Đi đến nội dung

Vui hưởng đời sống gia đình

Vui hưởng đời sống gia đình

Vui hưởng đời sống gia đình

Gia đình có thể nào thật sự được hạnh phúc không?

Làm sao có thể được?

Bạn có biết gia đình nào được hợp nhất và hạnh phúc như những gia đình trong hình trên tờ giấy nhỏ này không? Nhiều gia đình ở khắp mọi nơi bị điêu đứng. Nạn ly dị, thiếu việc làm vững chắc, tình trạng khó khăn của những gia đình chỉ có một cha hoặc một mẹ, sự chán nản—tất cả những vấn đề này góp phần vào sự khủng hoảng của gia đình. Một chuyên gia về đời sống gia đình than thở: “Bây giờ ai cũng quen thuộc với những lời tiên đoán về tình trạng tan rã của gia đình”.

Tại sao ngày nay gia đình bị tấn công dồn dập với những vấn đề nghiêm trọng như thế? Làm sao chúng ta có thể vui hưởng đời sống gia đình?

Gia đình đã bắt nguồn như thế nào

Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta cần biết nguồn gốc của hôn nhân và gia đình, vì nếu gia đình và hôn nhân có một Đấng Sáng Lập—một Đấng Tạo Hóa—thì những người trong gia đình nên trông cậy nơi sự hướng dẫn của Ngài vì chắc chắn Ngài biết cách tốt nhất để giúp chúng ta tận hưởng đời sống gia đình hạnh phúc.

Điều đáng chú ý là nhiều người không tin có Đấng Sáng Lập gia đình. Cuốn The Encyclopedia Americana (Bách khoa tự điển Hoa Kỳ) nói rằng: “Một số học giả có khuynh hướng cho rằng hôn nhân của loài người bắt nguồn từ trật tự sống thành từng cặp của các loài thú thấp kém hơn loài người”. Nhưng Chúa Giê-su Christ nói đến sự sáng tạo người đàn ông và người đàn bà. Ngài dẫn chứng phần đầu của Kinh Thánh và coi đây là thẩm quyền. Ngài nói: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp” (Ma-thi-ơ 19:4-6).

Do đó, Chúa Giê-su Christ đã nói đúng. Đấng Tạo Hóa thông minh đã tạo ra hai người đầu tiên và sắp đặt cho họ một gia đình hạnh phúc. Đức Chúa Trời đã kết hợp họ lại trong hôn nhân và bảo rằng người đàn ông phải “dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:22-24). Vậy, phải chăng gia đình gặp khó khăn vì người ta theo đuổi một nếp sống vi phạm những tiêu chuẩn mà Đấng Tạo Hóa đặt ra trong Lời của Ngài là Kinh Thánh?

Đường lối nào mang lại hạnh phúc?

Như bạn đã biết, thế gian hiện nay cổ võ việc người ta nghĩ đến tư lợi và sự thỏa mãn cho chính mình. Một nhà tài chánh nói với các sinh viên đại học sắp tốt nghiệp tại Hoa Kỳ: “Bạn có thể tham lam và vẫn cảm thấy hãnh diện về mình”. Nhưng theo đuổi của cải vật chất không mang lại thành công. Chủ nghĩa vật chất thật ra là mối đe dọa lớn nhất cho đời sống gia đình bởi vì nó ngăn cản mối liên hệ giữa người và người và làm người ta phí tiền và thì giờ. Ngược lại, hãy xem xét làm thế nào chỉ hai câu Châm-ngôn trong Kinh Thánh giúp chúng ta thấy điều gì là quan trọng để có hạnh phúc.

“Thà một món rau mà thương-yêu nhau, còn hơn ăn bò mập-béo với sự ganh-ghét cặp theo”.

“Thà một miếng bánh khô mà hòa-thuận, còn hơn là nhà đầy thịt tế-lễ lại cãi-lộn nhau”.

(Châm-ngôn 15:17; 17:1).

Những lời này rất mạnh phải không? Hãy thử nghĩ xem thế gian này sẽ khác biết bao nếu mỗi gia đình đều coi trọng những điều ưu tiên này! Kinh Thánh cũng cung cấp sự hướng dẫn quí báu về cách những người trong gia đình nên cư xử với nhau. Hãy xem xét một số lời hướng dẫn của Kinh Thánh.

Người làm chồng: “Phải yêu vợ như chính thân mình” (Ê-phê-sô 5:28-30).

Lời này giản dị nhưng rất thực tế! Kinh Thánh cũng bảo người chồng ‘phải tôn trọng vợ’ (1 Phi-e-rơ 3:7, NW). Chồng tôn trọng vợ bằng cách đặc biệt chú ý đến vợ, kể cả trìu mến, thông cảm và trấn an vợ luôn luôn. Chồng cũng quí trọng ý kiến của vợ và lắng tai nghe vợ nói. (So sánh Sáng-thế Ký 21:12). Bạn có đồng ý rằng bất cứ gia đình nào cũng sẽ được lợi ích nếu người chồng quan tâm tới vợ, cũng như chính chồng cũng muốn được vợ quan tâm tới mình phải không? (Ma-thi-ơ 7:12).

Người làm vợ: “Phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33).

Người vợ góp phần vào hạnh phúc gia đình bằng cách giúp chồng làm tròn trách nhiệm nặng nề của ông. Đây là ý định của Đức Chúa Trời vì Ngài tạo ra người vợ để “giúp-đỡ” chồng (Sáng-thế Ký 2:18). Nếu vợ kính trọng chồng bằng cách ủng hộ những quyết định của ông và hợp tác với ông để đạt được mục tiêu của gia đình thì bạn có thấy gia đình sẽ được phước không?

Cả hai vợ chồng: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn quê-phòng chớ có ô-uế” (Hê-bơ-rơ 13:4).

Khi cả hai đều chung thủy, đời sống gia đình chắc chắn được nhiều lợi ích. Sự ngoại tình thường làm cho gia đình tan vỡ (Châm-ngôn 6:27-29, 32). Vì thế, Kinh Thánh khuyên một cách khôn ngoan: “Con hãy lấy làm vui-thích nơi vợ con cưới buổi đang-thì... Hỡi con, lẽ nào con mê-mệt người dâm-phụ?” (Châm-ngôn 5:18-20).

Cha mẹ: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo” (Châm-ngôn 22:6).

Khi cha mẹ dành ra thì giờ cho con cái và chú ý đến chúng, đời sống gia đình chắc chắn sẽ khả quan hơn. Vì vậy, Kinh Thánh khuyến khích cha mẹ dạy dỗ con cái về các nguyên tắc đúng ‘khi chúng ngồi ở trong nhà hay là đi đường, hoặc khi chúng nằm hay là chổi dậy’ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:19). Kinh Thánh cũng nói cha mẹ nên bày tỏ lòng yêu thương đối với con cái bằng cách sửa trị chúng (Ê-phê-sô 6:4).

Con cái: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa” (Ê-phê-sô 6:1).

Thật vậy, trong thế gian coi thường luật pháp hiện nay, việc vâng lời cha mẹ không phải luôn luôn dễ dàng. Thế nhưng, chẳng lẽ các em không đồng ý là nghe theo lời của Đấng Sáng Lập gia đình là khôn ngoan hay sao? Ngài biết điều gì là tốt nhất để làm cho đời sống gia đình của chúng ta được hạnh phúc hơn. Vậy hãy cố gắng vâng lời cha mẹ của các em. Hãy cương quyết tránh những cám dỗ làm điều quấy của thế gian (Châm-ngôn 1:10-19).

Mỗi người trong gia đình càng áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh đến chừng nào thì đời sống gia đình sẽ càng được lợi ích chừng nấy. Không những gia đình vui hưởng một đời sống tốt hơn ngay bây giờ mà còn có triển vọng hưởng được một tương lai tuyệt vời trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa (2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:3, 4). Vậy hãy tập cho gia đình có thói quen học hỏi Kinh Thánh với nhau! Hàng triệu gia đình trên khắp đất đã được lợi ích từ sự hướng dẫn trong cuốn sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc.

Trừ khi được ghi rõ, bản dịch Kinh Thánh dùng trong giấy nhỏ này là của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội. NW là chữ viết tắt của New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới).