Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chìa khóa hạnh phúc gia đình

Chìa khóa hạnh phúc gia đình

Chương 1

Chìa khóa hạnh phúc gia đình

1, 2. Ta có thể tìm thấy những gì trong một gia đình hợp nhất? Vậy những câu hỏi nào được đặt ra?

NHIỀU nhu cầu về hạnh phúc của con người có thể được thỏa nguyện trong lãnh vực gia đình. Ở đấy chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều mà mọi người trong chúng ta thường khao khát: cảm thấy mình có ích, được quí mến, được yêu thương. Một sự liên lạc gia đình ấm cúng có thể đáp ứng lại những khát vọng này một cách huyền diệu. Mối liên lạc đó có thể tạo ra một bầu không khí tin cậy, đầy thông cảm và thương xót. Khung cảnh gia đình dường ấy quả là nơi yên nghỉ thật so với thế gian xáo trộn và náo động bên ngoài. Trẻ nhỏ có thể cảm thấy an toàn và nhờ vậy tiềm năng về nhân cách của chúng có thể nảy nở trọn vẹn.

2 Chúng ta hẳn thích sống một đời sống gia đình như thế. Nhưng không phải đương nhiên mà được vậy. Làm sao đạt đến mục đích ấy? Tại sao ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới đời sống gia đình bị đe dọa đến thế? Có bí quyết nào giúp ta phân biệt được giữa hạnh phúc và sự đau khổ trong gia đình, giữa một gia đình ấm cúng và hòa hợp với một gia đình tẻ lạnh và chia rẽ?

3. Lịch sử cho thấy gia đình quan trọng thế nào?

3 Nếu bạn có quan tâm sâu xa đến hạnh phúc và sự thành công của gia đình mình thì mối quan tâm ấy thật hợp lý. Để diễn tả tầm quan trọng của sự sắp đặt về gia đình, cuốn Bách khoa Tự điển Thế giới (The World Book Encyclopedia, 1973) nói:

“Gia đình là một sắp đặt lâu đời nhất của nhân loại. Gia đình quan trọng nhất về nhiều phương diện. Gia đình là đơn vị căn bản của xã hội. Toàn bộ những nền văn minh còn tồn tại hoặc bị tiêu mất đều tùy thuộc vào sự vững chắc hay lỏng lẻo của đời sống gia đình”.

4, 5. Tuy nhiên chúng ta nhận thấy gì trong nhiều gia đình?

4 Nhưng ngày nay có bao nhiêu gia đình được hợp nhất chặt chẽ trong một tình yêu thương sâu sắc? Bao nhiêu người vui hưởng sự ân cần qua những biểu lộ nhân từ biết ơn và rộng lượng đối với nhau? Bao nhiêu người học được sự chân thật của câu nói “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh”?

5 Ngày nay một tinh thần khác hẳn đang lan tràn khắp thế gian. Mặc dù được biểu lộ rõ rệt trong thế giới Tây phương, tinh thần ấy cũng xâm nhập vào cả đến Đông phương và các vùng khác mà đời sống gia đình ở đó hãy còn các phong tục tương đối vững chắc. Những quan điểm đang thịnh hành là: “Những gì bạn muốn thì hãy cứ làm đi còn các người khác thì mặc họ tự lo lắng lấy”, “Sửa trị là cách cổ hủ rồi; hãy cứ để cho con cái tự chọn đường riêng chúng”, “Đoán xét chuyện đúng hay sai để làm gì”. Tại nhiều nước càng ngày sự ly dị, trẻ em phạm pháp và tình trạng vô luân của người lớn càng lan tràn một cách trầm trọng đáng báo nguy. Các nhà tâm lý học, các bác sĩ trị bệnh thần kinh, các nhà lãnh đạo tôn giáo và những cố vấn khác không ngừng khuyên bảo. Nhưng thay vì xây dựng sự hợp nhất của gia đình, lắm người khuyên bảo đâm ra dung túng hay khuyến khích sự vô luân về tính dục mà họ cho là phương tiện để giải thoát khỏi tình trạng thất vọng. Hậu quả tồi tệ của thái độ này chứng tỏ câu nói này đúng: “Ai gieo giống chi, thì cũng sẽ gặt giống ấy”.

LỊCH SỬ BIỆN MINH CHO SỰ SẮP ĐẶT VỀ GIA ĐÌNH

6. Làm thế nào những gì đã xảy ra ở Hy-lạp và La-mã khi xưa giải thích được tầm quan trọng của gia đình?

6 Những bài học lịch sử dạy về tầm quan trọng của gia đình đáng được chúng ta suy nghĩ nghiêm chỉnh về vấn đề này. Trong phần II của sách Câu chuyện về nền văn minh (The Story of Civilization), sử gia Will Durant mô tả sự tan rã của nền tảng gia đình ở Hy-lạp thời xưa và nói: “Đó là nguyên nhân căn bản của việc La-mã chinh phục Hy-lạp”. Rồi ông còn cho thấy rằng sức mạnh của La-mã là nền tảng gia đình, song khi trật tự gia đình bị tan vỡ vì tính dục vô luân thì chính đế quốc ấy cũng đi đến chỗ suy vong.

7. Tại sao một số người sống trong Đế quốc La-mã được sung sướng trọn vẹn trong khi những người khác phải trải qua những vấn đề nghiêm trọng?

7 Thật thế, lịch sử xác nhận câu nói xưa: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. Nhưng lịch sử cũng còn cho thấy rằng có một nguồn khôn ngoan siêu phàm mà con người có thể trông cậy hầu hướng dẫn cho mình với kết quả là gia đình được hạnh phúc. Các sử gia tường thuật rằng trong khi Đế quốc La-mã suy tàn thì “đời sống gia đình của người Do-thái thật là gương mẫu, đồng thời các cộng đồng nhỏ tín đồ đấng Christ không ngừng làm cho thế gian theo tà giáo phải băn khoăn vì sự tin kính và lịch thiệp của họ” (The Story of Civilization, phần III, trang 366). Điều gì đã khiến những gia đình này khác biệt như vậy? Vì họ có một nguồn hướng dẫn khác biệt, Kinh-thánh. Họ càng áp dụng các khuyên bảo của Lời Đức Chúa Trời, thì họ càng có những gia đình sung sướng trọn vẹn và bình an. Những kết quả đó đã khiến cho người La-mã suy đồi có mặc cảm phạm tội.

8. Về việc giải quyết những vấn đề trong gia đình, tại sao chúng ta nên xem xét Kinh-thánh? (Thi-thiên 119:100-105).

8 Những câu nói được trích dẫn trong những đoạn trên đây đều được rút ra từ Kinh-thánh. Trong sách ấy, chúng ta thấy những lời của Giê-su Christ nói rằng ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh, câu của sứ đồ Phao-lô được soi dẫn viết rằng chúng ta gieo gì thì sẽ gặt nấy, và lời tuyên bố của Giê-rê-mi, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, rằng con người không thể dẫn đưa bước đi của mình được (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35; Ga-la-ti 6:7; Giê-rê-mi 10:23). Những nguyên tắc Kinh-thánh này đã tỏ ra đúng. Giê-su cũng nói: “Sự khôn-ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy” (Ma-thi-ơ 11:19). Nếu các lời khuyên bảo của Kinh-thánh thật sự thích dụng trong việc giải quyết những vấn đề của gia đình, các lời khuyên ấy há không đáng được chúng ta xem xét cách quí trọng sao?

9, 10. a) Tại sao những chỉ dẫn hữu ích và sự trìu mến tự nhiên không đủ để giúp một người vui hưởng một cuộc sống gia đình hạnh phúc? b) Còn cần có thêm điều gì nữa? (Khải-huyền 4:11).

9 Ngày nay có hằng ngàn tác phẩm liên quan đến hôn nhân và đời sống gia đình. Phần lớn các tác phẩm ấy đều chứa đựng ít nhất một số điều hữu ích. Thế mà đời sống gia đình vẫn còn bại hoại. Như vậy cần một việc khác, việc này có thể tạo được sức mạnh hầu chống cự những khó khăn ngày nay đang đe dọa đến lãnh vực gia đình. Sự trìu mến tự nhiên giữa chồng với vợ và giữa cha mẹ với con cái ban cho sức mạnh này. Nhưng ngay như việc này cũng chưa hẳn là đủ để giữ vững nhiều gia đình hợp nhất lại với nhau khi những khó khăn trầm trọng xảy đến. Vậy còn cần thêm điều gì nữa?

10 Điều cần ở đây không phải chỉ gồm có sự nhận thức của một người về trách nhiệm và sự quan tâm đến người hôn phối mình, đến con cái mình, hay cha mẹ mình là đủ. Thêm vào đó, cần phải có một nhận thức trách nhiệm lớn hơn nữa đối với Đấng mà Kinh-thánh gọi là “Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”. Đấng ấy là Đấng Sáng tạo hôn nhân và gia đình, là Đấng Tạo hóa của nhân loại, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 3:14, 15).

ĐỨC CHÚA TRỜI QUAN TÂM ĐẾN SẮP ĐẶT VỀ GIA ĐÌNH

11-13. Ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến trái đất và gia đình nhân loại là gì?

11 Giê-hô-va Đức Chúa Trời biết các nhu cầu của nhân loại và Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc, vì thế Ngài cho chúng ta lời khuyên bảo về đời sống gia đình. Nhưng một ý định to tát hơn nữa của Ngài đã được phản ảnh qua sự lưu tâm mà Ngài dành cho các gia đình. Kinh-thánh cho thấy rằng trái đất chẳng phải ngẫu nhiên mà có; và chúng ta cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà có. Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo nên trái đất với ý định là cho nó tồn tại đời đời và để người ở. Nhà tiên tri Ê-sai đã ghi lại: “Ngài đã lập nó cho vững-chắc, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 45:18).

12 Để hoàn thành ý định ấy của Ngài, Đức Chúa Trời đã sáng tạo cặp vợ chồng loài người đầu tiên và bảo họ lập gia đình: “Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh-sản, thêm nhiều và làm cho đầy-dẫy đất” (Sáng-thế Ký 1:27, 28). Ý định của Ngài cũng đòi hỏi họ và con cháu họ phải vâng lời Ngài và chăm sóc trái đất. Sáng-thế Ký 2:15 nhấn mạnh: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn”. Với thời gian, những tình trạng tương tự trong vườn này sẽ lan rộng dần cho đến trọn cả trái đất. Chăm sóc trái đất và xử dụng những tài nguyên của nó sẽ cung cấp cho gia đình nhân loại vô số cơ hội để học và tìm thấy sự thỏa nguyện trong khi dùng những tài năng của họ.

13 Ngày nay có hơn năm tỷ người trên trái đất, nhưng số lượng to tát này đâu có thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va đối với trái đất. Đại đa số người không vâng phục Ngài; họ chẳng tu bổ, chăm sóc trái đất gì cả. Không những thế, họ còn hủy phá đất, làm ô nhiễm không khí, nước và đất đai. Phù hợp với ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời, Ngài đã báo trước rằng không những Ngài sẽ chấm dứt mọi tình trạng đó mà Ngài sẽ còn “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian” nữa (Khải-huyền 11:18).

CÁC CÂU HỎI MÀ CHÚNG TA CẦN TỰ ĐẶT

14. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến đời sống gia đình sẽ không hề thất bại?

14 Ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến trái đất và gia đình sẽ không thất bại. Ngài nói: “Lời nói đã ra từ miệng ta sẽ chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn” (Ê-sai 55:11). Đức Chúa Trời thiết lập gia đình và ban những lời khuyên bảo hầu điều hành đời sống gia đình. Những nguyên tắc chỉ dẫn của Ngài trả lời được cho những câu hỏi quan trọng thật sự về đời sống gia đình mà chúng ta có thể tự đặt.

15-17. a) Bạn nghĩ gì về một số câu hỏi thật sự quan trọng đối với cuộc sống gia đình? b) Tại sao rất nên tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi này?

15 Thí dụ: Làm thế nào một người có thể tìm được người hôn phối hợp tính tình mà kết hôn? Làm thế nào vợ chồng có thể có cùng ý kiến khi gặp những vấn đề khó khăn trong hôn nhân? Hai tâm hồn vẫn hơn một, thế nhưng sau khi bàn luận với nhau, ai sẽ quyết định? Làm thế nào một người chồng có thể được vợ mình kính trọng và tại sao điều này quan trọng đối với chàng? Tại sao vợ cần được chồng yêu thương, và nàng làm gì để có thể gìn giữ được sự yêu mến ấy nơi chàng?

16 Bạn nghĩ sao về con cái? Một số người xem chúng là biểu hiệu của địa vị xã hội, một nguồn lao động không mất tiền mua hay một bảo đảm cho tuổi già; những người khác thì xem chúng như một gánh nặng. Nhưng Kinh-thánh gọi chúng là một ân phước. Điều gì xác định con trẻ sẽ tỏ ra là ân phước thật sự? Và khi nào phải bắt đầu huấn luyện chúng? Có cần phải sửa trị chúng không? Nếu có, phải theo cách nào và đến độ nào? Có một hố ngăn cách đương nhiên giữa các thế hệ tuổi tác trong gia đình không? Hố ngăn cách ấy có thể lấp được không? Tốt hơn nữa, có thể nào ngăn ngừa trước để hố sâu ấy không bao giờ được đào ra không?

17 Tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên sẽ có tác động rất nhiều trong việc bảo đảm được hạnh phúc trong đời sống gia đình của bạn. Hơn thế nữa, điều này có thể cho bạn một niềm tin chắc chắn rằng có một Đấng có sức mạnh, nhơn từ và khôn ngoan vô song mà bạn có thể cầu hỏi bất cứ lúc nào cần thiết, và Đấng ấy có thể hướng dẫn cho gia đình bạn đi đến hạnh phúc lâu dài.

[Câu hỏi thảo luận]

[Trang hình ảnh nơi trang 4]