Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đặt nền tảng tốt đẹp cho hôn nhân của bạn

Đặt nền tảng tốt đẹp cho hôn nhân của bạn

Chương 2

Đặt nền tảng tốt đẹp cho hôn nhân của bạn

1-3. Theo Ma-thi-ơ 7:24-27, sự thành công thật sự trong cuộc sống tùy thuộc vào điều gì?

MỘT NGÔI NHÀ, một cuộc sống hay một hôn nhân được tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào nền tảng được đặt lên. Trong một minh họa của ngài, Giê-su nói về hai người: Người khôn cất nhà mình trên đá cứng và kẻ dại cất nhà trên đất cát. Khi một trận bão nổi lên, nước lụt đổ xuống, gió thổi động trên cả hai nhà, ngôi nhà trên đá cứng vẫn đứng vững, nhưng ngôi nhà trên cát xiêu đi và sụp đổ.

2 Qua minh họa trên đây, Giê-su không dạy người ta cách xây nhà đâu. Ngài nhấn mạnh việc họ phải xây dựng cuộc sống mình trên một nền tảng vững chắc. Là sứ giả của Đức Chúa Trời, ngài nói: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây” thì giống như người cất nhà mình trên đá. Nhưng “kẻ nào nghe những lời ta phán đây mà không làm theo” thì giống như người xây nhà trên cát vậy (Ma-thi-ơ 7:24-27).

3 Hãy ghi nhận rằng trong cả hai trường hợp, Giê-su cho thấy rằng vấn đề chẳng phải chỉ nghe những lời khuyên bảo khôn ngoan và biết phải làm gì là đủ. Sự khác biệt giữa thành công và thất bại ấy là làm theo những lời khuyên bảo khôn ngoan. “Ví bằng các ngươi biết những sự này, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo” (Giăng 13:17).

4. Chúng ta cần phải học hỏi điều gì nơi hôn nhân của cặp vợ chồng đầu tiên của nhân loại? (Sáng-thế Ký 2:22 đến 3:19).

4 Đối với hôn nhân điều này chắc chắn là đúng. Nếu chúng ta xây dựng hôn nhân của mình trên một nền tảng như đá cứng thì nó sẽ được đứng vững trong những khó khăn của cuộc sống. Nhưng nền tảng này đến từ đâu? Chính từ Đấng Tạo hóa của hôn nhân, tức Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài thiết lập hôn nhân khi Ngài đem hai người đầu tiên của nhân loại, A-đam và Ê-va, đến với nhau và hợp họ thành chồng vợ. Sau đó Ngài đã ban cho họ lời dạy dỗ khôn ngoan vì lợi ích của chính họ. Việc họ có theo lời dạy dỗ khôn ngoan này hay không sẽ định đoạt việc họ sẽ nhận được một tương lai rực rỡ đời đời hoặc sẽ không có một tương lai nào cả. Cả hai đều biết lời chỉ dạy này của Đức Chúa Trời; thế nhưng, buồn thay, họ đã để cho lòng ích kỷ ngăn cản họ khiến họ không vâng theo lời hướng dẫn ấy. Họ quyết định bỏ qua lời cảnh cáo, và kết quả là hôn nhân cũng như cuộc sống của họ đã sụp đổ như một ngôi nhà xây cất trên cát bị bão làm sụp đổ vậy.

5, 6. Đức Chúa Trời cung cấp sự giúp đỡ nào cho những người đã kết hôn và những người đang trù tính kết hôn?

5 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã sắp đặt sự hôn nhân của hai người đầu tiên đó, nhưng Ngài không trực tiếp sắp đặt hôn nhân cho các vợ chồng ngày nay. Tuy vậy, họ vẫn có lời khuyên bảo khôn ngoan của Ngài để cho đời sống gia đình được hạnh phúc. Dĩ nhiên chính là người trù tính kết hôn sẽ phải quyết định áp dụng hay không lời khuyên bảo ấy. Lời Đức Chúa Trời cũng cho thấy rằng chúng ta có thể cầu xin sự giúp đỡ của Ngài để có được một quyết định khôn ngoan liên quan đến người hôn phối tương lai (Gia-cơ 1:5, 6).

6 Dĩ nhiên những tình trạng này có thay đổi đáng kể tùy theo từng vùng trên đất. Nhiều nơi ngày nay nam nữ được tự ý lựa chọn người hôn phối cho mình. Nhưng trong nhiều vùng dân cư khác trên thế giới, các bậc cha mẹ sắp đặt hôn nhân cho con cái, đôi khi qua trung gian của một “người mai mối”. Ở một số vùng khác, người đàn ông chỉ lấy được vợ sau khi trả “giá tiền cô dâu” cho cha mẹ nàng; và hình thức trả giá này có thể đến độ làm cho người đàn ông bỏ cuộc, không đi đến hôn nhân được. Tuy nhiên, dù ở trong hoàn cảnh nào, tình trạng nào, lời khuyên bảo của Kinh-thánh cũng có thể góp phần vào sự thành công bền vững của hôn nhân.

HÃY BIẾT RÕ VỀ CHÍNH MÌNH TRƯỚC ĐÃ

7-10. a) Khi trù tính kết hôn, một người cần hiểu biết gì về chính mình? Làm thế nào người đó có thể tự biết mình được? b) Kinh-thánh nói gì về những lý do chính đáng đưa đến sự kết hôn?

7 Bạn mong đợi những gì nơi hôn nhân? Nhu cầu của bạn là gì: về thể chất, tình cảm và thiêng liêng? Đời sống bạn có những giá trị gì, bạn có những mục tiêu nào và cách thức để bạn đạt được những mục tiêu ấy là gì? Để trả lời cho những câu hỏi này bạn cần phải biết rõ chính mình. Điều này không dễ như người ta nghĩ đâu. Để có thể tự xem xét lấy chính mình cần phải có ít nhiều trưởng thành về tình cảm, và dù có như thế ta cũng vẫn chưa có thể nhìn rõ con người thật sự của mình ở mọi khía cạnh. Phao-lô, sứ đồ của đấng Christ, đã vạch rõ điều này khi ông viết trong I Cô-rinh-tô 4:4: “Tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội, nhưng tôi cũng không nhờ sự đó mà được xưng là công-bình: Đấng xử-đoán tôi, ấy là Chúa (Đức Giê-hô-va)”.

8 Một ngày nọ, Đấng Tạo hóa muốn một người tên là Gióp nhận ra một số sự kiện mà người không phân biệt được. Ngài bảo người: “Ta sẽ hỏi ngươi rồi ngươi sẽ cho ta biết” (Gióp 38:3). Những câu hỏi có thể giúp chúng ta hiểu biết và khám phá ra những động lực của chính mình. Vậy thì bạn hãy tự tra vấn về những lý do tại sao bạn muốn kết hôn.

9 Phải chăng bạn muốn kết hôn để thỏa mãn những đòi hỏi về vật chất: thức ăn, áo mặc, nơi cư trú? Đó là những nhu cầu căn bản của mọi người, như Kinh-thánh nói: “Vậy miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”. Thế còn nhu cầu về tính dục? Đấy cũng là một ham muốn hoàn toàn tự nhiên: “Vì thà cưới-gả còn hơn là để cho lửa tình un-đốt” (I Ti-mô-thê 6:8; I Cô-rinh-tô 7:9). Phải chăng kết hôn là vì cần có đồng bạn? Đấy chính là lý do chính yếu vì sao Đức Chúa Trời đã thiết lập hôn nhân. Lý do khác nữa là để cho hai người có thể cộng tác với nhau trong mọi công việc (Sáng-thế Ký 2:18; 1:26-28). Hoàn thành công việc tốt lành là một nguồn thỏa lòng và có sự ban thưởng: “Lại ai nấy phải ăn uống và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền-đạo 3:13).

10 Những người yêu nhau đã có quan niệm từ xưa nay rằng trái tim là biểu hiệu cảm tình của họ. Tuy nhiên, Kinh-thánh đặt câu hỏi về tấm lòng khiến cho người ta có thể phải băn khoăn: “Ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Bạn có chắc rằng bạn biết được lòng mình ra thế nào không?

11. Những nhu cầu căn bản nào về tình cảm cần được thỏa mãn trong hôn nhân?

11 Những sự quyến rũ thể chất luôn luôn làm mù lòng chúng ta về những nhu cầu tình cảm khác. Trong việc tìm kiếm người hôn phối, bạn có cân nhắc kỹ nhu cầu của bạn cần được hiểu biết, cần nhận được sự nhân từ và thương xót của người đó không? Những nhu cầu căn bản của tất cả chúng ta là: có một người bạn để gần gũi, để tâm sự, để bày tỏ lòng mình mà không sợ bị đau khổ, có một người bạn sẽ không “chặt dạ” đối với chúng ta (I Giăng 3:17). Bạn có thể ban cho người hôn phối mình những điều ấy không, và chàng hay nàng sẽ đáp lại như thế không?

12. Tại sao sự thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tình cảm cũng chưa đủ để gia đình được hạnh phúc?

12 Chúa Giê-su nói: “Phước cho những kẻ ý thức được nhu cầu thiêng liêng mình” (Ma-thi-ơ 5:3, NW). Nhu cầu thiêng liêng của bạn là gì? Có liên quan đến việc thành công trong nghề nghiệp không? Liên quan đến sự giàu có hay của cải vật chất chăng? Hãy suy nghĩ, những mối đeo đuổi này có đem lại bình an nội tâm và thỏa lòng không? Thường thì không. Thế nên chúng ta cần nhận thức rằng trong mọi con người đều có nhu cầu về tâm thần, nhu cầu này vẫn còn ngay cả sau khi mọi nhu cầu vật chất đã được thỏa mãn rồi. Chúng ta cần hiểu biết thực chất con người chúng ta là ai, là gì, tại sao chúng ta hiện hữu ở đây và rồi chúng ta sẽ đi đâu. Bạn có ý thức được những nhu cầu thiêng liêng này không, và bạn có biết cách nào làm thỏa mãn những nhu cầu ấy không?

SỰ HÒA HỢP

13. Để có một gia đình hạnh phúc, bạn phải biết nhận thức gì ngoài những nhu cầu của chính mình?

13 Nếu bạn hiểu mọi nhu cầu này của cơ thể, lý trí và tâm thần, bạn có biết được người có thể là hôn phối tương lai của bạn cũng sẽ hiểu những nhu cầu ấy hay không? Không những bạn phải biết những nhu cầu về phần mình để có được hạnh phúc thôi đâu, mà bạn cũng phải nhận rõ những nhu cầu của người hôn phối mình nữa. Chắc chắn bạn mong muốn cho người cũng được hạnh phúc. Sự thiếu hạnh phúc của một trong hai người hôn phối cũng có nghĩa là cả hai đều thiếu hạnh phúc.

14. Trong nhiều cuộc hôn nhân, tại sao hai người hôn phối nhận ra rằng họ không có sự hòa hợp?

14 Nhiều cuộc hôn nhân đã kết thúc một cách bất hạnh hay đi đến ly dị vì thiếu hòa hợp. Sự thiếu hòa hợp nghe đã có vẻ quan trọng, nhưng trong hôn nhân sự thiếu hòa hợp thật ra quan trọng hơn nữa. Nếu hai người không thỏa thuận theo đuổi cùng một chí hướng, đời sống chung của họ sẽ có thể khó khăn. Một tình trạng như thế gợi lại trong trí chúng ta một sự sắp đặt đầy thương xót trong luật pháp Môi-se; theo luật pháp đó người ta chớ nên để cho hai súc vật khác loại hay khác sức lực với nhau kéo cùng một cày vì như thế sẽ rất khó khăn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:10). Cũng thế, đối với một người đàn ông và một người đàn bà không xứng hợp với nhau cũng khó hòa hợp được trong hôn nhân. Khi hai người hôn phối rất khác nhau về sở thích, về sự chọn lựa bạn bè, về hoạt động giải trí và có ít điều chung với nhau thì hôn nhân họ ắt sẽ chịu thử thách gay go.

15, 16. Một số vấn đề gì cần phải được bàn luận với người có thể là hôn phối tương lai, và bàn luận như thế nào?

15 Kinh-thánh nói với chúng ta: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế” (Châm-ngôn 15:22). Khi đề cập đến việc hôn nhân, những vấn đề thực tế đã được thảo luận chưa? Công việc làm của người chồng sẽ thích hợp cho hôn nhân như thế nào? Vì việc làm sẽ ấn định chỗ ở của bạn và cho biết sẽ có bao nhiêu tiền cho chi tiêu hàng ngày. Ai sẽ giữ tiền và tính sổ chi thu? Vợ có cần phải đi làm không, và điều ấy có nên chăng? Những quan hệ họ hàng và gia đình, đặc biệt là giữa cha mẹ hai bên, sẽ như thế nào? Bạn và người hôn phối tương lai có quan niệm thế nào về việc ăn nằm, về con cái và về việc dạy dỗ chúng? Có người nào muốn cầm đầu người kia không, hay sẽ có sự tử tế chú ý đến nhau trong mối liên lạc giữa hai người?

16 Những câu hỏi này, và những câu hỏi khác tương tự có thể nào được thảo luận cùng nhau một cách hòa dịu và hợp lý đồng thời được giải quyết thỏa đáng cho người này hay người kia, hay không? Khi có những vấn đề khó khăn cần phải đương đầu và giải quyết, hai người có thể thảo luận luôn luôn cởi mở được hay không? Đó là bí quyết để thành công trong hôn nhân.

17-19. Tại sao hoàn cảnh gia đình có ảnh hưởng đến sự hòa hợp trong hôn nhân?

17 Hai người có sự dạy dỗ và kinh nghiệm sống tương tự giống nhau thường dễ dàng hòa hợp với nhau hơn. Cuốn Sách giúp hiểu Kinh-thánh (Aid to Bible Understanding, trang 1114) nói về hôn nhân trong thời của Kinh-thánh như sau:

“Dường như trong phong tục phổ thông thì người đàn ông thường kiếm vợ trong vòng những người thân thuộc hay trong cùng chi phái với mình. Ta thấy nguyên tắc này qua lời La-ban nói với Gia-cốp: «Thà cậu gả nó (con gái cậu) cho cháu hơn là gả nó cho một người khác» (Sáng-thế Ký 29:19). Đặc biệt nguyên tắc này đã được những người thờ phượng Đức Giê-hô-va tuân theo, như gương của Áp-ra-ham đã sai người đến trong vòng bà con ở chính xứ sở mình hầu kiếm vợ cho con trai là Y-sác, thay vì để Y-sác cưới vợ trong vòng những con gái dân Ca-na-an nơi người đang kiều ngụ (Sáng-thế Ký 24:3, 4)”.

18 Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là ngày nay một người nên lấy vợ trong bà con thân cận mình, vì như thế có thể gây ra những vấn đề về di truyền có thể đem kết quả tai hại cho con cái. Nhưng khung cảnh gia đình góp phần rộng lớn vào việc xây dựng quan niệm chúng ta về các giá trị. Trong suốt thời thơ ấu và thiếu niên, hành vi và tư tưởng của một người thường chịu ảnh hưởng của khung cảnh gia đình. Một khi gia cảnh của hai bên tương tự giống nhau, họ thường thấy dễ dàng “lớn lên trong cùng đất đai, nẩy nở trong cùng thời tiết”. Tuy vậy, những người có gia cảnh và gốc gác khác nhau cũng có thể tạo được sự hòa hợp trong hôn nhân, đặc biệt nếu cả hai đều thành thục về tình cảm.

19 Rõ ràng sẽ có lợi ích nếu bạn biết được ít nhiều về gia đình người hôn phối tương lai của bạn. Ngoài ra cũng nên xem cách cư xử của chàng hay nàng với gia đình như thế nào—với cha mẹ và các anh chị em. Chàng hay nàng đối đãi với người lớn tuổi như thế nào? Và có yêu mến trẻ con không?

20, 21. Nên có quan điểm gì về những khuyết điểm cá nhân khi lựa chọn người hôn phối?

20 Dù đã dự phòng cẩn thận trước như vậy, bạn vẫn phải nhớ điều này: sự hòa hợp giữa hai người sẽ chẳng khi nào được hoàn toàn. Mỗi người đều có những khuyết điểm riêng. Một số khuyết điểm ấy có khi được nhận biết trước khi thành hôn; một số điểm chỉ sẽ được nhận ra sau đó. Thế thì làm gì bây giờ?

21 Không hẳn những khuyết điểm tự chúng sẽ làm cho hôn nhân thất bại, nhưng tùy cách phản ứng của mỗi người hôn phối đối với những khuyết điểm của người kia. Bạn thường chú ý đến những điểm tốt hơn là những điểm xấu, hay chỉ chú tâm đến những điểm xấu và cứ nói hoài về những điểm xấu đó? Bạn có tỏ ra nhân nhượng và dễ dãi, cũng như bạn cần và muốn được người kia đối xử nhân nhượng không? Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Tình yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Phi-e-rơ 4:8). Bạn có lòng yêu thương như thế đối với người mà bạn định kết hôn hay không? Nếu không, tốt hơn là bạn đừng kết hôn với người đó.

“TÔI CÓ THỂ LÀM CHÀNG THAY ĐỔI”

22-24. Tại sao kết hôn với một người nào dựa trên lời hứa của người đó nói sẽ thay đổi đường lối hoặc kết hôn với ý định sẽ thay đổi tâm tính của người đó là thiếu khôn ngoan?

22 Bạn có nói “Tôi có thể làm chàng (hay nàng) thay đổi” không? Nhưng bạn yêu ai? Yêu con người đích thật của chàng hay nàng hiện thời hay là con người ấy sau khi bạn tưởng có thể uốn nắn rồi? Thay đổi chính chúng ta thật khó, huống chi thay đổi những người khác. Tuy nhiên, lẽ thật đầy quyền lực của Đức Chúa Trời có thể khiến cho một người thay đổi được chính mình. Người đó có thể “bỏ cách ăn nết ở ngày trước” và “làm nên mới trong tâm-chí mình” (Ê-phê-sô 4:22, 23). Nhưng chớ dễ tin lời hứa của một người hôn phối tương lai nói sẽ đột ngột thay đổi vì bạn! Các thói quen xấu có thể được sửa chữa hay thay đổi nhưng cần phải có thời gian, có khi đến nhiều năm mới được. Chúng ta cũng không thể nào bỏ qua được sự kiện là những đặc tính di truyền và những yếu tố về khung cảnh đời sống đã tạo cho mình những tính khí đặc biệt và đã uốn nắn chúng ta theo nhiều cách khiến chúng ta thành những người khác nhau. Một tình yêu thương chân thật có thể thúc đẩy chúng ta giúp đỡ lẫn nhau để trau dồi và thắng được những khuyết điểm, nhưng tình yêu thương đó sẽ không thúc đẩy chúng ta gắng sức buộc người hôn phối mình vào một khuôn mẫu mới lạ và thiếu tự nhiên làm nhân cách của chàng hay nàng bị trấn áp.

23 Có vài người thường ghi khắc trong trí một mẫu người vợ hay chồng theo ý riêng họ, và rồi mỗi khi mê thích một người nào, cố gắng làm cho người ấy phù hợp với hình ảnh này. Dĩ nhiên không ai có thể làm người lý tưởng thỏa mãn một sự mơ tưởng như vậy; nhưng người mê thích thì cứ cố và gắng sức bắt người mình yêu phải thực hiện đúng theo khuôn mẫu mà mình mơ tưởng. Khi cố gắng này thất bại, chàng hoặc nàng mới tỉnh mộng và lại đi tìm kiếm một người nào khác phù hợp với lý tưởng ảo mộng của mình. Họ sẽ không bao giờ tìm thấy người lý tưởng đó. Vì người lý tưởng ảo mộng như thế chỉ có trong trí tưởng tượng mơ hồ của họ mà thôi. Những người có những ý nghĩ hão huyền như thế không phải là những thành phần của hôn nhân tốt đẹp.

24 Có lẽ bạn cũng đã từng mơ tưởng như thế. Hầu hết chúng ta đã có một lúc nào đó mơ tưởng như thế; nhiều người trẻ tuổi thường làm thế. Nhưng dần dần khi trưởng thành hơn về tình cảm, chúng ta nhận thấy rằng những mơ tưởng đó phải được dẹp qua một bên bởi vì không thực tế. Trong hôn nhân thực tế mới đáng kể, chứ không phải mơ mộng tưởng tượng.

25. Sự khác biệt giữa tình yêu chân chính và sự đam mê là gì?

25 Tình yêu chân chính không mù quáng như nhiều người nghĩ. Tình yêu đó che đậy vô số khuyết điểm, nhưng không nhắm mắt trước các khuyết điểm ấy. Chỉ có đam mê, chứ không phải tình yêu thương, mới là mù quáng từ chối nhìn thẳng vào các vấn đề mà những người khác có thể thấy trước. Đam mê che lấp những nghi ngờ dai dẳng. Song chắc chắn những nghi ngờ này về sau sẽ lộ ra. Nhắm mắt trước những sự kiện khó chịu trong thời gian giao du tìm hiểu nhau có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ phải đương đầu với những sự khó chịu đó sau ngày kết hôn. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là trình bày khía cạnh tốt đẹp nhất của mình với ai mà mình mong làm vừa lòng hay mong thu hút; nhưng rồi với thời gian mọi khía cạnh và hình ảnh thật sẽ hiện rõ ra. Vậy bạn hãy cho mình thời gian cần thiết đó để biết rõ con người thật của chàng hay của nàng, đồng thời cũng hãy chân thành tự trình bày con người thật của chính mình ra. Lời khuyên nhủ của sứ đồ trong I Cô-rinh-tô 14:20 cũng có thể áp dụng vào việc tìm một người bạn đời: “Chớ nên như trẻ con... Còn về sự khôn-sáng, hãy nên như kẻ thành-nhơn”.

NHỮNG SỰ KẾT HỨA TRONG HÔN NHÂN

26. Theo Kinh-thánh hôn nhân là mối ràng buộc như thế nào? (Rô-ma 7:2, 3).

26 Một người cần phải hết sức thận trọng cân nhắc những sự kết hứa trong hôn nhân. Nếu lời kết hứa của một trong hai người không được giữ cách mạnh mẽ và vững chắc, hôn nhân họ sẽ dựa trên một nền tảng lung lay. Trong nhiều vùng trên thế giới ngày nay, người ta thường vội kết hôn rồi lại nhanh chóng hủy bỏ hôn nhân (ly dị). Thường thì bởi vì người ta tiến đến hôn nhân mà không có quan niệm xem sự kết hứa như ràng buộc về đạo đức, thay vì thế lại cho rằng «Nếu hôn nhân không tốt đẹp, tôi sẽ chấm dứt (ly dị)». Nơi nào có quan niệm ấy, hôn nhân hầu như bị thất bại ngay từ lúc đầu, và thường chỉ gây ra khổ đau thay vì mang lại hạnh phúc. Ngược lại, Kinh-thánh cho thấy rằng hôn nhân phải là một mối ràng buộc suốt đời. Đức Chúa Trời đã nói cùng cặp vợ chồng đầu tiên rằng hai người “phải trở nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:18, 23, 24). Người chồng không nên có người đàn bà nào khác, và người vợ không nên có người đàn ông nào khác. Con Đức Chúa Trời đã xác nhận lại điều này qua lời nói: “Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp”. Chỉ có sự ngoại tình mới là lý do chính đáng để chấm dứt sự ràng buộc về hôn nhân (ly dị) (Ma-thi-ơ 19:3-9).

27-29. a) Một người đàn bà có lẽ nên tìm kiếm những gì nơi người có thể là hôn phối tương lai? b) Một người đàn ông có lẽ nên tìm kiếm những gì nơi người có thể là hôn phối tương lai?

27 Vì sự quan trọng của hôn nhân, một người đàn bà muốn thành công trong hôn nhân, tốt nhất là chỉ lấy một người đàn ông nào mà mình có thể kính trọng—một người vững bền và quân bình, có sự phán đoán chính xác, có thể chu toàn các trách nhiệm được và khá thành thục để có thể chấp nhận lời phê bình xây dựng. Bạn hãy tự hỏi: Chàng sẽ là người cấp dưỡng tốt cho gia đình không? Sẽ là một người cha tốt cho các con mà vợ chồng mình có lẽ sẽ sanh ra không? Chàng có tiêu chuẩn đạo đức cao để giữ cho khuê phòng được tôn trọng và trong sạch không? Chàng có bày tỏ sự khiêm nhường và nhã nhặn hay chàng kiêu ngạo và bướng bỉnh, chỉ muốn phô trương quyền hành làm chủ gia đình, nghĩ rằng mình luôn luôn có lý và từ chối không chịu thảo luận sự việc? Nhờ giao thiệp với người đàn ông trong một thời gian đầy đủ trước khi kết hôn, bạn có thể nhận biết được những điều này, nhất là nếu bạn dựa vào các nguyên tắc ghi trong Kinh-thánh làm tiêu chuẩn để phán đoán.

28 Cũng vậy, một người đàn ông thật lòng muốn thành công trong hôn nhân sẽ tìm một người vợ mà chàng có thể yêu quí như chính thân mình. Nàng phải là bổ túc cho chàng trong việc xây dựng một mái nhà ấm cúng (Sáng-thế Ký 2:18). Một người nội trợ đảm đang cần phải bày tỏ nhiều đức tính và gánh vác một số trách nhiệm, cần biết nấu nướng và trang hoàng khéo léo, giỏi chi thu, biết cách làm mẹ và dạy dỗ, và nhiều việc khác nữa. Vai trò của nàng có thể cần sáng chế và đòi hỏi nhiều, tạo nhiều cơ hội phát triển cá nhân và trau dồi tốt hơn. Một người vợ giỏi dang cũng như một người chồng xứng đáng, cần siêng năng làm việc: “Nàng coi-sóc đường-lối của nhà mình, không hề ăn bánh của sự biếng nhác” (Châm-ngôn 31:27).

29 Đúng thế, cả hai người đều nên suy nghĩ về những gì mà mình nhìn thấy—bằng chứng về sự sạch sẽ cá nhân và sự ngăn nắp, hay ngược lại? bằng chứng về sự siêng năng, hay thay vì thế về lười biếng? Người đó tỏ ra biết điều và dè dặt hay bướng bỉnh và tự phụ? Tiết kiệm hay phung phí? Biết suy nghĩ làm cho sự trò chuyện được hào hứng và tâm thần dồi dào hay lười suy nghĩ khiến đời sống trở nên nhàm chán, chỉ lo lắng đến nhu cầu vật chất hàng ngày và nông cạn?

30, 31. Tại sao hành vi vô luân trong thời gian giao du tìm hiểu nhau có thể ngăn trở việc có được hôn nhân tốt đẹp?

30 Thật lòng kính trọng lẫn nhau là yếu tố nòng cốt để thành công trong hôn nhân. Và sự kính trọng này phải được biểu lộ trong thời kỳ tìm hiểu nhau khi trao đổi với nhau những cử chỉ trìu mến. Sự thân mật thái quá hay khát vọng xác thịt không kiềm hãm có thể làm giảm giá trị của mối liên hệ giữa họ trước khi hôn nhân bắt đầu. Sự vô luân về tính dục không phải là nền tảng tốt đẹp để xây đắp hôn nhân. Sự đó biểu lộ thái độ ích kỷ và vô tâm đối với hạnh phúc tương lai của người khác. Un đốt khát vọng nhất thời dường như có vẻ để ràng buộc khắng khít với nhau, nhưng mối ràng buộc đó sẽ sớm nguội lạnh; rốt cuộc chỉ vài tuần hay vài ngày sau khi cưới, hôn nhân sẽ tan ra tro bụi (So sánh sự tường thuật về dục vọng của Am-môn với Ta-ma ghi nơi II Sa-mu-ên 13:1-19).

31 Bày tỏ đam mê tình dục trong thời gian tìm hiểu nhau có thể sẽ gieo rắc mầm mống ngờ vực về động lực thật sự thúc đẩy đi đến hôn nhân. Phải chăng kết hôn chỉ vì muốn tạo lối thoát cho dục vọng hay vì muốn chia xẻ cuộc sống gia đình với một người thật sự đáng kính, đáng yêu? Sự thiếu tự chủ trước hôn nhân thường báo trước sự thiếu tự chủ sau này, với hậu quả là không chung thủy và mất hạnh phúc (Ga-la-ti 5:22, 23). Những kỷ niệm xấu về gian dâm xảy ra trước hôn nhân có thể gây trở ngại cho sự hòa hợp tình cảm cách êm đẹp trong buổi ban đầu của hôn nhân.

32. Hành vi vô luân trong thời gian giao du tìm hiểu nhau có thể ảnh hưởng đến mối liên lạc của một người đối với Đức Chúa Trời như thế nào?

32 Điều còn quan trọng hơn, cách ăn ở vô luân như thế sẽ làm tổn thương sự liên lạc của một người với Đấng Tạo hóa trong khi chúng ta rất cần đến sự giúp đỡ của Ngài. “Vì ý-muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô-uế...Chớ có ai phỉnh-phờ anh em mình, hay là làm hại anh em...Cho nên ai khinh-bỏ điều chúng tôi nói, thì không phải khinh-bỏ người ta đâu, bèn là khinh-bỏ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban thánh-linh của Ngài trong anh em” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8).

MỘT NỀN TẢNG TRÊN ĐÁ

33, 34. Trong việc lựa chọn người hôn phối, Kinh-thánh cho thấy những đức tính nào quan trọng sâu xa hơn nhan sắc bề ngoài?

33 Liệu gia đình sẽ được xây nền trên đá hay trên cát? Điều ấy tùy thuộc một phần vào trình độ khôn ngoan khi chọn người hôn phối tương lai. Sắc đẹp và sự quyến rũ tình dục chưa đủ. Những điều đó không thể bù đắp lại sự bất hòa về tính tình và tâm trạng được. Những lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời giúp cho hôn nhân được xây đắp trên nền tảng vững như đá.

34 Kinh-thánh cho thấy con người bên trong quan trọng hơn là hình dáng bên ngoài. Lời Châm-ngôn được soi dẫn nói: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không; Nhưng người nữ nào kính-sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen-ngợi” (Châm-ngôn 31:30). Sứ đồ Phi-e-rơ, một người có vợ, nói về “bề trong giấu ở trong lòng” và “tâm-thần dịu-dàng im-lặng” được xem như “quí trước mặt Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:4). Đức Chúa Trời chẳng “xem về bộ-dạng và hình-vóc” của con người, và noi gương Ngài chúng ta sẽ có lợi, không để cho nhan sắc bên ngoài của người hôn phối tương lai chi phối chúng ta quá đáng (I Sa-mu-ên 16:7).

35, 36. a) Tại sao kết hôn với một người có đức tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Lời của Ngài là điều quan trọng? b) Bạn trông đợi người có thể là hôn phối tương lai bày tỏ đức tin ấy tới mức độ nào?

35 Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã suy nghiệm về cuộc đời và đi đến kết luận này: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời thật và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi” (Truyền-đạo 12:13). Dân Y-sơ-ra-ên dưới giao ước phải vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời, đặc biệt là lệnh không được kết hôn với những người không thờ phượng giống như mình, để tránh khỏi việc bị dẫn dụ lìa xa Đức Chúa Trời thật. “Ngươi chớ làm sui-gia với chúng, chớ gả con gái mình cho con trai họ, cũng đừng cưới con gái họ cho con trai mình, vì các dân-tộc nầy sẽ dụ con trai ngươi lìa-bỏ ta mà phục-sự các thần khác, rồi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng ngươi, diệt ngươi cách vội-vàng” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4).

36 Cũng chính vì những lý do tương tự nên có những lời khuyên cho những người trong “giao-ước mới” của Đức Chúa Trời, những người trong hội-thánh tín đồ đấng Christ, chỉ nên kết hôn “trong Chúa” (Giê-rê-mi 31:31-33; I Cô-rinh-tô 7:39). Lời khuyên này biểu lộ tình yêu thương và sự khôn ngoan chớ không phải sự cuồng tín. Không gì có thể làm vững chắc quan hệ hôn nhân hơn là sự cùng nhau tin kính Đấng Tạo hóa. Nếu bạn lấy một người tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Lời của Ngài và lại hiểu biết Lời ấy như chính bạn nữa, thế thì hai người sẽ có cùng chung một uy quyền để nhận lấy những lời khuyên. Có lẽ bạn không thấy điều này có gì thật quan trọng, nhưng “anh em chớ mắc lừa, bạn bè xấu làm hư thói-nết tốt” (I Cô-rinh-tô 15:33). Tuy nhiên, ngay cả trong hội-thánh tín đồ đấng Christ, bạn cũng nên cố làm sao để biết chắc được rằng người hôn phối tương lai thật sự là một tôi tớ phụng sự Đức Chúa Trời hết lòng, chớ không phải một người chỉ cố sức sống theo đạo đấng Christ một cách hời hợt, trong khi đó lòng lại thiên về các thái độ và thực hành của thế gian. Bạn không thể nào đi với Đức Chúa Trời đồng thời lại chạy theo thế gian được (Gia-cơ 4:4).

37, 38. a) Tại sao nên tránh hấp tấp trong thời gian giao du tìm hiểu nhau hoặc trù tính kết hôn? b) Những người đang trù tính kết hôn nên nghe những lời khuyên bảo của ai?

37 Đức Chúa Giê-su hỏi: “Trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? E khi đã xây rồi, không làm xong được, thì mọi người liền chê cười” (Lu-ca 14:28, 29). Nguyên tắc ấy cũng được áp dụng cho hôn nhân. Vì quan điểm của Đức Chúa Trời về hôn nhân là một sự hợp nhất suốt đời nên việc lựa chọn một người hôn phối chắc chắn không thể nào hấp tấp được. Đồng thời phải chắc rằng chính bạn đã sẵn sàng hoàn tất những gì mình đã quyết định theo đuổi. Ngay như sự giao du để tìm hiểu nhau cũng không phải là một điều nên coi nhẹ, xem như một trò chơi. Đùa giỡn với tình cảm của người khác là một kiểu chơi đùa tàn nhẫn và rồi vết thương tình cảm cùng lòng buồn rầu do việc đó gây ra có thể còn kéo dài mãi theo năm tháng (Châm-ngôn 10:23; 13:12).

38 Những người trẻ tuổi thận trọng trù tính việc hôn nhân nên chú ý nghe lời khuyên của các người lớn tuổi, đặc biệt những người đã tỏ ra thật tình chăm sóc các bạn. Câu Gióp 12:12 nhắc chúng ta về giá trị của điều này khi đặt câu hỏi: “Người già-cả có sự khôn-ngoan, Kẻ hưởng trường-thọ được điều thông-sáng”. Hãy nghe tiếng nói của những người đầy kinh nghiệm ấy. Trên hết mọi sự, “hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm-ngôn 3:5, 6).

39. Kinh-thánh có thể giúp đỡ những người đã kết hôn rồi như thế nào?

39 Nhiều người đọc những lời này có thể đã kết hôn rồi. Dù các bạn đã đặt phần nào nền tảng cho hôn nhân rồi, Kinh-thánh vẫn có thể giúp đỡ các bạn làm những sự điều chỉnh nếu cần, hầu đạt kết quả tốt đẹp. Dù tình trạng hôn nhân của bạn là thế nào đi nữa, bạn vẫn có thể trau dồi hôn nhân bạn bằng cách suy gẫm thêm về các lời khuyên bảo của Đấng Tạo hóa để xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 12]

Hôn nhân của bạn có đứng vững trong bão tố không?