Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Viết sách về tin mừng

Viết sách về tin mừng

Chương 2

Viết sách về tin mừng

1. Loại sách nào có lợi ích cho tất cả nhân loại?

BẠN mong gì nơi một quyển sách có tin mừng cho tất cả nhân loại? Trước hết, quyển sách ấy phải có trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Hơn nữa, thông điệp của sách đó phải có ý nghĩa, phải giúp người của mọi chủng tộc sống một cách tốt nhất ngay trong hiện tại và cho họ hy vọng về tương lai. Đó là quyển sách mà chúng ta đã đề cập đến trong chương đầu của sách này. Đó là:

2. a) Kinh-thánh có từ bao lâu rồi? b) Tại sao gần như mọi người có thể đọc Kinh-thánh trong tiếng mẹ đẻ của mình? c) So với các sách khác, Kinh-thánh có tổng số phát hành như thế nào? (Rô-ma 10:14, 18).

2 Kinh-thánh là loại sách như thế nào? Trước hết, đó là một quyển sách rất xưa, bắt đầu viết ra từ hơn 3.400 năm nay. Kinh-thánh được phổ biến trong mọi nước, kể cả những hải đảo xa xôi, hẻo lánh. Người ta có thể thấy quyển Kinh-thánh trong những túp lều tranh đơn sơ cũng như trong những nhà tối tân. Quyển sách này đã được dịch ra trọn bộ hoặc từng phần trong hơn 1.575 thứ tiếng và thổ ngữ, cho nên hầu hết mọi người có thể đọc Kinh-thánh trong tiếng mẹ đẻ của mình. Không một quyển sách nào khác có tổng số phát hành nhiều bằng quyển Kinh-thánh. Thật vậy, Kinh-thánh đã được in ra hàng tỉ cuốn, và mỗi năm hàng triệu cuốn Kinh-thánh được phân phát trên khắp đất.

3. a) Tại sao chữ “Bible” là một tên thích hợp cho quyển Kinh-thánh? b) Bản chính nguyên thủy được viết ra trên gì?

3 Thật ra quyển Kinh-thánh gồm có 66 sách nhỏ ghép lại thành một. Chữ “Bible” (Kinh-thánh) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp bibliʹa có nghĩa là “những sách nhỏ”. Và chính chữ bibliʹa ra từ chữ biblos ám chỉ phần mềm bên trong cây chỉ thảo. Trong các xứ mà Kinh-thánh nói đến, người ta dùng loại cây này để làm ra một thứ giấy dùng thời xưa. Có một thời những cuốn sách của Kinh-thánh được chép tay trên giấy làm bằng cây chỉ thảo này, tuy các bản chính hình như đã được viết trên da thuộc.

4. a) Bao nhiêu người đã viết Kinh-thánh? b) Họ đã viết trong khoảng thời gian nào? c) Tại sao Kinh-thánh là một quyển sách đặc sắc chứa đựng sự khôn ngoan vô song? (Giăng 17:17).

4 Có khoảng bốn mươi người viết ra sáu mươi sáu “sách nhỏ” hợp thành Kinh-thánh, trong khoảng thời gian hơn 1.600 năm, từ năm 1513 trước công nguyên đến năm 98 công nguyên. Tất cả những người viết này đều đồng một ý với nhau về phần giáo lý và tất cả đều khai triển một đề tài duy nhất. Kết quả là một quyển sách đặc sắc chứa đựng sự khôn ngoan vô song.

5. Thay vì gọi là “Cựu Ước” và “Tân Ước”, tốt hơn chúng ta nên gọi là gì, và tại sao?

5 Nhiều người chia Kinh-thánh ra làm hai “giao ước”, và cho rằng “Cựu Ước” không có giá trị bằng “Tân Ước”. Nhưng thật ra không phải như vậy vì tất cả hợp thành quyển Kinh-thánh. Vả lại, trong Kinh-thánh có nhiều giao ước chứ không phải chỉ có hai giao ước. Vì thế tốt hơn chúng ta nên gọi hai phần của Kinh-thánh là “Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ” và “Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp”, vì hầu hết Kinh-thánh được viết ra bằng hai thứ tiếng đó. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ là căn bản chính yếu giúp hiểu rõ ràng Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, và Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp bổ túc Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, chỉ cho thấy sự ứng nghiệm của những điều ghi trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Mỗi cuốn trong sáu mươi sáu “sách nhỏ” góp phần vào việc giúp chúng ta hiểu rõ ý định của Đấng Tạo hóa loài người.

6. a) Những người viết Kinh-thánh thuộc tầng lớp nào trong xã hội? b) Mọi sự đã chép từ xưa để làm gì? (I Cô-rinh-tô 10:11).

6 Giống như tin mừng trong Kinh-thánh là dành cho tất cả nhân loại, cũng một thể ấy những người viết Kinh-thánh là những người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Có người làm nghề chăn chiên, người làm nghề đánh cá, người làm ruộng, có một người làm y sĩ và một người làm nghề thâu thuế. Có ít nhất hai người làm vua. Những người khác làm thầy tế lễ, nhà tiên tri hay người chép Kinh-thánh. Có một người trước kia tàn nhẫn bắt bớ những người tin nơi tin mừng này, nhưng sau đó ông thay đổi và trở thành một trong những người sốt sắng nhất biện hộ cho tin mừng. Sứ đồ Phao-lô trước kia là một người lãnh đạo trong tôn giáo giả, nhưng sau khi cải đạo, ông viết về các sách trong Kinh-thánh viết ra trước đó như sau:

“Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4).

7. Tại sao Kinh-thánh có thể gọi là một cuốn sách Đông phương? (Rô-ma 3:1, 2).

7 Mặc dầu được phổ biến nhiều nhất trong các nước Tây phương, nhưng thật ra Kinh-thánh là một quyển sách Đông phương. Tất cả những người góp phần vào việc viết Kinh-thánh đều là người Đông phương sống ở vùng Trung Đông. Phần lớn các biến cố thuật lại trong Kinh-thánh xảy ra ở các nước Đông phương và phản ảnh những phong tục của các nước đó. Thí dụ, Kinh-thánh mô tả đấng Cai trị nhân loại trong tương lai là một người chăn chiên Đông phương, yêu thương chăm sóc bầy chiên của mình:

“Người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài. Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người. Nhưng chiên chẳng theo người lạ...người chăn hiền-lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 10:3-5, 11).

Khi chúng ta được người Chăn chiên Đông phương thuở xưa yêu thương cai trị, thì ngày đó sẽ vui mừng biết bao!

TIN MỪNG ĐÃ ĐƯỢC GHI CHÉP THẾ NÀO

8. Những người viết Kinh-thánh cũng giống chúng ta ngày nay như thế nào?

8 Những người viết Kinh-thánh là những người bất toàn, có những yếu kém và có thể lầm lẫn. Vì là người phàm nên họ không khác gì những người đồng loại. Khi sứ đồ Phao-lô và người bạn giáo sĩ là Ba-na-ba bị người ta lầm tưởng là thần thánh, ông nói với họ: “Chúng ta chỉ là loài người, giống như các ngươi” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:15). Vậy thì làm thế nào những người bất toàn có thể viết ra một thông điệp mà thật ra đến từ Đức Chúa Trời?

9. Làm sao những người bất toàn có thể viết một thông điệp hoàn toàn cho nhân loại?

9 Đó là bởi vì họ không tự ý viết ra những ý kiến của họ, nhưng họ được Đức Chúa Trời soi dẫn. “Soi-dẫn” ở đây nghĩa là gì? Chữ đó có nghĩa là Đức Chúa Trời, Đấng tạo ra trời và đất, đã thúc đẩy những người này bằng thánh linh hay quyền lực vô hình của Ngài, đặt trong trí họ những điều mà họ phải viết ra như là “lời” hay thông điệp của Ngài gửi cho nhân loại. Thí dụ Đa-vít, người viết Thi-thiên, đã nói:

“Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (II Sa-mu-ên 23:2).

Và sứ đồ Phi-e-rơ đã viết về các lời tiên tri như sau:

“Chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh-thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi thánh linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:20, 21, NW).

10. a) Tại sao Đức Chúa Trời có thể dễ dàng truyền tin tức đến những người trung thành? Hãy cho thí dụ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27, 28; Giê-rê-mi 1:1, 2, 9; Ê-xê-chi-ên 1:1; Đa-ni-ên 7:1). b) Cái gì đã hướng dẫn việc gom góp các “sách nhỏ” hợp thành toàn bộ Kinh-thánh, và gọi là gì? (Khải-huyền 22:18, 19).

10 Là Đấng Tối cao đã tạo ra cả vũ trụ, Đức Chúa Trời không có khó khăn gì để chuyển các thông điệp của Ngài đến những người trung thành trên đất. Trong thời đại tân tiến ngày nay loài người đã lên đến mặt trăng và từ đó truyền tin tức về trái đất qua vô tuyến điện một cách rõ ràng, có thể hiểu được, mặc dầu cách xa hơn 400.000 cây số trong không gian. Và từ xa như vậy, họ cũng có thể chuyển được các hình ảnh qua vô tuyến truyền hình, và những người trên đất có thể ngồi ở nhà mà nhìn các phi hành gia đi đi lại lại trên mặt trăng. Nếu loài người có thể truyền tin tức bằng cách đó thì đối với Đấng Tạo hóa của muôn vật, việc này cũng dễ dàng biết bao vì Ngài có thể truyền tin tức và những sự hiện thấy đến những người trên đất, dù xa ngoài “trời của các từng trời” đi nữa! (I Các Vua 8:27). Khi Đức Chúa Trời truyền các tư tưởng của Ngài vào trong trí các người viết Kinh-thánh thì họ viết bức thông điệp đó như là “lời của Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 4:12). Và Đức Chúa Trời cũng dùng thánh linh của Ngài để hướng dẫn loài người thâu góp sáu mươi sáu “sách nhỏ” này, và chỉ những sách này mà thôi, để làm thành toàn bộ quyển Kinh-thánh gọi là Kinh-thánh “được công nhận”.

MỘT SỰ GHI CHÉP CHÍNH XÁC VÀ ĐÁNG TIN CẬY

11. Hãy cho thí dụ về sự chính xác và sự sắp đặt hợp lý của Kinh-thánh.

11 Một điều lạ lùng là Kinh-thánh ghi chép các chi tiết một cách thận trọng và có một sự hòa hợp hoàn toàn. Thí dụ, trong sách Sáng-thế Ký đoạn 5 và 10, có chép danh sách các gia tộc kể từ người đầu tiên là A-đam cho tới thời các con trai của Nô-ê, trong một khoảng thời gian trên 2.000 năm. Về sau, thầy tế lễ E-xơ-ra viết sách I Sử-ký và dành chín đoạn đầu để lặp lại và bổ túc thêm danh sách các gia tộc có trước kia, ghi chép thêm 1.500 năm lịch sử thời xưa cho đến thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên trở về xứ sau khi bị lưu đày ở xứ Ba-by-lôn. Và sau nữa, cả Ma-thi-ơ và Lu-ca trong các cuốn Phúc âm của họ cũng lặp lại các phần chính của các điều ghi chép trước kia, và bổ túc các danh sách gia tộc cho đến Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 1:1-17; Lu-ca 3:23-38). Như vậy, dưới sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, những người viết Kinh-thánh đã ghi chép gia phổ chính thức, không thể sửa đổi được. Gia phổ này bắt đầu từ người đầu tiên là A-đam cho đến Giê-su là “Con người”, bao hàm một khoảng thời gian hơn 4.000 năm. Y sĩ Lu-ca viết về sự tường thuật của ông như sau:

“Sau khi đã xét kỹ-càng [chính xác, NW] từ đầu mọi sự ấy, tôi cũng tưởng nên theo thứ-tự viết mà tỏ ra cho ông” (Lu-ca 1:3).

Sự ghi chép quả thật là chính xác và hợp lý.

12. Môi-se đã có thể có được tin tức về lịch sử thời ban đầu của loài người như thế nào?

12 Kinh-thánh nói về những “lịch sử” thời xưa (Sáng-thế Ký 2:4; 5:1). Các chuyện này có thể đã được truyền khẩu. Như vậy thì làm sao có thể chắc chắn các lời đó là chính xác? Đức Chúa Trời đã tạo ra người đàn ông đầu tiên A-đam là hoàn toàn. Về sau, A-đam chống lại Đức Chúa Trời cho nên bị Ngài kết án phải chết. Tuy nhiên, dù thân thể không còn hoàn toàn, A-đam đã có thể sống một thời gian rất lâu dài trước khi trở thành già yếu và chết. A-đam sống đến 930 tuổi, cho đến thời Lê-méc là cha của Nô-ê, cho nên nhờ A-đam mà Lê-méc đã có thể biết trực tiếp về lịch sử đầu tiên của loài người. Lê-méc có thể truyền lại các điều ông biết cho Nô-ê và cho con trai Nô-ê là Sem, và nhờ có một thân thể còn gần như hoàn toàn nên Sem đã sống đến 500 năm sau trận Nước Lụt. Sem có thể đã nói cho Áp-ra-ham và con trai người là Y-sác biết các chi tiết về thế gian trước trận Nước Lụt. Y-sác có thể đã kể các chuyện đó cho cháu nội là Lê-vi, và hiển nhiên Lê-vi kể lại cho cháu nội là Am-ram, cha của Môi-se. Như vậy thì khi lịch sử thời ban đầu được truyền lại thì chỉ cần năm người từ A-đam đến Môi-se là Lê-méc, Sem, Y-sác, Lê-vi và Am-ram.

13. Tại sao Đấng Tạo hóa đã soi dẫn để người ta ghi chép lại lịch sử thời ban đầu? (Thi-thiên 102:18).

13 Tuy nhiên, vì sự bất toàn di truyền và có lẽ cũng vì các sự thay đổi trong thiên nhiên sau trận Nước Lụt, loài người càng ngày càng suy yếu hơn, Y-sác chỉ sống đến 180 tuổi, và Môi-se được 120 tuổi. Khi đời người xuống còn khoảng bảy mươi hay tám mươi năm, Đấng Tạo hóa thấy cần cho ghi chép lịch sử thời ban đầu của loài người một cách chính xác để gìn giữ lại. Vì thế chúng ta luôn luôn có những tin tức đáng tin cậy về lịch sử của nhân loại kể từ lúc bắt đầu. Đấng Tạo hóa đã dùng Môi-se để ghi chép các điều này dưới sự soi dẫn của Ngài và các sách do Môi-se viết hợp thành phần đầu của Kinh-thánh.

14. a) Môi-se là ai? (Hê-bơ-rơ 11:23-27). b) Tại sao Môi-se và những người viết Kinh-thánh sau này có đủ tư cách để ghi chép Kinh-thánh? (Công-vụ các Sứ-đồ 3:21).

14 Ông Môi-se này là ai? Ông thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham, người Hê-bơ-rơ, và sanh ra khi dân tộc ông là người Y-sơ-ra-ên bị làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô. Vì làm con nuôi của con gái Pha-ra-ôn, là người cai trị xứ Ê-díp-tô, cho nên Môi-se được nuôi nấng và dạy dỗ trong cung vua. Tuy nhiên, khi đến lúc phải lựa chọn, Môi-se chứng tỏ ông quý của cải thiêng liêng mà ông có thể hưởng cùng với dân tộc của Đức Chúa Trời hơn gấp bội phần các của cải vật chất mà ông có thể có trong xứ Ê-díp-tô. Ông chọn bị ngược đãi cùng với dân tộc của Đức Chúa Trời. Ông đã vun trồng một đức tin rất mạnh nơi Đức Chúa Trời trong lúc sống tại Ê-díp-tô và sau đó trong đồng vắng khi ông làm nghề chăn chiên, và ông đã tỏ ra là người “rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian” (Dân-số Ký 12:3). Ông có đầy đủ tư cách, không những để dẫn dắt một dân tộc gồm nhiều triệu người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, nhưng cũng để phục vụ như là thư ký của Đức Chúa Trời để viết phần đầu của Kinh-thánh dưới sự soi dẫn của thánh linh Ngài. Sau ông có những người khác cùng một đức tin như ông đã tiếp tục viết thêm các phần khác của Kinh-thánh cho đến khi cả Kinh-thánh được hoàn tất khoảng 1.600 năm sau đó. Chúng ta nên xem xét nội dung của Kinh-thánh vì đây là một sách rất đáng chú ý và quý giá đối với chúng ta ngày nay.

[Câu hỏi]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 12]

Kinh-thánh nói về thời xa xưa nhất của lịch sử nhân loại, không có sách cổ xưa nào khác sánh kịp

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

CÁC SÁCH TÔN GIÁO CHÍNH ĐÃ CÓ BAO LÂU RỒI

(cũng có ghi năm mỗi sách được hoàn tất)

Trước công nguyên

Năm

4026 Sáng tạo loài người

2370 Đại Hồng thủy

1473 Năm sách đầu của Kinh-thánh 3.467 năm

500 Kinh Veda (Ấn Độ giáo) 2.494 năm

480 Sách Đại học của Khổng giáo 2.474 năm

443 Kinh-thánh (trọn phần tiếng Hê-bơ-rơ) 2.437 năm

43 Kinh Tam tạng của Phật giáo 2.037 năm

Công nguyên

Năm

98 Kinh-thánh trọn bộ 1.897 năm

650 Kinh Koran (Hồi giáo) 1.345 năm

720 Kinh Kojiki và Nihongi của Nhật 1.275 năm

1830 Sách đạo Mormon 165 năm

1995

[Các năm không thuộc về Kinh-thánh căn cứ theo “Encyclopœdia Britannica” (Bách khoa Tự điển Anh quốc), xuất bản năm 1971].

[Các hình nơi trang 16, 17]

Mười Điều Răn do Đức Chúa Trời viết ra

Thiên sứ nói lời của Đức Chúa Trời

Sự hiện thấy lúc tỉnh thức

Thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn việc chọn lựa trong các tài liệu trước kia

Chiêm bao lúc đang ngủ