Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin mừng đã được gìn giữ như thế nào?

Tin mừng đã được gìn giữ như thế nào?

Chương 5

Tin mừng đã được gìn giữ như thế nào?

1. Tại sao Kinh-thánh đã tồn tại?

NHIỀU tài liệu viết thời xưa nay không còn nữa. Chúng đã trở về với cát bụi và bị lãng quên, cũng như những người đã viết ra chúng. Đa số những sách viết cách đây mấy ngàn năm nay chỉ còn là những mảnh nhỏ. Nhưng Kinh-thánh thì vẫn còn! Đúng như I Phi-e-rơ 1:24, 25, (NW) nói:

“Vì, mọi xác thịt ví như cỏ, mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Giê-hô-va [Đức Chúa Trời] còn lại đời đời. Và lời đó là tin mừng đã giảng ra cho anh em”.

Sự kiện Kinh-thánh tồn tại bất kể sự tàn phá của thời gian và các cuộc tấn công của những kẻ thù nghịch là một điều lạ lùng. Chắc chắn Đức Chúa Trời đã gìn giữ “tin mừng” để hướng dẫn chúng ta qua khỏi thời kỳ khó khăn ngày nay.

GÌN GIỮ KINH-THÁNH

2. Những bản nguyên thủy do Môi-se viết đã được gìn giữ như thế nào, và trong bao lâu?

2 Những người được soi dẫn đã viết các “sách nhỏ” trên da thú. Những người trung thành đã gìn giữ các bản viết thời xưa đó rất kỹ “để bên hòm giao-ước”, tức là hộp thánh mà Đức Chúa Trời đã bảo dân Y-sơ-ra-ên làm (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:26; I Sa-mu-ên 10:25). Khi dân Y-sơ-ra-ên sa ngã, đi thờ hình tượng thì các sách luật pháp do Môi-se viết đã bị thất lạc mất một thời gian. Nhưng sau đó Giô-si-a là một vua tốt đã tìm thấy sách khi sửa chữa lại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Những bản viết nguyên thủy này về sau đã bị thất lạc muộn nhất là khi quân Ba-by-lôn thiêu hủy đền thờ vào năm 607 trước công nguyên.

3. a) Làm sao ta biết rằng có những bản sao Kinh-thánh vào thời Đa-ni-ên? b) Lời tiên tri đã ứng nghiệm thế nào vào năm 537 trước công nguyên? (Giê-rê-mi 29:10).

3 Tuy nhiên, trước đó người ta đã làm nhiều bản sao chép tay của các thánh thư được soi dẫn đó, cho nên Đa-ni-ên, một tôi tớ của Đức Chúa Trời bị lưu đày ở Ba-by-lôn, đã có thể “bởi các sách [mà] biết rằng” nhà tiên tri Giê-rê-mi đã báo trước rằng sự lưu đày của dân Do Thái sẽ chấm dứt sau bảy mươi năm, tức vào năm 537 trước công nguyên (Đa-ni-ên 9:2). Và lịch sử ghi chép rằng sự lưu đày đã chấm dứt thật sự vào đúng năm đó, bởi một phép lạ của Đức Chúa Trời, và một số người Do Thái còn sót lại đã trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại đền thờ Đức Chúa Trời.

4. a) E-xơ-ra đã khuyến khích điều gì có lợi ích cho người Do Thái? (E-xơ-ra 7:6). b) Điều mới mẻ nào đã phát triển từ khoảng năm 280 trước công nguyên?

4 Sau sự phục hồi này, “E-xơ-ra là người thông-giáo” đã khuyến khích người Do Thái “mỗi ngày... đọc [lớn tiếng, NW] trong sách luật-pháp của Đức Chúa Trời” khi nhóm họp lại (Nê-hê-mi 8:13, 18). Dường như lúc ấy có nhiều người đã bận rộn chép tay nhiều bản Kinh-thánh để cho người Do Thái dùng, vì họ có những cộng đồng ở rải rác nhiều nơi trên thế giới thời xưa. Vào khoảng năm 280 trước công nguyên tại thành Alexandria, xứ Ai Cập, người ta bắt đầu dịch Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp để cho những người Do Thái thái nói tiếng Hy Lạp ở đó sử dụng. Bản dịch này gọi là bản Septuagint (có nghĩa “bảy mươi”), vì theo lời người ta thì bản này do một nhóm bảy mươi người Do Thái dịch.

5. a) Làm thế nào những người sao chép Kinh-thánh tránh lầm lỗi trong việc sao đi chép lại? b) Sự so sánh giữa “cuộn sách vùng Biển Chết” chép sách Ê-sai và các bản chép tay ở thế kỷ thứ mười chứng tỏ gì? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:2).

5 Những người sao chép Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã làm việc rất cẩn thận, dùng những phương pháp thật công phu để cho khỏi bị nhầm lẫn. Họ đếm từng chữ một, ngay cả từng chữ cái, và nếu có viết sai một chữ cái nào thì họ bỏ đi cả đoạn đó và chép lại cho đúng. Để chứng minh sự chính xác đó, những bản chép tay trong thế kỷ thứ mười công nguyên có nội dung giống như sách Ê-sai khám phá ra gần đây tại vùng “Biển Chết” và sách này đã được chép lại trong thế kỷ thứ nhất hay thứ hai trước công nguyên. Như vậy, sau hơn một ngàn năm sao đi chép lại, bản văn của Kinh-thánh vẫn không thay đổi!

6. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng bản Kinh-thánh ngày nay là đúng?

6 Tương tự như thế, người ta nhận thấy việc sao chép Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp cũng rất tỉ mỉ vì những người sao chép cũng chú ý đến ngay cả những chi tiết nhỏ. Bởi vậy chúng ta có thể tin chắc rằng những bản tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp dùng để dịch ra các bản Kinh-thánh ngày nay thật sự giống những bản nguyên thủy viết tay thời xưa được “Đức Chúa Trời soi-dẫn”. Người ta đã so sánh hàng chục ngàn bản chép tay trong nhiều thứ tiếng để đi đến kết luận đó. Đúng, Kinh-thánh mà chúng ta có ngày nay trong hơn 2.000 thứ tiếng là “lời” đã được viết ra dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời trong khoảng thời gian từ thế kỷ mười sáu trước công nguyên đến thế kỷ thứ nhất công nguyên.

CÁC CỐ GẮNG NHẰM NGĂN CHẶN “TIN MỪNG”

7. a) Ai là kẻ thù nghịch của Kinh-thánh, Chúa Giê-su nói gì với họ, và họ đã phản ứng thế nào? (Ma-thi-ơ 23:27, 28). b) Sa-tan đã dùng ai để tiếp tục chống lại “tin mừng”? (II Phi-e-rơ 2:1, 2).

7 Kinh-thánh luôn luôn có kẻ thù nghịch. Điều đáng ngạc nhiên là kẻ thù nghịch chính của Kinh-thánh lại là những kẻ lãnh đạo tôn giáo tự xưng dạy dỗ về Kinh-thánh. Thí dụ, những kẻ lãnh đạo tôn giáo trong dân Do Thái thời Chúa Giê-su “đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời” và “dạy theo những điều-răn mà chỉ bởi người ta đặt ra” (Ma-thi-ơ 15:6-9). Chúa Giê-su đã lên án họ và ngài nói với họ:

“Các ngươi bởi cha mình, là ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình...[Nó] chẳng bền-giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44).

Bởi vì Chúa Giê-su nói sự thật và rao truyền “tin mừng” là Đức Chúa Trời có ý định giải cứu loài người, những kẻ lãnh đạo tôn giáo đó đã khiến cho ngài bị giết. Và mặc dù Chúa Giê-su đã thành lập hội thánh đấng Christ như một “trụ và nền của lẽ thật”, Sa-tan Ma-quỉ vẫn tiếp tục chống đối “tin mừng” bằng cách dùng các tôi tớ của hắn ở trong các tôn giáo trên đất (I Ti-mô-thê 3:15).

8. a) Kinh-thánh đã báo trước thế nào về sự bội đạo? (Ma-thi-ơ 7:15, 20). b) Tôn giáo tự xưng theo đấng Christ được thành lập khi nào, và bởi ai? c) Tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã trở thành một phần của cái gì? d) Điều gì làm cho các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ trở thành kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời?

8 Năm 56 công nguyên, sứ đồ Phao-lô tiên tri điều gì sẽ xảy đến, khi ông nói với các trưởng lão hội thánh đấng Christ tại Ê-phê-sô:

“Sau khi tôi đi, sẽ có muông-sói dữ-tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30).

Đúng như lời tiên tri nói trên, trong vòng ba thế kỷ sau đó, sự bội đạo đã thật sự xảy ra. Chính vào năm 325 công nguyên, hoàng đế La Mã Constantine là người không làm báp têm, nhưng đã thành lập tôn giáo “tự xưng theo đấng Christ”. Hệ thống tôn giáo ấy đã bóp méo giáo lý đạo đấng Christ và pha trộn với nhiều truyền thuyết huyền bí của Ba-by-lôn thời xưa do Sa-tan chủ trương, và Kinh-thánh cho biết thành Ba-by-lôn là nơi xuất phát của tất cả các tôn giáo giả. Như thế, tôn giáo tự xưng theo đấng Christ trở thành một phần của hệ thống tôn giáo giả trên khắp thế giới, gọi là “Ba-by-lôn lớn, là mẹ kẻ tà-dâm và những sự đáng gớm-ghê trong thế-gian” (Khải-huyền 17:3-5). Sự tà dâm này liên quan đến các hành động của những giáo phái tự xưng thuộc về Đức Chúa Trời nhưng lại kết hợp mật thiết với những người lãnh đạo chính trị thối nát của thế gian hung ác này, và điều này làm chúng trở nên kẻ “thù-nghịch với Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4). Các giáo phái tự xưng theo đấng Christ thường xúi giục những người lãnh đạo chính trị bắt bớ tín đồ thật của đấng Christ.

9. Những biến cố lịch sử nào chứng tỏ các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ mang tội đổ máu? (Giê-rê-mi 2:34).

9 Nhìn bề ngoài thì các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có vẻ đẹp đẽ lắm, với những nhà thờ chánh tòa, đại giáo đường và những nhà thờ lộng lẫy, với các đám rước kiệu rềnh rang và thánh ca trang trọng. Nhưng các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có những thành tích nào? Trải qua nhiều thế kỷ, các nước có phần đông dân tự xưng theo đấng Christ đã đi xâm lăng, cướp bóc và đô hộ nhiều dân tộc yếu hơn. Lịch sử cũng tố cáo những cuộc Thập tự chiến đẫm máu ở Cận Đông, Pháp đình tôn giáo tàn bạo tại nhiều nước bị người Công giáo thống trị, Chiến tranh Nha phiến tại Trung Hoa và các cuộc chiến tranh tàn khốc cùng những cuộc xung đột tôn giáo trong thế kỷ 20 này. Cả Thế chiến thứ nhất lẫn Thế chiến thứ hai đều bắt đầu tại những nước có phần đông dân tự xưng theo đấng Christ; trong các trận chiến này người Công giáo và Tin lành chém giết lẫn nhau không phân biệt gì cả.

10. Điều gì chứng tỏ các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ là tôn giáo giả? (Ma-thi-ơ 26:52).

10 Kinh-thánh kết án mạnh mẽ các cuộc chiến tranh ích kỷ đó như sau:

“Những điều chiến-đấu tranh-cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình-dục anh em vẫn hay tranh-chiến trong quan-thể mình sao? Anh em tham-muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen-ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh-cạnh và chiến-đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu-xin. Anh em cầu-xin mà không nhận-lãnh được, vì cầu-xin trái lẽ, để dùng trong tư-dục mình” (Gia-cơ 4:1-3).

CHỐNG LẠI VIỆC DỊCH KINH-THÁNH

11. Giáo hội Công giáo chống lại việc phổ biến Kinh-thánh như thế nào? (Giăng 3:19, 20).

11 Lịch sử của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có ghi lại sự chống đối kịch liệt nhằm ngăn cản sự phổ biến Kinh-thánh và “tin mừng” của Kinh-thánh. Nào có lạ gì! Vì Kinh-thánh tố cáo các cuộc đổ máu mà chúng gây ra. Trong Thời kỳ Tối tăm ô nhục thời Trung Cổ, các giáo hoàng La Mã thống trị các nước tự xưng theo đấng Christ trong hơn một ngàn năm ròng rã, và không có một sự cố gắng nào nhằm phổ biến Kinh-thánh trong dân gian. Chỉ có vài bản Kinh-thánh chép bằng tiếng La-tinh, một thứ tiếng mà sau này chỉ có các tu sĩ mới biết đến mà thôi. Nhưng khi có một vài người can đảm cố gắng dịch Kinh-thánh ra tiếng phổ thông để cho người dân thường có thể đọc và hiểu thì họ lại bị bắt bớ, và thường thì họ bị xử tử. Vào thế kỷ mười bốn công nguyên, John Wycliffe lần đầu tiên dịch Kinh-thánh từ tiếng La-tinh sang tiếng Anh. Nhưng Tổng giám mục công giáo thuộc địa phận Canterbury, Anh quốc, gọi ông là “một tên ôn dịch...con cháu của con Rắn xưa”, và vài năm sau khi Wycliffe qua đời, mấy kẻ chống lại Kinh-thánh khai quật hài cốt của ông lên để đốt và rải tro xuống sông Swift.

12. a) Mục đích của Tyndale là gì? (Lu-ca 2:10). b) Ông đã làm thế nào để đạt đến mục đích ấy, nhưng điều gì đã xảy ra cho ông? c) Công việc của Tyndale đã đưa đến kết quả nào?

12 Vào thế kỷ mười sáu, William Tyndale bắt đầu dịch Kinh-thánh từ nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp sang tiếng Anh và ông tuyên bố: “Nếu Đức Chúa Trời gìn giữ mạng sống tôi thì trong vài năm nữa tôi sẽ làm cho cậu bé kéo cày biết Kinh-thánh nhiều hơn các linh mục”. Nhưng ông phải trốn khỏi Anh quốc và sang lục địa Âu Châu để dịch và in Kinh-thánh. Nhiều bản dịch Kinh-thánh đã được lén lút đưa vào Anh quốc và bắt đầu được phổ biến, mặc dầu giới lãnh đạo tôn giáo công khai đốt những bản Kinh-thánh mà họ tịch thâu được. Ông Tyndale bị một người giả hình phản bội và ông bị treo cổ, sau đó xác ông bị đốt. Nhưng bản dịch Kinh-thánh của ông vẫn còn tồn tại nên những người dân thường như cậu bé kéo cày có thể đọc “tin mừng”. Sau này người ta dùng bản dịch của Tyndale để soạn thảo bản dịch nổi tiếng bằng tiếng Anh gọi là bản dịch (King James Version).

13. Hãy cho biết vài chuyện xảy ra trong việc dịch Kinh-thánh ra các thứ tiếng Á Đông.

13 Nhiều người khác dịch Kinh-thánh cũng thường gặp trở ngại. Tại Quảng-đông, Trung Hoa, ông Robert Morrison và các cộng sự viên của ông lén lút dịch Kinh-thánh ban đêm, dù họ biết là họ có thể bị tra tấn đến chết nếu bị bắt. Có một giai đoạn họ giấu các bản gỗ để in sách Công-vụ các Sứ-đồ nhưng sau cùng bị mọt ăn. Họ in cuốn Kinh-thánh trọn bộ bằng tiếng Trung Hoa vào năm 1818. Bản dịch Kinh-thánh bằng tiếng Miến Điện được hoàn tất vào năm 1835. Trước đó, dịch giả là ông A. Judson, bị bỏ tù gần một năm, bị xiềng lại trong một nhà giam đầy rận. Ông phải giấu bản dịch viết tay của ông trong cái gối. Trong thập niên 1880, trong khi công việc rao giảng của các giáo sĩ bị cấm đoán tại Đại Hàn, một phần Kinh-thánh được dịch và in ra bằng tiếng Đại Hàn tại Mãn Châu, và nhiều bản được đưa vào Đại Hàn. Vào năm 1887, bản dịch Kinh-thánh trọn bộ đầu tiên bằng tiếng Nhật được in ra. Một số ấn bản đầu tiên của Kinh-thánh này dùng danh của Đức Giê-hô-va một cách đúng, trong cả hai phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp.

“TIN MỪNG” TIẾP TỤC TỒN TẠI!

14. a) Điều gì chứng tỏ rằng những nỗ lực của Sa-tan nhằm loại bỏ Kinh-thánh đã thất bại? b) Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có thái độ nào về việc dạy dỗ Kinh-thánh?

14 Những nỗ lực của Sa-tan nhằm loại bỏ Kinh-thánh đã thất bại. Trong những năm gần đây, nhiều bản dịch Kinh-thánh xuất sắc đã được in ra trong nhiều thứ tiếng và toàn thể nhân loại có thể đọc được “tin mừng”. Hiện nay, nhiều gia đình có cuốn Kinh-thánh. Nhưng các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có giúp người ta hiểu Kinh-thánh không? Không, vì hiện nay họ giữ thái độ giống như những kẻ lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giê-su. Họ gạt qua một bên Lời Đức Chúa Trời để “giữ theo lời truyền-khẩu của mình”, là những sự dạy dỗ sai lầm bắt nguồn từ Ba-by-lôn mà Constantine đã tiếp nhận khi thành lập “giáo hội tự xưng theo đấng Christ” (Mác 7:9, 13).

15. Tin mừng đã được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” như thế nào? (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).

15 Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngày nay trong tất cả các nước trên đất có những tín đồ đấng Christ quay trở về sự dạy dỗ thuần túy của tin mừng mà Chúa Giê-su và các sứ đồ của ngài đã rao truyền. Giống như tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất, họ lại đi rao giảng về tin mừng này “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô-lô-se 1:23). Đó là “tin mừng vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phúc” (I Ti-mô-thê 1:11, NW). Nhưng “Đức Chúa Trời hạnh phúc” đó là ai, và làm thế nào chúng ta có thể hưởng ân phúc của Ngài?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 40]

“Cuộn sách vùng Biển Chết” chép sách Ê-sai chứng minh Kinh-thánh đã được sao chép chính xác

[Hình nơi trang 43]

Các cuộc chiến tranh của các đạo tự xưng theo đấng Christ cho thấy chúng mạo nhận theo đấng Christ

[Hình nơi trang 46]

Mặc dù bị tôn giáo giả chống đối, “tin mừng” vẫn đang được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”