúng ta phải hoàn toàn không có dấu vết gì liên quan đến những thực hành mê tín dị đoan của tôn giáo Ba-by-lôn. Tuy nhiên, bạn có lẽ tự hỏi: “Nhưng mê tín dị đoan có hại gì không?” Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này.

[Câu hỏi]

[Hình nơi trang 125]

Sự thờ phượng với tâm thần, chứ không phải với đền miếu, là quan trọng đối với Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 128]

Giáng sinh không phải là lễ của đạo đấng Christ

[Hình nơi trang 131]

Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nhóm lại để học hỏi Lời của Đức Chúa Trời và để chia sẻ tin mừng với người lân cận