Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gia đình xây dựng tương lai vĩnh cửu

Gia đình xây dựng tương lai vĩnh cửu

Chương 14

Gia đình xây dựng tương lai vĩnh cửu

1. Tại sao muốn có hạnh phúc gia đình cần phải nghĩ đến tương lai?

THỜI GIAN tiếp tục trôi qua. Chúng ta có thể có nhiều kỷ niệm êm đềm trong quá khứ, nhưng không thể sống trong quá khứ. Quá khứ có thể dạy khôn chúng ta, kể cả những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng chúng ta chỉ có thể sống trong hiện tại. Dầu vậy, dù trong hiện tại một gia đình có thể sống đằm thắm, sự thật là hiện tại chỉ tạm thời; chẳng bao lâu hôm nay trở thành hôm qua, và hiện tại chóng trở thành quá khứ. Như thế, điều trọng yếu cho hạnh phúc của gia đình là chúng ta phải nhìn về tương lai, chuẩn bị cho tương lai, trù tính cho tương lai. Những quyết định của chúng ta ngày hôm nay sẽ có ảnh hưởng rộng lớn đến tương lai của chúng ta và của những người thân yêu sống cạnh chúng ta.

2. a) Tại sao nhiều người không muốn nghĩ đến tương lai? b) Nếu chúng ta muốn có tương lai hạnh phúc, chúng ta phải nghe lời ai?

2 Triển vọng là gì? Phần đông nhân loại nếu có nghĩ đến tương lai thì chỉ nghĩ đến một tương lai gần trong vài năm ngắn ngủi mà thôi. Nhiều người không mấy thích nhìn xa trong tương lai vì mọi điều họ có thể thấy trước đều là không hay, là sự chết cuối cùng sẽ đến và hủy phá gia đình. Đối với nhiều người những sự lo âu cho cuộc sống chóng che lấp những khoảnh khắc hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta nghe lời Đấng “bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”, đời sống có thể mang lại cho chúng ta nhiều và thật nhiều hơn nữa (Ê-phê-sô 3:14, 15).

3. a) Đức Chúa Trời đã đặt hy vọng nào trước mắt những người đầu tiên? b) Tại sao tình thế đã thay đổi?

3 Khi cặp vợ chồng đầu tiên được sáng tạo, Đức Chúa Trời không có ý định cho họ và con cái tương lai của họ chỉ sống lao khổ ít năm ngắn ngủi để rồi chết đi. Ngài ban cho họ một chỗ ở trong địa-đàng và đặt cho họ hy vọng về một đời sống vô tận (Sáng-thế Ký 2:7-9, 15-17). Nhưng họ đã đánh mất hy vọng đó cho chính họ và dòng dõi của họ vì họ đã cố ý vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, và sự sống của tất cả tùy thuộc nơi Ngài. Kinh-thánh giải thích: “Bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).

4. Đức Giê-hô-va đã làm sắp đặt gì để thực hiện ý định ban đầu của Ngài đối với nhân loại?

4 Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đầy yêu thương đã làm sắp đặt để giải cứu gia đình nhân loại. Chính Con Ngài là Giê-su Christ đã hy sinh đời sống làm người hoàn toàn của mình để chuộc tội cho tất cả dòng dõi của A-đam (I Ti-mô-thê 2:5, 6). Giê-su đã mua lại hay chuộc lại cái mà A-đam đã làm mất không truyền lại được cho chúng ta, và những ai thực hành đức tin nơi sự sắp đặt này sẽ có cơ hội để hưởng một đời sống vô tận giống như cơ hội mà Đức Chúa Trời đã ban cho cặp vợ chồng đầu tiên. Ngày nay, nếu không bị chết sớm vì bệnh tật hay tai nạn, một người có thể sống đến 70 hay 80 tuổi, và một số ít người sống lâu hơn nữa. “Nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

5-7. a) Nếu ngày nay chúng ta làm theo ý định của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể hy vọng gì trong tương lai? b) Bạn có thể đặt câu hỏi nào về việc giúp đỡ gia đình mình?

5 Điều này có thể có nghĩa gì đối với gia đình bạn? Những người nghe lời và vâng theo những điều răn của Đức Chúa Trời có thể có một tương lai vô tận (Giăng 3:16). Đức Chúa Trời hứa trong Lời không thể sai được của Ngài rằng Ngài sẽ loại bỏ hệ thống mọi sự áp bức hiện nay và cung cấp một chính phủ hoàn toàn và công bình để cai trị trên toàn thể nhân loại (Đa-ni-ên 2:44). Kinh-thánh tiết lộ điều này khi nói rằng Ngài có ý định “hội-hiệp muôn vật lại trong đấng Christ, cả vật trên trời và vật ở dưới đất” (Ê-phê-sô 1:10). Đúng vậy, khi đó cả vũ trụ sẽ hòa hợp và gia đình nhân loại sẽ được hợp nhất trên khắp trái đất, không còn xung đột chủng tộc, chia rẽ chính trị, tội ác bất nhân và chiến tranh hung bạo nữa. Mọi gia đình sẽ ở trong sự an toàn “và không ai làm cho lo-sợ” (Thi-thiên 37:29, 34; Mi-chê 4:3, 4). Tình trạng ấy sẽ diễn ra vì tất cả những người sống lúc đó đều đã “trở nên kẻ bắt-chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu” và họ sẽ “bước đi trong sự yêu-thương” (Ê-phê-sô 5:1, 2).

6 Dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, gia đình nhân loại bấy giờ sẽ hợp nhất làm việc trong đồ án vui vẻ là biến trái đất thành một địa-đàng như Đức Chúa Trời đã định, một vườn để sản xuất thực phẩm dư dật cho toàn thể nhân loại. Tất cả những loài chim, loài cá và động vật khác nhau nhiều vô kể trên đất sẽ sống dưới sự cai quản nhân từ của loài người và chúng sẽ làm họ vui thích, vì đó là ý định mà Đức Chúa Trời đã phán (Sáng-thế Ký 2:9; 1:26-28). Gia đình nhân loại sẽ vui sống không bao giờ bị bệnh tật, đau đớn, mắc phải những hiệu quả suy nhược của tuổi già hay sợ chết nữa. Ngay cả những người “ở trong mồ-mả” sẽ sống lại để tận hưởng những điều tốt đẹp của đời sống lúc bấy giờ (Giăng 5:28, 29; Khải-huyền 21:1-5).

7 Bạn có thể làm gì để giúp gia đình bạn thực hiện được hy vọng sống như nói trên?

CHÚNG TA CẦN PHẢI LÀM GÌ?

8. Chúng ta phải làm gì để được Đức Chúa Trời chấp nhận?

8 Chớ có ai trong chúng ta nên lầm lẫn kết luận rằng chỉ việc “ăn hiền ở lành” theo ý chúng ta là đủ để nhận lấy sự sống trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời, chứ không phải chúng ta, có quyền quyết định đặt điều kiện gì. Một ngày nọ, khi Giê-su đang giảng dạy ở miền Giu-đê, một người hỏi: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Ngài đáp: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết sức, hết trí mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân-cận như mình” (Lu-ca 10:25-28). Rõ ràng điều đó đòi hỏi nhiều hơn là chỉ nói chúng ta tin Đức Chúa Trời, hay thỉnh thoảng đi dự các buổi nhóm họp để nghe thảo luận về Kinh-thánh, hoặc đôi khi làm việc thiện cho vài người nào đó. Đúng ra, đức tin của chúng ta phải có ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng, ước muốn và hành động của chúng ta mỗi ngày, và suốt ngày.

9. Những nguyên tắc nào trong Kinh-thánh có thể giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày?

9 Ghi nhớ và quí trọng mối liên lạc với Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta hành động khôn ngoan và bảo đảm chúng ta được Ngài chấp nhận và giúp đỡ (Châm-ngôn 4:10). Nếu chúng ta nhìn mọi hoạt động của đời sống theo quan điểm liên hệ đến Đức Chúa Trời và ý định của Ngài, chúng ta sẽ có thăng bằng trong việc dùng đời sống chúng ta. Chúng ta phải làm việc để cung cấp những nhu cầu vật chất. Nhưng Con của Đức Chúa Trời nhắc nhở chúng ta rằng chú tâm lo lắng hay rắp lòng đeo đuổi những của cải vật chất sẽ không khiến chúng ta sống lâu hơn chút nào; tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài trước hết sẽ cho chúng ta được sống đời đời (Ma-thi-ơ 6:25-33; I Ti-mô-thê 6:7-12; Hê-bơ-rơ 13:5). Đức Chúa Trời có ý định cho chúng ta vui hưởng đời sống gia đình hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến gia đình và không tỏ yêu thương thật sự đối với những người khác ngoài gia đình, chúng ta sẽ tự làm hại, khiến gia đình chúng ta có quan điểm hẹp hòi về đời sống và không được Đức Chúa Trời ban phước cho. Các sự vui chơi và giải trí trong gia đình mang lại niềm vui lớn nhất, nếu giữ cho có chừng mực, không bao giờ để cho sự vui chơi làm nghẹt ngòi lòng yêu mến Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 7:29-31; II Ti-mô-thê 3:4, 5). Nếu chúng ta làm mọi việc phù hợp với những nguyên tắc lành mạnh của Lời Đức Chúa Trời, với tư cách gia đình hay cá nhân, đời sống chúng ta sẽ rất thỏa đáng, chúng ta sẽ có cảm tưởng đã làm được một công trạng đáng kể, và chúng ta sẽ đặt được một nền tảng vững chắc cho tương lai vĩnh cửu. Vì thế, “hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa...vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ-nghiệp làm phần-thưởng” (Cô-lô-se 3:18-24).

MỘT GIA ĐÌNH CÙNG NHAU XÂY DỰNG

10. Việc thảo luận Kinh-thánh đều đều trong gia đình là quan trọng thế nào?

10 Nếu những người trong gia đình tiếp tục theo đuổi cùng một mục đích, việc thảo luận Kinh-thánh với nhau rất là hữu ích và thật tối cần. Mỗi ngày khi ta thấy mọi sự việc xảy ra, ta có nhiều cơ hội để liên tưởng đến các ý định của Đấng Tạo hóa (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9). Nên đều đặn dành thời giờ để tất cả cùng nhau đọc và thảo luận về Kinh-thánh, có lẽ dùng các sách báo giúp giải thích Kinh-thánh. Làm thế sẽ giúp cho gia đình được hợp nhất. Những người trong gia đình có thể dùng Kinh-thánh giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết những vấn đề có thể xảy ra. Khi cha mẹ nêu gương tốt, không để cho những hoạt động khác dễ dàng lấn áp việc thảo luận Kinh-thánh với nhau trong gia đình, con cái ý thức được tầm quan trọng của việc kính trọng sâu xa và quí mến Lời của Đức Chúa Trời. Giê-su đã nói: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4).

11. Gia đình phải tránh khuynh hướng nào để tiến bộ về thiêng liêng?

11 Trong một thân thể chớ nên “có sự phân-rẽ” nhưng “các chi-thể phải đồng lo-tưởng đến nhau” (I Cô-rinh-tô 12:25). Gia đình cũng phải như vậy. Một người chớ nên quá lo nghĩ đến sự tiến bộ về thiêng liêng của chính mình mà không nghĩ đến người hôn phối của mình. Chẳng hạn, nếu người chồng không săn sóc đầy đủ cho nhu cầu thiêng liêng của vợ, có lẽ dần dần người vợ sẽ không còn ưa thích cùng những mục tiêu như chồng. Nếu cha mẹ không tận tình chú ý đến sự tiến bộ về thiêng liêng của con cái, giúp chúng hiểu rằng việc áp dụng đúng đắn những nguyên tắc của Kinh-thánh sẽ đem lại hạnh phúc lớn trong đời sống, có lẽ chúng sẽ bị tinh thần vật chất của thế gian chung quanh lôi cuốn lòng và trí. Vì hạnh phúc vĩnh cửu của cả gia đình bạn, hãy tiếp tục coi việc học hỏi đều đặn Lời Đức Chúa Trời là một phần trọng yếu trong đời sống gia đình.

12. Chúng ta không nên bỏ kết hợp đều đều với ai?

12 Thật ra, “tình yêu thương bắt nguồn từ trong gia đình”, nhưng không nên dừng lại tại đó. Lời của Đức Chúa Trời báo trước rằng ngay trong hệ thống mọi sự hiện nay các tôi tớ thật của Ngài sẽ hợp thành một đại gia đình gồm anh chị em. Ngài nói với chúng ta “đương lúc có dịp tiện” chúng ta “hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”, nghĩa là cho “anh em mình ở rải khắp thế-gian” (Ga-la-ti 6:10; I Phi-e-rơ 5:9). Chúng ta nên lấy làm vui thích được nhóm họp đều đều với các anh em thuộc “gia đình” lớn hơn, không nên để việc gì khác làm ta dễ dàng bỏ nhóm họp (Hê-bơ-rơ 10:23-25; Lu-ca 21:34-36).

13. Chúng ta có trách nhiệm gì đối với những người ở bên ngoài hội-thánh?

13 Nhưng lòng yêu thương của chúng ta cũng không nên giới hạn chỉ trong vòng những người hiện đang thuộc về “nhà Đức Chúa Trời”, tức hội-thánh của Ngài (I Ti-mô-thê 3:15). Đúng như Con của Đức Chúa Trời có nói, nếu chúng ta chỉ yêu mến những người yêu mến chúng ta, các anh em của chúng ta, “thì có lạ gì hơn ai?” Muốn bắt chước Cha chúng ta ở trên trời chúng ta phải hết lòng chú ý đến hết thảy mọi người, tỏ lòng tử tế và hay giúp đỡ tất cả mọi người, tìm mọi cách rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời cho họ. Khi cả gia đình chúng ta bày tỏ tình yêu tin kính như thế, đời sống chúng ta thật sự có ý nghĩa và mục đích. Tất cả chúng ta, cha mẹ lẫn con cái, sẽ hiểu được việc bày tỏ lòng yêu thương một cách rộng rãi có nghĩa gì, theo như cách Đức Chúa Trời dạy chúng ta (Ma-thi-ơ 5:43-48; 24:14). Chúng ta cũng sẽ được hưởng phần nào hạnh phúc hoàn toàn mà chỉ sự ban cho hết lòng mới đem lại được (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).

14. Muốn xây dựng gia đình hạnh phúc cần phải áp dụng những lời khuyên nào?

14 Những gia đình biết biểu lộ tình yêu thương như thế thật có những viễn ảnh huy hoàng biết bao! Họ biết được rằng muốn xây dựng gia đình hạnh phúc phải áp dụng những lời khuyên của Kinh-thánh. Mặc dù có những vấn đề và áp lực của đời sống ảnh hưởng trên tất cả mọi người, những gia đình như thế ngay trong hiện tại đang thâu lượm được nhiều kết quả tốt. Nhưng họ nhìn xa hơn hiện tại, và họ không phải chỉ nghĩ đến một tương lai ngắn ngủi sống trong ít năm rồi chết đi. Với sự tin cậy nơi các lời hứa chắc chắn của Đức Chúa Trời, mỗi người trong gia đình sẽ vui vẻ xây dựng cho mình một tương lai vĩnh cửu.

15. Bạn có thể tự đặt những câu hỏi nào về những lợi ích do sự hướng dẫn của Kinh-thánh được trình bày trong cuốn sách này?

15 Cuốn sách này đã chỉ cho thấy ý định của Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh là tạo ra trái đất để dân ở. Ngài đã thiết lập gia đình để làm đầy trái đất. Chúng ta đã xem qua những lời khuyên của Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho các cha mẹ và con cái. Bạn đã áp dụng ít nhiều lời khuyên này trong gia đình của bạn chưa? Các nguyên tắc đó đã giúp cho đời sống của gia đình bạn được hạnh phúc thêm hơn không? Chúng tôi hy vọng rằng có. Nhưng còn có gì trong tương lai cho bạn và gia đình bạn?

16-18. Giê-hô-va Đức Chúa Trời có ý định huy hoàng nào cho trái đất này?

16 Bạn có thích tham dự vào công việc chăm sóc trái đất, làm cho những cánh đồng phì nhiêu sản xuất mùa màng dư dật và sa mạc trổ bông không? Bạn có thích nhìn thấy những bụi gai và những cây tật lê nhường chỗ cho những vườn cây ăn trái và những cánh rừng hùng vĩ không? Bạn và gia đình bạn sẽ thấy vui thích quản trị thú vật, không phải bằng súng đạn, roi vọt và gậy sắt, nhưng với sự yêu thương và tin cậy lẫn nhau không?

17 Nếu bạn thật lòng mong muốn nhìn thấy có ngày kia khi những gươm sẽ được rèn thành lưỡi liềm và giáo thành lưỡi cày, khi không còn ai sẽ chế ra bom đạn hoặc xúi giục chiến tranh, hẳn bạn sẽ vui sướng trong hệ thống mọi sự mới của Đức Giê-hô-va. Chính trị áp bức, thương mại tham lam và tôn giáo giả hình sẽ không còn nữa. Mỗi gia đình sẽ sống trong sự bình yên dưới cây nho và cây vả mình. Tiếng reo của trẻ con được sống lại sẽ hòa lẫn với tiếng chim muông ca hót líu lo vang rền khắp đất. Và bầu không khí khó thở do ô nhiễm bởi kỹ nghệ sẽ không còn nữa, nhường chỗ cho mùi thơm nồng nàn của bông hoa tỏa ra khắp không trung (Mi-chê 4:1-4).

18 Nếu bạn thật lòng mong muốn nhìn thấy người què nhảy như con nai, nghe lưỡi người câm ca hát, nhìn mắt người mù được mở ra, thấy người điếc biết nghe, chứng kiến việc những tiếng thở dài và than khóc nhường chỗ cho những nụ cười, nước mắt và tang chế nhường chỗ cho tiếng cười rộn rã, bệnh hoạn và sự chết nhường chỗ cho sự khỏe khoắn và sống đời đời, vậy bạn hãy làm hết sức mình hầu giúp cho chính bạn và gia đình bạn hội đủ các điều kiện để được sống đời đời trong hệ thống mới của Đức Giê-hô-va, nơi mà những tình trạng tuyệt vời kể trên sẽ tồn tại đến mãi mãi (Khải-huyền 21:1-4).

19. Làm sao bạn và gia đình bạn có thể ở trong số những người vui hưởng ân phước trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời?

19 Gia đình bạn sẽ có trong số đám đông người hạnh phúc sẽ làm đầy dẫy trái đất không? Điều ấy tùy nơi bạn. Ngay bây giờ hãy làm theo những lời chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va dành cho đời sống gia đình. Ngay bây giờ toàn thể gia đình bạn hãy tỏ thiện chí muốn có lối sống thích hợp với nếp sống trong hệ thống mới đó. Hãy học hỏi Lời của Đức Chúa Trời, áp dụng Kinh-thánh trong đời sống bạn, nói cho những người khác biết hy vọng về tương lai. Làm như thế, gia đình bạn sẽ tạo lập được “một danh tốt” trước mắt Đức Chúa Trời. “Danh-tiếng tốt còn hơn tiền-của nhiều; và ơn-nghĩa quí hơn bạc và vàng”. Đức Giê-hô-va sẽ không quên một danh tốt như thế: “Kỷ-niệm người công-bình được khen-ngợi” (Châm-ngôn 22:1; 10:7). Nhờ ân điển của Đức Giê-hô-va, bạn và gia đình bạn có thể được ban phước và có được một tương lai vĩnh cửu trong hạnh phúc tuyệt vời.

[Câu hỏi thảo luận]

[Trang hình ảnh nơi trang 189]